Nên buộc xưng hô “anh em” nơi công sở
“Trong mức độ nào đó, người lớn tuổi phải chấp nhận cách xưng hô ‘anh – em’ với đồng nghiệp trẻ”
Xưng hô thân mật như trong gia đình theo kiểu “bác bác – cháu cháu”… là chuyện thường tại công sở. Nhiều ý kiến cho rằng, cách xưng hô “gia đình hóa” giúp đồng nghiệp nhanh chóng gần gũi nhau hơn. Nhưng cũng có người cho rằng, “chú chú – cháu cháu” nơi công sở tiêu diệt tính độc lập của con người khi nêu ý kiến, triệt tiêu sự tranh luận, đối thoại. Nhân chuyện này, chúng tôi xin gửi tới độc giả những ý kiến về cách xưng hô nơi công sở.
Xưng hô “anh – em” đang là xu hướng
Chuyên gia Ngôn ngữ học Phạm Văn Tình (Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam) cho rằng, trong ngôn ngữ Việt có hệ thống từ ngữ xưng hô khá phức tạp. Bởi cách phân tầng, chia sắc thái thang độ tình cảm rạch ròi nên tương đương với đó là hệ thống từ xưng hô đi theo.
Trong quan hệ gia đình của người Việt có sự phân ngôi thứ rất rõ ràng, các từ xưng hô cũng chỉ đích danh quan hệ giữa các đối tượng giao tiếp. Ví dụ, “chú” là em trai của bố, “thím” là vợ của chú; “cậu” là em trai mẹ, “mợ” là vợ của cậu….
Hệ thống từ ngữ xưng hô của Việt Nam tương đối phức tạp như vậy đã chi phối cách xưng hô chung trong xã hội. Bởi người Việt lấy chuẩn về mặt gia đình, tuổi tác để lựa chọn từ ngữ xưng hô như: chú, bác, anh, cô…
Ngay cả giao tiếp nơi công sở, nếu người giao tiếp không lấy “tiêu chuẩn tuổi tác, gia đình” để xưng hô thì dễ bị cho là không hòa nhập, xách mé, hỗn hào… Ví dụ, khi đến cơ quan công quyền, nói chuyện với cán bộ hơn mình nhiều tuổi mà xưng hô “ông ông – tôi tôi” dễ bị coi là hỗn hào, công việc khó thuận lợi.
Theo PGS.TS Phạm Văn Tình, nên xưng hô chuẩn theo xã giao, bỏ yếu tố gia tộc hóa
PGS.TS Phạm Văn Tình cho rằng, nên xưng hô chuẩn theo xã giao (bỏ yếu tố gia tộc hóa) nhưng phải có quá trình và sự đồng thuận chung của mọi người. Ngay lập tức chuyển hướng theo lối xưng hô “ngang hàng” ngay sẽ thất bại.
“Theo kinh nghiệm của tôi, trong công vụ, công việc nên sử dụng cách “xưng hô không đầy đủ”. Nghĩa là không nhất thiết phải sử dụng cặp xưng hô ngôi thứ: cháu – bác; cháu cô; anh – em; chị – em… Chẳng hạn, khi cần đưa cho người ta thì dùng: “Gửi chị”. Không cần “Em gửi chị ạ” hoặc là: “Dạ, gửi bác” hoặc “Xin gửi bác” mà không cần “Cháu gửi bác”. GS Nguyễn Hữu Khiển – Nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính (Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia HCM).
Ông Phạm Văn Tình cho hay, hiện nay, trong công sở có xu hướng xưng hô “anh – em”. Quan sát có thể thấy, những người chênh lệch nhau nhiều tuổi vẫn gọi nhau là “anh- em”, “chị – em”. Đây là xu hướng tốt, đơn giản hóa xưng hô và tạo ra các cặp từ xưng hô thoáng đạt, tạo điều kiện cho người tham gia giao tiếp thoải mái hơn.
Ủng hộ cách xưng hô “anh – em”, nhưng PGS. TS Phạm Văn Tình băn khoăn trường hợp hai đồng nghiệp chênh nhau quá nhiều tuổi. Ví dụ như sinh viên mới ra trường đi làm rất khó gọi “anh” xưng “em” với nguời sắp về hưu. Do vậy, PGS. TS Phạm Văn Tình cho rằng, trường hợp trên nên xưng hô “bác – em” để đỡ sốc, dễ nói chuyện với nhau hơn.
Video đang HOT
“Anh – em” gần gũi, thuận lợi
Ông Phan Đăng Long, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho rằng, cách xưng hô “gia đình hóa” không tạo ra môi trường làm việc bình đẳng. Do vậy, nên hạn chế lối xưng hô này, thay vào đó là cách xưng hô tạo sự bình đẳng.
Ví dụ, trong tiếng Anh có cách xưng hô rất bình đẳng là “I” và “You”. Mặc dù vậy, điều này rất khó thực hiện bởi văn hóa Việt trọng tuổi tác, thứ bậc trên dưới. Do vậy, nên có cách xưng hô dung hòa, không tạo nên khoảng cách quá lớn giữa những người đồng nghiệp.
“Xưng hô ‘anh – em’ hoặc ‘chị – em’ trong công sở có thể là một giải pháp”, ông Long đề xuất.
Ông Long nói: “Ví dụ, đúng ra với người hơn nhiều tuổi phải gọi bằng ‘chú’ hoặc ‘bác’ xưng cháu. Nhưng trong môi trường công việc không cần câu nệ thế, có thể gọi nhau là ‘anh – em’. Cách xưng hô này dễ trao đổi công việc mà vẫn tạo ra sự tôn kính, tôn trọng thứ bậc tuổi tác”.
Lúc đầu sẽ hơi khó nghe khi người nói chuyện ít hơn tuổi con mình, nhưng trong mức độ nào đó, người lớn tuổi phải chấp nhận cách xưng hô “anh – em”, “chị – em”. Không nên xưng hô là “chú – cháu” vì nó dễ tạo tâm lý tự ti ở người trẻ và “kẻ cả” ở người nhiều tuổi hơn.
Ông Phan Đăng Long: Tại công sở, không nên xưng hô “chú – cháu”, vì dễ tạo tâm lý tự ti ở người trẻ và “kẻ cả” ở người nhiều tuổi hơn.
Giáo sư Trần Ngọc Thêm – Trưởng Bộ môn Văn hóa học, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM – cho rằng, xưng hô “chú – cháu” nơi công sở không thuận tiện cho giải quyết công việc chung. Cách xưng hô này làm người ít tuổi hơn cảm thấy mình thấp bé, không có đủ sự tự tin. Tuy nhiên, rất khó để thay đổi ngay cách xưng hô này theo hướng “ngang hàng”.
Theo ông, lẽ ra đại từ nhân xưng “tôi” phải được dùng nhiều nhất. Nhưng ít khi có người xưng “tôi” khi giao tiếp. Ví dụ, ở cơ quan, một nhân viên xưng là “tôi” với giám đốc, thủ trưởng, chắc chắn sẽ sớm phải ra khỏi cơ quan vì “mình không giống ai”.
Giáo sư nói: “Muốn tránh trường hợp xưng hô “bác bác – cháu cháu” làm người dưới thấy mình nhỏ bé, có thể xưng hô “anh – em”. Cách gọi này đã làm khoảng cách rút được nhiều lắm rồi”.
Theo Khampha
Đề xuất xưng "tôi" trong công sở
Tại cơ quan, công sở nên xưng "tôi" với người xung quanh để thể hiện sự bình đẳng, ngang hàng nhau trong công việc.
Xưng hô thân mật như trong gia đình theo kiểu "bác bác - cháu cháu"... là chuyện thường tại công sở. Nhiều ý kiến cho rằng, cách xưng hô "gia đình hóa" giúp đồng nghiệp nhanh chóng gần gũi nhau hơn. Nhưng cũng có người cho rằng, "chú chú - cháu cháu" nơi công sở tiêu diệt tính độc lập của con người khi nêu ý kiến, triệt tiêu sự tranh luận, đối thoại. Nhân chuyện này, chúng tôi xin gửi tới độc giả những ý kiến về cách xưng hô nơi công sở.
Xưng "tôi" để tự tin hơn
GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội dẫn chứng, có nhiều người dân lớn tuổi đến cơ quan công quyền gặp cán bộ tiếp dân rất trẻ. Theo Giáo sư, dù là người dân nhiều tuổi hơn, cán bộ tiếp dân cũng không thể gọi người ta là cụ xưng con hoặc gọi bác xưng cháu... Như thế không đúng tư thế của cán bộ Nhà nước. Lẽ ra, người cán bộ nên xưng "tôi" với người dân đến làm việc: "Thưa bác, tôi có thể giúp gì...".
Ngược lại, người dân đến cơ quan, dù nhiều tuổi hơn cũng không được xưng "bác", "chú", hoặc ít tuổi hơn cán bộ thì cũng không nên xưng "cháu, em"... Thay vào đó nên xưng là "tôi".
GS Thuyết đề xuất, khi đi ăn, chơi thì gọi thế nào cũng được, đó là việc riêng. Còn trong công việc, có thể gọi theo tuổi tác, giới tính của người ta như "chú", "bác" và xưng là "tôi".
"Nên chấp nhận sự phân biệt đối với người được hô về địa vị xã hội, tuổi tác nhưng xưng 'tôi' để thể hiện sự bình đẳng, ngang hàng nhau trong công việc", GS Thuyết nói.
Cũng theo ông Thuyết, đã có tiền lệ thay đổi trong cách xưng hô, điển hình như trong quan hệ nam nữ. Khi hai người nam nữ mới quen thì gọi nhau là "chú - cháu", khi yêu nhau chuyển là "anh - em". Kể con rể có lớn tuổi hơn bố vợ thì vẫn phải gọi "bố" xưng con. Chồng lớn tuổi hơn vợ baonhiêu thì vẫn là "anh - em".
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, nên xưng "tôi" để thể hiện sự bình đẳng, ngang hàng nhau trong công việc.
Nhà Xã hội học Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cũng ủng hộ xưng "tôi" nơi công sở. Tuy nhiên, theo ông, xưng tôi thì không thể gọi người trên là "cô", "chú", "bác". Bởi như vậy vẫn có sự xác lập thứ bậc trên dưới như trong gia đình. Mà điều này có thể làm tiêu diệt tính cá nhân, độc lập của mỗi người khi nêu ý kiến tranh luận.
Ông Trịnh Hòa Bình đề xuất, gọi đồng nghiệp theo chức vụ và xưng là tôi. Ví dụ: "Thưa giám đốc, thưa trưởng phòng, tôi có ý kiến thế này...".
TS Ngô Thành Can (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia HCM)
Còn TS Ngô Thành Can (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia HCM) đề xuất hai cách xưng hô nơi công sở. Đó là gọi theo chức danh giám đốc, trưởng phòng và xưng "tôi". Hoặc có thể gọi "anh", "chị" (nếu lớn tuổi gọi "ông", "bà") xưng "tôi".
Cách gọi như vậy tạo ra sự nghiêm túc của công sở, vẫn có trên có dưới nhưng không tạo ra ranh giới quá mức mang tính chất gia đình. Đồng thời, giải quyết được rất nhiều băn khoăn nơi công sở "không biết xưng hô thế nào cho đúng".
Ví dụ, một nhân viên mới đến, không biết gọi ông sếp hơn tuổi mình là "chú" hay "bác", "anh"... Hoặc hai người bạn thân chơi với nhau, nhưng giờ anh ta là sếp to, ông chủ... không thể gọi mày tao được nữa, gọi là "anh - em" cũng không được. Hoặc nhân viên nhiều tuổi hơn sếp, thậm chí có nhân viên là bạn của bố sếp thì sẽ rất khó xưng hô với sếp. Gọi sếp là "cháu" thì không dám, gọi sếp là "anh/chị" thì sợ nịnh quá lố, nghe khó coi vì bố sếp là bạn mình.
Do vậy, nếu có quy định xưng "tôi" và hô theo chức danh thì sẽ giảm đi nhiều sự khó xử trên.
Xưng "tôi" thể hiện sự ngang hàng, lịch sự
Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức - tác giả cuốn sách "Ngàn năm áo mũ" phân tích, từ "tôi" vốn có nghĩa là phận tôi tớ, thuộc hạ, sau được dùng làm đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất, tỏ ý khiêm nhường, hạ thấp mình trước đối phương.
Tài liệu của nhà nghiên cứu Trần Quang Đức có ghi chép lại như sau:
Giáo sĩ Marini ở tại Đàng Ngoài năm 1646 - 1658, người ghi lại hình thức chào của người Việt, cho biết, khi gặp vua người Việt thưa: "Tôi tâu đúc Bua" (Tôi tâu Đức vua), gặp chúa thì thưa: "Tôi đọ Ciúa" (Tôi dộng Chúa), với hoàng tử và các quan đại thần thì thưa "Tôi thân đúc ô" (Tôi thân Đức ông), và với những người có địa vị cao hơn mình thì thưa rằng: "Tôi Cièng" (Tôi chiềng).
ỗ Thế Giai (1709 - 1766), vị quan võ thời Lê Trịnh, trong các tờ khải điều trần của mình, dâng lên vua Lê chúa Trịnh bao giờ cũng mở đầu bằng câu: "Tôi cẩn khải vâng lạy ức bề trên".
Lê Chất (1769 - 1826), võ quan triều Tây Sơn, sau theo nhà Nguyễn, trong tờ tấu chữ Nôm gửi lên vua Gia Long, thưa rằng: "Tấu vái Đức Hoàng thượng muôn muôn năm cao minh ngự lãm", cuối tờ tấu viết: "Chúng tôi thật lo thật sợ cúi vái. Đức Hoàng thượng muôn muôn năm".
Theo nhà nghiên cứu Trần Quang Đức, đại từ "tôi" về sau dần thay đổi ngữ nghĩa, chuyển từ thái độ khiêm hạ sang ngang hàng, được sử dụng trong những trường hợp lịch sự.
Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức nói rằng: "Tôi cho rằng sự thay đổi này chỉ diễn ra vào quãng bốn năm chục năm trở lại đây mà thôi. Bởi bạn tôi (tầm 40 tuổi) theo đạo Thiên chúa giáo nói, họ luôn băn khoăn không hiểu sao ngày bé khi vào nhà thờ, họ lại xưng là "tôi" trước chúa, còn giờ thì nhất loạt đổi dùng từ "con".
Thông tư quy định về Điều lệnh nội vụ Công an nhân dân (10/4/2012) quy định xưng hô khi giao tiếp: 1. Xưng hô khi giao tiếp trong lực lượng Công an nhân dân a) Khi làm việc, hội họp, học tập, sinh hoạt tập thể, cán bộ, chiến sĩ xưng hô với nhau bằng "đồng chí" và "tôi", sau tiếng "đồng chí" có thể gọi cấp bậc, họ tên, chức vụ của người mình tiếp xúc; đối với cấp trên có thể gọi là "thủ trưởng". Trong các học viện, nhà trường Công an nhân dân, ngoài việc xưng hô như trên, giáo viên, học sinh, sinh viên có thể xưng hô bằng "thầy", "cô" và "em"; b) Ngoài giờ làm việc, hội họp, học tập, sinh hoạt tập thể, cán bộ, chiến sĩ xưng hô với nhau sao cho phù hợp với phong tục, truyền thống văn hóa Việt Nam; 2. Xưng hô khi giao tiếp với người ngoài lực lượng Công an nhân dân a) Khi làm việc và quan hệ công tác với cán bộ và nhân dân: Tùy từng trường hợp cụ thể để gọi bằng "đồng chí" và xưng "tôi"; hoặc tùy theo lứa tuổi để xưng hô sao cho phù hợp với phong tục, truyền thống văn hóa Việt Nam. b) Khi giao tiếp với người nước ngoài: Tùy theo quan hệ ngoại giao của Việt Nam với quốc gia, tổ chức quốc tế khách đến thăm để gọi là "đồng chí" hoặc "ngài", "ông", "bà", "vương hiệu", "tước hiệu" và xưng "tôi" cho phù hợp. c) Khi giao tiếp với người vi phạm pháp luật: - Đối với phạm nhân, trại viên gọi là "anh", "chị" và xưng "tôi"; - Các trường hợp khác, tùy theo lứa tuổi, xưng hô sao cho phù hợp với phong tục, truyền thống văn hóa Việt Nam.
Theo Khampha
Bỏ xưng hô "chú cháu" nơi công sở? "Xưng hô chú - cháu, bác - cháu nơi công sở làm cho người dưới thu mình lại, dẹp như con gián...". Xưng hô thân mật như trong gia đình theo kiểu "bác bác - cháu cháu"... là chuyện thường tại công sở. Nhiều ý kiến cho rằng, cách xưng hô "gia đình hóa" giúp đồng nghiệp nhanh chóng gần gũi nhau hơn....