Nén nỗi đau để nói lời tha thứ
Ông Nguyễn Văn Ba, ông Nguyễn Đức Hùng, bắt tay chia sẻ nỗi đau mà hai gia đình đang phải đối mặt
Trước những nỗi đau mất mát lớn khi người thân của mình bị sát hại dã man, sẽ rất khó để tha thứ, làm lành. Thế nhưng chuyện đó không phải là hiếm khi thời gian qua, tại nhiều phiên tòa gia đình bị hại và bị cáo đã có sự thông cảm, chia sẻ nỗi đau khiến cho người chứng kiến không khỏi ngỡ ngàng bởi sự hiểu biết, xử sự nhân văn tình người đến thế…
Tội lỗi và sự trừng phạt
Video đang HOT
Khác hẳn với hành vi côn đồ khi quyết tước đoạt mạng sống của người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, trước HĐXX, Nguyễn Văn Tuân (SN 1989, trú tại xã An Hòa, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) bị VKSND TP Hà Nội truy tố phạm vào 2 tội “Giết người” và “Cướp tài sản”, ân hận nói: “Những ngày sống trong trại tạm giam, tôi đã có thời gian suy nghĩ lại hành vi phạm tội của mình, thật là không thể tưởng tượng được sao mình lại có thể gây ra tội ác như thế? Mặc dù là muộn màng nhưng tôi vẫn tha thiết, mong được nói lời xin lỗi tới gia đình bị hại, hãy tha thứ cho tôi. Để trả giá cho hành vi phạm tội của mình, tôi không dám xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt…” – Tuân nói trong nước mắt.
Năm 2007, rời thành phố đất cảng, Tuân lên học một trường trung cấp tại Hà Nội. Nhưng một thời gian sau, Tuân bỏ học và thuê nhà trọ ở xã Phú Đô, huyện Từ Liêm để sinh sống. Khi không có tiền ăn tiêu, Tuân “nghĩ” cách giết người, cướp tài sản. Tối 2-3-2008, Tuân mang theo 1 dao inox (loại dao gọt hoa quả) rồi đi xe buýt đến bến xe Long Biên (phường Yên Phụ, Ba Đình). Tại đây, Tuân quan sát thấy ông Đỗ Bá Dục ngồi trên chiếc xe Wave BKS: 29 S7-1555, chờ khách đi “xe ôm” nên đã thuê về xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm để thực hiện hành vi phạm tội. Đến đoạn đường vắng (nghĩa trang thôn Nhân Mỹ), Tuân rút dao, kề vào cổ ông Dục bắt dừng xe. Thấy thế, ông Dục liền tăng tốc, lao xe sang trái đường khiến cả người và xe lao xuống mương nước. Tuân ngã nằm đè lên người ông Dục và liền lấy tay bịt mồm, ấn đầu ông Dục dìm xuống lòng mương dẫn đến tử vong. Tại phiên tòa mới đây, Tuân đã bị HĐXX – TAND TP Hà Nội tuyên phạt mức án tử hình về tội “Giết người” và 2 năm tù về tội “Cướp tài sản” (tổng hợp hình phạt là tử hình).
Trong một vụ án khác khi TAND TP.HCM mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 8 bị cáo phạm tội “Giết người” vào đầu tháng 7-2010. Theo cáo buộc của cơ quan công tố, ngày 20-5-2008, Nguyễn Văn Linh (SN 1989), Nguyễn Xuân Hà (SN 1985) đến quán cà phê Tình Khúc (đường Thạch Lam, phường Phú Thạnh, quận Tân Phú) uống cà phê. Do nảy sinh mâu thuẫn với nhân viên của quán là Nguyễn Kim Tiến, nên khi Linh và Hà ra về thì bị bảo vệ quây đánh. Sau đó, Linh và Hà rủ Dương Duy Thanh, Phạm Văn Huy (cùng SN 1986), Đinh Văn Hương (SN 1975), Dương Thanh Tuấn (SN 1984), Nguyễn Văn Nghĩa (SN 1981) và Phạm Văn Dũng (SN 1991) đến “nói chuyện” phải trái. Tại đây, Nghĩa, Dũng, Hà đứng ngoài còn Linh xông vào đánh vào mặt anh Trung (nhân viên bảo vệ). Anh Trung bỏ chạy vào trong thì bị Huy đuổi theo dùng ống tuýp sắt đánh vào đầu khiến nạn nhân bất tỉnh. Chưa hả giận, cả nhóm xông vào quầy chỉnh nhạc đánh anh Tiến. Linh và Thanh cầm dao đâm nhiều nhát vào người làm Tiến gục ngã và tử vong trên đường đi cấp cứu.
Nghẹn ngào trong nước mắt vì cái chết thảm của con trai mình nhưng bà Trần Thị T – mẹ của bị hại Tiến vẫn xin HĐXX giảm án cho các bị cáo. Tuy nhiên, xét thấy vụ án nghiêm trọng, chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ mà các đối tượng hành xử côn đồ, cướp đi sinh mạng con người, HĐXX tuyên phạt Nguyễn Văn Linh và Dương Duy Thanh cùng mức án tù chung thân; các bị cáo khác bị phạt từ 4 đến 14 năm tù.
Sự tha thứ…
Trong phiên xử bị cáo Nguyễn Văn Tuân, khi được HĐXX gọi lên phát biểu ý kiến, đại diện gia đình phía bị hại, bà Nguyễn Thị D (vợ ông Dục) cũng đã đề nghị HĐXX xem xét, giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo. Điều gì khiến người phụ nữ đang mang nỗi đau mất chồng, lại đi xin giảm nhẹ hình phạt cho kẻ gây ra cái chết thương tâm của chồng mình như thế?
Bà Nguyễn Thị D cho hay: “Dù sao người chết cũng đã chết rồi, có muốn người ta chết cũng không thể làm cho chồng tôi sống lại được. Con người ai cũng có những lúc phạm phải sai lầm, hy vọng những gì mà bị cáo đã nhận thức được tại phiên tòa hôm nay và những tháng ngày sau khi phạm tội sẽ thức tỉnh một phần nào lương tâm, để trở thành một con người sống có ích cho xã hội…”.
Một vụ án được TAND TP Hà Nội mở vào trung tuần tháng 7 vừa qua đối với bị cáo Nguyễn Đức Nghĩa (SN 1984, trú tại tổ 7, phường Lãm Hà, quận Kiến An, TP Hải Phòng) cũng bị truy tố phạm tội “Giết người” và “Cướp tài sản”. Hẳn dư luận vẫn không khỏi bàng hoàng trước sự dã man về hành vi phạm tội của Nghĩa khi “chặt đầu người yêu” là chị Nguyễn Phương Linh, xảy ra cách đây hơn 2 tháng tại căn hộ số 11.01 nhà G4 Trung Yên, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) nhằm che giấu hành vi phạm tội của mình.
Tuy nhiên, trước khi HĐXX vào làm việc, ông Nguyễn Văn Ba (cha của bị hại) và ông Nguyễn Đức Hùng (cha của bị cáo) đã có những cử chỉ, thể hiện sự nhân văn vượt lên nỗi đau mà họ đang gánh chịu. Lần đầu gặp nhau, họ bắt tay chào hỏi nhưng mỗi người mang một nỗi niềm riêng. Một người với nỗi đau con gái bị sát hại dã man, người kia lại buồn bã vì con trai gây ra trọng tội, khó tránh được án tử hình. Nhưng trong nỗi xót xa ấy, họ vẫn đối mặt với nhau bằng sự hiểu biết, bằng tình người, trong tâm trạng “kẻ đầu bạc, tiễn người đầu xanh”.
Ông Hùng nghẹn lời nói: “Tôi xin được tạ tội trước ông và gia đình, họ hàng nội ngoại, tạ tội trước vong linh của cháu Phương Linh. Tôi và ông từng là người lính, nhưng hành vi của cháu Nghĩa đã gây thù oán cho cả 2 gia đình chúng ta. Giây phút ngắn ngủi này, tôi không thể trải hết lòng mình. Chỉ xin ông và gia đình chấp nhận cho tôi được tạ tội thay con trai…”. Ông Hùng nắm tay ông Ba, cúi đầu xin tạ tội thay con trai. Ông Ba không nói gì nhưng qua cái nắm tay rất chặt của người cha bị mất con ấy, ông Hùng biết, ông và gia đình đã được cảm thông một phần.
(Tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi)
Theo An Ninh Thủ Đô