‘Nên hoãn phạt xe không chính chủ 6 tháng hay 1 năm’
“Không ai phản đối việc sang tên đổi chủ, song phải làm sao thuận lợi cho dân”, Viện trưởng Nghiên cứu Lập pháp Đinh Xuân Thảo trao đổi với báo chí sáng 12/11 về quy định phạt xe không chính chủ.
- Ông nghĩ sao về quy định xử phạt xe không chính chủ theo Nghị định 71?
- Quy định pháp luật là phương tiện phải có đăng ký chính chủ. Trước đây chúng ta buông lỏng quản lý nên bây giờ phải chấn chỉnh. Trên thế giới, khi phương tiện gây ra tai nạn hoặc đậu sai chỗ, cảnh sát không cần gặp chủ mà tự dán giấy phạt và chủ tự đi nộp phạt. Họ làm vậy vì xe chính chủ. Ở nước ta, xe bán lòng vòng qua nhiều chủ nên cơ quan công quyền không áp dụng biện pháp này được. Nghị định 71 là đúng, chủ trương đã có từ lâu rồi, vấn đề là ta không tuyên truyền, quán triệt để mọi người có nhận thức đúng.
Tuy nhiên, trong nghị định 71 có quy định mâu thuẫn với văn bản khác. Chính phủ có nghị định cho phép người dân được hợp đồng ủy quyền, hai người mua bán xe chỉ cần ra phòng công chứng, quy định này vẫn đang có hiệu lực. Bây giờ nghị định 71 lại cho rằng hành vi như vậy là vi phạm, sẽ bị phạt 6-10 triệu đồng.
Tôi được biết Ủy ban An toàn giao thông đã kiến nghị với Chính phủ để cảnh sát giao thông tạm ngừng thực thi việc này, như vậy là đúng. Chính phủ nên quy định rõ tạm dừng 6 tháng hay một năm và yêu cầu người đang sử dụng xe không chính chủ phải chuyển đổi, sau thời gian đó sẽ xử lý nghiêm.
Ông Đinh Xuân Thảo: ‘Cần phạt cả chủ mới và chủ cũ của xe không sang tên’. Ảnh: Hoàng Hà.
- Ông nghĩ sao khi cảnh sát giao thông yêu cầu người dân phải chứng minh nếu họ sử dụng xe mượn?
- Quy định này đánh vào hành vi trốn thuế chứ không đánh vào người tham gia giao thông trên đường. Cái này không rõ ràng thì mới gây phản ứng, vì trên thế giới có ai cấm người ta mượn xe. Nếu đúng người đi xe là người nhận chuyển nhượng mà không sang tên thì việc phạt là đúng. Phải có biện pháp kiểm soát trên đầu phương tiện, có thể trách nhiệm này không thuộc vào cảnh sát giao thông.
Cảnh sát giao thông kiểm tra trên đường chỉ là một cơ hội, một căn cứ để tìm ra vi phạm của chủ phương tiện. Mấy vị cảnh sát nói người đi xe không có vi phạm gì, song phải chứng minh là xe đi mượn. Nếu như vậy sẽ gây bất ổn trong xã hội, mỗi lần người ta mượn xe phải có công chứng, hay phải mang theo hộ khẩu. Làm không khéo thì có gia đình vốn có một ôtô, họ sẽ lại mua tới 4 xe nếu có điều kiện, như thế sẽ làm tăng đột biến xe cá nhân.
- Ông có thể đề xuất một số biện pháp kiểm tra xe không chính chủ, nếu không sử dụng cảnh sát giao thông?
Video đang HOT
- Phải có nhiều biện pháp như thông qua đăng ký đăng kiểm, tổng rà soát phương tiện, khi mua bảo hiểm, đăng kiểm định kỳ phải đối chiếu chính chủ… Bây giờ chúng ta vẫn còn nương nhẹ với chủ phương tiện khi đăng kiểm. Nguyên tắc khi làm đền bù nếu xảy ra tai nạn thì chủ cũ phải đến làm, nếu chủ cũ đã bán xe rồi thì mấy ai đến. Song quy định hiện nay thì chỉ cần ủy quyền của chủ cũ thì cơ quan bảo hiểm cũng giải quyết, như vậy là không hợp lý. Việc đăng kiểm xe cũng cần có yêu cầu chủ sở hữu đến làm thủ tục, không thể có anh nào bán rồi mà năm nào cũng phải đi đăng kiểm, họ sẽ phải làm thủ tục sang tên đầy đủ.
- Với xe đã mua bán qua nhiều chủ thì làm thế nào để hợp thức hóa?
- Công an có thể xác minh từ giấy ủy quyền công chứng để bắt buộc xe đó đi làm thủ tục sang tên. Chủ cũ của phương tiện cũng phải chịu trách nhiệm sang tên, có thể anh chỉ nộp ít tiền thuế thu nhập, nếu anh không làm thì phải quy vào việc trốn thuế. Giống như trường hợp nhà đất trước đây, nhiều nhà nguồn gốc không rõ ràng, không tranh chấp thì được hợp thức hóa.
- Ông nghĩ sao về mức phí trước bạ khi sang tên ôtô cũ?
- Mức phí trước bạ hiện nay còn cao. Trước đây, phí trước bạ và chuyển nhượng nhà rất đắt nên người mua và người bán đều trốn tránh, họ thông đồng hạ giá xuống khiến nhà nước thất thu. Bây giờ giá chuyển nhượng đã hạ xuống nên không gây nặng nề cho dân. Mục đích là để quản lý chứ không phải phạt.
Tương tự, nếu 100 người đến đăng ký đổi tên, mỗi xe thu 1 đồng thì nhà nước sẽ thu được 100 đồng còn hơn đưa ra giá cao mà chỉ thu được vài người đến. Cách đăng ký của các cơ quan hiện nay cũng rất phức tạp, công chứng, nộp tiền, rất mất thời gian nên dân ta ngại.
- Theo ông việc thực thi điều khoản phạt xe không chính chủ theo nghị định 71 cần rút kinh nghiệm như thế nào?
- Rút kinh nghiệm trong việc ban hành văn bản pháp luật. Các văn bản liên quan đến số đông người dân thì phải thận trọng, không ai phản đối việc sang tên đổi chủ song cần phải có cách làm thế nào để thuận lợi cho dân.
Chính phủ nên có quy định chính thức tạm dừng, hay hoãn điều khoản đó trong thời gian bao lâu, trong thời gian đó đề nghị xe chưa chính chủ phải chuyển đổi. Từ nay trở đi các giao dịch mua bán phải sang tên. Sau đó sẽ áp dụng phạt cả chủ mới và chủ cũ của phương tiện chưa chuyển chủ.
- Gia đình ông đang sử dụng xe sở hữu như thế nào?
- Ôtô của gia đình tôi mua lại của người khác nhưng có hợp đồng công chứng theo quy định, có nộp tiền thuế. Tôi có quyền thay mặt chủ đó giao dịch dân sự như bán, vay ngân hàng… Nếu có quy định và gia hạn thời gian, tôi sẵn sàng đi chuyển chủ đúng tên mình để tránh phiền phức. Công an cũng có thể đến các phòng công chứng lấy hồ sơ sẽ biết hết những xe nào đã chuyển nhượng.
Theo VNE
Kiến nghị chưa phạt người đi xe không chính chủ
Ngày 11/11, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, sẽ tham mưu chưa phạt người đi xe chưa sang tên đổi chủ.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: "40% lượng xe trong cả nước không chính chủ"
- Ông nghĩ sao về việc xử phạt người đi xe không chính chủ mà Công an Hà Nội vừa thực hiện?
- Việc sang tên đổi chủ phương tiện là nguyên tắc thế giới áp dụng từ lâu. Bất cứ tài sản nào cũng phải thay tên đổi chủ, vì liên quan đến công tác quản lý nhà nước. Nếu người dân không làm việc này là vi phạm luật pháp và phải chịu xử lý hành chính. Có điều từ lâu các cơ quan quản lý quên việc xử phạt hành vi không thay tên đổi chủ nên người dân thấy không cần thiết phải sang tên.
Do vậy, phương tiện không chính chủ là tràn lan, chưa có tài liệu nào chính thức thống kê được số xe không chính chủ, song theo điều tra xã hội học của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia thì con số này không nhỏ, thậm chí lên tới khoảng 40%. Có những phương tiện đã qua hàng chục đời chủ mà không biết người chủ đầu tiên là ai, thậm chí chủ trước đã chết. Đây là lỗ hổng trong công tác quản lý.
- Vậy tại sao trước đây, cảnh sát giao thông không xử phạt người không sang tên chính chủ?
- Quá trình xác minh có chính chủ hay không rất khó, thậm chí chi phí đi xác minh còn cao hơn tiền phạt. Luật pháp không cấm chuyện mượn xe đi lại, song nếu phát hiện xe không đúng tên và để phạt được thì cảnh sát cũng phải chứng minh xe đó chưa sang tên đổi chủ. Vì thế, khi người dân chứng minh là xe mượn thì cảnh sát cũng phải xác minh là xe đó mượn hay là đã bán rồi. Nếu không xác minh mà dựa vào một giấy mượn xe thì không đúng. Quy trình này cũng rất phức tạp.
- Như ông nói, hiện có tới 40% xe không chính chủ và nguyên nhân một phần do cơ quan quản lý lơ là xử phạt. Vậy tại sao giờ lại đưa ra mức phạt tăng mạnh hơn cho hành vi này?
- Khi sửa đổi Nghị định 34 thành Nghị định 71, tất cả các mức xử phạt hành chính đều tăng. Đặc biệt có 2 nhóm tăng mạnh là nhóm các hành vi nguy hiểm như uống rượu bia, đua xe; và vi phạm lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, sang tên đổi chủ... Hiện chúng ta không thể thực hiện các giải pháp như xử phạt bằng camera vì không biết chủ xe là ai. Song, về quản lý xã hội sau này, chắc chắn phải áp dụng vì không thể đưa quá nhiều cảnh sát giao thông ra đứng đường.
Nghị định 71 đã được soạn thảo từ năm 2011, lấy ý kiến rất nhiều cơ quan chức năng, địa phương. Có thể mức phạt được đưa ra không thỏa mãn một số nơi song theo tôi đã đủ sức răn đe. Nhưng tôi thấy, lực lượng chức năng nên tập trung trước vào các hành vi nguy hiểm như chạy quá tốc độ, đua xe, uống rượu bia, còn các hành vi khác cũng phải xử phạt song có thể chưa tập trung.
- Vậy, theo ông, làm cách nào để khuyến khích người dân làm thủ tục sang tên, đổi chủ?
- Theo tôi, các ngành chức năng phải có nghiên cứu và hướng dẫn chi tiết về vấn đề này. Quy định hiện nay chỉ rõ, chủ xe phải có trách nhiệm khai báo, nhưng nếu người dân không thể xác minh chủ nhân trước đây là ai thì công an cũng phải đi xác minh xe đó không vi phạm pháp luật (như không phải xe ăn cắp) thì cho phép người dân được quyền sang tên đổi chủ.
Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu và đưa ra quy trình để người dân có thể nhanh nhất làm thủ tục thay tên đổi chủ phương tiện. Thứ hai, mức phí trước bạ cần giảm tới một mức hợp lý bởi mức hiện nay quá cao. Ví dụ, người ta mua một ôtô cũ giá 500 triệu và phải mất 60 triệu đồng (12%) chỉ để sang tên thì là bất hợp lý. Thực ra, người dân ai cũng muốn có phương tiện chính chủ, đặc biệt với tài sản lớn. Đối với nhà giàu thì ôtô là tài sản, nhà nghèo thì xe máy là tài sản, song do điều kiện kinh tế khác nhau người ta phải mua xe cũ, thì nhà nước nên có tính toán điều chỉnh mức phí.
Nhà nước cần xác định mức phí trước bạ không phải là nguồn thu ngân sách, mà là để người dân chấp hành pháp luật, phục vụ công tác quản lý. Nhà nước cần quản lý xe chính chủ và người dân cũng muốn có xe chính chủ, hai phía này cần hài hòa với nhau. Tuy nhiên, về quản lý nhà nước cần tính toán việc thực thi phù hợp với hoàn cảnh của đại bộ phận người dân hiện nay.
- Về phía Ủy ban An toàn giao thông sẽ có đề xuất gì về vấn đề này?
- Nghị định 71 có hiệu lực từ ngày 10/11, nhưng theo tôi các hành vi như đua xe, vượt tốc độ... phải phạt ngay, còn phương tiện không chính chủ chưa nên phạt mà cần có thời gian để người dân chuẩn bị. Trước mắt cần tuyên truyền và thời gian phạt sẽ phụ thuộc vào cơ quan quản lý thực hiện quy trình chứng nhận sở hữu xe cho dân.
Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng sẽ tham mưu cơ quan chức năng xem xét tạm thời chưa phạt người đi xe không chính chủ, tính toán lại thủ tục hành chính và xem xét lại mức phí.
- Tuy nhiên, một số người dân sẽ lo ngại bị xử phạt nếu họ đi xe không chính chủ trong những ngày này, ông có ý kiến gì?
- Chắc chắn trước mắt trong vài ngày tới, cảnh sát giao thông ở các địa phương sẽ chưa bắt đầu xử phạt mà chỉ tuyên truyền nên dân chưa quá lo ngại bị phạt. Tuy nhiên, người nào chưa chuyển tên mà xác định được chủ xe cũ thì nên đi làm thủ tục chuyển nhượng. Thực tế, các trường hợp gây tai nạn nghiêm trọng mới xem xét chủ sở hữu, chứ đi trên đường thì cảnh sát giao thông hầu như không hỏi.
Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia sẽ làm việc với cảnh sát giao thông và yêu cầu trước mắt làm công tác tuyên truyền cho dân biết. Nhưng chúng tôi cũng kêu gọi người dân không vi phạm Luật giao thông đường bộ vì mức xử phạt rất cao có thể ảnh hưởng tới kinh tế của gia đình.
- Vậy, vấn đề xe không chính chủ ở gia đình ông ra sao?
- Vợ chồng tôi đều đi xe chính chủ, còn gia đình lớn thì cũng có người đi xe không đúng sở hữu, đó là người em mua xe máy cũ chưa chuyển nhượng. Tôi sẽ khuyên người em đó đi trên đường cần cẩn thận để không bị cảnh sát giao thông hỏi về chuyện chính chủ và cũng nên đi chuyển đổi sở hữu sớm.
Theo xahoi
Làm rõ hơn vị trí nguyên thủ quốc gia TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp - Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khẳng định dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã làm rõ quyền của chủ tịch nước với vị trí là nguyên thủ và làm rõ hơn quyền của người dân *Phóng viên: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tiếp tục quy...