Nét thêu hào hoa trên đất cố đô
Tự hào là mảnh đất cố đô thanh bình, đến nay, Hoa Lư, Ninh Bình vẫn còn giữ nguyên vẹn căn cốt hồn hậu của một vùng đất thuần Việt, tài hoa.
Có lẽ, không ở đâu có một làng nghề đặc biệt như làng nghề thêu ren Văn Lâm, xã Ninh Hải. Người nông dân ở đây vẫn đang bám ruộng cày cấy nông nghiệp, nhưng không bỏ nghề thủ công truyền thống của làng.
Thợ thêu Văn Lâm vào mùa thêu hàng xuất khẩu. Ảnh: TTH
Vẫn những bàn tay thô sần, chai sạn hằng ngày cầm cày, cầm cuốc, thợ thêu đất cố đô lại có thể cầm chiếc kim thêu nhỏ xíu múa lượn trên vải để làm ra những đường thêu tuyệt kỹ.
Cái cốt được những thợ thêu Văn Lâm vẽ ra trên vải để thêu lên trên đó những đường thêu tinh tế đủ sắc màu chẳng có gì ngoài núi non, sông nước, cây cầu, mái đền, biển trời, đầm nước, thậm chí là cụm di tích Hoa Lư, đền thờ vua Đinh, vua Lê là những hình ảnh rất đặc trưng của một vùng sơn thanh thủy tú, non nước hữu tình Ninh Bình. Đặc biệt là hình ảnh chân dung của những bà mẹ quê với nét mặt hồn hậu – đặc trưng nghệ thuật dân gian mà những người nông dân, nghệ nhân thêu tay ở Văn Lâm đã chuyển tải vào bức tranh được khách du lịch nước ngoài rất ưa thích.
Nằm ngay ở đầu bến sông Ngô Đồng – điểm khởi hành tuyến du lịch Tam Cốc, Bích Động nên hộ dân nào ở Văn Lâm cũng có thêm nghề chèo đò đưa khách tham quan. Vào mùa vắng khách có khi cả tháng mới đến lượt hạ thuyền, nhưng họ cũng xem đó là một nghề. Vậy là nông dân Văn Lâm, không những làm nông, thêm nghề thêu ren truyền thống, còn làm thêm du lịch, dịch vụ. Một điều hấp dẫn khách du lịch đến Tam Cốc là du khách còn có thể thăm thú làng nghề thêu ren này, tận mắt thấy những cô lái đò trong lúc chờ đợi khách tham quan nhìn ngắm cảnh đẹp thì lấy vải và chỉ ra tranh thủ thêu thùa. Điều ngạc nhiên với họ là những người nông dân chân đất, áo thô chỉ ngơi tay chèo thuyền là lại lấy khung thêu, chăm chú từng đường kim, mũi chỉ để làm ra những sản phẩm mỹ miều, đẹp như những món đồ trưng trong lầu son gác tía.
Tôi có dịp ngồi cạnh những người thợ thêu ở Văn Lâm, nhìn ngắm không chán mắt những họa tiết bằng chỉ màu mịn màng hiện lên dưới bàn tay quê mùa của những người thợ. Một thợ thêu chân chỉ hạt bột của Văn Lâm khi xưa, chị Lê Thị Mai đã lấy chồng ở làng bên, nhưng hằng ngày đều quay về làng cũ để làm nghề. Tay quen cầm kim rồi, chị Mai nói, có ngày nào không làm thì nhớ, nhớ cả bạn nghề, cho nên cứ ra đây ngồi, có chị có em cũng vui, mặc dù thu nhập chỉ đủ thêm thắt cho bữa cơm của chồng con mà thôi. “Bọn tôi ở đây cứ gọi nghề thêu ren này là nghề “ngáo ngơ”, làm lúc nông nhàn, vốn bỏ ra chỉ có 200 đồng mua một cây kim rồi đi thêu thuê. Ấy vậy mà mẫu khó mấy bọn tôi cũng làm được. Chỉ nhìn màu sắc, nhìn hình vẽ rồi thêu lên y hệt như mẫu đã đưa” – chị Mai nói. Tôi nhìn chị thoăn thoắt xâu kim rồi xuyên những đường kim mạnh mẽ, dứt khoát kéo chỉ qua tấm vải căng dày mới hay, dù quan niệm nghề thêu ren là nghề khuê các, thanh cảnh, nhẹ nhàng, nhưng chỉ có yểu điệu thôi chắc sẽ không thể làm được công việc đó.
Văn Lâm là một làng nghề không bị thôi thúc bởi miếng cơm manh áo. Nghề thêu ren cũng không phải là nghề sống còn của người dân Văn Lâm. Có thể vì thế, giờ đây, làng nghề này vẫn không thể bứt phá để tạo một bước nhảy vọt trong thời điểm mà hàng thủ công mỹ nghệ được ưu ái nhiều chính sách đầu tư và bảo hộ. Hơn nữa, thị trường trong nước và nước ngoài đang có dấu hiệu quay lại với hàng hóa làm bằng tay vì sức hút từ sự tinh tế, độc chiếc của loại hàng hóa này.
Video đang HOT
Ở Văn Lâm hiện nay vẫn tồn tại vài cơ sở sản xuất nhỏ chuyên sản xuất hàng thêu ren cao cấp gồm các loại khăn, vỏ chăn gối, vải trang trí để xuất khẩu sang thị trường Âu, Mỹ. Mỗi cơ sở thế này không bao giờ hết việc và thường duy trì khoảng 50 lao động làm thường xuyên. Các chủ doanh nghiệp sẵn sàng chịu lỗ một vài đơn hàng để lao động trong doanh nghiệp có hàng để làm, cũng là để duy trì nghề của làng. Thợ thêu giỏi mấy cũng cần quen tay hay làm. Đối với người làm nghề liên quan tới nghệ thuật, dù là nghệ thuật dân gian cũng cần được phát huy nét tài hoa, nếu không sản phẩm sẽ thô vụng, hỏng mất cái hồn của nghề.
Tuyến du lịch Tam Cốc – Bích Động nằm bên cạnh làng thêu ren Văn Lâm. Ảnh: TTH
Sáng tạo cần có nhất của làng nghề Văn Lâm là phải tìm ra lối đi riêng cho sản phẩm của mình. Hàng thêu Văn Lâm là sự giao thoa của hai dòng văn hóa chảy vào, một là những mũi thêu đâm xô, mũi thêu vặn xoắn, thưa, dày… truyền thống. Hai là kỹ thuật đan vải, đột lỗ xuất phát từ Pháp, du nhập vào nước ta thời kỳ trước. Vì được kết hợp cả hai kỹ thuật tinh xảo này mà hàng thêu của Văn Lâm rất đẹp, hơi hướng cổ điển và thanh thoát. Tuy thế, vượt lên được việc sản xuất hàng giá rẻ thông thường là tranh thêu trang trí nhà cửa bình dân đã là một bước tiến của làng nghề. Nghề thêu ở đây là tinh hoa của dân tộc, chất chứa trong đó là tâm hồn tinh tế tài hoa, thú thưởng ngoạn của người xưa truyền lại, không những phải bảo tồn mà còn phải lưu truyền mãi mãi.
Thụy Văn
Theo bienphong.com.vn
Homestay nằm ở 'thâm sơn cùng cốc' Ninh Bình
Những căn bungalow được xây cạnh bên vách núi, bao quanh là cây cối xanh um thu hút du khách trong và ngoài nước.
Chezbeo Valley Bungalows, homestay nằm ở 'thâm sơn cùng cốc' Ninh Bình
Chezbeo Valley Bungalows toạ lạc trong làng Khả Lương, Hoa Lư, Ninh Bình, cách trung tâm Hà Nội khoảng 130 km. Để vào đến homestay, bạn sẽ băng qua những cánh đồng lúa bát ngát, nơi có nhiều nông dân đang làm việc trước khi bắt gặp ao sen rộng lớn. Ảnh: Chezbeo.
Lối vào khu nghỉ Chezbeo Valley Bungalows là một cây cầu dài làm bằng tre nứa. Đây cũng là vật liệu chủ yếu để xây các căn bungalow. Quản lý homestay cho biết, họ mất hơn một năm để hoàn thành các hạng mục.
Ban đầu, Chezbeo Valley Bungalows có tổng cộng 8 phòng bungalow, trang bị đầy đủ chăn, màn, quạt, đèn... Để có thêm không gian cho khách, cuối năm 2018, chủ nhà cho dựng thêm các phòng dạng "ống cống". Đây cũng là hình thức homestay phổ biến ở nhiều điểm du lịch nổi tiếng cách đây vài năm.
Khu nghỉ mang lại cho khách cảm giác thư thái khi xung quanh đều là cây cối xanh mướt. Được nhiều bạn trẻ ví như "thâm sơn cùng cốc", những căn bungalow ở đây đều được thiết kế nằm cạnh các vách đá lớn hoặc giữa ao nước nông.
Dưới những ao nước, chủ nhà trồng sen, thả vịt. Buổi sớm, thức dậy với hương sen thoang thoảng là trải nghiệm giúp bạn xua tan mệt nhọc. Ảnh: Chezbeo.
Bungalow có nhiều mức giá khác nhau, tuỳ thuộc vào loại phòng khách lựa chọn. Giá mỗi đêm lưu trú từ 150.000 đến 400.000 đồng một người.
Homestay có đầu bếp nấu ăn cho khách. Thực đơn gồm nhiều món, đa phần là món ăn nhanh. Nếu muốn thưởng thức các đặc sản như dê núi, gà... bạn phải gọi để đặt trước.
Khoảng sân chung được bố trí võng, ghế tre để khách có thể ngồi nghỉ ngơi, thư giãn hoặc đọc sách.
Không chỉ là điểm lưu trú, nơi này còn thu hút nhiều du khách có sở thích chụp ảnh. Ngoài ra, homestay nằm sát bên Hang Múa - "Vạn Lý Trường Thành" phiên bản 500 bậc nổi tiếng ở Ninh Bình. Bạn có thể dễ dàng sắp xếp lịch trình khám phá thêm Tam Cốc, Bích Động.
Theo VNE
Lặng ngắm vẻ đẹp mộc của Tam Cốc - Bích Động năm 1991 Tam Cốc - Bích Động (Ninh Bình) cón được mệnh danh là "vịnh Hạ Long trên cạn", là một khu du lịch trọng điểm quốc gia của Việt Nam. Cùng cảm nhận vẻ mộc mạc của danh thắng này năm 1991 qua loạt ảnh do nhiếp ảnh gia Đức Hans-Peter Grumpe thực hiện. Khung cảnh ở bến thuyền du lịch Tam Cốc -...