Nét đẹp trang phục truyền thống của phụ nữ Dao Thanh Y ở Hải Hà
Huyện Hải Hà có 11 dân tộc anh em sinh sống, trong đó có đồng bào người Dao Thanh Y sống tập trung ở các xã Quảng Đức, Quảng Sơn, Quảng Thành, Quảng Minh, Quảng Thịnh…
So với các dân tộc khác thì người Dao Thanh Y còn giữ được nhiều nét bản sắc của mình, trong đó, trang phục truyền thống của phụ nữ Dao Thanh Y là một bản sắc riêng.
Khi xưa, nghệ thuật thêu của phụ nữ Dao Thanh Y đều theo cách “mẹ truyền con nối” chứ không có sách vở nào dạy. Vải trắng thô mộc ban đầu sẽ được nhuộm bằng củ nâu, giúp cho vải bền chắc sợi và tạo một màu nền thật đanh, sau đó được nhuộm tiếp lần hai hay nhiều lần khác bằng chất màu tự nhiên tạo ra từ lá hoặc rễ cây rừng đặc biệt. Như vậy, vải sẽ ra được màu chàm đậm đều đặn chứ không loang lổ đậm nhạt. Ngày nay, với sự phát triển của công nghiệp dệt nhuộm, của dịch vụ may đo và thêu thùa, trang phục truyền thống trở thành một thứ hàng hóa có thể mua bán chứ không phải là sản phẩm tự cung tự cấp như xưa nữa.
Thiếu nữ Dao Thanh Y thêu khăn đội đầu. Ảnh: Nguyễn Tuấn Anh
Các thành tố trong trang phục truyền thống của phụ nữ Dao Thanh Y thường bao gồm: Yếm, áo, quần, khăn đội đầu, chụp tóc, dây đai, xà cạp, tua hồng, chùm hạt… Tuy rằng mỗi nhóm Dao Thanh Y ở các địa phương khác nhau có thể thêm bớt hay thay đổi chút. Ở huyện Hải Hà, trang phục truyền thống của phụ nữ Dao Thanh Y được giữ khá nguyên vẹn đầy đủ các bộ phận cấu thành từ rất lâu, thậm chí tục vấn tóc cũng được giữ nguyên một cách độc đáo trong khi nhiều nơi khác đã biến tấu thành đội mũ đen trang trí chỉ hồng tượng trưng cho tóc vấn chỉ hồng khi xưa.
Phụ nữ Dao Thanh Y ở Hải Hà vốn không dùng mũ đội đầu mà dùng chụp tóc, họ để tóc dài quá vai trở xuống, rẽ ngôi giữa, vấn tóc xung quanh đầu rồi cột lại thành búi trên đỉnh đầu bằng một cái chụp. Chụp tóc được quấn từ loại sợi to như cây nhang se từ một loại dây rừng, quấn theo hình nón gọt đỉnh hay hình bát úp. Trên đỉnh chụp tóc gắn chóp là một ngôi sao 8 cánh bằng bạc có núm, xung quanh nó đính các hình ngôi sao nhỏ bằng bạc, xếp tựa như hàng vẩy để trang trí búi tóc đẹp mắt, phía trong chụp tóc luồn hai dây quai nhỏ để buộc chặt búi tóc không cho xõa ra. Phía trên chụp tóc phủ một chiếc khăn đội đầu được thêu tỉ mỉ rất đẹp mắt. Đó vốn là một vuông vải trắng thêu bằng 2 màu chủ đạo đỏ và đen, màu đen được thêu làm nền còn màu đỏ để thêu hoa văn, mép khăn để một biên vải giữ nguyên không thêu. Hoa văn của khăn đội đầu được thêu theo các khuôn hình vuông thu nhỏ dần từ ngoài vào trong, giống như hình cung thành của vua chúa ngày xưa. Sự vuông vắn, chính xác của các “vòng thành” đòi hỏi phải kẻ vẽ cố định trước khi thêu, còn những phần thêu khác gần như tự phóng tác theo cảm xúc và tri thức mỗi người. 4 góc “thành” trong cùng thêu hình Õ28; (chữ vạn). Chính giữa khăn thêu hình ngôi sao 8 cánh. Khăn đội đầu phủ lên trên phần chụp tóc và được buộc bằng hai dây song hành theo phần tóc mai xuống cằm giống như buộc quai mũ vậy, hai bên góc khăn buộc dây quai cũng đồng thời đính liền hai chùm hạt đính các sợi tua đỏ hồng hoặc ngũ sắc.
Phụ nữ Dao Thanh Y thích thêu yếm không kém gì thích thêu khăn đội đầu. Yếm là một vuông vải màu chàm nhỏ 30cm x 30cm đính dây buộc. Nửa trên của yếm đáp vải đỏ, đen và mảng hoa văn đã được thêu sẵn trên nền vải trắng. Về hình dạng, chiếc yếm nào cũng giống nhau, nhưng hoa văn thêu trên yếm thì tùy theo sự khéo léo và trí tưởng tượng mỗi người. Khi xưa chiếc áo yếm này được mặc ngay phía trong của áo tứ thân, những năm gần đây các bạn trẻ theo model mới đã mặc thêm áo sơ mi trắng bẻ cổ ra ngoài áo tứ thân, phía trong áo sơ mi mới là áo yếm. Dù mặc áo yếm theo kiểu cũ hay mới thì phần thêu của áo yếm vẫn được lộ ra một cách tinh tế và duyên dáng, vừa khoe được vẻ đẹp của áo, lại vừa khoe được độ khéo tay của phụ nữ Dao Thanh Y.
Video đang HOT
Phụ nữ Dao Thanh Y ở Quảng Đức (Hải Hà). Ảnh: Duy Thái
Chiếc áo dài tay trong bộ trang phục truyền thống phụ nữ Dao là loại áo may kiểu tứ thân mở ngực, xẻ tà, nhuộm màu chàm đậm. Áo không khoét cổ, tự vạt áo vắt chéo nhau tạo thành cổ mở chữ V. Viền cổ liền với viền vạt áo, nhưng đã có sự phân biệt rõ ràng giữa cổ áo và phần viền vạt còn lại nhờ nẹp vải trắng thêu họa tiết xanh-đỏ bên ngoài viền cổ. Nẹp cổ cũng có thể may đáp bằng vải hoa giống như phần vải đáp ở cổ tay áo. Cuối nẹp đó còn khâu đính hai chùm tua hạt làm nổi bật trang phục. Viền vạt áo dùng vải đỏ hay vải in hoa. Thân trước ngắn hơn thân sau, hai vạt trước một bên dài, một bên ngắn, bên phải dài hơn tầm 25-30cm. Độ dài của vạt áo trước dài đến tầm đầu gối, vạt bên trái dài qua phần hông một chút. Còn phần thân sau dài đến tầm cổ chân. Kiểu vạt lệch này rất đặc biệt khiến cho chiếc áo giống như chiếc váy cách điệu vậy. Cửa tay áo may ghép vải đỏ, nay nhiều người thay bằng vải hoa, thường là hai khoanh vải hoa xanh và đỏ nối nhau từ dưới khỉu tay đến cửa ống tay.
Nhiều người nhầm lẫn áo của phụ nữ Dao Thanh Y có hai loại áo ngắn và áo dài, nhưng thực ra chỉ có duy nhất một mẫu áo dài. Hàng ngày mặc như nào, lễ hội mặc như thế, chỉ khác là ngày lễ thì mặc áo mới. Cách mặc trong ngày lễ hay trong lao động thường ngày đều gấp vạt áo dài dắt lên phần eo có thắt đai nên nhìn như áo ngắn. Còn cách mặc buông vạt xuống trông như một thể loại áo dài là do các bạn trẻ mặc kết hợp với quần bó cho hợp mốt mới chứ truyền thống không có như vậy! Khi mặc áo, người ta vắt thân bên trái qua thân bên phải rồi buộc dây lưng ra bên ngoài, không dùng kim băng hay cúc bấm gì cả, tiếp theo là kéo vạt áo lên giống như sơ vin vào dây đai làm sao cho thân áo vuông vắn thẩm mỹ là được.
Quần của phụ nữ Dao Thanh Y ở Hải Hà là quần màu chàm hoặc đen, cắt theo kiểu chân què, cạp lá tọa (nay đa phần thay bằng dây rút), cũng giống như các nhóm Dao khác nhưng đặc biệt so với nhiều nơi đó là quần rất ngắn như “quần đùi”, chỉ dài 40cm hoặc ngắn hơn tùy người cao thấp, ống hẹp 24cm, đũng dài 25cm hoặc hơn thế cho dễ cử động trong lao động, dưới gấu không thêu.
Cùng với chiếc quần ngắn thì xà cạp của phụ nữ Dao Thanh Y cũng góp phần tạo nên sự khỏe khoắn, hiện đại, trẻ trung của bộ trang phục truyền thống. Xà cạp là một dải vải màu chàm, không có hoa văn trang trí, dài 135cm, rộng 16cm… Xà cạp dùng để quấn tròn tại chỗ ngay dưới đầu gối. Ở giữa phần cuốn xà cạp được cuốn thêm một miếng vải trắng hình chữ nhật có thêu hoa văn, rồi dùng dây đai nhỏ thắt lại để giữ cho nó không bị bong ra, coi như trang trí cho xà cạp. Khi xưa chưa có dày dép. Phụ nữ Dao tự làm đôi guốc gỗ cho mình. Ngày nay đi giày thời trang và tất trắng. Xà cạp không quấn như chức năng của tất nữa mà chủ yếu để trang trí. Dây lưng cũng là một dải vải dài nhưng không phải là vải cắt sẵn như xà cạp. Dây lưng được dệt tay bằng sợi màu, 3 màu chủ đạo: Đỏ hồng, vàng nghệ và đen. Dây lưng dài tầm 1,6m, rộng 4-5cm, ở hai đầu có đính tua dài khoảng 20cm.
Hầu như ở thành tố nào trên trang phục phụ nữ Dao Thanh Y cũng có đính liền với các chùm tua, từ khăn đội đầu, đến cổ áo, thắt lưng và xà cạp đều có đính tua. Đây có thể coi là bộ phận trang trí quan trọng tạo nên nét đẹp bản sắc của bộ trang phục truyền thống này. Chùm tua nào cũng bắt đầu bằng các sợi xỏ hạt cườm màu xanh (có thể là xanh lá hoặc xanh thiên thanh, thậm chí xen hạt nhiều màu khác) rồi đính kéo dài 80cm bằng chùm sợi màu hồng hoặc xen sợi kim tuyến. Mỗi chùm gồm nhiều sợi như thế, không có quy định về số sợi, miễn sao tạo thành chùm to đẹp mắt. Cứ nhìn thấy các chùm tua hồng thấp thoáng xa xa là nhận ngay ra phụ nữ Dao Thanh Y.
Đi liền với bộ trang phục chính, phụ nữ Dao Thanh Y còn ưa dùng đồ trang sức bằng bạc làm cho bộ trang phục truyền thống của mình thêm sang trọng: Khuyên tai, vòng cổ, nhẫn, những hình ngôi sao 8 cánh,… Khuyên tai thì chỉ đeo một đôi nhưng vòng cổ vòng tay có thể đeo nhiều chiếc thể hiện sự giàu có, sang trọng. Vòng cổ vốn chỉ là một chiếc kiềng loại đơn giản nhưng lại xỏ rất nhiều nhẫn bạc vào vòng khiến cho chiếc vòng trở nên đặc biệt bắt mắt. Trên nền áo chàm và tóc đen, màu trang sức bạc trở nên nổi bật, vừa sang trọng vừa thanh nhã, rất hài hòa.
Có một điều đặc biệt ở phụ nữ Dao Thanh Y Hải Hà là họ vẫn giữ được tục vấn tóc cực kỳ bản sắc. Bộ tóc được vấn cùng chỉ hồng trông đẹp đẽ và hài hòa với trang phục tới mức có thể coi đây cũng là một bộ phận đặc biệt cấu thành nên bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Dao Thanh Y. Ngày xưa chưa có kem dưỡng tóc như bây giờ. Sáp được làm bằng mỡ gà nguyên chất cho vào lọ sứ cất giữ, chỉ vào ngày lễ mới đem dùng chải tóc cho mượt trước khi vấn, còn ngày thường thì vấn tự nhiên không cần chải sáp bóng mượt. Cách vấn tóc của người Dao Thanh Y cũng khá đặc biệt, không thấy giống với dân tộc nào. Cũng là tóc vấn quanh đầu rồi búi gọn ở trên nhưng trước khi vấn chặt phần trên đầu thì vẫn để tóc võng một áng óng mượt ra phía sau trông rất nữ tính. Khi vấn tóc phía trước mặt, họ xen các sợi chỉ hồng làm khuôn mặt thêm tươi tắn và hài hòa cùng các chùm tua nhiều chỉ hồng đính trên trang phục. Những chiếc mũ đen dán chỉ hồng làm giả theo đầu vấn tóc không thể nào có được độ mềm mại tự nhiên như tóc thật. Tuy vậy việc vấn tóc nếu nhanh và thạo việc lắm cũng phải mất 20 phút, vấn tỉ mỉ cho ngày lễ thường mất cả tiếng đồng hồ, hơn nữa tóc phải đủ dài quá vai mới vấn được, khiến cho đa phần các nhóm Dao Thanh Y khác đều sử dụng mũ đội sẵn thay cho việc tự vấn tóc truyền thống. Vấn tóc truyền thống không chỉ đẹp hơn, hài hòa hơn với trang phục dân tộc mà còn tăng cường mối quan tâm, tình cảm của phụ nữ dành cho nhau mỗi khi giúp nhau vấn tóc. Vì thế, việc giữ gìn tục vấn tóc cùng chỉ hồng của phụ nữ Dao Thanh Y Hải Hà là rất đáng trân trọng, cần được bảo tồn và khích lệ!
Độc đáo trang phục truyền thống của người Dao đỏ tại Cao Bằng
Với người Dao đỏ ở Cao Bằng, trang phục truyền thống được lưu giữ và bảo tồn như một biểu tượng của bản sắc văn hóa.
Có dịp đến huyện Nguyên Bình, du khách nên dành thời gian tham quan, tìm hiểu và lắng nghe những nghệ nhân người Dao đỏ chia sẻ về trang phục độc đáo này.
Ở Cao Bằng, số lượng người Dao chiếm khoảng 10% dân số với hai nhóm là Dao đỏ và Dao tiền. Người Dao tiền thường trang trí trang phục bằng những đồng bạc; còn người Dao đỏ thì chủ yếu sử dụng hai gam màu đen và đỏ, với chuỗi bông đỏ được gắn trên áo của phụ nữ cùng nhiều chi tiết thể hiện sự khéo léo và tài năng thêu thùa. Vẻ đẹp rực rỡ trên trang phục phụ nữ dân tộc Dao đỏ luôn gây ấn tượng, thu hút sự chú ý của mọi người.
Người Dao Cao Bằng chủ yếu sinh sống ở vùng đồi núi thấp, vừa làm nương, vừa làm ruộng tại các huyện Nguyên Bình, Bảo Lạc, Bảo Lâm, Thạch An, nhưng tập trung đông nhất là huyện Nguyên Bình. Trong đó, xã Vũ Nông (huyện Nguyên Bình) là điểm đến hấp dẫn nếu du khách muốn tìm hiểu về trang phục và nét văn hóa truyền thống của người Dao đỏ.
Phụ nữ Dao đỏ rạng rỡ trong trang phục truyền thống. Ảnh: Hồng Son
Bà Lý Mùi Lai (xóm Lũng Luông, xã Vũ Nông, huyện Nguyên Bình) đã gắn bó với nghề may trang phục truyền thống dân tộc Dao đỏ hơn 20 năm qua. Trang phục của dân tộc Dao đỏ gồm 2 loại là thường phục và lễ phục. Đối với nam giới, trang phục hàng ngày đơn giản với áo chàm đen; lễ phục thì cầu kỳ hơn gồm áo dài đỏ với họa tiết hoa lá sặc sỡ. Với người phụ nữ Dao đỏ, chuyện ăn mặc rất được coi trọng, bộ trang phục của người phụ nữ còn là sản phẩm của nghệ thuật, kỹ thuật thêu thùa. Các hoa văn chủ yếu là thêu tay, đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo nên phần lớn do nữ giới đảm nhận.
Trang phục truyền thống của phụ nữ Dao đỏ bao gồm áo, quần, khăn vấn đầu, thắt lưng và các đồ trang sức khác đi kèm. Họ thường dùng vải nhuộm chàm để may trang phục. Mỗi bộ trang phục có 5 màu cơ bản: Đỏ, xanh, trắng, vàng, đen, trong đó màu đỏ là chủ đạo, vì theo quan niệm màu đỏ mang lại hạnh phúc và may mắn, đầy đủ và tạo ra năng lượng tích cực cho con người.
Bà Lý Mùi Lai giới thiệu lễ phục với họa tiết sặc sỡ trong lễ cấp sắc. Ảnh: Hồng Son
Điểm nhấn trên bộ trang phục của người phụ nữ Dao đỏ là các họa tiết bằng bạc, được đính vào phần ngực áo một cách rất tỉ mẩn và khéo léo. Bà Lý Mùi Lai cho biết, những "bông hoa mặt trời" bằng bạc này sẽ được gắn song song đầy trên 2 mảnh vải, được vòng qua cổ tựa như chiếc áo yếm. Chiếc áo yếm này có hai thân trước và sau, cả hai thân đều được đính hoa bằng bạc. Thân trước của áo bắt đầu từ viền đỏ ở cổ áo đính 2 hàng hoa bạc, từ cổ áo trở xuống nẹp một dải vải đỏ để đính một hàng cúc bạc gồm có 7 đến 9 cúc, trong đó trên mặt cúc được chạm khắc hoa mặt trăng và mặt trời. Áo yếm là bộ phận được trang trí nhiều bạc hơn cả, bởi theo quan niệm của người Dao đỏ, dùng bạc trang trí vừa để bảo vệ sức khỏe, vừa thể hiện sự sung túc của mỗi gia đình.
Không chỉ phục vụ gia đình và người dân trong xóm, trang phục do bà Lý Mùi Lai thêu may được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh yêu thích đặt hàng. Từ năm 2020, gia đình bà Lý Mùi Lai đã xây dựng không gian thêu, may, trưng bày sản phẩm trang phục, thổ cẩm để du khách đến tham quan, mua hàng tại nhà. Bên cạnh gia đình bà Lý Mùi Lai, tại xã Vũ Nông còn có nhiều hộ gia đình thêu may trang phục dân tộc Dao đỏ cho gia đình hoặc bán tại các chợ phiên trong huyện.
Mũ thổ cẩm trẻ em với được trang trí cầu kỳ. Ảnh: Hồng Son
Với mong muốn gìn nét đẹp truyền thống của dân tộc mình, sau những giờ làm việc trên nương rẫy, các bà, các mẹ, các chị truyền kinh nghiệm, hướng dẫn con gái, em gái cách chọn và cắt vải; cách thêu các hoa văn, họa tiết trên từng bộ phận của trang phục. Đặc biệt theo phong tục truyền thống, các cô gái Dao đỏ phải dành nhiều năm để học thêu, may, tự chuẩn bị trang phục cưới của riêng mình trước khi đi làm dâu.
Bằng sự khéo léo và nâng niu các giá trị truyền thống, người phụ nữ dân tộc Dao đỏ ở Nguyên Bình đã dệt nên những bộ trang phục cầu kỳ đến từng đường kim mũi chỉ, với hoa văn, họa tiết đẹp mắt. Cùng thời gian, bộ trang phục sẽ theo người Dao đỏ đi suốt cuộc đời. Theo tín ngưỡng của người Dao đỏ, bộ trang phục sẽ được chôn theo người mất để tổ tiên nhận diện và đón nhận./.
Đằng sau các bức ảnh váy áo sặc sỡ của phụ nữ Afghanistan Trước quy định mặc trang phục che kín toàn thân của Taliban, nhiều cô gái ở Afghanistan đã đăng ảnh mặc đồ truyền thống tinh tế, đầy màu sắc để thể hiện thái độ bất bình. "Phụ nữ Afghanistan chúng tôi từng mặc những bộ váy đầy màu sắc, đeo trang sức tinh xảo như vậy", Tiến sĩ Bahar Jalali, cựu giáo sư...