Nepal chìm trong tang tóc
Trong lúc số thương vong của trận động đất ngày 25.4 không ngừng tăng, Nepal tiếp tục rung chuyển vì các đợt dư chấn.
Nhiều người dân ở thủ đô Kathmandu của Nepal hiện sống trong cảnh màn trời chiếu đất – Ảnh: AFP
AFP hôm qua 26.4 dẫn thông cáo của Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) cho biết một trận dư chấn 6,7 độ Richter đã diễn ra ở khu vực gần biên giới Nepal – Trung Quốc. Các chuyên gia lo ngại dư chấn có thể làm sụp đổ thêm nhiều tòa nhà và khu dân cư, vốn đã bị hư hỏng nghiêm trọng sau trận động đất kinh hoàng ngày 25.4.
Phần lớn dân cư thủ đô Kathmandu – cách tâm chấn khoảng 80 km – phải qua đêm ngoài phố hoặc tạm lánh ở sân bãi của các doanh trại quân đội vì lo ngại nhà có thể sập bất cứ lúc nào, theo tờ Le Figaro. Tính đến tối 26.4, trận động đất đã làm hơn 2.500 người thiệt mạng và hơn 4.600 người bị thương. Số lượng thương vong có thể sẽ tiếp tục tăng cao vì còn rất nhiều nạn nhân mắc kẹt trong các đống đổ nát mà lực lượng cứu hộ vẫn chưa thể tiếp cận.
Không kịp trở tay
Hầu như không có tỉnh thành nào của Nepal không bị ảnh hưởng bởi động đất. Tổng giám đốc Tổ chức Hành động chống đói nghèo (ACF – Pháp) Mike Penrose cho biết trong vùng bán kính 100 km quanh tâm chấn có khoảng 6 triệu người sinh sống. Nhiều công trình tại thủ đô Nepal được UNESCO công nhận là di sản thế giới như tòa tháp Dharahara hay khu Kathmandu Durbar Square chỉ còn là đống đổ nát sau trận động đất.
Các nhân viên cứu hộ di chuyển người bị thương trong vụ lở tuyết ở đỉnh Everest – Ảnh: AFP
Hiện lực lượng cứu hộ, cảnh sát và toàn bộ hệ thống y tế của Nepal đã rơi vào tình trạng “không kịp trở tay” bởi hậu quả khủng khiếp của trận động đất. Việc cứu hộ gặp rất nhiều trở ngại: dư chấn xảy ra liên tiếp, thiếu thốn trang thiết bị, cơ sở hạ tầng bị hư hỏng nặng, giao thông tắc nghẽn, thông tin liên lạc bị gián đoạn…
Video đang HOT
Bệnh viện ở Kathmandu và các khu vực lân cận đều bị quá tải. Phần lớn các cơ sở y tế này đều phải lập một trạm tiếp nhận ngay cửa ra vào để sơ cấp cứu cho các nạn nhân trước khi chuyển vào các khoa thích hợp.
Sau khi động đất diễn ra, chính phủ Nepal đã kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế. Các cơ quan của LHQ và nhiều tổ chức nhân đạo đã họp khẩn để triển khai kế hoạch gửi bác sĩ, tình nguyện viên cùng nước sạch, nhu yếu phẩm, thiết bị y tế đến các khu vực bị động đất tàn phá.
Ngân hàng máu của Tổ chức Chữ thập đỏ và Lưỡi liềm đỏ quốc tế tại Nepal đã hỗ trợ cho nhiều bệnh viện ở Kathmandu nhưng do lượng máu dự trữ không nhiều, tổ chức này có thể sẽ phải cầu viện từ các chi nhánh ở Malaysia và UAE.
Nhiều nước cũng đã cam kết hỗ trợ: Mỹ sẽ viện trợ đợt đầu tiên 1 triệu USD và gửi 1 đội cứu hộ sang Nepal; Ấn Độ gửi một số máy bay quân sự, lực lượng cứu hộ và trang thiết bị y tế; Na Uy viện trợ 3,5 triệu euro… Trung Quốc, Nhật, Singapore cũng đều thông báo sẽ gửi các đội cứu hộ.
Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Phát triển châu Á thông báo sẽ phối hợp để giúp Nepal đánh giá thiệt hại của thảm họa nhằm đề xuất biện pháp hỗ trợ thích hợp.
Lan Chi
Theo Thanhnien
Động đất Nepal: Thế giới khẩn trương cứu hộ
Sáng ngày 26.4, một quan chức bộ Nội vụ Nepal cho biết số nạn nhân thiệt mạng sau trận động đất kinh hoàng ngày 25.4 đã lên đến ít nhất 1.805 người. Nhiều nước đã cấp tốc gửi các toán cứu hộ cùng hàng cứu trợ sang khắc phục hậu quả động đất.
Hãng tin Reuters dẫn lời quan chức trên cập nhật rằng ít nhất 4.718 người đã bị thương trong trận động đất mạnh đến 7,8 độ Richter này. Dù vậy, tình hình thật sự có thể tồi tệ hơn rất nhiều trong bối cảnh rất ít thông tin được cập nhật ngay tại tâm chấn động đất cho tới giờ phút này. Hệ thống giao thông liên lạc, hạ tầng bị phá hủy là nguyên nhân.
Nơi đây từng là nhà của bà cụ này - Ảnh: Reuters
Giám đốc Tổ chức Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế tại châu Á - Thái Bình Dương, Jagan Chapagain bày tỏ lo ngại về số phận của người dân các ngôi làng gần tâm chấn, nằm cách thủ đô Kathmandu chừng 80 km.
Hôm nay 26.4, các cuộc tìm kiếm, cứu hộ đang diễn ra trong hối hả lẫn tuyệt vọng.
Tính tới giờ phút này, đây được xem là trận động đất kinh hoàng nhất trong 81 năm qua ở Nepal. Vào năm 1934, khoảng 8.500 người đã thiệt mạng trong một trận động đất. Thế nhưng chưa ai dám chắc là tình hình sẽ đỡ tồi tệ hơn 81 năm trước một khi tất cả các con số được thống kê lại đầy đủ.
Không chỉ ở tâm chấn và các vùng lân cận, dư chấn làm thiệt mạng rất nhiều nạn nhân cả ở Ấn Độ, Bangladesh, Tây Tạng (Trung Quốc) cũng như trên ngọn núi Everest cao nhất thế giới ở Nepal.
Nhiều đoàn cứu hộ quốc tế đang chung tay với người dân Nepal trong giờ phút khó khăn này - Ảnh: Reuters
Lực lượng đặc nhiệm số 1 của bang Virginia, Mỹ chuẩn bị đồ đạc tại Chantilly, Virginia để lên đường sang cứu hộ nạn nhân động đất ở Nepal ngày 25.4 - Ảnh: AFP
Đêm qua 25.4, hàng ngàn người phải qua đêm trong cái lạnh cắt da cắt thịt trên các vỉa hè, sân vận động, cánh đồng...
"Đất nước chúng tôi đang trong cơn khủng hoảng và chúng tôi cần sự hỗ trợ, viện trợ rất lớn", Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nepal, ông Minendra Rijal phát biểu trên truyền hình Ấn Độ.
Các lãnh đạo nước ngoài và cơ quan nhân đạo quốc tế nhanh chóng hành động.
Những nước láng giềng của Nepal lập tức chung tay giúp Nepal khắc phục hậu quả. Ấn Độ đã đưa nhiều máy bay chở thiết bị y tế, một bệnh viện di động và đoàn phản ứng thảm họa gồm 40 người đến Nepal. Nhiều chó cứu hộ cũng được gởi sang.
Pakistan dùng 4 máy bay C-130 chở một bệnh viện dã chiến 30 giường bệnh và nhiều bác sĩ quân y, chuyên gia, thiết bị tìm kiếm và cứu hộ, chó nghiệp vụ, thực phẩm, lều trại, chăn mền đến Nepal. Trung Quốc cũng cử đoàn tìm kiếm và cứu hộ gồm 62 thành viên đến nước láng giềng.
Mỹ cam kết hỗ trợ ban đầu 1 triệu USD, trong khi Cơ quan phát triển quốc tế của nước này phái một đội tìm kếm và cứu hộ đến Nepal.
Tại châu Âu, Anh, Đức và Tây Ban Nha cũng đã cam kết hỗ trợ. Riêng Na Uy đã đưa ra con số viện trợ nhân đạo 3,9 triệu USD.
Israel cũng đã lên tiếng cam kết hỗ trợ Nepal khắc phục hậu quả của trận động đất kinh hoàng, theo BBC.
Kiều Oanh
Theo Thanhnien
Công viên Tokyo nhiễm xạ bất thường Giới chức Nhật ngày 24.4 phong tỏa một công viên dành cho trẻ em tại thủ đô Tokyo sau khi phát hiện mức phóng xạ tại đây cao bất thường, theo Reuters. Giới chức quận Toshima (Tokyo) mặt tại địa điểm phát hiện mức phóng xạ cao bất thường - Ảnh: Reuters Cụ thể, nhà chức trách phát hiện lượng phóng xạ tại...