Nên tiêm tăng cường hay dành vắc xin cho người chưa tiêm?
Những tranh cãi quanh việc tiêm tăng cường vắc xin COVID-19 vẫn chưa tới hồi kết, trong đó các ý kiến phản đối cho rằng chưa có đủ dữ liệu khoa học và các nước giàu sẽ tích trữ vắc xin trong khi nước nghèo thiếu hụt.
Y tá Thái Lan được tiêm vắc xin COVID-19 vào tháng 2-2021 – Ảnh: REUTERS
Hôm 8-7, Pfizer/BioNTech tuyên bố việc tiêm bổ sung liều thứ 3 cho những người đã tiêm đủ 2 liều trong vòng 6 tháng trước đó sẽ giúp duy trì “mức độ bảo vệ cao nhất”.
Đại diện Pfizer sau đó tiết lộ công ty này có kế hoạch xin cấp phép khẩn cấp phác đồ 3 liều trong tháng 8 tới.
Thông tin khiến cuộc tranh luận xung quanh việc tiêm 2 liều hay 3 liều nóng trở lại.
Phần lớn các quốc gia và giới khoa học hiện nay vẫn tin rằng một người chỉ cần tiêm 2 liều vắc xin COVID-19 là đủ. Tuy nhiên, một số nước đã bắt đầu tiêm “tăng cường” liều 3 do lo ngại các biến thể nguy hiểm mới của SARS-CoV-2.
Tại Đông Nam Á, Thái Lan và Indonesia đã lên kế hoạch tiêm bổ sung cho các nhân viên y tế tuyến đầu – những người đã được tiêm đủ 2 liều vắc xin Sinovac.
Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Bahrain còn đi sớm hơn, bắt đầu tiêm vắc xin của Pfizer cho những người tiêm đủ 2 liều Sinopharm vào tháng 6 vừa qua.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ lại thể hiện quan điểm thận trọng với việc tiêm bổ sung. Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) ngày 8-7 tuyên bố những ai đã tiêm đủ 2 liều chưa cần tiêm bổ sung vào thời điểm này.
Video đang HOT
“Chúng tôi sẽ chuẩn bị các liều tăng cường nếu và khi có đủ bằng chứng khoa học cho thấy nó cần thiết”, FDA nhấn mạnh trong tuyên bố chung với Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ.
Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) ngày 9-7 cũng cho rằng “còn quá sớm” để nói về việc tiêm tăng cường và tự tin rằng phác đồ 2 liều là đủ.
Tại Anh, Ủy ban hỗn hợp về tiêm chủng quốc gia (JCVI) lại cho rằng chính quyền nên chuẩn bị kịch bản tiêm tăng cường.
Trong khuyến cáo đưa ra cuối tháng 6, JCVI lập luận nên tiêm bổ sung cho những người dễ tổn thương nhất như người trên 70 tuổi, nhân viên y tế tuyến đầu hoặc những người trưởng thành bị ức chế miễn dịch.
Lời khuyên của JCVI vào thời điểm đó là nếu có tiêm tăng cường, nên tiến hành trước tháng 9-2021 để tối đa hóa khả năng bảo vệ người được tiêm và hệ thống y tế trước khi bước vào mùa đông.
Rõ ràng, các quốc gia đang có sự khác biệt quan điểm về việc tiêm tăng cường, đặc biệt giữa các nước sử dụng vắc xin công nghệ mới mRNA và vắc xin “truyền thống” dựa trên công nghệ vector virus.
Vắc xin AstraZeneca trong khuôn khổ cơ chế chia sẻ vắc xin COVAX được dỡ xuống từ máy bay tại sân bay quốc tế Bole ở Ethiopia – Ảnh: REUTERS
Thiếu dữ liệu an toàn và hiệu quả
Tranh cãi cũng nổ ra giữa các nhà khoa học và nội bộ Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Những người ủng hộ tiêm bổ sung liều 3 chỉ ra việc biến thể Delta đã làm suy giảm khả năng bảo vệ của vắc xin.
“Thật tuyệt nếu có một phác đồ tiêm tăng cường được phê duyệt, cho phép chúng ta sử dụng bất cứ khi nào cần. Nhưng tôi nghĩ không cần tiêm tăng cường vào lúc này”, bác sĩ William Schaffner – giáo sư tại Đại học Y dược Vanderbilt (Mỹ) – nêu quan điểm với Đài CNN.
Giống như ông Schaffner, đa số các nhà khoa học và chuyên gia y tế mà CNN tiếp cận đều cho rằng tiêm vắc xin cho những người chưa tiêm sẽ tốt hơn là tiêm tăng cường cho người đã tiêm đủ 2 liều.
Bà Sharon Frey, chuyên gia về vắc xin tại Đại học St Louis (Mỹ), cho rằng cần thống kê những ca tái nhiễm hoặc những trường hợp đã tiêm đủ 2 liều vắc xin nhưng vẫn nhiễm bệnh. “Nếu có sự gia tăng, cần phải đẩy nhanh kế hoạch tiêm bổ sung”, bà Frey nêu quan điểm.
Giáo sư Sarah Long thuộc Đại học Drexel thì cảnh báo về những rủi ro chưa biết nếu tiêm tăng cường. “Sẽ là sai lầm nếu tiến hành tiêm tăng cường mà thiếu đi 2 dữ liệu sau đây: liều thứ 3 đó có thực sự tăng cường khả năng bảo vệ không và dữ liệu an toàn từ việc tiêm tăng cường”.
Một tài liệu nội bộ của WHO được Hãng tin Reuters tiết lộ vào cuối tháng 6 cũng cho thấy sự chia rẽ trong tổ chức này.
Trên mặt công khai, các nhà khoa học WHO đều cho rằng tiêm tăng cường liều 3 là không cần thiết vì thiếu dữ liệu khoa học. Tuy nhiên trong tài liệu nội bộ dùng để thảo luận, WHO lại cho rằng những nhóm bị tổn thương nhất nên được tiêm nhắc lại mỗi năm, các nhóm còn lại là mỗi 2 năm.
WHO cũng lo lắng về việc các nước đồng loạt triển khai chiến dịch tiêm tăng cường. Nếu điều đó xảy ra, các nước giàu sẽ lại tích trữ vắc xin trong lúc các nước nghèo bị thiếu hụt và những nhóm dễ tổn thương sẽ phải chờ lâu hơn để nhận được liều vắc xin đầu tiên hoặc liều nhắc lại.
2 liều Pfizer/BioNTech vẫn chưa đủ?
Bộ Y tế Israel ngày 5-7 xác nhận đang nghiên cứu việc tiêm tăng cường cho những người đã tiêm đủ 2 liều Pfizer/BioNTech nhưng mắc chứng ức chế miễn dịch. Tình trạng này khiến vắc xin không phát huy đầy đủ tác dụng.
Reuters trích dẫn thống kê chung của Bộ Y tế Israel cho thấy mức độ hiệu quả của vắc xin Pfizer đã giảm xuống còn 64% vào tháng 6, sau khi biến thể Delta xuất hiện. Israel là một trong những nước có tỉ lệ tiêm vắc xin Pfizer/BioNTech cao nhất thế giới.
“Vắc xin Pfizer có hoạt tính cao chống lại biến thể Delta. Nhưng sau 6 tháng, người được tiêm vẫn có nguy cơ tái nhiễm khi các kháng thể suy yếu. Đây là điều đã được dự đoán”, giám đốc khoa học Pfizer, ông Mikael Dolsten, thông tin thêm với Reuters.
Thái Lan trải qua ngày chết chóc nhất, Thủ tướng góp lương chống Covid-19
Thái Lan ghi nhận con số tử vong trong 24 giờ cao kỷ lục, trong khi Thủ tướng Prayut Chan-o-cha và nhiều thành viên trong nội các của ông tuyên bố sẽ đóng góp một phần lương để chống dịch.
Nhân viên y tế dùng xe đẩy đưa một bà cụ tới địa điểm xét nghiệm trong chợ Mahanak ở Bangkok, Thái Lan (Ảnh: Bangkok Post).
Bangkok Post đưa tin, Bộ Y tế Thái Lan ngày 10/7 thông báo rằng, nước này ghi nhận số ca tử vong trong 24 giờ cao kỷ lục kể từ khi dịch bùng phát, ở mốc 91 ca. Ngoài ra, nước này cũng có thêm 9.326 ca Covid-19.
Kể từ ngày 1/4, khi làn sóng lây nhiễm thứ 3 bùng phát, Thái Lan ghi nhận 297.969 ca Covid-19, chiếm tới 88% tổng số ca bệnh ghi nhận từ năm ngoái tới nay (336.158).
Số ca tử vong từ đầu dịch tới nay là 2625, trong đó, số người chết trong làn sóng thứ 3 là 2.531, chiếm 96%.
Trong buổi họp hôm 9/7, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha thông báo rằng ông sẽ đóng góp 3 tháng lương để giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Hiện thời, Bangkok Post cho biết, ông Prayut nhận được mức lương hàng tháng là 75.590 bath và phụ cấp chức vụ hàng tháng là 50.000 baht, tổng cộng là 125.590 baht. Tổng cộng 3 tháng, ông sẽ quyên góp 376.770 baht (11.588 USD).
Ít nhất 15 chính trị gia trong nội các của ông Prayut, gồm các phó thủ tướng, bộ trưởng và thứ trưởng đã bày tỏ ý định cũng sẽ quyên góp lương như Thủ tướng.
Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Chuan Leekpai hôm 9/7 nói rằng, việc đóng góp lương chống dịch Covid-19 là tùy thuộc vào các nghị sĩ. Ông Chuan cho biết, một số nhà làm luật cũng đã chi nhiều tiền hơn so với lương để giúp đỡ những người gặp khó khăn trong đại dịch. Ví dụ, một số nghị sĩ đã bỏ tiền riêng ra đề mua thức ăn, nước uống và khẩu trang để phát cho người dân.
"Sự trợ giúp mà các nghị sĩ này dành cho người dân còn nhiều hơn cả tiền bạc, nhưng những ai muốn quyên góp hãy cứ tự nhiên. Đó là một điều tốt", ông Chuan nói.
Thái Lan áp lệnh giới nghiêm đêm Giới chức Thái Lan ban hành lệnh giới nghiêm ban đêm tại thủ đô Bangkok và 9 tỉnh, đồng thời siết chặt các biện pháp hạn chế ngăn nCoV. Một quan chức thuộc tổ công tác đặc biệt chống Covid-19 của Thái Lan ngày 9/7 thông báo nước này sẽ thắt chặt các hạn chế để ngăn nCoV lây lan. Thủ đô Bangkok...