“Nếu cấm, xin hãy cấm chơi game online sau 12h đêm”
Đó chỉ là một trong rất nhiều phương án được cộng đồng game thủ đặt ra nếu lệnh bắt buộc ngắt server trong Dự thảo mới về vấn đề quản lý trò chơi trực tuyến là không thể tránh khỏi.
Những ngày tháng gần đây, tín đồ thế giới ảo tại Việt Nam vẫn chưa nguôi bàn luận về các vấn đề xung quanh Dự thảo mới về quản lý game online, trong đó hầu hết mọi ý kiến đều tập trung vào khía cạnh bắt buộc các NPH phải ngắt server sau 22h tối cho tới 8h sáng hôm sau.
Trên tinh thần đồng thuận với mục tiêu hạn chế tác hại của trò chơi trực tuyến, đã có khá nhiều phương án được chính giới game thủ đưa ra nhằm hướng tới một điều luật khách quan, không gây ảnh hưởng quá lớn tới tâm lý người chơi cũng như ngành công nghiệp game online mới nổi tại nước nhà.
Dưới đây là những đề xuất nổi bật nhất:
Ngắt server từ 24h – 06h
Với việc bắt buộc game thủ rời máy từ 10h tối, sẽ là rất khó khăn cho những ai đang là công nhân viên chức bị bó buộc bởi giờ hành chính. Đơn giản vì 5 ~ 6h tối họ mới về đến nhà, tắm rửa, ăn uống và giải quyết xong một số việc gia đình cũng phải tới 9 ~ 10h tối mới ngồi vào máy tính, sáng lại đi làm từ 7h30 ~ 8h.
Mốc 12h sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho game thủ đang là công chức, học sinh.
Đó là chưa kể tới tầng lớp học sinh sau một ngày học hành vất vả, tối về ôn lại bài vở sớm lắm cũng phải tới 10h tối mới hoàn thành, như vậy cơ hội giải trí cùng game online coi như không còn nữa.
“Nếu không thể tránh khỏi chuyện ngắt server, theo tôi nên bắt đầu từ 12h đêm tới 6h sáng hôm sau thì tốt hơn. Tôi là nhân viên văn phòng và đứa cháu đang học lớp 11 thường 9 – 10h bắt đầu chơi, giải trí độ 2, 3 tiếng là vừa phải, còn nếu ai ngủ sớm dậy sớm từ 6h sáng thì cũng có thể chơi 1, 2 tiếng rồi đi học, đi làm”, game thủ có nickname QT cho hay.
Giống với trường hợp trên, đã có không ít ý kiến góp ý rằng mốc 12h đêm hợp lý hơn nhiều so với 10h. Nếu quãng thời gian “giới nghiêm” này trở thành sự thực, chúng ta sẽ vừa hạn chế được tác hại tới sức khỏe của game online, vừa khiến gamer có đủ thời gian giải trí.
Nhà mạng vào cuộc
Gần đây, theo điều tra phân tích của game thủ ThienHaVoTranh, tác giả bài Hịch game thủ (anh vốn là phóng viên có tuổi nghề 15 năm ngoài đời) thì nhà mạng (ISP) hoàn toàn có thể cắt tín hiệu đối với các nhóm thuê bao cần kiểm soát giờ hoạt động:
Video đang HOT
“Qua trao đổi giữa tôi với các nhân viên, quản lý kỹ thuật các nhà cung cấp dịch vụ mạng Internet hiện nay như VNN, FPT, Viettel, ai cũng thừa nhận, việc gián đoạn tín hiệu Internet trên các nhóm thuê bao chỉ định vào thời gian nhất định trong ngày là đơn giản”.
Nhà mạng vào cuộc, việc quản lý các quán game đêm dễ dàng hơn.
Với việc gián đoạn đường truyền đối với những cá nhân, tập thể, bất kỳ gia đình nào có yêu cầu hạn chế việc chơi game cho con em mình đều có thể báo cáo với nhà mạng. Hơn thế nữa, các cửa hàng internet cũng được quản lý bắt buộc theo diện này, nếu họ cố tình dùng thuê bao cá nhân thì chi phí sẽ cao hơn rất nhiều và ảnh hưởng nặng tới lợi nhuận.
“Server game không chỉ là máy PC đơn lẻ, để muốn tắt khi nào là tắt. Chỗ đặt các server cũng không hẳn ở đơn vị cung cấp dịch vụ, việc tắt mở server mỗi ngày do đó chỉ tạo thêm chi phí không cần thiết và cả các sự cố kỹ thuật ngoài ý muốn”, anh cho biết thêm.
Sử dụng Chứng minh thư điện tử
Đây là phương án mà chính Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn nói tới trong hội thảo với các NPH ngày 13/04/2010. Theo nhiều cá nhân thì cách giải quyết này có hơi khó triển khai do các NPH không thể có đủ cơ sở dữ liệu về khách hàng để đáp ứng, tình trạng lấy CMT người lớn thế vào cũng được đưa ra.
Sử dụng CMT điện tử, phụ huynh sẽ nắm được con em mình chơi game lúc nào.
Tuy vậy, nếu có thể thực hiện triệt để, CMT điện tử sẽ là bước tiến lớn trong việc quản lý các hoạt động trực tuyến nói chung chứ không riêng gì game online. Những người đã qua độ tuổi vị thành niên có thể yên tâm chơi game mà không lo giới hạn giờ giấc, các bậc phụ huynh cũng “nhẹ gánh” nhiều.
“Đây cũng là cách để hạn chế tình trạng bỏ học ra quán internet chơi game, đứa em mình đang học lớp 12, ham chơi game nhưng mình và ba mẹ đều phải đi làm, không thể kiểm soát được thời gian đi học của em nó. Nếu có CMT ĐT thì chỉ cần báo với NPH tạm thời khóa tài khoản vào thời gian lên lớp thôi”, game thủ nickname Alpha253 tâm sự.
Giữ nguyên phương án 10h tối – 8h sáng
Không thể phủ nhận rằng vẫn còn không ít ý kiến cho rằng phương án ngắt server từ 10h tối là hoàn toàn chính xác, phù hợp với tình hình game online hiện tại. Điều đáng chú ý là không phải mọi cá nhân ủng hộ chuyện này đều là các bậc phụ huynh mà còn là game thủ thường xuyên theo dõi các tin tức về trò chơi.
Để hạn chế tệ nạn, cấm chơi sau 10h đêm là đúng?
“Luật mới muôn năm, cấm để cho thanh niên Việt Nam không bị mụ mị đầu óc, đỡ phải chi những khoản tiền vô bổ. Không để thanh niên nước nhà nghiện game như những thanh niên Trung Quốc được đưa lên các báo vậy. Phải ngăn chặn từ bây giờ”, game thủ nickname Tuan cho hay.
Theo những người đồng tình với mốc 10h đêm, các cơ quan chức năng đã điều tra rất kỹ càng thì mới đưa ra luật mới, đó là sự tích góp kinh nghiệm của hơn 5, 6 năm quản lý game online chứ không phải ngày một ngày hai.
Làn sóng bàn luận về vấn đề trên vẫn chưa ngã ngũ và rất sôi nổi trên các diễn đàn trò chơi trong nước, còn bạn, bạn đồng tình với đề xuất nào bên trên? Nếu có phương án mà bạn cho là khả thi nhất, hãy đóng góp để cùng xây dựng Dự thảo mới thật khách quan.
Theo Gamek
Thứ trưởng giải thích nguyên nhân cấm chơi game quá 22h
"Chúng tôi đang cố gắng điều chỉnh để luật áp dụng phù hợp cho số đông chứ không phải để quản lý thiểu số", Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn cho hay.
Như đã biết, tại hội thảo lấy ý kiến các Sở và doanh nghiệp về dự thảo Quy chế quản lý trò chơi trực tuyến, các doanh nghiệp cung cấp game và người chơi chưa thống nhất với quy định giới hạn giờ chơi mới. Trong đó vấn đề nổi cộm nhất là cấm cung cấp dịch vụ game online sau 22h tối.
Cũng trong dịp này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn đã trao đổi với báo giới về quy định còn chưa nhận được sự "đồng thuận" trên.
Thứ trưởng trả lời báo chí về quy định quản lý game online mới.
Thưa Thứ trưởng, vì sao Dự thảo cấm cung cấp game sau 22h?
Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn: Bản chất game không có lỗi nếu nội dung tốt, phát hành theo đúng pháp luật Việt Nam. Nhưng có những trường hợp người sử dụng không chấp hành hoặc đại lý lợi dụng làm việc xấu... chẳng hạn có nhiều học sinh, sinh viên quá say mê game, bỏ học chơi thâu đêm suốt sáng.
Do vậy quy chế đặt ra để điều chỉnh những người không có ý thức. Chúng tôi đang cố gắng điều chỉnh để luật áp dụng phù hợp cho số đông chứ không phải để quản lý thiểu số.
Hơn nữa, mỗi trò chơi cũng cần quy định giờ chơi còn để đảm bảo sức khoẻ cho người chơi. Ví dụ, một trận bóng đá chỉ quy định 90 phút.
Luật đang được điều chỉnh để phù hợp cho số đông giới trẻ. (Hình minh họa).
Dường như quy chế này chỉ để "xiết" doanh nghiệp, đại lý chứ không phải người chơi vì thực tế nhiều người ham mê chơi game, họ có thể chơi mỗi trò 3 tiếng rồi lại chuyển sang chơi trò khác hoặc các game ở nước ngoài...
Ví dụ quy định không được cung cấp dịch vụ Internet sau 23h nhưng thực tế sau 23h vẫn có hàng trăm đại lý mở hàng thâu đêm suốt sáng? Vậy mục tiêu quản lý của quy chế là gì?
Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn: Như tôi đã nói, mục tiêu xây dựng ban hành quy chế này nhằm: Một là vừa tạo điều kiện để ngành game phát triển đồng thời vẫn quản lý được.
Phát triển là để phát huy mặt tích cực của nó, ví dụ các game có nội dung tốt, có tính giáo dục truyền thống, lịch sử thì rất quý, hoặc mang tính giải trí giúp người sử dụng sau một ngày làm việc căng thẳng họ chơi để sảng khoái và giảm căng thẳng thì ta phải tạo điều kiện. Mặt khác, nếu ngành này phát triển thì chúng ta cũng có những nguồn thu cho ngân sách.
Hai là quản lý được đặt ra để hạn chế các mặt tiêu cực, như nội dung không lành mạnh, bạo lực, dâm ô.
"Phải tạo điều kiện cho ngành game phát triển nhưng vẫn quản lý được". (Hình minh họa).
Đối với dịch vụ Internet trước đây chúng ta đã quản quá chặt khiến quy định không đi vào cuộc sống. Vậy trong quy định về quản lý game online lần này chúng ta có thể rút ra được gì để nó đi vào cuộc sống và đảm bảo được thực thi tốt?
Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn: Với game online cũng vậy, các nước khác người ta quản lý được và game online đã mang lại nguồn thu rất lớn cho nước đó. Nếu người ta có chế tài quản lý và ngành này vẫn phát triển được thì tại sao chúng ta lại không tìm cách để phát triển ngành này?
Ở đây tôi quay lại quan điểm mà Đảng ta đã chỉ đạo "Phát triển phải gắn với quản lý", nếu phát triển mà quản lý không được thì ta phải xem lại. Nhưng nếu chúng ta quản lý mà kìm hãm, không hỗ trợ phát triển thì phát triển sẽ khó có cơ sở để vươn lên.
Do vậy các văn bản quy phạm cần phải điều chỉnh phù hợp với sự phát triển.
Theo Gamek
Làm gì sau 10h tối nếu bị cấm "cày" game? Viễn cảnh quy định ngắt server game online sau 22h hàng ngày khiến vấn đề "giết thời gian" hợp lý trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Hãy cùng điểm lại những phương án khả thi nhất. Mặc dù cho tới thời điểm hiện tại, tỷ lệ phần trăm Dự thảo mới về quy chế quản lý trò chơi trực tuyến được...