Nên nghỉ Tết sớm vì “đến cơ quan cũng chẳng làm gì”?
Những ngày cuối năm, ai cũng có tâm lý nghỉ Tết. Người lao động đến cơ quan làm việc nhưng không hiệu quả.
Nhiều chuyên gia, cán bộ hoạt động trong ngành vận tải ủng hộ chủ trương “ nghỉ Tết sớm, đi làm sớm” do Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia đề xuất.
Thấp thỏm: Được nghỉ sớm hay không?
Trả lời chúng tôi, ông Nguyễn Văn Lập (Giám đốc Bến xe Nước Ngầm, Hà Nội) tỏ ra rất đồng tình. Theo ông Lập, những năm qua, nghỉ Tết muộn, khách đi xe dồn ứ vào một ngày cuối năm, đôi khi gây quá tải cho các bến xe. Nghỉ sớm sẽ làm mật độ hành khách đi xe giãn ra, khách hàng đỡ mệt mỏi và bến xe cũng giảm áp lực.
Ông Lập còn cho rằng, nên kéo dài cả thời gian nghỉ Tết. Theo vị giám đốc bến xe, nghỉ Tết dài không hẳn là nguyên nhân làm gia tăng tai nạn giao thông. Điều đó phụ thuộc ý thức từng người. Đi làm sớm những ngày đầu năm cũng không đem lại hiệu quả.
“Người ta đến cơ quan chủ yếu chúc tụng nhau, không mấy ai làm việc. Nên giãn ra cả thời gian trước lẫn sau Tết. Như vậy tàu xe cả 2 thời điểm đều thoải mái.” – Ông Lập nói.
Hành khách chen chúc gây náo loạn cả khu vực nhà chờ ga tàu Sài Gòn để mua vé tàu Tết năm ngoái (Tết Quý Tỵ) – Ảnh: Hưng Văn
Ông Nguyễn Văn Rậu (Trưởng ga Hà Nội) cũng cho rằng, nghỉ Tết sớm giúp người lao động có thời gian thu xếp công việc, kế hoạch tàu xe. Hành khách có thể chọn lựa, cân nhắc. Không muốn đi tàu ngày này, họ có thể chọn mua vé ngày khác, đỡ cập rập, chen chúc. Chủ trương không những tốt cho người dân mà còn tốt cho cả những cơ quan ban ngành tổ chức giao thông.
Ông Nguyễn Văn Thanh ( Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam) phân tích: Đề xuất này chủ yếu giải quyết cho công chức ở cơ quan nhà nước. Người lao động ở các doanh nghiệp tư nhân nghỉ Tết sớm hay muộn vẫn do doanh nghiệp tự quyết định. Nhưng chủ trương dành cho cơ quan hành chính sự nghiệp sẽ là nền tảng để các doanh nghiệp tư nhân đối chiếu, tổ chức kế hoạch. Khi các cơ quan hành chính đã cho nghỉ Tết sớm, doanh nghiệp tư nhân cũng không có lý do gì để nghỉ muộn.
Theo ông Thanh, gần Tết, hầu hết người lao động đến cơ quan làm việc không có hiệu quả. Cuối năm, ai cũng lo chạy sắm Tết, không mấy ai chú tâm vào công việc. Đến cơ quan cũng không để làm gì.
“Đây là một sáng kiến, tôi rất ủng hộ. Nhưng Chính phủ cần sớm trả lời để người lao động khỏi thấp thỏm không biết có nghỉ sớm hay không. Đồng ý hay không đều phải sớm được biết.” – Người đứng đầu Hiệp hội Vận tải Ô tô trong nước nhấn mạnh.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Văn Thanh (Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam)
Đổi trả vé tàu mất 30%
Nhiều bạn đọc gửi thư về tòa soạn nêu vấn đề: Nếu đề xuất “nghỉ Tết sớm” được Chính phủ đồng ý ngay trong năm nay, nhiều người mua vé tàu trước đó lại phải đổi trả. Đặc biệt, nhiều người đi tàu sẽ phải đổi vé mất phí cao, thậm chí không mua được vé mới. Theo quy định, trả vé tàu dành cho những ngày cao điểm phải chịu phí 30% giá vé.
Ông Nguyễn Văn Lập (GĐ Bến xe Nước Ngầm) cho hay, nhiều nhà xe ở bến Nước Ngầm đã bán vé Tết từ lâu. Nếu có người phải trả đổi vé, các nhà xe hoàn toàn giải quyết được. Trả vé trước 30 phút, 1 tiếng đồng hồ mới bị thu phí. Trả trước một vài ngày hoặc nửa tháng hoàn toàn miễn phí.
Trong khi đó, ông Vũ Đình Rậu (Trưởng ga Hà Nội) thừa nhận, theo quy định trả loại vé ngày cao điểm, sẽ phải chịu phí cao. Trả sớm hay muộn đều mất phí như vậy. Nhưng ông Rậu cho rằng, hầu hết người lao động vẫn chưa biết lịch nghỉ Tết ngày nào nên chưa mua vé. Một bộ phận khác đã mua vé vì đã có kế hoạch chắc chắn từ trước. Theo ông Rậu, số người muốn đổi vé không nhiều.
Khi được hỏi, Nhà ga có đề nghị ngành đường sắt giảm phí cho người đổi trả hay không, ông Rậu cho hay, căn cứ tình hình thực tế, các cơ quan có trách nhiệm có thể cân nhắc, tính toán.
Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia vừa trình Chính phủ đề xuất cho người lao động “nghỉ Tết sớm, đi làm sớm”. Một trong những mục đích chính của đề xuất là góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán. Những năm qua, số vụ và người chết tai nạn giao thông trong các kỳ nghỉ Tết thường tăng rất cao. Đặc biệt, theo tính toán của Ủy ban ATGT Quốc gia, tai họa này thường rơi vào khoảng mồng 5, 6, 7 Tết. Vì vậy cơ quan này đề nghị rút ngắn lại thời gian nghỉ sau Tết và tăng ngày nghỉ trước Tết để thuận lợi cho người xa quê đi tàu xe. Mặt khác, người dân sẽ có thời gian mua sắm, chuẩn bị đón Tết chu đáo hơn. Đó cũng là một giải pháp kích cầu mua sắm, tăng sản xuất hàng hóa trong xã hội.
Theo Khampha
Nghỉ Tết sớm: Người xa quê được lợi gì?
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia trao đổi về đề xuất cho cán bộ, công chức "nghỉ Tết sớm, đi làm sớm".
Xin ông cho biết, lý do gì mà Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia đề xuất lên Chính phủ cho nghỉ Tết Nguyên đán năm nay sớm hơn mọi năm?
Đề xuất này có 2 lý do. Mỗi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán trong 2 năm gần đây kéo dài 8-9 ngày. Luật lao động chỉ cho phép nghỉ Tết Nguyên đán 5 ngày. Nhưng ngày Tết thường rơi vào thứ Bảy, Chủ Nhật, và cơ quan bố trí ngày làm bù nên kéo dài thêm số ngày nghỉ.
Cả 2 kỳ nghỉ Tết gần đây đều bắt đầu trước Tết đúng một ngày, tức là vào ngày 30. Sau Tết, người lao động lại được nghỉ rất dài, đến mồng 8-9 mới đi làm.
Từ đó, áp lực tàu xe ngày trước Tết rất ghê gớm. Tất cả cán bộ công nhân viên chức, người lao động dồn vào đi tàu xe cùng một ngày cuối năm. Điều đó gây ra ùn tắc, tai nạn.
Còn sau Tết, theo tính toán của chúng tôi trong 2 năm qua, mồng 5, 6, 7 thường có tỷ lệ tai nạn giao thông cao nhất do người dân đi chơi uống bia rượu. Có ngày, số người chết TNGT cao gấp đôi ngày bình thường, hơn 50 người/ngày. Đặc biệt nạn rượu bia, vi phạm giao thông ở nông thôn.
Còn về góc độ xã hội, tâm lý mua sắm, chuẩn bị cho ngày Tết vốn được người Việt rất chú trọng. Gia đình nào cũng cần thời gian chợ búa, sửa sang nhà cửa, thăm mồ mả, lo hương khói,... Nghỉ sát Tết, cán bộ, công chức không có thời gian để làm việc đó.
Vì nhu cầu cuộc sống gia đình, nhiều người vẫn buộc phải dành thời gian sắm sửa. Từ đó, không ít cán bộ công chức trốn việc những ngày gần Tết để đi mua sắm. Thực ra, điều này vi phạm quy định lao động, ảnh hưởng đến năng suất, hiệu quả lao động. Mặt khác, việc nghỉ muộn không làm kích cầu tiêu dùng, mua sắm trong xã hội. Sản phẩm, hàng hóa được sản xuất mà không được mua sử dụng.
Ủy ban ATGT Quốc gia đề nghị kéo thời gian nghỉ Tết sớm hơn, tối thiểu là 3 ngày. Người lao động sẽ bắt đầu đi làm từ mồng 5-6 là hợp lý. Ủy ban đã có văn bản gửi Chính phủ và cả Bộ Lao động Thương binh Xã hội để xem xét, cân nhắc.
Theo đề xuất mới, số ngày nghỉ Tết vẫn không thay đổi (Ảnh: Zen Nguyễn)
Liệu điều này có được thực hiện luôn và Tết năm nay, người lao động sẽ được nghỉ sớm 3 ngày?
Chúng tôi hy vọng là Chính phủ sẽ đồng ý với đề xuất áp dụng luôn trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay. Lý do là số ngày nghỉ vẫn không thay đổi. Chủ trương mới không vi phạm luật lao động. Chỉ khác một điều là kỳ nghỉ được xê dịch về phía trước.
Vừa rồi, một số luồng thông tin chưa chuẩn xác khiến dư luận hiểu lầm. Nhiều người thắc mắc, đề xuất của Ủy ban ATGT Quốc gia có vi phạm Luật lao động? Vì Luật Lao động quy định kỳ nghỉ chỉ được bắt đầu trước Tết đúng 1 ngày.
Nhưng đề xuất này không thêm bớt ngày nào cả. Đơn giản là nghỉ trước 2 ngày và sau đó làm bù 2 ngày. Thực hiện làm bù cho ngày nghỉ là quy định linh hoạt của Chính phủ. Cho nên đề xuất này không hề vi phạm luật lao động.
Nếu đề xuất này được chấp thuận, người lao động chính thức được nghỉ từ ngày nào, thưa ông?
Trong đề xuất mà Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Đinh La Thăng ký trình Thủ tướng, kỳ nghỉ Tết sẽ bắt đầu từ ngày 28 âm lịch.
Nghỉ Tết sớm 3 ngày có làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp?
Chủ trương này chủ yếu tác động đến đội ngũ cán bộ, công chức. Doanh nghiệp và học sinh sinh viên đều có kế hoạch nghỉ Tết từ trước. Họ đã căn cứ Luật Lao động để tính toán kỳ nghỉ Tết hợp lý.
Nhiều người đã có kế hoạch nghỉ Tết và mua vé tàu xe trước đây cả tháng. Nếu bây giờ thay đổi lịch nghỉ Tết thì phải làm thế nào?
Những người mua vé từ trước chủ yếu là căn cứ vào kế hoạch chủ trương riêng của cơ quan đơn vị họ công tác. Những người lao động này không liên quan nhiều đến đề xuất. Điều này chủ yếu áp dụng đối với cán bộ công chức. Hoặc nếu có những trường hợp như thế, theo tôi là không nhiều và không khó giải quyết việc đổi vé tàu xe. Bởi đến thời điểm này, người lao động đã biết mình được nghỉ Tết ngày nào đâu mà mua vé trước. Chính phủ cũng chưa quyết định nghỉ Tết từ ngày nào đến ngày nào.
Theo ông, người xa quê được lợi gì từ việc nghỉ Tết sớm?
Trước đây, do nhu cầu đi lại vào ngày cuối năm nên nhiều kẻ lợi dụng phe vé tàu, nhà xe tăng giá vé, bắt chẹt người dân. Chủ trương mới sẽ giải quyết được chuyện này. Đó là điều chắc chắn bởi áp lực tàu xe những ngay cuối sẽ giảm. Người lao động ở xa về quê ăn Tết sẽ đỡ khổ sở hơn.
Nghỉ Tết sớm thì về quê đỡ khổ. Nhưng sau Tết, do thời gian rút ngắn nên người lao động lại cập rập tàu xe để kịp công tác. Ông nghĩ sao?
Thừa nhận là sẽ có chuyện đó. Chắc chắn một bộ phận nhỏ bị tác động ngược lại. Nhưng mọi chính sách, chủ trương không thể đòi hỏi sự hoàn hảo và giải quyết cho tất cả mọi người. Đề xuất của Ủy ban ATGT Quốc gia là giải quyết cho số đông. Điều quan trọng là chủ trương đem lại lợi ích cộng đồng, xã hội.
Xin cảm ơn ông!
Theo Khampha
Đề xuất giảm bớt ngày nghỉ sau Tết Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, giảm bớt số ngày nghỉ sau Tết Nguyên đán góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông. Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia vừa có văn bản trình lên Chính phủ, đề xuất cho phép người lao động "nghỉ Tết sớm, đi làm sớm". Theo cơ quan này, cần cho người lao động nghỉ Tết...