Nếu 6 MV này được dựng thành phim chắc sẽ đáng xem lắm!
Có những MV với những câu chuyện hoàn toàn có thể phát triển thêm để trở thành một bộ phim.
Phim chuyển thể từ sách, từ kịch, từ truyện cổ tích Việt Nam đều đã làm rồi. Nhưng phim chuyển thể từ MV (music video) thì sao? Cũng là một ý kiến không tồi bởi nhạc Việt không thiếu những sản phẩm có nội dung ấn tượng. Cùng xem thử nếu những MV dưới đây được chuyển thành phim thì cần phải có những gì?
Đừng hỏi em ( Mỹ Tâm) – Thể loại: Tình cảm, kháng chiến
MV mới ra mắt của Mỹ Tâm có phần hình ảnh và câu chuyện ấn tượng khi khai thác bối cảnh miền Tây thời chiến. Lồng trong đó là mối tình ngọt ngào nhưng cũng lắm trắc trở giữa một cô giáo làng và một chàng trí thức yêu nước. Vì những vướng bận thời cuộc và khoảng cách về không gian nên giữa hai người có những hiểu lầm, cuối cùng dẫn đến một kết cục không đẹp.
Nếu câu chuyện trong MV được đưa lên phim, khai thác sâu hơn những chất liệu chiến tranh ở miền Nam Việt Nam thì chắc chắn sẽ rất thú vị. Không hẳn bộ phim sẽ được thực hiện kiểu một phim chiến tranh truyền thống mà chỉ dùng lăng kính của thời cuộc để soi vào những mối quan hệ và cuộc sống người cùng thời. Lấy mối tình của hai nhân vật chính làm trung tâm, nếu biên kịch phát triển thêm những nhân vật xung quanh thì chắc chắn sẽ rất hấp dẫn.
Cả một trời thương nhớ (Hồ Ngọc Hà) – Thể loại: tình cảm, kháng chiến, li kì
Tương tự như MV Đừng hỏi em, Cả một trời thương nhớ của Hồ Ngọc Hà cũng khai thác câu chuyện tình dang dở trong thời kháng chiến. Nhưng chất liệu của Cả một trời thương nhớ thì mang nhiều tính điện ảnh hơn. Hình tượng một tiểu thư quyền quý thời Pháp thuộc chắc chắn sẽ cực kì hấp dẫn nếu xuất hiện trên phim điện ảnh Việt Nam.
Nếu đạo diễn, biên kịch khéo léo lột tả được nhịp sống của người dân Việt Nam trong thời kì này thì phim sẽ có nét cuốn hút của những phim Hoa ngữ thời dân quốc – cũng là một dạng phim mà điện ảnh Việt chưa khai thác.
Với câu chuyện trong Cả một trời thương nhớ, phiên bản phim hoàn toàn có thể tạo được những kịch tính nếu xoáy vào sự khác biệt trong thân phận của hai nhân vật chính. Thậm chí, dựa vào đoạn mở đầu khi Hồ Ngọc Hà nhìn vào bức tranh của bà ngoại, biên kịch có thể “lái” phim sang thể loại xuyên không nhiều kiếp, sẽ có rất nhiều thứ có thể khai thác hơn nữa.
Chạm khẽ tim anh một chút thôi ( Noo Phước Thịnh) – Thể loại: ngôn tình
Có thể bạn sẽ nghĩ rằng câu chuyện khá phổ thông trong MV mới nhất của Noo Phước Thịnh thì có gì để chuyển thể điện ảnh!? Nhưng thật ra đó là do bản thân MV chưa làm tốt phần kịch bản, cũng như vấn đề về thời lượng khiến câu chuyện hơi nhạt và cụt. Tuy nhiên, với những gì được bày sẵn trong MV, nếu chuyển thể thành phim vẫn hoàn toàn khả thi.
Đầu tiên là phần chuyện ngọt ngào giữa nhân vật của Noo và Jun Vũ ở đầu. Nếu thêm thắt những tình huống khi gặp gỡ, cưa cẩm thì hoàn toàn có thể mang lại những thước phim ngôn tình lung linh. Đoạn sau thì nói rõ hơn về nhân vật người bạn thân, khắc hoạ kĩ hơn tính cách của nữ chính. Giả sử như khi nữ chính quen người mới, nữ chính nhận ra mình bị rơi vào bẫy của một tên biến thái thích… bạo dâm chẳng hạn. Có rất nhiều thứ có thể làm kĩ hơn mà MV đã bỏ lửng.
Cuối cùng, xoáy vào căn bệnh kì lạ của Noo và một đoạn kết kịch tính (hoặc có thể chuyển thành cái kết có hậu), thế là vừa đẹp một phim ngôn tình nhiều cảm xúc và nước mắt.
Lạc trôi ( Sơn Tùng M-TP) – Thể loại: Kì ảo, cổ trang
Trong số những MV đã ra mắt của Sơn Tùng M-TP thì chắc chắn Lạc trôi là “một trời ý tưởng” để các đạo diễn, biên kịch biến hóa thành một phim điện ảnh.
Video đang HOT
Tưởng tượng nếu bối cảnh phim là một nơi giả định mang hơi hướm cổ trang, nhân vật của Sơn Tùng là một vị thành chủ cô độc. Một ngày nọ, có một đoàn hành hương gặp nạn phải xin tá túc tại thành. Và cô gái trong đoàn giống hệt người mà vị thành chủ kia luôn nằm mơ mỗi đêm. Thế là một đoạn tình ngang trái và bí ẩn bắt đầu.
Nếu được đầu tư mạnh, bộ phim có thế dựng lên những hình ảnh chiến trận bi tráng, nói về quãng thời gian quá khứ trước khi nhân vật của Sơn Tùng trở thành một thành chủ cô đơn. Thậm chí, pha thêm chút liêu trai để nhân vật cô gái là một con hồ ly tinh cũng là một ý tưởng không tồi.
Nói thương nhau thì đừng làm trái tim em đau (Bích Phương) – Thể loại: tình cảm, phiêu lưu/trinh thám
Nếu MV này của Bích Phương được dựng thành phim, điểm cộng đầu tiên chính là bối cảnh miền Tây Bắc hùng vĩ. Cộng thêm nhân vật nam chính người dân tộc vùng cao, các lệ làng, phong tục sẽ chính là “hương vị lạ” mà phim Việt đang cần.
Pha với một chút không khí bí ẩn và phiêu lưu, nhân vật của Bích Phương có thể là một cô gái cá tính đang trên đường thực hiện một chuyến nghiên cứu gì đó ở miền cao. Khi cô gặp nạn và được một người bí ẩn cứu sống rồi đưa về làng, câu chuyện bắt đầu.
Thậm chí, nếu dám liều, phiên bản điện ảnh của phim này sẽ cực kì hấp dẫn nếu bối cảnh ngôi làng là một nơi không có thật. Ngoài những phong tục làm lễ cưới đặc biệt, hay cảnh lễ hội hoành tráng thì những góc khuất như tục tế sống, tảo hôn, hoặc một bí mật động trời nào đó trong làng cũng là những thứ có thể “chế biến” thêm.
Ác mộng của những giấc mơ – Gương – Tìm Anh (Đông Nhi) – Thể loại: tình cảm, kì bí, tâm lý/điều tra
Chùm 3 MV này của Đông Nhi vốn đã mang màu sắc khá điện ảnh trong khâu dựng cảnh cũng như dùng nhiều hình ảnh, chi tiết ẩn dụ.
Câu chuyện sẽ xoay quanh mối tình đứt đoạn của đôi tình nhân trẻ. Trước thềm lễ cưới sắp diễn ra, người nam đột ngột qua đời vì tai nạn. Cô gái không thể chấp nhận được sự thật nên bắt đầu rơi vào bế tắc, cô hay thức giấc vào lúc 9h (cũng là thời điểm chàng trai qua đời) và hay nhìn thấy người yêu trở về trong những tấm gương.
Không dừng lại ở đó, một thời gian sau, khi cô gái quen người yêu mới và được anh ta tặng cho một sợi dây chuyền kì lạ thì bộ phim sẽ rẽ hướng sang “màu sắc” mới. Cô bị lôi xuống địa ngục để được ở bên cạnh người tình đã chết, nay là Quỷ vương.
Hoặc, vẫn có thể đẩy bộ phim sang màu sắc trinh thám bằng cách cho cô gái nằm mơ về những giấc mộng kì lạ khi được người bí ẩn kia tặng sợi dây chuyền. Và rồi cô sẽ lần ra một bí mật đằng sau cái chết của người yêu chẳng hạn.
Kết
Nói chung, những ý tưởng trên đây chỉ là do người viết phóng bút từ những chất liệu gợi từ các MV. Biết rằng sẽ chẳng ai nghĩ đến việc đi mua lại một ý tưởng từ MV để thực hiện phim điện ảnh. Nhưng tại sao lại không khi đôi lúc những sản phẩm đó lại là những ý tưởng đặc sắc và vô cùng độc đáo. Người ca sĩ chỉ dùng nó để minh hoạ cho cảm xúc của bài hát, nhưng người làm phim hoàn toàn vẫn có thể phát triển các ý tưởng kia thành những tác phẩm điện ảnh chất lượng.
Theo Trithuctre
'Cánh đồng hoang' - bản hùng ca trữ tình của điện ảnh Việt
Là tác phẩm duy nhất của điện ảnh Việt Nam giành giải thưởng cao nhất ở một LHP quốc tế, sau gần 40 năm "Cánh đồng hoang" (1979) vẫn là một trong những bộ phim kinh điển nhất.
Cánh đồng hoang từng đoạt huy chương vàng LHP Moscow năm 1981. Đó cũng là một trong hiếm hoi một bộ phim Việt thể hiện được vẻ đẹp gần như hoàn hảo từ biên kịch đến đạo diễn, từ quay phim đến âm nhạc, và đặc biệt nhất là diễn xuất với hai ngôi sao điện ảnh một thời: Lâm Tới và Thúy An.
Họ đại diện cho một thế hệ những người làm phim đẹp nhất của điện ảnh Việt và trở thành "những người muôn năm cũ" của ngày hôm nay.
Cánh đồng hoang là bộ phim chiến tranh thể hiện cho tinh thần "dựa vào sức dân mà đánh Mỹ", một bản anh hùng ca của chiến tranh du kích, tạo nên đối lập giữa sự thô sơ và vũ khí hiện đại.
Tuy nhiên, những thông điệp có phần tuyên truyền này được lồng ghép trong một câu chuyện giản dị đầy sức sống, tạo nên một bản anh hùng ca vừa trữ tình vừa bi tráng.
Thúy An trong vai Sáu Xoa.
Ý tưởng độc đáo của Nguyễn Quang Sáng
Có lẽ đó chính là nguyên nhân khiến Cánh đồng hoang trở thành một kiệt tác kinh điển, phần nào thoát được sự rao giảng, ca ngợi một chiều hay trở thành chiếc loa tuyên truyền cho việc ta thắng địch thua, ta tốt địch xấu và được công nhận ở tầm quốc tế.
Sức sống lâu bền của Cánh đồng hoang bắt đầu từ ý tưởng và bối cảnh độc đáo của nó. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tác giả kịch bản của bộ phim, kể lại trong một bài báo của ông rằng ý tưởng của phim nảy sinh trong đầu ông từ năm 1966.
"Từ Hà Nội vượt Trường Sơn, tôi về chiến trường Đồng Tháp Mười, tôi theo giao liên trên chiếc xuồng qua bao nhiêu cánh đồng vào mùa nước nổi. Đây là một chiến trường rất đặc biệt. Một chiến trường không có núi non, rừng thì rừng tràm, từng cụm lưa thưa".
"Chiến sĩ cán bộ đều sống trên chiếc xuồng lênh đênh trên mặt nước. Không hầm hố tránh bom đạn. Nước là một cộng sự mênh mông. Tránh pháo, tránh bom, tránh rốc két từ trực thăng bắn xuống chỉ có một cách duy nhất là lặn" (Ba chữ S của Cánh đồng hoang - Báo Lao Động)
Ông viết tiếp: "Dân Đồng Tháp ai mà không biết bơi, biết lặn, biết chèo, biết chống. Tôi là dân đồng nước, mọi chuyện đó với tôi là sự thường. Nhưng những đứa nhỏ một hai tuổi thì sao? Nhà nào có con nhỏ, thì cha mẹ đã có sẵn bao nylon".
"Bom đạn tới thì cha mẹ bỏ đứa nhỏ vào bao nylon nhận nó xuống nước, bom đạn dứt thì trồi lên, mở miệng bao nylon cho nó thở. Nhìn đứa nhỏ được cha đưa ra khỏi bao nylon, mặt nó ngơ ngơ ngác ngác, tôi bần thần, bị ám ảnh rất lâu".
Sự ám ảnh đó được ông thể hiện trong một kịch bản phim với những chất liệu sống động, những nhân vật giàu sức sống và thể hiện vẻ đẹp giản dị hồn hậu nhưng cũng quật cường bất khuất của người dân Nam Bộ.
Chất liệu kịch bản ấy qua bàn tay đạo diễn của Hồng Sến, người vốn xuất thân là một nhà quay phim và đã từng thành công với Mùa gió chướng (cũng với kịch bản của Nguyễn Quang Sáng) trước đó một năm, giúp bộ phim trở thành một bản anh hùng ca giản dị và trữ tình qua diễn xuất của hai diễn viên Lâm Tới (vai Ba Đô) và Sáu Xoa (Thúy An).
Sự ăn ý ấy còn được hỗ trợ bởi nhà quay phim Đường Tuấn Ba và phần âm nhạc vừa hào hùng vừa trữ tình của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tất cả những con người tài hoa ấy đã cống hiến hết sức sáng tạo của họ, biến Cánh đồng hoang trở thành một tác phẩm điện ảnh có thể nói là hoàn hảo nhất của một thế hệ những nhà làm phim cách mạng Việt Nam.
Bộ phim thể hiện tinh thần hồn hậu, hào sảng của người dân Nam Bộ.
Tinh thần của người Nam Bộ
Cánh đồng hoang vào phim rất giản dị và tự nhiên nhưng thể hiện ngay được tinh thần hồn hậu, hào sảng của người dân Nam Bộ. Màn hò hát đối vừa chòng ghẹo vừa giao duyên giữa Ba Đô (Lâm Tới đóng) và Sáu Xoa (Thúy An) duyên dáng và hài hước, thể hiện họ là hai người nông dân Đồng Tháp Mười sống trên sông nước.
Họ là một cặp vợ chồng trẻ có một đứa con nhỏ vài tháng tuổi. Gia đình nhỏ hạnh phúc của họ sống trong một căn chòi lá giữa cánh đồng hoang mùa nước nổi mênh mông. Nhưng họ không chỉ là một cặp vợ chồng nông dân Nam Bộ bình thường mà còn làm nhiệm vụ giao liên, che chở và đưa cán bộ cách mạng qua cánh đồng hoang, tránh khỏi sự bố ráp của máy bay trực thăng Mỹ.
Bối cảnh và không gian của bộ phim thực sự đặc sắc, giúp người xem vừa có một hình dung cụ thể vừa có nhiều góc nhìn quan sát khác nhau. Trên cái nền bối cảnh giữa cánh đồng hoang bát ngát không nơi ẩn nấp ấy, vợ chồng Ba Đô sẽ sống như thế nào?
Và giữa ba tầng không gian: trên không (máy bay trực thăng của Mỹ), trên mặt nước (căn chòi hay chiếc thuyền của vợ chồng Ba Đô), dưới mặt nước (nơi ẩn nấp duy nhất khỏi sự bố ráp của máy bay và súng đạn của lính Mỹ), đạo diễn sẽ kể như thế nào để làm bật lên được sự đối lập trong một cuộc chiến không cân sức giữa sự thô sơ và vũ khí hiện đại, giữa những con người bình dị và những cỗ máy tối tân luôn tìm cách săn lùng và tiêu diệt họ?
Làm thế nào để kể một câu chuyện đau thương mất mát nhưng vẫn hồn hậu, đầy sức sống và thể hiện được vẻ đẹp, đời sống sinh hoạt hay chất trữ tình, lãng mạn của người dân Nam Bộ?
Ngay từ những cảnh ở phần đầu của bộ phim, đạo diễn đã cho thấy sự tài hoa trong nghệ thuật kể chuyện của ông. Ba Đô làm nhiệm vụ giao liên, kết nối với những chiến sĩ cách mạng. Sáu Xoa ở nhà chăm con, đợi đến khi chồng trở về thì để chồng trông con để ra cánh đồng mùa nước nổi bắt cá.
Trong một lần bị máy bay Mỹ phát hiện và bố ráp, chúng ném bom làm tan tác chiếc thuyền của Sáu Xoa. Ba Đô cũng sợ máy bay Mỹ phát hiện nên đưa con ngồi trong chiếc thau nhựa và giấu con trong một bụi cỏ lau.
Khi máy bay Mỹ vừa bay khỏi tầm mắt, Sáu Xoa trồi lên khỏi mặt nước, lo lắng chạy về nhà vì sự an nguy của chồng con. Nhà quay phim Đường Tuấn Ba ngồi trên thuyền, sử dụng một cú máy travelling cầm tay đầy sáng tạo để mô tả cuộc sum họp của gia đình họ trong tiếng gọi vang vọng và tiếng cười giòn giã của cả hai.
Những cú máy travelling cầm tay này còn được thể hiện trong nhiều khuôn hình đặc sắc khác, khi thì một khuôn hình toàn cảnh mô tả cảnh Sáu Xoa tìm đường lẩn trốn với hậu cảnh là chiếc máy bay Mỹ đang ráo riết săn lùng với những đợt sóng lúa, cỏ dại ngã nghiêng trên mặt nước, khi thì quay cảnh Ba Đô bắt được một con trăn và cầm đuôi nó quay vòng tròn trên đầu.
Cảnh máy bay Mỹ săn lùng được thể hiện đầy ấn tượng.
Và sự đối lập dữ dội giữa hai thái cực sinh tử ấy được thể hiện sau đó trong một đoạn phim xuất sắc nhất trong phim chiến tranh Việt Nam. Trước sự nguy hiểm tính mạng của đứa con, Ba Đô cho đứa con vào túi ni lông và dìm xuống nước đợi cho máy bay Mỹ rời khỏi.
Nhà quay phim Đường Tuấn Ba thể hiện nhiều góc máy khác nhau: có khi là một cú máy từ trên trực thăng trên cao xuống để mô tả cảnh săn lùng ráo riết của máy bay Mỹ ở tầm thấp, khi thì một cú cận cảnh để thể hiện cảnh "đường cùng" của Ba Đô khi cho con vào túi ni lông dìm xuống nước. Đây là cảnh quay thật hoàn toàn.
Sau 40 năm vẫn gây xao xuyến
Đường Tuấn Ba trong cuốn sách Mười bí quyết hình ảnh (tác giả Trịnh Đình Lê Minh, Tủ sách Điện ảnh và NXB Văn hóa Sài Gòn) đã kể lại rằng: "Là con người tôi đã xót xa cho nhân vật, là người cầm máy quay tôi càng thấy xót xa cực độ khi cảnh vợ chồng Ba Đô bồng thằng nhỏ, bỏ vào bao, nhấn xuống nước đến mấy phút đồng hồ".
"Máy bay quần thảo trên đầu và tôi lại cảm nhận hai thái cực đối lập sinh tử: một bên tìm diệt và một bên lẩn trốn để bảo vệ sự sống của chính mình. Nhưng trong hoàn cảnh khốc liệt đó, tâm hồn của anh giao liên và vợ anh vẫn vững vàng, hạnh phúc".
Sự vững vàng, hạnh phúc mà nhà quay phim Đường Tuấn Ba nói đã làm nên giá trị và sức sống lâu bền cho Cánh đồng hoang. Quả thực là vậy, trong một cuộc chiến không cân sức và một hoàn cảnh khốc liệt như thế, ta vẫn thấy sự hạnh phúc sáng bừng trên khuôn mặt của Ba Đô và Sáu Xoa.
Máy quay của Đường Tuấn Ba, dưới sự chỉ đạo của Hồng Sến lúc này lại thiên về cận cảnh và đặc tả để mô tả vẻ đẹp hồn hậu trên gương mặt của cả hai. Sự rắn rỏi, hào sảng Nam Bộ của Ba Đô thể hiện qua những cảnh anh chơi đùa với con, leo lên cây để theo dõi máy bay giặc, bắt một chú trăn lớn và quay mòng mòng trên đầu.
Trong khi đó, với Thúy An, lúc này mới ngoài 20 tuổi và là vợ của đạo diễn Hồng Sến, máy quay trở nên chăm chút để đặc tả vẻ đẹp đầy sức sống của Sáu Xoa, lúc thì nụ cười bẽn lẽn, lúc thì đôi mắt ầng ậng nước khi bị chồng cho một cái tát vì tội lơ đễnh để con rơi xuống nước. Dù Lâm Tới gần gấp đôi số tuổi của Thúy An, cả hai thể hiện sự hạnh phúc và tình cảm bình dị của một cặp vợ chồng rất ăn ý.
Niềm hạnh phúc của gia đình nhỏ, đời sống sinh hoạt mùa nước nổi của vùng Đồng Tháp Mười được đặc tả một cách trọn vẹn, khiến bộ phim không đơn thuần chỉ là một bộ phim chiến tranh Việt Nam, mà còn là một tác phẩm mang đậm tinh thần và vẻ đẹp của con người Việt Nam.
Nhưng ngay cả khi mô tả những cảnh trữ tình ấy, đạo diễn cũng cho thấy một chủ ý của ông: cuộc chiến tranh du kích của người Việt Nam sở dĩ thắng vũ khí tối tân và hủy diệt của Mỹ bởi vì tinh thần lạc quan, vẻ đẹp hồn hậu nhưng bất khuất của những con người nông dân bình dị, ngay cả trong sự đau thương mất mát của họ.
Điều này được thể hiện rõ trong đoạn cuối phim khi Sáu Xoa cầm súng đuổi theo để bắn một chiếc trực thăng Mỹ. Bản anh hùng ca trữ tình trên Cánh đồng hoang ấy sau gần 40 năm vẫn khiến người xem hôm nay phải xao xuyến chính là nhờ những giá trị như vậy.
Tất nhiên bộ phim không có những điểm hạn chế gần như khó thoát khỏi của phim chiến tranh Việt Nam: cách mô tả lính Mỹ đơn điệu, một chiều, cách thoại giả tạo (để lính Mỹ nói tiếng Việt lơ lớ), xây dựng nhân vật người Mỹ nặng tính ước lệ và gần như giống nhau trong hầu hết các bộ phim có cùng đề tài.
Cánh đồng hoang là phim duy nhất của điện ảnh Việt Nam giành giải cao nhất tại một LHP quốc tế.
Đạo diễn Hồng Sến cũng nỗ lực để phá bỏ sự hạn chế này khi trong những cảnh cuối, ông xây dựng một nhân vật sĩ quan Mỹ đánh rơi bức hình vợ và con anh ta trong túi áo xuống đất khi máy bay trực thăng của anh ta bị bắn hạ.
Câu thoại "Có những điều ta chưa hiểu hết họ" trong một cảnh phim nói về người Mỹ cũng phần nào cho thấy những người sáng tạo của bộ phim này biết được điểm yếu của họ khi xây dựng những nhân vật phản diện.
Cho dù vậy, sự hạn chế ấy không làm đánh mất giá trị và sức sống lâu bền của Cánh đồng hoang.
Cánh đồng hoang
Hãng phim Giải Phóng. 1h30'
Đạo diễn: Hồng Sến
Kịch bản: Nguyễn Quang Sáng
Quay phim: Đường Tuấn Ba
Âm nhạc: Trịnh Công Sơn
Diễn viên: Lâm Tới, Thúy An, Robert Hải
Giải thưởng: Huy chương vàng (Golden Prize) và giải đặc biệt của Liên đoàn Báo chí quốc tế (Prix FIPRESCI) tại LHP Quốc tế Moscow lần thứ 12 (1981).
Bông sen Vàng LHP VN 1980 cho Phim hay nhất, Biên kịch xuất sắc (Nguyễn Quang Sáng), Nam diễn viên chính xuất sắc (Lâm Tới), Quay phim xuất sắc (Đường Tuấn Ba)...
Theo Zing
Đạo diễn phim chiến tranh Đặng Thái Huyền lần đầu làm phim kinh dị Sau thành công của phim "Người trở về", đạo diễn Đặng Thái Huyền đang chuẩn bị ra mắt bộ phim tâm lý kinh dị mang tên "Lời nguyền gia tộc". Khẳng định tên tuổi với rất nhiều bộ phim về đề tài chiến tranh, đạo diễn Đặng Thái Huyền mới đây đã quyết định chuyển hướng sang thể loại mới trong bộ phim...