Nếu 3 nhà máy điện hạt nhân TQ xảy ra sự cố, VN có bị ảnh hưởng?
Nếu xảy ra sự cố, 3 nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc xây ở gần biên giới với Việt Nam sẽ gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, kinh tế, xã hội của miền Bắc nước ta.
Kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc. Nhà máy đang hoạt động (màu xanh lá cây), đang xây dựng (xanh lam) và trong kế hoạch (đỏ). Nguồn: world-nuclear.org
Mới đây, thông tin từ Bộ khoa học và Công nghệ cho biết, Trung Quốc vừa mới đưa vào vận hành thương mại 7/18 tổ máy của ba nhà máy điện hạt nhân gồm Phòng Thành (Quảng Tây) công suất 1000 MW, Trường Giang (Quảng Đông) 600 MW và Sương Giang (đảo Hải Nam) 650 MW.
Các nhà máy điện hạt nhân này đều nằm gần biên giới phía bắc Việt Nam, gần nhất là Phòng Thành cách Móng Cái(Quảng Ninh) 50 km; nhà máy Sương Giang cách đảo Bạch Long Vĩ khoảng 100 km và nhà máy Trường Giang cách biên giới Việt Nam hơn 200 km.
Nhiều người tỏ ra lo ngại bởi, dù hiện nay công nghệ điện hạt nhân có nhiều cải tiến, an toàn hơn nhưng khi có sự cố xảy ra, hậu quả không chỉ Trung Quốc phải hứng chịu mà sẽ vượt ra ngoài biên giới ảnh hưởng đến Việt Nam.
Video đang HOT
Trong lịch sử ngành năng lượng hạt nhân cũng đã có không ít sự cố xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng. Thảm họa nguyên tử Chernobyl (1986, Ukraina) hay thảm họa Fukushima (Nhật Bản, 2011) đều được coi là thảm họa nguyên tử trầm trọng nhất trong lịch sử ảnh hưởng đến người dân, sự phát triển kinh tế, xã hội.
Chiều 11/10, trao đổi với PV, ông Trần Kim Tuấn – Viện trưởng Viện Kỹ thuật hạt nhân và Vật lý môi trường (Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết, trường hợp khi có sự cố xảy ra, miền Bắc Việt Nam hoàn toàn có thể thành một vùng đất trắng.
“Khi sự cố xảy ra trùng với các đợt gió mùa đông bắc hay những cơn bão ngoài Biển Đông, chất phóng xạ sẽ đổ bộ sang Việt Nam và ảnh hưởng đến toàn bộ miền Bắc gây ra những hậu quả tương tự như Chernobyl hay Fukushima”, ông Tuấn nhận định.
Theo ông Tuấn, việc cần làm ngay của cơ quan chức năng Việt Nam là sớm hoàn thiện các hệ thống quan trắc, cảnh báo phóng xạ để đề phòng; thiết lập cơ chế thường xuyên trao đổi với các nước láng giềng về an toàn hạt nhân; phổ biến các kiến thức cần thiết về sự cố hạt nhân cho người dân; khi phát hiện sự cố, cơ quan chức năng cần thông báo kịp thời tới cộng đồng…
Ông Tuấn cho biết thêm, thường các nhà máy điện hạt nhân được xây dựng ở gần các sông, biển để tận dụng tài nguyên nước và thuận tiện trong việc đi lại, vận chuyển nguyên vật liệu. Vì vậy, Trung Quốc xây 3 nhà máy điện hạt nhân gần biên giới Việt Nam ở các vị trí gần đảo Hải Nam, ven Biển Đông hay vịnh Bắc Bộ không có gì lạ.
Hơn nữa, không chỉ có 3 nhà máy Phòng Thành, Sương Giang, Trường Giang mà Trung Quốc hiện cũng đang chủ trương xây dựng nhiều nhà máy điện hạt nhân khác để phục vụ nhu cầu tất yếu của người dân.
“Điện hạt nhân đang được nhiều nước trên thế giới khai thác và sử dụng. Với một đất nước phát triển như Trung Quốc thì đó là điều hết sức bình thường. Khi có sự cố, đất nước và con người nước họ sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên nên tôi nghĩ họ sẽ đảm bảo an toàn ở mức tối đa”, ông Tuấn nói.
Theo Triệu Quang (Dân Việt)
Trung Quốc định xây nhà máy điện hạt nhân nhỏ nhất thế giới ở Biển Đông
Viện Công nghệ An toàn Năng lượng Hạt nhân thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc đang phát triển nhà máy điện hạt nhân nhỏ nhất thế giới, có thể đặt vừa trong một container vận chuyển bằng đường thủy và có thể được lắp đặt trên một hòn đảo ở Biển Đông trong vòng 5 năm tới.
Theo báo South China Morning Post ngày 11.10, mặc dù lò phản ứng làm mát bằng chì này có kích cỡ nhỏ, có thể đặt vừa vào container vận chuyển dài khoảng 6,1 m và cao 2,6 m, song nó có khả năng sản xuất 10 megawatt nhiệt năng, và nếu được chuyển hóa thành điện năng thì có thể đủ để cung cấp cho khoảng 50.000 hộ gia đình.
Lò phản ứng này có thể hoạt động liên tục trong nhiều năm, thậm chí hàng chục năm mà không cần nạp thêm nhiên liệu. Các nhà khoa học cho biết do lò phản ứng này không thải ra khói hoặc bụi nên người dân khó có thể phát hiện sự tồn tại của nó, dù là được đặt trên một hòn đảo nhỏ.
Công trình nghiên cứu trên được Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc tài trợ một phần. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc thừa nhận công nghệ mà họ sử dụng tương tự với một lò phản ứng nhiệt loại nhỏ được làm mát bằng chì mà lực lượng Hải quân của Liên Xô trước đây sử dụng trong các tàu ngầm hạt nhân của họ trong những năm 1970.
Mô hình xây dựng của một nhà máy điện hạt nhân.
Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ có thể là nước đầu tiên sử dụng công nghệ quân sự như vậy trên mặt đất. Hiện Trung Quốc cũng đang xem xét chế tạo các nhà máy điện nổi kích thước nhỏ bằng công nghệ thông thường để sản xuất điện cho các hòn đảo ở Biển Đông.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là vị trí mà Trung Quốc đặt lò phản ứng hạt nhân này trên Biển Đông, nếu đó là những hòn đảo không thuộc chủ quyền của Trung Quốc, Bắc Kinh vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của các nước có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên Biển Đông. Hiện nay, Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền phi lý gần như toàn bộ Biển Đông bằng cái gọi là "đường lưỡi bò", hòng âm mưu độc chiếm vùng biển quốc tế có giá trị giao thương 5 tỷ USD mỗi năm này.
Ngoài ra, việc đặt lò phản ứng hạt nhân ở Biển Đông cũng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường biển như chất thải phóng xạ không chỉ ảnh hưởng đến các quốc gia lân cận mà còn lan rộng khắp thế giới thông qua các dòng hải lưu mạnh mẽ của khu vực.
Đây là loại lò phản ứng thường được biết đến như một lò phản ứng nhanh, vì nó sử dụng neutron tốc độ cao để phân chia các nguyên tử nhiên liệu. Một lò phản ứng nhanh có một số lợi thế đáng kể so với các lò phản ứng bình thường. Các tế bào thần kinh nhanh chóng có thể chia các nguyên tử của gần như tất cả các vật liệu phân hạch, bao gồm cả các chất thải còn lại của các nhà máy nhiệt điện truyền thống, do đó làm tăng đáng kể hiệu quả nhiên liệu.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, Trung Quốc rất khó để đưa ra lý lẽ thuyết phục công chúng rằng nó an toàn, chưa kể đến việc nếu xây dựng trái phép trên Biển Đông là đi ngược lại với luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).
Theo Danviet
Campuchia sẽ là cường quốc ở Đông Nam Á? Campuchia đang phải dựa rất nhiều vào nhiên liệu và điện nhập khẩu từ nước láng giềng Thái Lan và Việt Nam. Nhu cầu sử dụng năng lượng tại Vương quốc Campuchia ngày càng tăng theo đà phát triển kinh tế và giá thành điện năng của Campuchia hiện đang rất cao do nguồn năng lượng trong nước không đáp ứng đủ. Nhằm...