Nếu ai cũng sợ, thì ai chống tham nhũng?
Người đã từng làm nóng trang nhất hàng loạt các tờ báo ra hàng ngày sau phát biểu thẳng thắn, chỉ mặt tham nhũng, lãng phí trên nghị trường Quốc hội. Người đã từng được báo chí gọi là đại biểu có “500 tin nhắn bất thường” chỉ vì “nhảy” vào chống tham nhũng. Bị nhắn tin “cảnh báo”, thậm chí là đe đọa nhưng vẫn sẵn sàng tuyên chiến với tham nhũng.
Minh họa Internet
Ông là Lê Như Tiến – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục – Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và thật bất ngờ, ông lại là một người yêu thơ, có nhiều bài thơ tự sự, nhân tình thế thái. Báo An ninh Thủ đô cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với vị đại biểu Quốc hội bận rộn này.
- Thưa Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến, ông có thể cho biết một ngày làm việc bình thường của một Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) như thế nào không?
- Tôi thường đến trước giờ làm việc 30 phút để lướt qua tình hình thông tin trong ngày. Với một ĐBQH thì việc tiếp nhận thông tin là cực kỳ cần thiết. Thông tin giúp tôi xử lý công việc tốt hơn. Và lúc kết thúc công việc của tôi thường không có giờ giấc, bao giờ xong công việc, hoặc thấy muộn quá thì về, chứ tôi không đặt ra thời gian mấy giờ thì phải về. Tôi quan niệm phải đặt hiệu quả công việc lên đầu tiên.
- Vừa giải quyết công việc của một đại biểu chuyên trách lại vừa làm tròn vai trò của một đại biểu của dân, ông vẫn có thời gian làm thơ, tôi thấy phòng làm việc của ông có Bằng khen về thơ, lại thấy ông vẫn thỉnh thoảng có thơ đăng báo?
- Cuộc sống của một con người, hay một ĐBQH thì cũng có nhiều màu sắc. Thật ra thơ là khoảng lặng để mình chiêm nghiệm về cuộc đời, nhân tình thế thái.
- Tôi không biết cảm xúc của một người làm thơ và sự rung động của một vị ĐBQH trước nhân dân có gì khác nhau không?
- Những người làm thơ, làm nghệ thuật là những người dễ cảm xúc, dễ rung động. Và khi những người ấy làm ĐBQH thì tôi nghĩ là chắc sẽ dễ đồng cảm, dễ chia sẻ với những người dân. Có lẽ vì thế mà tôi cũng dễ rung động trước người dân và cũng mang được tiếng nói của người dân đến diễn đàn Quốc hội nhiều hơn.
- Vâng tất nhiên rồi, ĐBQH là những người đại diện cho tiếng nói của nhân dân. Dư luận nhân dân đang rất bức xúc về câu chuyện “giá điện được tính cộng cả giá xây dựng biệt thự, bể bơi, tenis” sau khi Thanh tra Chính phủ đưa ra kết luận về việc đầu tư ngoài ngành của EVN. Là một ĐBQH, ông có bình luận gì về thông tin này không?
- Là một ĐBQH, tôi cũng đã từng nói đến việc nhiều tập đoàn trong thời gian vừa qua đầu tư ngoài ngành với số lượng khá lớn, không phải chỉ một Tập đoàn EVN mà còn nhiều tập đoàn khác. Điện lực thì đầu tư cả bưu chính viễn thông, dầu khí thì đầu tư cả khách sạn nhà hàng, nhiều tập đoàn, tổng công ty còn mang tiền rót vào chứng khoán, BĐS. Rõ ràng việc đầu tư ngoài ngành tạo ra sự dàn trải vốn, đầu tư rất nhiều mà lỗ cũng rất nhiều. EVN đang giải trình là không có chuyện tính giá điện cộng cả giá xây dựng bể bơi, sân tenis. Nhưng nếu có thì đó là điều phi lý, người dân không thể gánh cho các dịch vụ vui chơi, giải trí của anh được.
– Dư luận cho rằng đã có rất nhiều cuộc thanh tra, đã có nhiều kết luận được đưa ra, nhưng sau đó những vụ tham nhũng lại êm xuôi, chẳng mấy ai phải chịu trách nhiệm về những thất thoát, theo ông lý do vì sao?
Video đang HOT
- Có lần trong một phiên họp của UBTVQH chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ, tôi đã đặt câu hỏi trong những năm qua chúng ta đã thanh tra trên 64.000 vụ của các cấp các ngành, nhưng chúng ta chỉ chuyển cơ quan điều tra 464 vụ, chiếm 0,6% các vụ thì đó có phải là chúng ta đã hành chính hóa các vụ án liên quan đến tham nhũng không hay là trong quá trình phòng chống tham nhũng có ai “nắn dòng bẻ ghi” làm chuyển hướng thanh tra không hay do trình độ non kém và trách nhiệm còn chưa đến nơi đến chốn của các cơ quan phòng chống tham nhũng. Đồng chí Tổng Thanh tra Chính phủ cũng có thừa nhận những bất cập trong công tác phòng chống tham nhũng nhưng cho rằng khuyết điểm lớn nhất là cán bộ vừa thiếu vừa chưa đủ năng lực.
– Ông có hài lòng với câu trả lời đó không?
- Tôi cho đó cũng là nguyên nhân song chưa phải là nguyên nhân chính mà nguyên nhân chính là sự thiếu kiên quyết, không nghiêm trị đối với những đối tượng tham nhũng và cũng có thể còn “cái gì đó” trong cơ quan phòng chống tham nhũng.
- “Cái gì đó” là gì, ông có thể nói rõ hơn được không, thưa ông?
– “Cái gì đó” thì cũng đã được đồng chí Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi trong phiên họp Thường vụ vừa rồi. Đồng chí Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đặt câu hỏi: “Liệu có tham nhũng trong các cơ quan phòng chống tham nhũng không, có tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật không?”. Câu hỏi cũng đã treo lơ lửng để các cơ quan phòng chống tham nhũng và cơ quan bảo vệ pháp luật trả lời.
- Ông cũng đã từng làm “nóng” các trang báo sau phát biểu về tham nhũng lãng phí tại nghị trường Quốc hội. Và không chỉ có ông, nhiều ĐBQH cũng lên tiếng về tình trạng tham nhũng đang rất nhức nhối ở nhiều cấp ngành. Từ tham nhũng tiền tỷ cho đến những tham nhũng vặt, song dường như sau đó mọi chuyện lại rơi vào im lặng? Có phải là bộ máy phòng chống tham nhũng của chúng ta chưa đủ mạnh?
- Không phải là nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13, mà kể cả nhiệm kỳ Quốc hội trước, tôi cũng đã theo đuổi hai vấn đề lớn là tham nhũng, lãng phí. Tôi cho rằng vấn đề chính không phải là thiếu pháp luật, thiếu bộ máy. Chúng ta có bộ máy phòng chống tham nhũng hoàn thiện từ Trung ương tới địa phương. Luật, Nghị quyết của Quốc hội về phòng chống tham nhũng đều có đầy đủ cả. Nhưng kết quả chống tham nhũng vẫn chưa được bao nhiêu. Không chống được tham nhũng là do khâu thực hiện các văn bản pháp luật về phòng chống tham nhũng không nghiêm.
- Thực hiện các văn bản pháp luật phòng chống tham nhũng không nghiêm nên luật quy định trách nhiệm người đứng đầu, nhưng thực tế chưa thấy người đứng đầu nào chịu trách nhiệm? Theo ông đây có phải là nguyên nhân dẫn đến việc các vụ tham nhũng không bị phanh phui?
- Thực tế thì chưa thấy có người đứng đầu nào tự phanh phui tham nhũng trong cơ quan, đơn vị mình và cũng không thấy người đứng đầu nào chịu trách nhiệm. Chính quy định này cũng làm cho người đứng đầu “né” theo hướng khác. Thôi thì che kín, đậy điệm nếu có tham nhũng thì “êm ái”, xử lý hành chính, xử lý nội bộ. Nếu phanh phui ra thì có khi chính người đứng đầu cũng có trách nhiệm liên đới. Thế nên công tác tham nhũng chúng ta hô hào rất mạnh, rất quyết liệt, bày binh bố trận rất bài bản, hình thành bộ máy, các điều kiện đảm bảo đều có cả, quyết tâm chính trị cũng rõ rồi nhưng mà cho đến nay như một ĐBQH đã nói trên diễn đàn Quốc hội là “Chúng ta bài binh bố trận rất ghê nhưng chưa “sát thương” được giặc tham nhũng nào”.
Nếu còn buông lỏng, nể nang, né tránh, thậm chí không tuân thủ pháp luật trong công tác phòng chống tham nhũng thì không thể đẩy lùi tham nhũng. Đồng chí Tổng Bí thư đã từng nói: “Bắt trúng bệnh rồi nhưng có chịu uống thuốc không, uống có đủ liều không”.
- Vậy theo ông để chống tham nhũng hiệu quả cần “liều thuốc” đặc trị nào?
- Trước hết với các vụ tham nhũng đã rõ, đã điều tra, đã có kết luận thì phải công bố công khai minh bạch, phải xử lý nghiêm minh, tội danh đến đâu thì xử đến đó. Cần công khai hiện nay có bao nhiêu vụ tham nhũng đã điều tra, lộ trình xử lý như thế nào, đã xử thì công bố ra sao. Muốn biết tham nhũng thế nào thì phải minh bạch việc kê khai tài sản. Kê khai mà không công khai thì cũng bằng không. Kê khai tài sản xong lại để trong tủ của một số người có trách nhiệm của các cơ quan tổ chức cán bộ và các cơ quan Đảng và khóa lại thì không có tính răn đe. Tiếp nữa là việc can thiệp của các cơ quan Nhà nước vào các vụ tham nhũng khá nhiều. Tôi cũng được một số đồng chí các cơ quan bảo vệ pháp luật cho biết cứ hễ có vụ án tham nhũng thì có rất nhiều người điện thoại, công văn thư từ, hoặc trực tiếp đến gặp như một sự bảo lãnh. Bên cạnh đó muốn chống tham nhũng thì phải phòng tham nhũng. Phòng tham nhũng thì phải ra những văn bản pháp luật chặt chẽ để các đối tượng cơ hội không thể lợi dụng những kẽ hở của pháp luật lách luật tham nhũng, lãng phí.
- Ông cũng từng nhận “500 tin nhắn bất thường” sau những phát biểu về phòng chống tham nhũng? Ông có ngại lên tiếng, sợ liên lụy đến bản thân mình và những người thân của mình?
- Tôi vẫn lên tiếng bình thường. Vì tôi không lên tiếng vì quyền lợi cá nhân tôi, mà tôi lên tiếng vì đất nước, vì xã hội, mong rằng đất nước, xã hội sẽ tốt đẹp hơn lên. Vì sự trong sạch lành mạnh của môi trường xã hội, môi trường đất nước, tôi nêu các hiện tượng để các cơ quan chức năng vào cuộc. Trước nay chúng ta vẫn hiểu môi trường theo nghĩa hẹp, nhưng nếu nhìn rộng ra môi trường sống của chúng ta bị vẩn đục bởi tham nhũng, lãng phí thì người dân không thể có chất lượng cuộc sống tốt được.
- Những người chống tham nhũng thường thua thiệt, thực tế đã chứng minh điều đó, khiến cho nhiều người mất niềm tin vào công cuộc phòng chống tham nhũng?
- Đáng tiếc lại đúng là như vậy. Người tố cáo phòng chống tham nhũng là những người rất dũng cảm nhưng đôi khi lại bị trù úm, bị đưa ra khỏi biên chế, bị cắt lương, cắt thưởng, còn những người bị tố cáo tham nhũng lại lên chức, lên quan. Những kẻ tham nhũng cũng không ngại đưa ra những hành vi thâm độc và hèn hạ. Nhất là khi họ có quyền có chức trong tay thì làm việc đó lại càng dễ. Pháp luật chúng ta cũng phải tập trung bảo vệ những người tố cáo, những người đấu tranh chống tham nhũng. Nếu chúng ta không bảo vệ được những người dũng cảm tố cáo làm sao người chống tham nhũng còn niềm tin để chống tham nhũng. Phải có người chia sẻ, đồng cảm, cộng hưởng với họ, chứ bây giờ người chống tham nhũng càng ngày càng đơn độc vì thấy không còn ai đứng cùng đường với mình.
- Tôi nghĩ đó là điều đáng sợ đối với một đất nước khi mà người dân mất niềm tin?
- Thật đáng sợ nếu không còn lửa để chống tham nhũng. Đánh giặc mà không có người đánh thì không bao giờ chúng ta diệt được giặc tham nhũng.
- Một kỳ họp Quốc hội nữa sắp diễn ra, ông vẫn tiếp tục theo đuổi công cuộc phòng chống tham nhũng chứ?
- Tôi cũng tin rằng ngoài những kẻ xấu, những kẻ tham nhũng thì còn rất nhiều người tốt. Chúng ta cũng có cả cơ chế đồng hành chống tham nhũng, nên không việc gì phải sợ hãi. Nếu ai cũng sợ hãi, thì ai chống tham nhũng?
- Vâng, xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.
Đinh Hương Bình (Thực hiện)
Theo ANTD
115 bỏ mặc bệnh nhân có thể bị truy tố trước pháp luật
Liên quan đến vụ cấp cứu 115 được ông Trần Đăng Tuấn gọi nhưng không tới, luật sư cho rằng nếu 115 bỏ bệnh nhân thì có thể truy tố ra pháp luật.
Ông Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đại biểu Quốc hội khóa XIII.
115 sẽ sai nếu gọi cấp cứu mà không đến
Khoảng 21h15 ngày 23/9, một vụ tai nạn thương tâm xảy ra trên đường Hoàng Đạo Thúy (Thanh Xuân, Hà Nội). Nạn nhân là anh Trần Doãn Khánh Việt (SN 1984, trú tại Xa La, Hà Đông) bị chiếc xe Innova chèn lên người và kéo lê khoảng 50m.
Nhiều nhân chứng chứng kiến vụ tai nạn trên, trong đó có nhà báo Trần Đăng Tuấn - nguyên Phó tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, cho biết đã gọi điện báo cho cấp cứu 115 nhưng đơn vị này không có xe đến đưa người bị nạn đi cấp cứu, buộc người dân phải thuê xe taxi đưa nạn nhân đến bệnh viện. Nạn nhân đã tử vong sau đó.
Trả lời chúng tôi về sự việc này, ông Trần Văn Nam - Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội giải thích rằng: "Lúc đó chúng tôi đã cử xe đi, tuy nhiên, khi trực ban gọi điện kiểm tra một lần nữa vào 1 trong 4 số máy gọi cấp cứu thì chủ số máy này cho biết đã gọi taxi đưa nạn nhân đi, không cần xe cứu thương nữa. Do đó, xe quay trở lại".
Chị Hà Thu Trang (ở số 1503 17T8 Trung Hoà - Nhân Chính) - người đã được Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội gọi điện lại - xác nhận: Lúc 21h36 ngày 23/9, chị có gọi đến 115 nhờ dịch vụ cấp cứu và đến 21h45 có điện thoại của Trung tâm 115 xác nhận thông tin thì chị đã nói là nạn nhân đi bằng taxi nên không cần 115 nữa.
Từ sự việc gây lùm xùm dư luận trên, chúng tôi đã trò chuyện với một số ĐBQH, luật sư về chức năng, nhiệm vụ hết sức quan trọng của lực lượng cấp cứu 115.
Trao đổi với PV, ông Lê Như Tiến - Phó chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ĐBQH Khóa XIII cho rằng, trong trường hợp có người bị nạn mà gọi cấp cứu không đến thì đương nhiên lực lượng 115 đã sai.
Ông Tiến cho rằng: "Theo quy định, ngay cả người tham gia giao thông khi thấy người bị tai nạn giao thông còn phải dừng phương tiện lại để đưa người bị nạn đến nơi cấp cứu gần nhất và báo cơ quan chức năng. Huống hồ đơn vị 115 sinh ra để làm nhiệm vụ cấp cứu, nếu không đến hoặc đến trễ đến mức mà người bị nạn đã tử vong thì rõ ràng là sai".
"Nếu kíp trực 115 có nhận được thông tin mà vì lý do gì đó như thiếu xe, vô trách nhiệm, hoặc đã cử xe đi mà người lái xe không đến để đưa nạn nhân đi cấp cứu... thì sai hoàn toàn. Theo quy định, tất cả các phương tiện tham gia giao thông đều có trách nhiệm là đưa người bị nạn đi đến bệnh viện, huống gì là cơ quan, đơn vị có chức năng đưa người đi cấp cứu mà lại không đến", ông Tiến nói.
Nếu 115 bỏ bệnh nhân có thể truy tố ra pháp luật
Trong khi đó, Luật sư Nguyễn Minh Long - Giám đốc Công ty Luật Dragon (Hà Nội) cho rằng, nếu có người bị nạn gọi xe cấp cứu không đến thì gia đình nạn nhân hoàn toàn có đủ cơ sở làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng yêu cầu điều tra, làm rõ vai trò và trách nhiệm của cấp cứu 115.
Luật sư Nguyễn Minh Long
Luật sư Nguyễn Minh Long cho biết: "Thấy tai nạn giao thông xảy ra, gọi điện báo cho nhà chức trách là đúng. Bất cứ người dân nào cũng có thể nhận thấy việc gọi điện báo xe cấp cứu kịp thời là cần thiết. Vấn đề ở đây là trách nhiệm của lực lượng cứu thương 115, sau khi nhận được tin báo họ sẽ sắp xếp thời gian thế nào cho hợp lý.
Sau khi tai nạn xảy ra, họ có thể đến chậm, nhưng chậm bao nhiêu lại là chuyện khác. Ngành họ có quy định rất rõ về vấn đề này. Nếu quy định chỉ được phép chậm trong một khoảng thời gian nhất định nào đó mà anh đến quá chậm, hậu quả là người bị nạn tử vong thì họ đã vi phạm vào quy định của ngành và sẽ phải bị xử lý theo quy định ngành. Nguyên tắc đó thể hiện năng lực và khả năng phản ứng của nhân viên".
"Trong trường hợp người dân đã gọi điện báo cho 115 mà họ đến chậm hoặc không đến, hoặc vô trách nhiệm... dẫn đến nạn nhân tử vong hoặc thương tích nặng thêm thì gia đình nạn nhân có thể làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng yêu cầu họ làm rõ trách nhiệm", Luật sư Nguyễn Minh Long nói.
"Trên thực tế thì hiện nay, pháp luật không quy định rõ về vấn đề trên, song khi cơ quan điều tra tiếp nhận đơn thư thì họ sẽ điều tra. Khi có căn cứ, nếu phát hiện đúng như đơn thư phản ánh thì vẫn có thể khởi tố, truy trách nhiệm của những cá nhân và tổ chức liên quan đến vụ chậm trễ điều xe cứu thương khiến người bị tai nạn giao thông tử vong hoặc hậu quả tăng nặng", ông Long khẳng định.
Theo Xahoi
Lập Đội Điều lệnh, quân sự, võ thuật Hôm qua 23-1, Công an Hà Nội đã công bố quyết định của Giám đốc CATP về việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy của Phòng Công tác chính trị. Công bố ra mắt Đội Điều lệnh, quân sự, võ thuật và chức năng, nhiệm vụ của Đội. Cùng với đó, Giám đốc CATP yêu cầu các quận, huyện, thị xã củng...