Nên dừng cấp đổi chứng minh nhân dân 12 số?
- Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng, nên dừng cấp đổi chứng minh nhân dân 12 số để tránh lãng phí…
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường
- Thưa Bộ trưởng, có thông tin cho rằng sẽ có tới 3 loại thẻ căn cước công dân. Ông có thể giải thích rõ về điều này?
Về vấn đề này, trong tờ trình của Chính phủ đã nói rõ, Chứng minh nhân dân hay căn Cước công dân là giấy tờ rất quan trọng của mỗi công dân. Khi ban hành thẻ Căn cước công dân sẽ thay thế Chứng minh nhân dân.
Về tên gọi, hiện còn đang tranh luận xem giữ tên gọi là Chứng minh nhân dân hay Căn cước công dân, nhưng đa số ủng hộ tên gọi là Căn cước công dân. Khi luật có hiệu lực, sẽ cấp 1 loại thẻ là Căn cước công dân để thay thế Chứng minh nhân dân, nên không có chồng chéo thẻ này với thẻ khác.
Vấn đề là vận dụng trở lại đối với những người đang có Chứng minh nhân dân như thế nào? Theo dự thảo Luật, Chứng minh nhân dân vẫn có hiệu lực, đúng hơn là thẻ Căn cước công dân sẽ cấp cho những người đến tuổi, trong khi Chứng minh nhân dân còn hiệu lực vào thời điểm đó thì vẫn tiếp tục có giá trị và người dân vẫn sử dụng để thực hiện các quyền và nghĩa vụ đến khi đổi sang thẻ Căn cước công dân khi Chứng minh nhân dân hết hạn, muốn đổi hoặc mất Chứng minh nhân dân. Trong giai đoạn chuyển tiếp, sẽ có một số người có giấy tờ khác nhau nhưng mỗi người chỉ có một loại giấy tờ, hoặc Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân.
- Việc Lưu hành cả Chứng minh nhân dân và thẻ Căn cước công dân liệu có gây bất tiện cho người dân không, thưa ông?
Video đang HOT
Có một thời kỳ chuyển tiếp sẽ lưu hành cả hai loại giấy tờ này, nhưng mỗi người vẫn chỉ có một loại. Đương nhiên mỗi luật ban hành đều có thời kỳ chuyển tiếp, đòi hỏi giai đoạn nhất định để giải quyết những vấn đề đang tồn tại. Tuy nhiên, nếu thực hiện một cách khoa học thì chắc không có vấn đề gì lớn, xáo trộn về vấn đề này.
- Bộ Công an đang triển khai cấp Chứng minh nhân dân 12 số và được ưu đãi khoản vốn lớn, nhưng Chứng minh nhân dân có thời hạn 15 năm sẽ được thay thế bằng thẻ căn cước. Như vậy, có phải là đang có sự lãng phí?
- Vấn đề đổi Chứng minh nhân dân từ 9 số sang 12 số chỉ là thực hiện thí điểm. Chính phủ đã yêu cầu sơ kết thí điểm mới cho triển khai rộng. Hiện Bộ Tư pháp chưa thấy sơ kết nên không biết về chủ trương triển khai tiếp như thế nào. Thậm chí, Quốc hội còn đang thảo luận về tên gọi của thẻ nên theo tôi, nên chờ Quốc hội quyết định xong mới làm theo qui định của Luật Căn cước công dân. Tôi cũng cho rằng nên dừng việc cấp đổi Chứng minh nhân dân, chỉ thực hiện cấp mới cho những người đến tuổi.
- Theo ông, có khó khăn gì khi cấp thẻ Căn cước công dân không khi khả năng cán bộ hộ tịch và thiết bị ở phường xã còn hạn chế đối với việc thực hiện việc này?
Quan điểm nhất quán của Chính phủ là trẻ em sinh ra được cấp giấy khai sinh và đến tuổi nhất định sẽ được cấp Chứng minh nhân dân. Nhưng trong quá trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có ý kiến cho rằng cấp thẻ Căn cước công dân ngay khi sinh ra, thay Giấy khai sinh và duy nhất trong đời chỉ có thẻ Căn cước công dân để tạo thuận lợi hơn cho người dân.
Tuy nhiên, thay mặt Chính phủ, tôi đã có báo cáo về việc này, theo đó trẻ em sinh ra được cấp giấy khai sinh cho đến khi đủ 14 tuổi vì qui định của Bộ luật Hình sự qui định 14 tuổi đã phải chịu trách nhiệm hình sự và quản lý con người phải chặt chẽ hơn quản lý trẻ em. Quan trọng ở chỗ này là tại sao gọi là thẻ Căn cước công dân, vì để nhận dạng một người thì có yếu tố hình ảnh. Hình ảnh thì phải cố định tương đối. Nên trẻ em đến 14 cơ bản hình ảnh có nhiều thay đổi nên Chính phủ đề nghị giữ như qui định hiện hành, đến 14 tuổi cấp Chứng minh nhân dân (khác hiện nay là đủ 15 tuổi) phù hợp Bộ luật Hình sự.
Cấp số định danh cá nhân rất đơn giản. Dự thảo luật này được xây dựng dựa trên một đề án được Chính phủ phê duyệt theo hướng xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư làm trung tâm dữ liệu cho công tác quản lý dân cư, cung cấp cho các cơ quan quản lý nhà nước, không bắt người dân kê khai những thông tin đã có trên cơ sở dữ liệu quốc gia để tiết kiệm cho người dân. Số định danh công dân (12 số) sẽ được cấp khi cơ sở dữ liệu này vận hành (theo đề án của Chính phủ là từ 1/1/2016). Kho số định danh công dân thì do Bộ Công an quản lý, sẽ được nối mạng đến toàn bộ xã, phường, thị trấn và bất kỳ ai có trách nhiệm đều có thể cập nhật để lấy số
Theo qui định của dự thảo Luật, từ 1/1/2016 cấp số định danh cho những người mới sinh. Còn những người sinh trước 1/1/2016 có cấp không tùy vào Quốc hội quyết định, nhưng theo đánh giá của Bộ Công an, dự tính đến 31/12/2019 sẽ xong. Kinh nghiệm của các nước là làm từng bước một, nhưng quan trọng là xây dựng cơ sở dữ liệu, phần mềm, hạ tầng kỹ thuật để bảo đảm thực thi được thì có làm lại cho những người sinh ra trước 1/1/2016 cũng là phương án tốt.
- Xin cảm ơn ông.
Ngọc Quỳnh
Theo_VnMedia
Công dân có thể được cấp thẻ căn cước từ khi chào đời
Thẻ căn cước sẽ thay thế chứng minh nhân dân và được cấp từ khi công dân chào đời - dự luật Căn cước công dân quy định.
Mặt trước thẻ Căn cước công dân.
Dự luật Căn cước công dân vừa được Chính phủ trình Quốc hội chiều 4/6 trong khuôn khổ kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII. Nếu được thông qua, luật sẽ có hiệu lực từ 1/7/2015.
Theo Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang, thẻ căn cước được cấp theo bốn giai đoạn phát triển của công dân: 0-14 tuổi; 15-25 tuổi; 25-70 tuổi (15 năm đổi một lần) và trên 70 tuổi (không xác định thời hạn sử dụng).
Với người dưới 15 tuổi, trên thẻ căn cước sẽ có thông tin về mã số định danh cá nhân và nhân thân. Người đủ 15 tuổi sẽ làm thủ tục đổi thẻ căn cước, trong đó bổ sung thông tin về đặc điểm nhân dạng, vân tay.
Ngoài mã định danh, trên thẻ căn cước có họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, nơi thường trú... được tích hợp từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Do đó, sau khi hoàn thành cơ sở hạ tầng và tích hợp đầy đủ dữ liệu, thẻ căn cước có thể thay thế sổ hộ khẩu và một số giấy tờ khác.
Mã định danh cá nhân là một dãy gồm 12 số tự nhiên, do Bộ Công an quản lý thống nhất trên toàn quốc và không cấp trùng, sẽ giúp công dân thuận tiện khi giải quyết các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.
Bên cạnh đó, chứng minh nhân dân được cấp trước ngày triển khai dự luật vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định. "Điều này là để tránh gây xáo trộn cho công dân trong các giao dịch", Bộ trưởng Trần Đại Quang nhấn mạnh.
Thẩm tra dự luật, Ủy ban Quốc phòng An ninh nhận định, việc cấp thẻ căn cước công dân, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và mã định danh cá nhân giúp việc quản lý dân cư trong tương lai đơn giản, thuận tiện, thay thế được nhiều loại giấy tờ cá nhân như giấy khai sinh, chứng nhận kết hôn, sổ hộ khẩu...
Dẫu vậy, Chủ nhiệm Nguyễn Kim Khoa cùng nhiều thành viên Ủy ban cho rằng, thời điểm hiệu lực 1/7/2015 khó khả thi, cần thêm thời gian chuẩn bị khoảng 6 tháng nữa.
Bộ trưởng Trần Đại Quang cũng lo ngại, nhiều địa phương chưa có điều kiện cơ sở hạ tầng thông tin, vật chất, kỹ thuật và cán bộ quản lý để triển khai. Do đó, Bộ Công an sẽ báo cáo Thủ tướng cho phép duy trì các quy định của pháp luật hiện hành đến khi đủ điều kiện, chậm nhất là 1/1/2020.
Theon Xahoi
Bỏ 500USD thuê làm giả hộ chiếu để xuất ngoại, bán dâm Bị cấm nhập cảnh vào Malaisia vì có hành vi liên quan đến tệ nạn xã hội nên Hằng tìm đến "cò" Công để làm giả hộ chiếu tiếp tục sang Malaisia hành nghề. Tuy nhiên, từ một sự trùng hợp khi người có cùng họ tên với cái tên giả mà Hằng đang sử dụng đến làm thủ tục xuất cảnh được...