Nét mới du lịch Ngọc Vừng
Không chỉ có thiên nhiên, cảnh quan tươi đẹp, vài năm trở lại đây, đảo Ngọc Vừng (Vân Đồn) đang dần đổi thay, trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn.
Ngọc Vừng không chỉ nổi tiếng từ lâu với vẻ đẹp hoang sơ mà còn gây ấn tượng và hấp dẫn du khách ngay từ tên gọi. Theo chuyện kể lại, sở dĩ đảo có tên này vì tương truyền, khu vực này xưa kia có nhiều loài trai ngọc quý hiếm, đêm đêm phát sáng cả một vùng trời. Ngày nay, nghề nuôi trai lấy ngọc cũng như phát triển kinh tế biển hàng năm vẫn mang lại nhiều nguồn thu lớn… giá trị như trai ngọc thửa xưa.
Cảnh đẹp, không gian xanh và trong lành trên đảo Ngọc Vừng.
Đảo Ngọc Vừng nằm ngoài khơi vùng vịnh Bái Tử Long, thuộc huyện Vân Đồn, diện tích hơn 45km2, gồm có 8 đảo đất cùng hàng trăm đảo đá lớn. Ngọc Vừng vốn được thiên nhiên ban tặng với cảnh quan phong phú, nguyên sơ với đầy đủ các yếu tố địa lý như: Sông, bãi biển, vụng biển, bến cảng, đồng bằng… tạo nên một vùng đất cảnh quan đa dạng, hài hòa.
Từ xa nhìn vào, Ngọc Vừng xanh mướt, đẹp như dải nhung lụa với các bãi cát trắng như đường viền sáng trắng quanh đảo. Không chỉ giữ nguyên được vẻ đẹp riêng có đó, du lịch Ngọc Vừng nay đã có nhiều đổi thay, khoác lên tấm áo mới với nhiều dịch vụ, trải nghiệm mới mẻ cho du khách.
Điểm nhấn không thể bỏ qua khi du khách tới Ngọc Vừng là bãi biển Trường Chinh trong xanh, cát trắng phẳng lỳ dài gần 3km, rộng gần 200m, được hàng phi lao cao cổ trụ ôm trọn. Đây là điểm tránh nóng, thưởng thức không khí trong lành, ngắm ánh bình minh và ánh hoàng hôn tuyệt đẹp. Nay bãi biển Ngọc Vừng còn có nhiều dịch vụ, hàng quán phục vụ nhu cầu du lịch biển của du khách. Hoặc từ đây du khách có thể thuê xe đạp đôi bắt đầu hành trình khám phá đảo.
Đạp xe dạo mát trên những cung đường rợp bóng cây, tham quan đảo ngọc… là một trải nghiệm thú vị.
Một trong những trải nghiệm thú vị khi đến với Ngọc Vừng là đạp xe qua những con đường rợp bóng mát với hàng cây phi lao cao vút. Điểm mới mà du khách có thể khám phá chính là các di tích lịch sử, văn hóa và cảnh quan làng quê yên bình nay đã khoác lên “bộ áo” đổi mới, xinh đẹp. Từ trung tâm xã đảo, du khách trước hết có thể tham quan ngắm đảo trên cao từ đồi pháo 12,7 ly, Cột cờ quốc gia…Đặc biệt là Khu di tích lưu niệm Bác Hồ trên đảo được quan tâm đầu tư khang trang.
Video đang HOT
Điểm đến tiếp theo chính là thôn Bình Minh, một trong những thôn nông thôn mới tiêu biểu của đảo với diện mạo khác hẳn, đường xá khang trang, rợp bóng hoa, cây cảnh hai bên đường. Ngoài cảnh quan yên bình, bạn có thể tham quan đình Ngọc Vừng, hồ nước ngọt Cẩu Lẩu hoặc tìm hiểu nghề trồng đặc sản khoai lang, củ kiệu trên cát của bà con nơi đây.
Nếu có thời gian bạn có thể trải nghiệm biển Ngọc Vừng bằng cách di chuyển từ cảng cổ Cống Yên, ra khơi ngắm cảnh đẹp đảo Hạ Mai, Vạn Cảnh hoặc đi câu cá mú gầu, mú nhẻm, đi vớt tép… Bên cạnh đó, ẩm thực phong phú và độc đáo trên hòn đảo này cũng luôn là điểm cộng níu chân du khách. Hải sản Ngọc Vừng từ tôm, cá, ốc, mực, cua, ghẹ, sò… đều nổi tiếng thơm ngon. Từ các món ăn dân dã như cháo khoai lang cá khô tới các món lẩu cá mú, gỏi tép… đều được chế biến độc đáo, ngon khó quên.
Bãi biển Trường Chinh buổi sáng sớm.
Hành trình khám phá Ngọc Vừng hiện nay vô cùng thuận lợi. Du khách có thể di chuyển ra đảo bằng tàu cao tốc tuyến Hòn Gai – Ngọc Vừng tại bến tàu khách Hòn Gai (TP Hạ Long) hoặc từ bến tàu Vũng Đục (TP Cẩm Phả) hay cảng Cái Rồng (Vân Đồn). Ra tới đảo du khách có thể yên tâm về phương tiện đi lại với hàng chục xe điện được các hộ dân đầu tư thay xe lam chở khách.
Về ăn, ở, đây không còn là nỗi lo của du khách. Thời gian qua, Ngọc Vừng đã có sự thay đổi diện mạo, nâng cao chất lượng các cơ sở dịch vụ để phục vụ khách du lịch. Ngọc Vừng không ngừng đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng với hơn 100 phòng nghỉ. Đặc biệt, khu nghỉ dưỡng Sông Đà Ngọc Vừng đi vào hoạt động đã cho thấy điểm sáng mới trong việc phát triển du lịch nơi đây.
Nếu bạn muốn có những trải nghiệm mới mẻ tới hòn đảo du lịch tuyệt đẹp với những người dân chất phát, thân thiện, tránh xa những ồn ã đô thị, Ngọc Vừng có thể là một lựa chọn tốt cho bạn trải nghiệm.
Những địa danh liên quan đến giếng ở Quảng Ninh
Với địa hình xen kẽ đồi núi, rừng, trung du và một số đảo trũng lòng chảo đồng chua nước mặn, vấn đề nước ngọt để sinh hoạt và canh tác đối với người dân Quảng Ninh xưa kia là chuyện sống còn. Vì vậy dễ hiểu vì sao, kho tàng địa danh Quảng Ninh có rất nhiều từ liên quan đến 'giếng'.
Giếng Rừng với hai cây lim cổ thụ ở TX Quảng Yên.
Theo kết quả khảo sát của công trình "Địa danh Quảng Ninh xưa và nay" do Hội Văn nghệ dân gian tỉnh thực hiện thì trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 36 địa danh có chữ giếng. Trong đó tên đảo có: Giếng Con, giếng To, giếng Xam (Cẩm Phả), giếng Bối, giếng Tóc, giếng Cối, giếng Cốt, giếng Nắp, giếng Ngọt, giếng Trên (Vân Đồn), giếng Cốt Đèn, giếng Tiền (Hạ Long)...
Đó có thể là tên xóm thôn, khu phố, xã, phường như: Giếng Chanh, Giếng Đá, Giếng Đũ, Giếng Khe, Giếng Máy, Giếng Méo, Giếng Mui, Giếng Mụi (TX Quảng Yên), Giếng Đáy, Giếng Đồn (TP Hạ Long), Giếng Ngói (Tiên Yên), Giếng Mía (TX Đông Triều).
Một số địa danh là tên giếng khơi hiện còn dấu tích như: Giếng Rừng, giếng Chanh, giếng Hệu, giếng Thiên, giếng Cẩm, giếng Vuông, giếng Sở Điện, giếng Sở Kẽm, giếng chùa Bằng, giếng Mới. Trong đó giếng Chanh ở TX Quảng Yên đã đi vào ca dao: " Nước Giếng Chanh vừa trong vừa mát/ Đường Quỳnh Lâu lắm cát dễ đi". Những địa danh giếng còn lại là tên cánh đồng, dòng sông, bến sông, tên hồ, đường phố.
Đặc biệt, có địa danh như Giếng Cối vừa là tên đảo trên Vịnh Hạ Long, tên ghềnh thuộc TP Hạ Long xưa có tên cũ là Đầu Phướn, tên thôn thuộc xã Bản Sen (Vân Đồn) vừa là tên một hồ nước thuộc xã Vĩnh Thực (Móng Cái). Giếng Nước vừa là tên vũng ở Vân Đồn có tên cũ là Sủi Chẻng, tên sông ở xã Hiệp Hòa, TX Quảng Yên; tên sông ở Hoàng Tân (TX Quảng Yên).
Một chiếc giếng cổ được phục dựng tại Di tích địa điểm khai thác than đầu tiên của Việt Nam ở TX Đông Triều.
Là huyện đảo nên Vân Đồn có nhiều địa danh có liên quan đến giếng, trong đó có 4 địa danh là tên đảo: Giếng Bối Tóc, Giếng Nắp, Giếng Ngọt và Giếng Trên. Tất cả đều là địa danh do người Pháp gọi. Giếng Cốt và Giếng Cối lại là hai khu dân cư ở Bản Sen, Giếng Nước là tên vũng.
Đặc biệt nhất vẫn là Giếng Hệu ở xã đảo Quan Lạn đã đi vào ca dao: " Ra đi tóc mới chấm vai/ Gội đầu giếng Hệu tóc dài ngang lưng". Giếng Hệu thực ra là giếng Hợi do dân địa phương đọc chệch đi mà thành Hệu. Giếng còn có các tên gọi khác là giếng Ngọc, giếng Nàng Tiên hay giếng Nước Mắt.
Truyền thuyết dân gian kể rằng, xưa kia có một đôi yêu nhau thường ra bên giếng tình tự. Nhưng rồi họ chưa kịp lấy nhau thì chàng trai phải ra trận chiến đấu chống quân xâm lược phương Bắc. Cô gái đợi chờ mòn mỏi đêm đêm ra thành giếng nhớ thương khóc cạn nước mắt. Mắt cô đã không còn nhìn được nữa.
Nhiều năm sau chàng trai quay về họ lại đưa nhau ra bên giếng kể chuyện về những tháng ngày xa cách. Một dòng nước mát lạnh từ đáy giếng phun lên mặt họ. Mắt cô gái bỗng sáng lại. Từ đó người ta gọi là Giếng Nước Mắt.
Về lịch sử giếng này có từ bao giờ thì không còn thư tịch nào ghi chép cả. Tương truyền, giếng được đào từ thời Lý để phục vụ nước ngọt cho các thuyền buôn ở Thương cảng Vân Đồn.
Giếng Mụi ở phường Cộng Hòa, TX Quảng Yên.
Không chỉ có riêng giếng Hệu mà do bám trụ với biển cho nên người dân xã Quan Lạn rất coi trọng giếng khơi. Giếng để lấy nước sinh hoạt, nước tưới, đặc biệt có những cái giếng chỉ dùng lấy nước để tắm tượng.
Giếng Chổi nằm ngay trên đường dẫn từ bến tàu Quan Lạn vào sâu trong đảo, một bên là cánh rừng ngập mặn với bãi sú, cách một con đường đất đỏ là đến giếng. Sân giếng được lát gạch, lòng giếng sạch. Giếng gần biển nhưng nước giếng vẫn ngọt và tràn trề, đầy ăm ắp.
Tương truyền vào mỗi buổi chiều, khi hoàng hôn xuống, người làng đến gánh nước thì từ lùm cây cạnh giếng lại có một chú đười ươi nhảy ra túm lấy tay gầu. Đười ươi ngửa mặt lên trời cười cho đến khi mặt trời khuất núi mới chịu buông tay ra để dân làng gánh nước về. Sau này đười ươi già, chết, người làng mỗi khi gánh nước về tắm tượng thì đều phải khấn đười ươi.
Vì có đười ươi nên trước kia, người trong làng phải tranh thủ sáng sớm hoặc khuya muộn để gánh nước, mang về chứa trong ang sành để dùng dần. Vào ngày lễ hội làng Quan Lạn những người có chức sắc trong làng sẽ múc nước từ một trong các giếng cổ trong làng để tắm tượng vua Lý Anh Tông và các vị thần được thờ trong đình.
Cách giếng Chổi chừng 500m là giếng Ruộng, gọi tên như vậy vì nó nằm giữa một cánh đồng. Người ta còn xây gần giếng Ruộng một cái bể hàng chục mét khối để trữ nước. Máy bơm lắp trực tiếp vào trong giếng, bơm vào bể, từ đây bơm về các hộ gia đình trong làng.
Giếng Mụi là tên một khu phố thuộc phường Cộng Hòa, TX Quảng Yên.
Bên cạnh đó còn có giếng Đình hay còn gọi là giếng Rùa Vàng ở thôn Sơn Hào gắn với truyền thuyết rùa vàng nơi đáy giếng bên cạnh đình làng. Giếng Chùa ở chùa Linh Quang thôn Đoài có tuổi đời hơn 100 năm bị lấp vào năm 2006. Sau đó, người ta đào ở gần giếng cũ một chiếc giếng tương tự mô phỏng giếng Chùa khi xưa.
Như vậy, các địa danh nói trên dù là chỉ giếng khơi hay gọi tên đất, tên làng, tên sông, tên núi thì cũng đều liên quan đến nước. Có những chiếc giếng cổ đã được khơi mạch hàng trăm năm nay hiện vẫn tồn tại như minh chứng cho sức sống mãnh liệt của người Quảng Ninh trước sóng gió biển khơi mặn mòi. Đó có thể coi là những bảo tàng thiên nhiên, những nhân chứng cho một vùng đất trải qua bao biến thiên của lịch sử.
Ngắm loạt ảnh 'siêu xịn' dưới đây có khiến bạn muốn ghé thăm Thảo Cầm Viên một lần? Các loài động vật ở Thảo Cầm Viên bỗng mang một vẻ đẹp rất khác qua loạt ảnh chụp động vật được đăng tải trên trang facebook Skye & Miles. Đối với nhiều người dân Sài Gòn, hình ảnh về một vườn thú rộng lớn rợp bóng cây xanh tọa lạc dọc theo con kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dường như đã...