‘Nếu biết công nhân đi chơi bằng tàu, tôi đã ngăn cản’
Cho rằng công nhân tổ chức đi chơi tập thể là chưa từng có ở công ty, ông Trần Đăng Thuyết, Giám đốc Công ty PV Pipe khẳng định, nếu ông biết trước chuyến đi này, thảm họa chìm tàu ở Cần Giờ đã không xảy ra.
- Chuyến đi chơi của 66 người trong Công ty cổ phần sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam (PV Pipe) đã thành chuyến đi định mệnh khi 9 người thiệt mạng trên con tàu bị lật úp giữa biển. Xin ông cho biết, PV Pipe liên quan như thế nào trong vụ việc này?
- Công ty không hề có chủ trương hay tổ chức chuyến đi mà các cán bộ, công nhân viên của Nhà máy sản xuất ống thép tại Tiền Giang (là đơn vị cấp phòng của PV Pipe) đã đăng ký, tự tổ chức chuyến đi dự đám cưới bạn ở Vũng Tàu. Tôi nghĩ, có thể một số cán bộ ở phòng ban biết chuyện nhưng nghĩ rằng chuyến đi chơi là ngoài giờ, là chuyện cá nhân nên không báo cáo, xin phép. Thật đau lòng khi chuyến đi đó lại khiến chúng tôi mất nhiều anh em.
Chiếc tàu khách composite H29 chở 30 người gồm 2 chuyên gia người Mỹ và các công nhân thuộc công ty Cổ phần Sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam, đi từ Gò Công Đông (Tiền Giang) về Vũng Tàu bị nạn vào ngày 2/8. Ảnh: Duy Công
- Ông Hà Ngọc Phước, Giám đốc Nhà máy PV Pipe cũng có mặt trên một trong 3 con tàu. Vậy ông Phước có vai trò như thế nào trong chuyến đi này?
- Cả 3 chiếc tàu chở các công nhân trong chuyến đi này do ông Đinh Văn Quyết, là nhân viên cũ của PV Pipe và nay là Giám đốc Công ty Cổ phần bến tàu du lịch Marina cung cấp. Chúng tôi đang tìm hiểu rõ ai là người kết nối trực tiếp với anh Quyết để mượn tàu.
Trong chuyến đi này, anh Phước có mặt với vai trò cá nhân nhưng dù sao, anh cũng là Giám đốc nhà máy nên mọi người sẽ xem là lãnh đạo trong chuyến đi này.
- Khi nào ông biết thông tin tàu H29 bị lật úp, 30 người rơi xuống biển?
- Khoảng 0h30, một cán bộ hoảng hốt báo cho tôi thông tin tàu bị nạn. Ngay sau đó, tôi đã báo về lãnh đạo và các cơ quan chức năng để nhờ hỗ trợ. Nhiều lãnh đạo Tổng công ty khí Việt Nam (GAS) đã trực tiếp ra hiện trường chỉ đạo cứu nạn. Khi biết tin 9 người mất tích trong đó có 8 người của PV Pipe chưa tìm thấy, chúng tôi đã thuê thêm trực thăng tìm người.
Trong sự việc này, PV Pipe hoàn toàn ở thế bị động trong việc nhận tin. Thông tin giữa anh Nguyễn Văn Cương (người duy nhất giữ khô điện thoại di động khi đứng trên tàu gọi cầu cứu), Hà Ngọc Phước, Đinh Văn Quyết (Công ty cổ phần bến tàu du lịch Vũng Tàu Marina) và Vũ Văn Đảo (Giám đốc công ty Cổ phần Việt Sec – đơn vị đóng và bảo trì các con tàu trên) chạy lòng vòng và chưa rõ ràng.
Video đang HOT
Theo một số thông tin tôi được các anh em kể lại, lúc nhận tin báo tàu bị nạn, anh Phước đã ngã quỵ xuống và có thể quá bối rối không làm chủ được tình thế nên cũng không báo ngay cho lãnh đạo PV Pipe. Nhưng anh Phước đã báo tin cho những người có trách nhiệm của Công ty cổ phần công nghệ Việt – Séc, đồng thời liên lạc với ông Đinh Văn Quyết và ông Sơn (đều thuộc Công ty cổ phần bến tàu du lịch Vũng Tàu Marina) để họ gọi cứu hộ. Còn việc Marina báo tin cho bộ đội biên phòng, các cơ quan chức năng như thế nào thì tôi không nắm được nhưng quá trình truyền tải thông tin này còn nhiều mâu thuẫn.
- Theo ông, PV Pipe có trách nhiệm như thế nào trong sự việc này?
- Chúng tôi có trách nhiệm vì những con người trên chiếc tàu này là công nhân của PV Pipe. Đúng ra khi biết chuyện, cán bộ công đoàn, lãnh đạo của nhà máy phải báo lên cấp trên. Nếu như ông Phước báo kế hoạch đi chơi này cho tôi thì chắc chắn tôi đã không cho đi. Từ trước tới nay, công ty chưa bao giờ tổ chức các chuyến đi chơi tập thể như thế này vì trước mắt là đi với số lượng lớn như thế sẽ ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của công ty. Chúng tôi thường chỉ tổ chức ăn uống gần ngay nhà máy, nếu có đám cưới, thông thường, cán bộ công ty chỉ cử đại diện.
Đây là một bài học không chỉ cho PV Pipe mà còn cho những cá nhân các đơn vị khác khi tự ý tổ chức đi chơi quy mô lớn mà không thông báo cho công ty.
- Theo nhật ký cứu hộ, phải mất 2 giờ 25 phút cơ quan chức năng mới xác thực được có vụ chìm tàu và hơn 4 tiếng sau nữa mới tiếp cận cứu người, ông đánh giá như thế nào về quá trình tiếp nhận thông tin và thực hiện cứu người?
- Cơ quan chức năng ở TP HCM làm rất tốt. Tuy nhiên, công tác cứu hộ cứu nạn ở một vài nơi còn chậm, sau 9 giờ đồng hồ mới cứu được 21 người.
Công ty cổ phần công nghệ Việt-Séc và Marina tiếp nhận thông tin, chuyển tải thông tin còn lòng vòng và chậm trễ. Biên phòng Vũng Tàu khi nhận được thông tin đáng lẽ phải báo ngay cơ quan chức năng nhưng lại báo trễ. Tính mạng của con người chỉ tính bằng từng giây từng phút nhưng thủ tục cứu hộ cứu nạn còn rườm rà, tốn thời gian. Chỉ riêng việc chuyển fax một lần cũng mất 15 phút.
Ngoài trách nhiệm của chủ tàu và tài công, nếu quy trình xuất bến từ Tiền Giang về Vũng Tàu an toàn, làm đúng quy định sẽ tránh được việc tàu chở quá tải, không có chuyện thiếu áo phao dẫn tới tai nạn này.
Từ khi thông tin cứu nạn từ người trên tàu bị chìm phát đi đến thời điểm cứu được người mất thời gian quá lâu, trong khi sinh mạng con người đang chới với trên biển sóng to gió lớn và cách bờ không xa. Anh em có nói họ còn nhìn thấy được ánh đèn điện từ phía TP Vũng Tàu.
- Tường trình của nhiều người liên quan cho thấy có 2 tàu đi sau đã thấy tàu bị nạn nhưng lại bỏ đi. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Không thể trách những người đi trên 2 con tàu này vì họ đang gặp nguy hiểm nên cũng khó đưa ra quyết định sáng suốt. Theo thông tin từ công nhân công ty đi trên chuyến tàu thứ hai kể, lúc đó mọi người có nhìn thấy con tàu gặp nạn, định vào cứu nhưng lúc đó sóng to gió lớn, con tàu nghiêng 90 độ và có thể lập úp. Sau khi xem xét tình hình, tài công yêu cầu mọi người ngồi đúng vị trí và nói “nếu cứu tàu kia có thể mọi người trên tàu này sẽ gặp nguy hiểm” nên anh ta quyết định đi vào bờ và quay lại cứu sau.
- Nếu là ông, trong trường hợp đó, ông sẽ ứng phó ra sao?
- Theo phản xạ tự nhiên, ý nghĩ đầu tiên là phải cứu người. Tôi hẳn sẽ quyết định dừng tàu lại vào lúc đó để suy xét. Tuy nhiên, cũng phải xét đến tình hình thời điểm đó thế nào để đưa ra quyết định sáng suốt nhất.
Trong vụ việc này, nếu các anh em báo thông tin cho tôi sớm thì sự việc có thể sẽ khá hơn vì sẽ nhờ được hỗ trợ của cấp cao hơn. PV Gas có đủ lực lượng, cơ sở hạ tầng và mạng lưới của PV GAS ở Vũng Tàu rất tốt và có thể giải quyết tình huống nhanh hơn.
- Sau nhiều ngày đối mặt với sự việc, cảm xúc của ông như thế nào?
- Tôi đau xót khi mất đi những người anh em. Không có gì có thể diễn tả được nỗi đau buồn này. Đây là đại tang của PV Pipe. Chúng tôi đã đau đớn khi nhận thi thể từng người, nhiều anh em đã biến dạng, chỉ còn nhận được qua vật dụng. Đa phần họ còn rất trẻ, nhiều người trong số họ đã nhường sự sống cho người khác.
Hiện Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam, Tổng công ty khí và PV Pipe hỗ trợ mỗi gia đình nạn nhân của công ty gần 70 triệu đồng. Ngoài ra, tập đoàn hỗ trợ gia đình ông Phạm Duy Phúc (tài công H29 đã chết) 10 triệu đồng. Công ty cũng tổ chức thăm viếng và tang lễ đầy đủ cho những người xấu số. Những gì chúng tôi có thể làm lúc này đều cố gắng để có thể vơi bớt phần nào nỗi đau của các gia đình anh em.
Theo VNE
Nghi vấn 2 ca nô bỏ mặc tàu chìm ở Cần Giờ
Nhiều người trên 2 chiếc canô đi phía sau tàu HP 29 cho biết họ có nhìn thấy con tàu này gặp nạn nhưng do thời tiết xấu nên không thể tiếp cận để cứu hộ.
Là một trong số những người sống sót sau 6 giờ vật lộn trên biển, anh Nguyễn Văn Cương cho biết, ngoài chiếc tàu H29 chở anh và đồng nghiệp, khi xuất bến ở Tiền Giang còn có 2 chiếc khác chở nhân viên về Vũng Tàu.
Khoảng 19h, khi tàu của anh Cương đến vùng biển Cồn Ngựa (xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, TP HCM) đã bị một cơn sóng to đánh lật úp. Ngoài một phụ nữ bị kẹt trong khoang tàu, 29 người khác rơi xuống biển nhưng sau đó bơi ngược lại bám quanh xác con tàu. Cách đó khoảng 500 m có hai tàu khác đi ngang qua mà theo anh Cương có thể là những tàu đi cùng đoàn đi phía sau. "Mọi người kêu cứu rất to, thấy có dấu hiệu các tàu này dừng lại, mọi người rất mừng. Nhưng sau đó không hiểu sao họ đi tiếp về phía Vũng Tàu mà bỏ mặc chúng tôi", anh Cương nói.
Chiếc tàu 29H được tìm thấy tại vùng biển Cần Giờ. Ảnh: Duy Công.
Tường trình với cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Hà Ngọc Phước, Giám đốc Nhà máy sản xuất ống thép dầu khí - PV PIPE cho biết ông có mặt trên một trong ba chiếc canô chở người đi dự đám cưới và có nhận được tin ca nô bị nạn. Theo ông Phước,khoảng 17h40 ngày 2/8, H29 xuất phát trước, hai canô còn lại đi sau khoảng một tiếng. Trên đường đi, đến khoảng 20h10, ông Phước có nhận một cuộc điện thoại từ số máy của anh Cương nhưng không nghe rõ, ông Phước liên lạc lại thì nhận được tin tàu bị nạn.
Ngay sau khi biết tin tai nạn, ông Phước đã báo tin cho những người có trách nhiệm của Công ty cổ phần công nghệ Việt - Séc, đồng thời liên lạc với ông Đinh Văn Quyết và ông Sơn (đều thuộc Công ty cổ phần bến tàu du lịch Vũng Tàu Marina) báo tin tai nạn để họ gọi cứu hộ. Hai người này xác nhận với ông Phước tàu cứu hộ đã rời Vũng Tàu và ông Sơn đi cùng tàu. Đến 21h34, ông Phước lại nhận được tin nhắn của anh Cương với nội dung "có chiếc ca nô thấy tụi em mà nó không ghé". Ông Phước có nhắn lại "tụi em thử coi đúng không", "tàu anh đi đang gặp nguy, tài công nói quay lại là sẽ bị chìm luôn, trấn an anh em bình tĩnh, tàu cứu hộ đang ra". Sau đó, anh Cương nhắn trả lời "OK".
Ngoài ra, tường trình của vị giám đốc này cũng cho nêu, "ngay khi biết được ca nô bị nạn lúc hơn 20h và nhận tin nhắn trên, ông Phước có yêu cầu lái tàu của mình quay đầu lại để cứu người nhưng người này không đồng ý". Sau đó, ca nô của ông Phước về đến Khu công nghiệp Đông Xuyên vào lúc hơn 23h cùng ngày.
Trên chiếc ca nô của ông Phước còn có ông Vũ Văn Đảo, Giám đốc công ty Cổ phần Việt Sec - đơn vị đóng và bảo trì các con tàu trên.
Tuy nhiên, trao đổi với VnExpress, ông Đảo cho rằng "không nhìn thấy tàu bị nạn". Vị giám đốc này cho hay, buổi tối 2/8, ông chỉ "tình cờ đi kiểm tra tàu và nghe được thông báo tàu bị nạn từ ông Phước". Lúc xảy ra vụ việc thời tiết trên biển rất xấu. "Mưa gió bão bùng, trời tối om, trong lòng tôi cảm thấy rất lo lắng và bất an khi các tàu đi trong thời tiết thế này. Một lúc sau, tôi nhận được tin báo là con tàu rời Tiền Giang đầu tiên đã gặp nạn", ông Đảo nói.
Ông Đảo ngồi trên con tàu thứ 3 và cũng là con tàu đi cuối cùng nên "khi nhận được thông tin đã lập tức báo cho lãnh đạo biên phòng cấp cứu khẩn cấp". Ông này cũng cho rằng đã tiếp tục báo vào bờ, nhờ mọi người liên hệ với Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, đồng thời báo một số bạn bè thuê tàu, chuẩn bị phao bơi để ứng cứu.
"Vì là con tàu đi cuối cùng nên tôi đề nghị tất cả mọi người ở 2 con tàu đi sau chú ý tìm kiếm xung quanh xem có thấy tàu bị nạn không để ứng cứu, song không thấy. Đến 22h30 tàu của chúng tôi cập bến", ông Đảo nói và cho biết người lái con tàu bị nạn là một thuyền trưởng dày dạn kinh nghiệm. "Có đầy đủ bằng cấp, nhưng có thể do thời tiết quá xấu nên đã không làm chủ được tình huống và có thể lạc đường", ông Đảo thông tin.
Người cầm lái con tàu đi thứ hai- anh Lê Văn Hiếu cho biết, nhận được tin nhắn báo tàu H29 gặp nạn từ ông Đảo nên đã chạy vài vòng tìm kiếm ca nô bị nạn và bảo mọi người cùng quan sát xung quanh. "Một lúc sau thì tôi thấy ca nô H29 nhưng do sóng to gió lớn, trời mưa và tối nên tôi không nhìn rõ ca nô này bị chìm hay chưa. Tôi đã cố tiếp cận nhưng không được. Do lúc này sóng gió lớn, rất nguy hiểm nên tôi phải vượt để cứu nguy cho tàu và mọi người... Khi vào tới bờ, tôi nghe nói mọi người đã gọi được cứu hộ nên yên tâm", anh Hiếu trả lời báo Thanh Niên.
Cảng vụ TP HCM, đơn vị trực tiếp điều vụ tai nạn này cho biết sẽ điều tra, triệu tập những người có liên quan để làm rõ.
Theo VNE
Đề nghị khởi tố vụ chìm tàu ở Cần Giờ Theo thợ máy canô H29-BP, đến 19h ngày 2/8, thông tin tai nạn đã được báo về cho giám đốc Công ty Việt Séc. Theo nhận định của cơ quan chức năng, canô H29-BP quá nhỏ để chở 30 người. Ảnh: T.KHÁNH Sáng 6/8, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà đã ký văn bản khẩn gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ...