Nên từ chức trước khi bị bỏ phiếu bất tín nhiệm
ĐB Trương Minh Hoàng (Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) cho rằng, cán bộ có năng lực yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ nên tự từ chức, trước khi bị xem xét, bỏ phiếu bất tín nhiệm.
- Thưa ông, ông có cho rằng việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh chủ chốt là cần thiết.
- Tôi lấy ví dụ nhỏ như thế này, nhiều vị ĐBQH phản ánh có tình trạng, danh sách đoàn giám sát gửi xuống địa phương ban đầu khá đông, nhưng thực tế đến khi đoàn có mặt tại địa phương thì chỉ còn lại ít thành viên. Điều này khiến cho địa phương bị “lố” về nhiều mặt: lịch, chương trình đón tiếp, cũng như việc các cử tri luôn muốn phản ánh tâm tư, nguyện vọng đến đầy đủ các thành viên trong đoàn giám sát. Chính vì thế, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ ràng buộc các ĐBQH là thành viên đoàn giám sát phải tham gia đầy đủ, làm tròn trách nhiệm của mình, bất kể bận việc gì. Liên quan đến việc này, tôi cũng xin đề xuất nâng tầm Ban công tác ĐBQH (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) trở thành một Ủy ban của Quốc hội. Có như vậy việc quản lý, theo dõi hoạt động của từng vị ĐBQH mới được sát sao.
- Dự thảo Nghị quyết đưa ra 4 mức tín nhiệm: cao, trung bình, thấp và chưa có ý kiến, nhiều đại biểu cũng băn về các mức này, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Theo tôi, mức cuối cùng “chưa có ý kiến” nên thay thế bằng “có ý kiến khác” – ĐBQH là phải thể hiện chính kiến của mình không thể bỏ phiếu trắng.
- Nhiều ý kiến ĐBQH cho rằng, nếu phiếu tín nhiệm thấp thì người giữ chức vụ nên từ chức như một cách giữ thể diện cuối cùng. Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?
- Rõ ràng là rất cần, nhưng hiện nay chúng ta chưa có văn hóa từ chức. Dự thảo Nghị quyết quy định, sau hai lần lấy phiếu tín nhiệm đều thấp thì mới đưa ra bỏ phiếu bất tín nhiệm. Tôi cho rằng không nên chờ đến hai lần xem xét, muốn giữ thể diện thì phải thực hiện sớm hơn. Ngay từ mức tín nhiệm lần đầu, nếu thấy thấp thì phải tự rèn luyện, tu dưỡng, kiểm tra xem mình thiếu sót, hạn chế chỗ nào trong đạo đức, hành vi kể cả trong kê khai tài sản cá nhân… mà khắc phục, đừng đợi đến nước cuối cùng mới chịu rời ghế chức vụ. Trong quá trình hoạt động, nếu có một vài ý kiến cá nhân phê phán thì còn có thể nói là chưa chính xác; chứ nếu cả tập thể cùng bỏ phiếu tín nhiệm thấp thì rõ ràng cần phải tự xem lại.
Video đang HOT
- Theo ông, đã đến lúc chúng ta cần xây dựng văn hóa từ chức?
- Xây dựng văn hóa từ chức ngay lúc này đây cũng chưa muộn. Cần tuyên truyền ngay từ khi còn là sinh viên ngồi trên ghế nhà trường, để khi thi tuyển trở thành cán bộ, công chức phải nắm được tinh thần này. Trải qua quá trình công tác, đến khi trở thành người có chức vụ rồi thì càng phải hiểu rõ, nếu thấy việc làm không nổi thì đừng có cố nhận vào.
- Xin cảm ơn ông!
Theo ANTD
Lấy phiếu tín nhiệm: Tập trung vào chức danh "quyền và tiền"
Nhấn mạnh việc lấy phiếu tín nhiệm là "để có một đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh ở cấp cao", đại biểu quốc hội Bùi Thị An nhắc lại thực tế Quốc hội cũng có nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm đối với những chức danh Quốc hội bầu ra từ 11 năm trước, và bây giờ "nếu không làm là món nợ với dân".
Không lấy phiếu tràn lan
Về đối tượng, phản đối việc lấy phiếu "tràn lan quá" sẽ "không tập trung", sẽ "hình thức", ĐBQH Bùi Thị An nói: Chỉ nên tập trung vào những chức danh của QH bầu, tập trung vào những chức danh "liên quan đến quyền và tiền". Cụ thể, "bên Chính phủ từ cấp bộ trưởng và tương đương trở lên. Bên QH từ các chủ nhiệm UB, Phó Chủ tịch QH trở lên". Bà An cũng cho là nên bỏ phiếu hằng năm, bởi "nếu đợt đầu đã thấp, năm sau mới lấy lại, sau đó mới bỏ phiếu bất tín nhiệm thì tôi sợ hơi lâu. Nếu lần đầu đã thấp quá 50% thì vận động họ từ chức đi nếu chưa bãi miễn được".
ĐBQH Huỳnh Minh Thiện cũng cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là thay mặt cho nhân dân, cử tri để chọn người có tài, nhưng qua đó cũng góp phần chống lại tiêu cực, tham nhũng. Do vậy cần tập trung vào những người nắm vị trí chủ chốt, chuyên trách của Nhà nước và địa phương. Theo ông Thiện, phạm vi lấy phiếu tín nhiệm như trong dự thảo nghị quyết là "không cần thiết, dàn trải dẫn đến hình thức, tốn kém".
ĐBQH Nguyễn Thị Nguyệt Hường cũng đồng ý với việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ nên tập trung vào những vị trí chủ chốt, có tính quyết định khi "quyết định của những đối tượng đó ảnh hưởng trực tiếp tới hướng đi, chính sách của đất nước". Bà Hường băn khoăn đối với quy định về thời gian lấy phiếu là năm thứ hai của nhiệm kỳ: "Có trường hợp xảy ra, như năm đầu tiên 49%, năm thứ hai 51%, năm thứ ba 49% thì giải quyết thế nào?". Bà đề nghị "phải làm rõ", bởi vì "nhiệm kỳ 5 năm không nhiều, nếu thay một người mới vào năm thứ 3 của nhiệm kỳ thì người ta cũng phải bắt nhịp với công việc. Lựa chọn cán bộ nhưng làm sao không ảnh hưởng tới hoạt động chung của guồng máy để phục vụ tốt cho nhân dân, cho nước".
Uỷ viên Uỷ ban các Vấn đề xã hội của QH Nguyễn Thị Hồng Hà đề nghị cần "quan tâm tới nội dung tự nhận xét báo cáo của 49 vị phải lấy phiếu tín nhiệm". Theo bà Hà, phải có đánh giá hoạt động của các thành viên ủy ban, đặc biệt là những người kiêm nhiệm.
ĐBQH phải thể hiện quan điểm, thái độ
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Trịnh Ngọc Thạch nêu câu hỏi: Nếu bộ trưởng mà mất tín nhiệm rồi thì mất chức Uỷ viên T.Ư hay không? Hay theo quy định của Đảng? Rồi "bí thư tỉnh ủy mất tín nhiệm ở HĐND thì liệu có mất Uỷ viên T.Ư không? Hay lại chuyển sang vị trí khác để giữ ghế Uỷ viên T.Ư?
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: Cần có xác minh nhất định đối với tiêu chí về tư tưởng chính trị và đạo đức.
Vấn đề cần mấy mức phiếu, đối với ai và lấy phiếu ở đâu cũng gây tranh luận trong buổi thảo luận. ĐBQH Đào Văn Bình đề xuất phải bổ sung thêm việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh ở khu dân cư. Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam - ĐBQH Nguyễn Phước Lộc - thì đề nghị bổ sung thêm lấy tín nhiệm đối với các cấp là giám đốc các sở ban, ngành vì theo ông "đó là những người kiêm nhiệm, trực tiếp điều hành". Vị đại biểu QH này đề nghị tăng thêm kênh quan trọng là MTTQVN, nơi tổng hợp nhiều ý kiến cử tri. ĐBQH Trương Trọng Nghĩa thì nói tới việc cần có xác minh nhất định đối với "tiêu chí về tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống". Bởi theo ông, nếu không xác minh, "sẽ dẫn đến thiếu thông tin hay thông tin không chính xác cho đối tượng lấy phiếu".
Về các phương án lấy phiếu, ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Thanh đề nghị bỏ phương án "chưa có ý kiến" bởi vì "ĐBQH phải thể hiện quan điểm, thái độ của mình". Bà Thanh cho rằng lấy phiếu tín nhiệm tại QH phải bằng hình thức bỏ phiếu kín tại phiên họp toàn thể và nếu "người đó không đủ tín nhiệm qua 2 lần thì phải bỏ phiếu bất tín nhiệm chứ không phải bỏ phiếu tín nhiệm nữa".
Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM Trần Thanh Hải cũng đề nghị bổ sung thêm "việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao trong nhiệm kỳ được phê duyệt" như là một yêu cầu của việc lấy phiếu. Theo ông, việc phân chia tới 4 mức độ lấy phiếu là "chưa có cơ sở thực tế". Ông Hải đề xuất: Bước 1 chỉ cần lấy phiếu ở hai "cột": Tín nhiệm, và không tín nhiệm. Bước 2 là bỏ phiếu bất tín nhiệm ngay đối với những chức vụ lấy phiếu 2 năm liền liên tục dưới 50%.
Tại sao việc bỏ phiếu đã bị nợ dân tới 11 năm? Và trong khi QH đã có quy định về việc bỏ phiếu, tuy nhiên, cho đến nay, chưa thể áp dụng đối với bất cứ trường hợp nào dù không ít vị thậm chí đến tầm cỡ bộ trưởng bị miễn nhiệm vì vi phạm pháp luật. Câu trả lời là sự bất hợp lý của quy định việc bỏ phiếu chỉ được tiến hành khi có ít nhất trên 20% ĐBQH đồng ý. Nhưng theo ĐBQH Trần Du Lịch thì "thực tế chúng ta có thăm dò ý kiến của đại biểu đâu mà biết đủ 20%". Là Phó Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM, ông Lịch cũng đặt vấn đề: Giám sát tối cao của QH chính là chất vấn và trả lời chất vấn tại QH. Nếu đại biểu QH cho rằng, trả lời không đạt thì có xem xét không?
Câu hỏi này cũng chính là những băn khoăn của cử tri. Và hy vọng, quy định việc lấy phiếu tín nhiệm hằng năm được thông qua, ít nhất cũng khiến các vị bộ trưởng sẽ nghĩ trước khi hứa.
Chỉ nên tập trung vào những chức danh của Quốc hội bầu, tập trung vào những chức danh liên quan đến quyền và tiền. (ĐBQH Bùi Thị An)
Đề nghị bỏ phương án "chưa có ý kiến" bởi vì ĐBQH phải thể hiện quan điểm, thái độ của mình. (ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Thanh)
Theo laodong
Tín nhiệm quá thấp, nên bãi nhiệm luôn Hôm qua, 11-10, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đã tổ chức lấy ý kiến cho Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Hà Nội hiện có hơn 7 triệu nhân khẩu và luôn có hơn 1 triệu lao động...