Nền văn minh Maya sụp đổ do mất rừng?
Sự sụp đổ của nền văn minh Maya cổ đại lâu nay vẫn được coi là một ẩn số, bởi trong hàng trăm lý do mà giới học giả đưa ra để giải thích cho sự sụp đổ này vẫn chưa có lý do nào hoàn toàn thuyết phục.
Góp thêm một giả thiết về sự sụp đổ của nền văn minh này, nhóm nghiên cứu do nhà khí hậu học Ben Cook dẫn đầu đã thu thập thêm nhiều bằng chứng cho thấy, tình trạng chặt phá rừng của người Maya có thể là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự suy giảm lượng mưa và có thể gây nên các đợt hạn hán, đẩy nền văn minh Maya tới bước đường suy vong.
Mặc dù quan điểm cho rằng đế chế Maya đã tự hủy hoại môi trường sinh thái bằng việc chặt phá rừng vốn không mới, từng được đưa ra thảo luận, thậm chí còn được trình bày trong cuốn sách nổi tiếng mang tên Collapse (Sụp đổ) của tác giả Jared Diamond, nhưng dẫu sao, những phát hiện của Ben Cook cũng góp phần tăng thêm tính thuyết phục cho các lý lẽ trên.
Thành phố cảng Tulum (Mexico) vẫn còn lưu lại nhiều dấu tích của nền văn minh Maya
Thời điểm trước khi Columbus đặt chân đến vùng đất của người Maya, đế chế tại Trung Mỹ này đã chặt phá rừng tràn lan để tạo sinh kế, nuôi sống lượng dân cư ngày một gia tăng. Và người Maya khi đó đã không nhận thức được rằng họ đang tự làm hại mình.
Để làm rõ nguyên nhân sự sụp đổ của nền văn minh Maya vào sau năm 900 sau công nguyên (SCN), Ben Cook đã tái dựng một cách chi tiết độ che phủ của rừng trên bán đảo Yucatan ở thời điểm trước và sau đó, và phát hiện ra rằng từ năm 800 đến 950 SCN chỉ có một tỷ lệ rừng rất nhỏ còn tồn tại trên bán đảo Yucatan.
Dựa trên phương pháp mô hình hóa, nhóm nghiên cứu của Ben Cook nhận thấy hoạt động chặt phá rừng mưa lấy đất làm nông nghiệp của người Maya đã làm tăng hệ số phản xạ của bề mặt đất, khiến lượng mưa giảm. Theo lý giải của ông: “đất nông nghiệp và đồng cỏ với khả năng phản xạ cao hơn thường hấp thụ ít năng lượng mặt trời hơn đất rừng mưa” và đương nhiên, khả năng phản xạ tăng sẽ dẫn tới những thay đổi về lượng mưa.
Vận hành các mô hình thời tiết với dữ liệu mới, nhóm nghiên cứu nhận thấy lượng mưa trung bình tại Yucatan đã giảm từ 10% đến 20%, gây ra những ảnh hưởng mạnh mẽ nhất tại khu vực gần các trung tâm dân cư lớn của Maya. Trong suốt giai đoạn cuối cùng của đế chế Maya, từ năm 800 đến 950 SCN, tổng lượng mưa giảm tới 20%. Các mô hình thời tiết cũng cho kết quả trùng khớp với những ghi chép về lượng mưa trong cùng giai đoạn qua nghiên cứu các măng đá từ hang động.
Tuy nhiên, theo Ben Cook, có thể vẫn còn nhiều tác động khác dẫn dến sự sụp đổ của đế chế này. Không khẳng định rằng nạn phá rừng là thủ phạm gây nên hạn hán hoặc là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự suy tàn của nền văn minh Maya, song ông nhận định phá rừng có thể dẫn đến những kiểu thời tiết điển hình như hạn hán và góp phần gây nên tình trạng khô hạn. Và một trận hạn hán lớn có thể phá hỏng một nền nông nghiệp đang nuôi sống số dân ngày càng gia tăng, làm cạn kiệt nguồn nước và gây xáo trộn xã hội.
Video đang HOT
Phát hiện của nhóm nghiên cứu đã củng cố thêm quan điểm từ một nghiên cứu trước đó của Robert Oglesby, cho rằng chặt phá rừng đóng một vai trò quan trọng đối với sự suy tàn của đế chế Maya.
Và nếu câu chuyện của người Maya đúng như những gì các nhà nghiên cứu biện giải thì đó chắc chắn sẽ là một bài học lớn cho tất cả chúng ta, khi mà ở nhiều nơi trên thế giới con người dường như vẫn đang tiếp tục đi theo “vết xe đổ” của người Maya khi xưa, tự hủy hoại rừng, hủy hoại cuộc sống của chính bản thân mình.
Theo BĐVN
"Ngày tận thế": Trùng hợp hay suy diễn?
Trên các mạng xã hội gần đây xuất hiện rất nhiều lời đồn đoán về Ngày tận thế, dựa trên các thảm họa xuất hiện gần đây như: động đất, sóng thần và một số hiện tượng thiên văn học... Sự thật, theo các nhà khoa học Việt Nam, những diễn biến về thiên văn học tới đây nếu có, cũng không ảnh hưởng nhiều đến sự sinh tồn của trái đất.
Cho dù các hành tinh và "lỗ đen" trong dải Ngân hà thẳng hàng, năm 2012 thế giới cũng không diệt vong, song vẫn có các tác động xấu đến sức khỏe con người...
Dự báo từ các nền văn minh cổ đại
Những lời đồn đoán trên các trang mạng xuất phát từ bộ lịch cổ của người Maya, một nền văn minh cổ đại ở Mexico, Bắc Mỹ, khoảng 4.000 năm trước đây.
Theo những dấu tích và những tài liệu khảo cổ như Cây Thiêng và Mật Mã Desden của nền văn minh Maya, ngày Đông chí năm 2012, ngày 21-12-2012 là ngày mặt phẳng Mặt trời, mặt phẳng Trái đất và mặt phẳng dải Ngân hà giao nhau tại 8 điểm. Sự kiện này gây nên một biến chuyển đến cả Trái đất và Mặt trời, gây ra các thảm họa chết chóc trên Trái đất.
21-12-2012 là ngày Đông chí năm Nhâm Thìn. Ngày Đông Chí là ngày trục Bắc - Nam của Trái đất nghiêng về phía Mặt trời ở phía Bắc, hay Trái đất cách xa Mặt trời nhất.
Nền văn minh Maya có một cuốn lịch tên là lịch Tzolkin (lịch thiêng). Theo lịch này, một tháng chỉ 20 ngày và một năm chỉ 260 ngày. Họ gọi 360 ngày là 1 Tun, 20 Tun là 1 Katun, 20 Katun là 1 Baktun (khoảng 400 năm). Cuốn lịch này chỉ được tính đến 13 Baktun, hay còn gọi là Chu kỳ lớn (5.125 năm). Ngày cuối cùng của Chu kỳ lớn, điểm kết thúc của lịch Maya, được đánh dấu là 13.0.0.0.0 tương ứng với lúc 10h ngày 21-12- 2012 dương lịch.
Thảm họa động đất tại Nhật Bản (Ảnh: AP)
Có một sự trùng hợp giữa Chu kỳ lớn và lịch của phương Tây. Các nhà khoa học tính toán, 5 Chu kỳ lớn là 26.000 năm, là thời gian hệ mặt trời, trong đó có Trái đất đi qua độ dày dĩa mặt phẳng (mặt phẳng xích đạo) của dải Ngân hà. Người Maya gọi sự kiện này là cái Cây Thánh, nó sắp xếp thẳng hàng hệ Mặt trời với trung tâm Thiên hà theo mặt phẳng chính. Khi đó, lực hấp dẫn tác động lên hệ Mặt trời sẽ là cực đại. Đồng nghĩa, nhiều thảm họa xuất hiện như bão Mặt trời, đổi cực Trái đất... và Trái đất chịu nguy cơ diệt vong...
Những cơ sở trên được cư dân mạng "củng cố" bằng những chuỗi chấn động liên tiếp đến vỏ Trái đất như động đất, sóng thần tại Trung Quốc, Nhật Bản, hố sụt ở Guatemala...
Các nhà khoa học nói gì?
Về giả thuyết trái đất, mặt trời và "lỗ đen" ở trung tâm dải ngân hà đứng thẳng hàng, giáo sư địa chất Don Palmer, giảng dạy 35 năm ở Trường Đại học Kent, bình luận: "Hiện tượng đó chẳng có ý nghĩa gì cả" vì tâm dải ngân hà ở cách xa trái đất đến 2.500 triệu tỷ km. Nếu ví trái đất giống như quả bóng đá, thì trái đất ở cách xa 24 m còn tâm dải ngân hà ở cách xa... 40 triệu km. Quá xa để tạo ảnh hưởng".
Trái đất tự quay quanh nó mỗi vòng là 24 giờ 1 phút, quay quanh Mặt Trời một vòng là 365 ngày 6 giờ. Trái đất sẽ cùng với Mặt trời quay qua đường xích đạo dải Ngân Hà (Milky Way) một vòng là 26.000 năm và cùng Mặt trời và Thái Dương Hệ quay theo vòng quay của dải Ngân Hà một vòng là 220 triệu năm.
Theo thạc sĩ Nguyễn Đức Phường, Hội Thiên văn - Vũ trụ Việt Nam, dù hệ Mặt trời, trong đó có Trái đất và Mặt trời có thẳng hàng với tâm dải Ngân hà, thì các lực hấp dẫn các hành tinh, tiểu hành tinh gây ra cũng rất nhỏ so với lực hấp dẫn của Mặt trăng và Mặt trời đối với Trái đất.
Cụ thể hơn, theo ông Phường, lực hút của giải Ngân hà đồng đều, phân bố đều cho hệ Mặt trời, do đó là dù hệ Mặt trời nằm cùng một mặt phẳng so với dải Ngân hà cũng không có bất cứ một tác động nào cả.
"Xin khẳng định, không có một nhiễu loạn nào đối với vị trí của Mặt trời vì chính dải Ngân hà đã làm cho quỹ đạo của Trái đất, của Mặt trời xung quanh dải Ngân hà tương đối ổn định. Trong dải Ngân hà có khoảng 100 ngôi sao, khoảng cách của chúng ta rất xa. Lực hấp dẫn cũng hoàn toàn không gây ra tổn hại nào", ông Phường khẳng định.
Những tác động ngoài vũ trụ như các hành tinh, lực hấp dẫn của Mặt trời, Mặt trăng, sự sắp xếp của các hành tinh... theo anh Phường, cũng không thể làm đổi cực Trái đất.
Trái đất quay quanh một trục và chính trục này cũng lại quay theo một trục nhất định, hoàn toàn không ảnh hưởng đến cuộc sống trái đất và ảnh hưởng nhiều đến thay đổi mùa.
Có lẽ, tác nhân làm đổi trục Trái đất đáng kể nhất là hiện tượng động đất. Trận động đất vừa qua ở Nhật Bản làm Trái đất dịch chuyển đến vài cm, nhưng đây là con số rất nhỏ so với đường kính, kích thước Trái đất nên nó không gây ra bất cứ biến đổi nào về mùa hay thời tiết.
Có thay đổi gì thật sự trong năm 2012
Theo thạc sĩ Nguyễn Đức Phường, dự báo, khoảng cuối tháng 4 đầu tháng 5 năm nay, một số hành tinh hội tụ (gồm các sao: sao thủy sao hỏa, sao kim, sao thổ), tuy nhiên, lực hấp dẫn tổng hợp của chúng không đủ mạnh để gây ra nhiễu loạn, biến động đối với cấu trúc địa tầng trái đất.
Năm 2012 là năm chu kỳ Mặt trời hoạt động mạnh nhất. Tác động trực tiếp của Mặt trời là phun ra những luồng "gió mặt trời" mang hàm tích điện và từ trường rất lớn, có thể ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của con người trên trái đất, đặc biệt là người mắc bệnh tim mạch.
Năm 2012, theo anh Phường, là năm chu kỳ Mặt trời hoạt động mạnh nhất. Tác động trực tiếp của Mặt trời là phun ra những luồng "gió mặt trời" mang hàm tích điện và từ trường rất lớn, có thể ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của con người trên Trái đất, đặc biệt là người mắc bệnh tim mạch.
Theo các nhà khoa học Việt Nam, mối đe dọa lớn nhất trong vũ trụ là sự va chạm giữa các tiểu hành tinh và thiên thạch trong vũ trụ. Xác xuất cực nhỏ là một thiên thạch có đường kính hàng chục km bắn vào Trái đất, gây chấn động mạnh trên toàn cầu, làm thay đổi trục và có thể dẫn đến hiện tượng băng tan, đại hồng thủy như kỷ Băng tan. Tuy nhiên, những thiên thạch lớn như thế mất đến hàng trăm triệu năm mới có xác xuất va chạm Trái đất.
Hiện, các nhà thiên văn trên thế giới cũng chưa quan sát thấy bất kỳ thiên thạch nào mà quỹ đạo của nó đe dọa đến quy đạo trái đất hay tiến sát đến trái đất.
"Tôi cho rằng khoa học mới chính là những lời tiên tri có căn cứ. Ngày tận thế là do con người suy diễn ra chứ Lịch của người Maya không hề nói đến ngày tận thế. Chúng ta không nên đọc những tin tức không có cơ sở khoa học, gây hoang mang mà nên hỏi ý kiến các chuyên gia và tìm hiểu nguồn gốc của nó", anh Nguyễn Đức Phường khuyến cáo.
Theo Minh Minh (Đất Việt)