Nền kinh tế Trung Quốc: Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, với một xã hội chưa trưởng thành về mặt pháp quyền, kinh tế Trung Quốc phát triển xô bồ, lấy lợi nhuận ngắn hạn là trung tâm, bất chấp các luật lệ quốc tế, bất chấp hậu quả môi trường và sức khỏe, bất chấp sự cạn kiệt tài nguyên trong tương lai, Trung Quốc đã cho thấy một nền kinh tế không bền vững, một nền kinh tế dễ dàng rơi xuống vực thẳm chỉ sau một biến cố.
Dễ dàng rơi xuống vực thẳm
Nhiều nhà nghiên cứu đã nhận định, nếu thế kỷ 17-18 với làn sóng di dân Minh hương, Trung Quốc đã cho cả thế giới thấy hình ảnh người Trung Quốc, thì những năm đầu thế kỷ 21, Trung Quốc đã cho thế giới thấy được hình ảnh quốc gia Trung Quốc. Quỹ kinh tế lớn nhất, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây công bố, GDP Trung Quốc đã vượt Mỹ. Dĩ nhiên đó là do cách tính, bởi nếu xét GDP theo đầu người, Trung Quốc vẫn còn lâu mới được xếp hạng nước phát triển và dù có cố gắng, hàng chục năm nữa Trung Quốc cũng không cạnh tranh được với nền kinh tế Mỹ. Đó mới là sự thật. Nhưng cũng có một sự thật khác, Trung Quốc đã có bước phát triển thần kỳ về mặt kinh tế, để từ một nước lạc hậu, chỉ trong 30 năm, đã trở thành một nền kinh tế hàng đầu thế giới, thậm chí có vai trò lớn khuynh đảo nhiều khu vực kinh tế.
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, với một xã hội chưa trưởng thành về mặt pháp quyền, kinh tế Trung Quốc phát triển xô bồ, lấy lợi nhuận ngắn hạn là trung tâm, bất chấp các luật lệ quốc tế, bất chấp hậu quả môi trường và sức khỏe, bất chấp sự cạn kiệt tài nguyên trong tương lai, Trung Quốc đã cho thấy một nền kinh tế không bền vững, một nền kinh tế dễ dàng rơi xuống vực thẳm chỉ sau một biến cố. Đặc điểm của kinh tế Trung Quốc trong thời gian qua là sức tiêu thụ nội địa thấp, nền kinh tế Trung Quốc chủ yếu dựa vào xuất khẩu.
Và thời điểm suy giảm đã đến
Video đang HOT
Khác với những năm tăng trưởng vũ bão, trên 14% năm, năm 2014, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt mức 7,5% và Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc khóa 12, kỳ họp thứ 3, vào cuối năm 2014, đã chốt chỉ tiêu tăng trưởng nền kinh tế năm 2015 là 7%. Trung Quốc đã đưa ra mức mục tiêu tăng trưởng thấp nhất trong hơn 15 năm. Các nhà phân tích kinh tế thế giới đã khẳng định, những nguy cơ lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc là: nợ và tình trạng rút vốn của nước ngoài, tình trạng sụt giảm xuất khẩu, vấn nạn môi trường. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gần đây đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc từ 7,4% trong năm 2014 xuống mức 6,8% trong năm nay, trong khi Oxford Economics cho rằng năm nay có thể sẽ là năm cuối cùng mà Trung Quốc đạt được mức tăng trưởng 6%/năm.
Khi các nền kinh tế toàn cầu suy giảm, việc xuất khẩu bị chững lại, để giữ vững ổn định tăng trưởng, Chính phủ Trung Quốc đã bơm tiền để kích thích kinh tế. Thực chất là kích thích sản xuất thừa và tạo nên một núi nợ. Họ phải tiếp tục đầu tư và sản xuất cực rẻ, với mức lời cực thấp để tạo ra việc làm và ổn định xã hội. Hai yếu tố này tạo nên một hệ thống sản xuất kém hiệu quả, lãng phí.
Xuất khẩu không sáng sủa, động lực của đầu tư yếu. Kéo theo nợ tăng. Theo báo cáo mới nhất của Viện McKinsey Toàn cầu (MGI), nợ của Trung Quốc đã tăng gấp 4 lần, từ 7.000 tỷ USD năm 2007 lên 28.000 tỷ USD vào giữa năm 2014, bằng 282% GDP. Nếu cứ tiếp tục đà này, nợ của Trung Quốc sẽ lên tới 400% GDP vào năm 2018. Một nửa các khoản vay liên quan đến thị trường bất động sản của Trung Quốc, các tài khoản ngân hàng không được kiểm soát chiếm tới gần một nửa các khoản vay mới và món nợ của nhiều chính quyền địa phương là nợ xấu. Các công ty Trung Quốc đang vay nợ khoảng 1.000 tỷ USD, trong đó 80% là các khoản vay ngắn hạn.
Đầu tư nước ngoài liên tiếp rút vốn khỏi Trung Quốc
Việc rút vốn đầu tư nước ngoài khỏi Trung Quốc cũng là một vấn đề lớn đối với nền kinh tế nước này. Mặc dù, trong năm 2014, Trung Quốc đã thu hút được tới 128 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài mới, tuy nhiên, chỉ riêng trong tháng 12-2014 đã có 80 tỷ USD vốn rút khỏi Trung Quốc và xu hướng này vẫn tiếp tục trong năm 2015 và những năm tới do giá nhân công lên cao, môi trường kinh doanh kém thuận lợi. Việc rút vốn này sẽ khiến đồng tiền của nước này sụt giá mạnh, gây ra một cuộc khủng hoảng ngân hàng.
Một trong những nguyên nhân sụt giảm xuất khẩu của Trung Quốc là môi trường nội địa ô nhiễm khiến hàng loạt nước cắt giảm các dự án do Trung Quốc tài trợ và thi công. Môi trường cũng là vấn đề gây mất uy tín nhất của Trung Quốc trên trường quốc tế, sau những vấn đề tranh chấp lãnh thổ.
Sự phát triển chậm lại của kinh tế Trung Quốc không phải là một hiện tượng đột ngột, nhất thời, mà là hậu quả của sự phát triển bất chấp hậu quả tương lai, hậu quả của sự thiếu bền vững. Nó có thể kéo dài cả thập kỷ. Ảnh hưởng vì vậy cũng lan tỏa và kéo dài.
Theo_An ninh thủ đô
Điểm yếu tiềm ẩn của kinh tế Trung Quốc
Trung Quốc sẽ không thể vượt qua Mỹ để trở thành siêu cường kinh tế của thế giới như nhiều người dự đoán, vì hiện có nhiều điểm yếu, dễ bị tổn thương, báo Hong Kong South China Morning Post và báo Mỹ Wall Street Journal dẫn ý kiến của các chuyên gia uy tín.
Trung Quốc đang đối mặt bong bóng bất động sản (Ảnh: Getty Images)
Chuyên gia Mỹ Roy Smith, người từng tiên báo chính xác giai đoạn suy thoái của Nhật Bản trước khi bong bóng bất động sản đất nước mặt trời mọc vỡ tung cách đó một năm, nay có cái nhìn tương tự về Trung Quốc. "Tính mong manh, dễ tổn thương của Trung Quốc hiện nay rất giống với Nhật Bản trước đây". Ông Smith, 76 tuổi, giáo sư tài chính tại Đại học New York, nói.
Theo giáo sư Smith, những khoản nợ xấu khổng lồ, thị trường chứng khoán và bất động sản bùng nổ đang bộc phát nguy hiểm cho nền kinh tế Trung Quốc và gây sức ép đối với hệ thống tài chính mong manh. Những hiện tượng này giống các điều kiện dẫn tới sự đi xuống của kinh tế Nhật Bản thời kỳ trước. Một sự trùng hợp khác là gánh nặng dân số già hóa với chi phí hưu trí và chăm sóc y tế ngày càng cao. Theo giáo sư Smith, trong khi Trung Quốc cố gắng tránh rơi vào tình trạng đình trệ kéo dài kiểu Nhật Bản, một cuộc khủng hoảng lớn có thể sẽ phơi bày những điểm yếu chưa bộc lộ.
Điểm yếu tiềm ẩn
Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản với tư cách nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm 2010 sau 3 thập kỷ tăng trưởng GDP mạnh mẽ. Nhiều người dự báo, cuối cùng Trung Quốc sẽ vượt Mỹ về sản xuất. Tuy nhiên, theo các cách tính khác như thu nhập bình quân đầu người, Trung Quốc vẫn thua Mỹ rất xa. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, GDP Trung Quốc năm 2013 vẫn chỉ bằng một nửa so với Nhật Bản vào năm 1960.
Năm 2014, kinh tế Trung Quốc phát triển với tốc độ chậm nhất trong vòng 25 năm qua. Sự phát triển chậm lại đã làm nổi bật vấn đề nợ nần. Theo tính toán của Viện McKinsey toàn cầu, tổng nợ của Trung Quốc, bao gồm các khoản vay của gia đình, ngân hàng, chính phủ và doanh nghiệp đã phình lên tới 282% tổng sản phẩm quốc gia vào giữa năm 2014, từ tỷ lệ 121% năm 2000. "Hệ thống tài chính Trung Quốc rất mong manh vì quá nhiều báo cáo sai và sẽ lộ ra nhiều điểm yếu khi sự thật được phơi bày", giáo sư Smith nói.
Giáo sư David Shambaugh, Giám đốc Chương trình chính sách Trung Quốc tại Đại học George Washington (Mỹ) nhận định trên Wall Street Journal ngày 7/3 rằng, kinh tế Trung Quốc đang sa lầy trong hàng loạt bẫy mang tính hệ thống không dễ tìm ra lối thoát. Gói cải cách kinh tế mới đây thách thức quyền lực cố hữu của các nhóm lợi ích như doanh nghiệp nhà nước và quan chức địa phương; các thế lực này rõ ràng đang ngăn việc triển khai các biện pháp cải cách.
Theo Thục Ninh/Bloomberg, SCMP, WSJ
Tiền Phong
Gặp mặt đầu Xuân tại Thụy Sỹ Ngày 8/2 vừa qua, tại Bern, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Thụy Sỹ Nguyễn Thế Phiệt và Phu nhân đã trang trọng tổ chức chương trình "Tết Cộng đồng" nhân dịp Xuân mới Ất Mùi 2015. Trong số 120 khách mời có Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Geneve Nguyễn Trung Thành; Chủ tịch Hội Hữu nghị Thụy Sỹ...