Nền giáo dục tiên tiến là nền giáo dục phải chăm lo, ưu tiên cho học sinh khó khăn
Chia sẻ tại Hội thảo “30 năm mô hình giáo dục Đinh Tiên Hoàng và giải pháp giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh phổ thông hiện nay”, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng) cho rằng: Một nền giáo dục văn minh, tiên tiến trước hết phải chăm lo, ưu tiên cho những học sinh gặp khó khăn.
Mới đây, Hội Tâm lý Giáo dục học Hà Nội đã phối hợp với Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (quận Ba Đình) tổ chức Hội thảo khoa học “30 năm mô hình giáo dục Đinh Tiên Hoàng và giải pháp giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh phổ thông hiện nay”.
Toàn cảnh buổi Hội thảo.
Theo đó, Hội thảo được tổ chức nhằm làm rõ và khẳng định những quan điểm, phương pháp giáo dục hiện đại đã được vận dụng sáng tạo, thành công ở Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng và những vấn đề cần phát huy tác dụng trong công tác giáo dục đạo đức lối sống hiện nay.
Đồng thời, nêu những quan điểm, phương pháp giáo dục nhằm đảm bảo công tác giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, vai trò của cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên chủ nhiệm trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với đối tượng học sinh đặc biệt.
Thông tin tại Hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng) cho biết: Tháng 10/1989, Trường Trung học phổ thông Dân lập Đinh Tiên Hoàng được thành lập với mục đích thu nhận những học sinh không được vào trường quốc lập hoặc đang học tại các trường quốc lập nhưng xếp loại yếu kém về văn hóa, đạo đức, vi phạm kỷ luật bị các trường từ chối không cho học.
Khi xây dựng mô hình giáo dục Đinh Tiên Hoàng, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội mong muốn thực hiện Công ước quốc tế về quyền trẻ em, góp phần thực hiện công bằng giáo dục đối với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Những năm đầu mới thành lập, Trường Đinh Tiên Hoàng tiếp nhận và đào tạo học sinh theo mô hình “giáo dục đặc biệt”. Trong đó 60% là học sinh yếu kém về khả năng học tập văn hóa, còn lại là những học sinh có hoàn cảnh khó khăn như gia đình ly tán, kinh tế sa sút.
Video đang HOT
Năm 2015, để sát với thực tiễn đời sống và giáo dục Việt Nam, nhà trường chuyển sang mô hình “giáo dục không chọn lọc đầu vào”. Mô hình này dựa trên mô hình đánh giá chất lượng giáo dục của UNESCO – “giáo dục cho mọi người”.
Từ đó, học sinh Trường Trung học phổ thông Dân lập Đinh Tiên Hoàng đã có kết quả đáng khích lệ: Học sinh biết tự học, tự rèn, tự phát triển năng lực phẩm chất, năng lực đạt mục tiêu cấp học; tỷ lệ đỗ tốt nghiệp Trung học phổ thông trong nhiều năm đạt từ 95% đến 98%; học sinh sau tốt nghiệp được xã hội tin tưởng, sử dụng…
Đến nay, hơn 10.000 học sinh của trường đã tốt nghiệp Trung học phổ thông. Một số vào đại học, cao đẳng (khoảng 40%), một số học trường nghề rồi tự ra lập nghiệp. Nhiều cựu học sinh của trường đều nhìn nhận khi học tập tại trường, họ đã có môi trường giáo dục thực sự vì học sinh, được nhận sự tin yêu của các thầy cô giáo, của bạn bè. Đó là điều hiếm hoi với những học sinh được xem là “cá biệt” lúc đó.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, những thành công của Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng khi chuyển từ mô hình “giáo dục đặc biệt” sang mô hình “giáo dục không chọn lọc đầu vào” đã cho thấy, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các nhà trường cũng phải chăm lo việc dạy người, đặt việc dạy người lên hàng đầu nhằm đảm bảo công bằng trong giáo dục. Một nền giáo dục văn minh, tiên tiến trước hết phải chăm lo, ưu tiên cho những học sinh gặp khó khăn.
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về nhiều vấn đề như: Mô hình giáo dục hiện đại nhằm đáp ứng nhiệm vụ giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh; văn hóa trường học và xây dựng trường học hạnh phúc; tăng cường hỗ trợ của các hình thức giáo dục ngoài nhà trường cho công tác giáo dục đạo đức lối sống học sinh phổ thông; đổi mới các hình thức giáo dục đạo đức và tác động để phụ huynh cùng đồng hành giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh…
Theo laodongthudo
Hành trình từ thiện của một cửu vạn chợ Vinh
Để đầu đinh, dáng người to cao lúc nào cũng tất bật, chiếc xe máy cũ kỹ, anh Phan Hùng Sơn làm cửu vạn ở chợ Vinh nhiều năm qua.
Tiền kiếm được chỉ đủ trang trải cuộc sống, nhưng hễ nghe học sinh nào có hoàn cảnh khó khăn, anh lại chạy xe đến tận nơi tìm hiểu, giúp đỡ.
Anh Sơn cùng các nhà hảo tâm khác đến thăm, động viên và tặng quà trẻ em vùng cao Nghệ An.
Tìm đến những mảnh đời bất hạnh
3 giờ sáng, anh Sơn cửu vạn đã có mặt ở chợ Vinh (Nghệ An), bắt đầu một ngày làm việc bình thường của mình: Bốc vác hàng thuê cho các chủ quầy hàng. Một vài người trong chợ thấy anh quen quen, vẫy lại hỏi: Chú có phải là chú Sơn không, tui thấy trên tivi có trường hợp thằng bé trên Hưng Nguyên tội lắm, không có bố, mẹ tâm thần, chú lên trên đó coi có đúng không?
Anh lấy bút ra ghi lại tên, địa chỉ vào mảnh giấy nhỏ rồi gấp tư, nhét trong túi áo. Buổi trưa, vãn việc, anh một mình chạy xe máy tìm hỏi. Đó là một cái điếm canh đê nằm cạnh sông Lam, thuộc xã Hưng Khánh, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. Bên trong, không có vật dụng gì ngoài một chiếc giường ọp ẹp và mấy cái ghế gỗ con con. Người cáng đáng mọi việc trong nhà là cậu bé Nguyễn Thành Nam mới 12 tuổi. "Trước đây cháu cũng có đi học và còn được học sinh giỏi. Nhưng 3 năm nay mẹ phát bệnh hoang tưởng, có hôm đi học về cháu không thấy mẹ đâu cả, đi tìm mãi mới thấy. Cháu không có bố, chỉ còn một mình mẹ, nếu mẹ đi mất nữa thì cháu không có ai nữa" - cậu bé Nam nói.
Hai mẹ con không có nhà để ở, cái điếm canh đê là chính quyền địa phương tạo điều kiện cho mẹ con Nam có nơi tránh mưa, che nắng. Móc ví cho cháu bé mấy trăm nghìn, anh quay về, viết lời chia sẻ hoàn cảnh của cháu Nam lên mạng xã hội. Qua kết nối của anh, nhiều tấm lòng hảo tâm đã giúp sức, lên tận nhà mua các vật dụng sinh hoạt, đóng lại giường tủ, bàn ghế và đưa mẹ Nam đến bệnh viện điều trị. Năm học mới, Nam cũng cũng đã được chính quyền địa phương giúp đỡ thủ tục, đưa đến nhập học ở làng trẻ SOS (TP Vinh, Nghệ An).
Trước đó, đọc tin trên báo thấy em Trần Thị Hồng Ngọc, Trường THPT Nghi Lộc 4 (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) đỗ đại học với 26,5 điểm nhưng không thể nhập học vì nhà quá nghèo. Anh Sơn một mình chạy xe máy đến nhà thăm hỏi. Hoàn cảnh của Ngọc hết sức éo le. Mẹ em lúc trẻ gặp tai nạn lao động, bị cắt cụt một tay, sau đó "xin" một đứa con để nương tựa tuổi già. Ngọc lớn lên chăm ngoan, học giỏi và ước mơ trở thành phóng viên.
Tuy nhiên, khi nhận giấy báo điểm ĐH cũng là lúc mẹ em bị ung thư tuyến giáp giai đoạn cuối. Cảm thương trước hoàn cảnh của cô học trò, anh Sơn gửi Ngọc chút quà, động viên em cố gắng đừng bỏ cuộc, rồi anh quay ngược xe về. Không hứa sẽ giúp được cho Ngọc bao nhiêu nhưng anh nói "chú sẽ kêu gọi mọi người giúp đỡ cho cháu". Từ lời kêu gọi của anh Sơn và nhiều nhà hảo tâm khác, Ngọc đã có đủ tiền nhập học và mẹ em cũng có một khoản tiền tiết kiệm để chữa bệnh.
Mong những đứa trẻ không lỡ dở học hành
Anh Sơn làm thiện nguyện cách đây hàng chục năm, chủ yếu âm thầm một mình, không nhóm hội, không phô trương, cũng chẳng nhằm lấy cái danh hiệu gì. "Đó là năm tôi đưa vợ đi sinh ở bệnh viện, khi ấy tôi mới thấy xung quanh có quá nhiều hoàn cảnh khó khăn, éo le và tuyệt vọng nữa. Tôi chỉ chỉ nghĩ đơn giản là muốn giúp họ một phần nào đó trong cơn hoạn nạn", anh Sơn nhớ lại cơ duyên đến với việc thiện nguyện của mình.
Kể từ đó, cứ đi đâu, gặp hoàn cảnh nào cần giúp đỡ là anh lại đem tiền trong ví ra cho họ. Khi dăm ba trăm nghìn, khi nhiều hơn thì vài triệu. Kể cả khi gia đình gặp biến cố, mẹ anh bị tai biến, phải bán cả quầy hàng trong chợ Vinh để lấy tiền chạy chữa, anh trở thành cửu vạn nhưng vẫn không quên giúp đỡ người khác.
Lúc ấy, anh chợt nghĩ lại lời tâm sự của một người bạn: "Sức mình có hạn, nhiều khi sự giúp đỡ chỉ như muối bỏ biển". Anh quyết định chuyển hướng từ thiện sang đối tượng là những em học sinh nghèo, gia cảnh sa sút, mồ côi có nguy cơ phải bỏ học giữa chừng. "Tôi muốn sự giúp đỡ của mình có ý nghĩa nào đó cho tương lai, cho cuộc đời còn rất dài ở phía trước của các cháu, khi các cháu không còn biết dựa vào đâu".
Năm 2016, Trường THCS Diễn Kỷ (huyện Diễn Châu, Nghệ An) phát động cuộc thi thư viết gửi mẹ. Trong đó, đặc biệt xúc động là thư của 3 em học sinh mồ côi mẹ. Đọc tin trên báo, anh bắt xe ra tận nơi động viên, rồi từ đó, tháng nào anh cũng góp tiền, gửi một người quen ở chợ Vinh quê ở Diễn Kỷ về trao cho 3 cháu. Sau gần nửa năm, 3 cháu được tổ chức nhân ái nhận đỡ đầu, anh mới ngừng hỗ trợ và chuyển sang trường hợp học sinh khác.
Anh không nhớ mình đã giúp đỡ bao nhiêu học sinh nghèo khó khăn, và cũng không mong là các em nhớ đến mình. "Tôi cũng không có nhiều tiền để cho các cháu một cuộc sống khác, hay nuôi sống các cháu hoàn toàn, chỉ mong các cháu có động lực vươn lên, cố gắng, được đến trường đầy đủ. Một đứa trẻ được học hành đầy đủ, tương lai nó sẽ khác hơn khi lỡ dở và lao vào đời kiếm sống khi còn quá nhỏ", anh tâm sự.
Lan tỏa điều tốt đẹp trong cuộc sống
Điều kỳ lạ và kỳ diệu là những trường hợp anh kêu gọi cộng đồng hỗ trợ đều được sự tin tưởng, ủng hộ của mọi người. Những năm qua, cứ đầu năm học mới, anh lại khoác balo cùng các nhóm thiện nguyện, đoàn thanh niên đến các vùng biên viễn xa xôi phía Tây Nghệ An để trao quà cho học sinh. Tấm lòng của anh cũng lan tỏa đến các tiểu thương chợ Vinh, mỗi người một chút, góp sách vở, quần áo mới, cặp sách cho các cháu nhỏ. Anh còn viết thư tay gửi cho những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, dù "không có nhiều lời hay ý đẹp, chỉ viết đôi dòng thật thà, dặn dò, chia sẻ động viên các cháu thôi. Nhiều cháu còn dán thư chú Sơn trước bàn học tập, rồi gọi điện khoe là để lúc nào cũng nhớ là phải chăm chỉ học bài khiến tôi rất xúc động", anh Sơn kể.
Góc quán cà phê chật chội có lịch sử lâu đời như chợ Vinh là nơi anh Sơn ngồi nghỉ khi vãn hàng, hết việc. Anh lại lôi ra trong ví một tờ giấy trong đó có số điện thoại, địa chỉ của em tân sinh viên Trường ĐH Vinh rồi cho hay, đây là trường hợp nhà nghèo, mẹ bị tâm thần. Chòm xóm xung quanh góp tiền cho em ấy được nhập học rồi, anh muốn tìm hiểu để hỗ trợ thêm. "Đấy, tôi làm thiện nguyện bao nhiêu năm chỉ đơn giản vậy thôi", anh cười, bụi bặm, thật thà.
Hồ Lài
Theo GDTĐ
Gian nan đường đến trường... Dù sinh ra trong gia cảnh khó khăn, bị số phận "trêu đùa" lâm phải bệnh tật ngặt nghèo, nhưng khát khao đến trường là động lực, sức mạnh giúp những em học sinh có hoàn cảnh kém may mắn vượt qua nghịch cảnh. Em Ngọc Hiển nhận quà của Hội Bảo trợ Người tàn tật - Trẻ mồ côi - Bệnh nhân...