Nem nắm
Có người bạn ở huyện Giao Thuỷ, Nam Định ra chơi, làm quà cho món nem nắm. Qua chuyện trò, nhân đó mà hiểu hơn về quê hương bạn và món quà quê của bạn.
Giao Thuỷ là một huyện ven biển của tỉnh Nam Định, nằm ở chỗ cuối cùng của con sông Hồng, bên cạnh cửa Ba Lạt, bên kia là huyện Tiền Hải, Thái Bình. Bãi tắm Quất Lâm không rộng lắm, nước lại hay đục ngầu phù sa nhưng nhiều người vẫn thích về đấy chơi, có lẽ vì gần Hà Nội và cũng vì hải sản có nhiều thứ vừa ngon lại vừa rẻ. Thứ nữa, trên đường đi khách được ngắm vô số cảnh những mái nhà thờ nhọn hoắt xen lẫn những mái chùa cong cong nhô lên giữa những cánh đồng, làng mạc trù phú; hơn đâu hết người ta cảm nhận được vẻ đẹp, sức sống của một vùng quê đồng bằng Bắc Bộ.
Nem nắm là một món khoái khẩu của các cụ ta từ xa xưa. Nhà thơ Tản Đà lúc sinh thời cũng rất ưa nhắm rượu với thứ nem này. Có một đoạn hồi kí của ai đó kể về nhà thơ khi làm báo An Nam trong một lần đãi khách uống rượu với nem, ông đã triển khai một bài lí sự rất dài dòng về mối tương quan giữa nem và nước chấm. Và câu thành ngữ: “Tay nem, tay chạo” là để chỉ những người giỏi giang tháo vát, chịu thương chịu khó…
Bạn kể, bây giờ hoá ra chẳng mấy sẵn nem nắm. Thường người ta hay ăn nem chua, nem chạo hoặc nem tai. Báo chí thỉnh thoảng vẫn nói về cửa hàng nem tai của bà Hồng ở Hà Nội mỗi ngày tiêu thụ có đến 5 tạ tai lợn. Nem tai kể ra có quí hơn nem chạo, nhà có khách đột xuất, mua về vài ba lạng cũng là thêm một món, được cái sụn nhai giòn, mùi thính cũng thơm thơm, nhưng ăn mấy miếng là hết thấy hứng.
Một quán bia ở quận Thanh Xuân hay có nem Phùng. Mở gói lá chuối ra là một nắm nem mịn màng thơm phức mùi thính gạo. Mùa hè nhắm với bia, mùa đông nhắm với rượu đều có lí. Nhưng mà lại chẳng mấy người biết, chẳng mấy người thích. Chẳng như nem nắm Giao Thuỷ. Nói đến nem Giao Thuỷ thì ở Nam Định ai cũng biết và chẳng mấy ai không tỏ ra hào hứng.
Bạn kể, chỉ trong một huyện mà có đến hai “trường phái” nem khác nhau. Một ở xã Giao Tiến, một ở mấy xã sát ven biển như Giao An, Giao Lạc… Nem Giao Tiến có đặc điểm bì lạng mỏng, thái nhỏ đều, dài, trắng muốt như những sợi cước. Mấy xã vùng dưới thì lạng nguyên lớp bì, đôi khi lẫn sang một ít của phần mỡ nữa, nhưng mà cũng phải thái thật mỏng. Nói chung làm nem là phải kén lợn. Cũng như làm giò lụa. Ngày xưa còn giống lợn ỉ thì khỏi phải nói. Bây giờ chọn những con lợn khoẻ mạnh, to vừa phải, nuôi bằng cám bã của nhà, không có thuốc tăng trọng.
Làm thịt lợn cũng theo lối cũ, dùng nước sôi để làm lông, như thế mới lấy được mọi cái chân lông. Thịt nạc xẻ ra còn nóng hôi hổi phải đem chế biến ngay. Thịt luộc vừa chín tới, thái thật mỏng, to bản nhưng dọc thớ, sau đó mới dùng sống dao dần cho mềm, nhũn. Riêng mấy xã vùng dưới thì người ta không luộc thịt mà chỉ nhúng vào nồi nước đang sôi sùng sục sao cho thịt chỉ chín tái bên ngoài mà bên trong vẫn còn đỏ rau rảu, kiểu như thịt bò tái.
Thính làm bằng gạo rang. Trước khi rang gạo phải đem xấp nước, để cho ráo. Khi rang phải thật đều lửa sao cho khi bẻ đôi hạt gạo thấy vỏ ngoài và lõi trong vàng một màu như nhau. Thịt, bì, thính trộn đều cùng nước mắm, tỏi, vừa trộn vừa bóp kĩ, sao cho mắm hoà cùng với tỏi ngấm đều vào thịt, thịt quyện lấy thính, thính bám chặt lấy bì. Người ta nắm chúng lại thành nắm đặt lên lớp lá sung đã trải sẵn. Thế là chỉ việc bẹo ra từng miếng cuộn vào trong một cái lá sung, chấm vào bát nước chấm mà đưa lên miệng.
Nước chấm làm bằng nước mắm Sa Châu, hoà thêm một ít nước cho khỏi mặn, cũng có thể cho thêm một chút đường, ớt, tỏi, hạt tiêu. Nem Giao Tiến thường nhiều thính nên có vị bùi, vị thơm hơn. Nem Giao An nhiều thịt nên dẻo, mềm và ngọt hơn. Người thích nem Giao An, người thích nem Giao Tiến. Tuỳ ý thích.
Nem nắm Giao Thuỷ gói trong lớp lá sung, bọc ngoài bằng lá chuối, lá dong hoặc giấy báo, chẳng cần cho vào tủ lạnh cũng có thể để được mấy ngày.
Bạn bảo, thành phố Nam Định có hàng của bà Ngân ở đường Trần Nhân Tông, bảy tám người luôn chân luôn tay mà khách đến hầu như lúc nào cũng phải chờ đợi. Người mua dăm ba nắm, có người mua mấy chục nắm. Người ta mua về ăn, đãi họ hàng, bạn bè và đem làm quà ở nơi xa. Vì làm bán cho dân thành phố nên thịt phải luộc kĩ hơn, không có màu đỏ như nem làm ở quê…
Chợt nhớ câu ca dao “Tay cầm bầu rượu nắm nem/ Mảng vui quên hết lời em dặn dò…”. Không biết nắm nem ở đây là nem gì, có phải là nem nắm không nhỉ?
Theo người lao động
Món ngon ngõ nhỏ, vỉa hè đất Hà Thành
Vỉa hè là quán ăn, chỉ cần một vài chiếc bàn con, một vài chiếc ghế con là người ta có thể xì xụp, thích thú thưởng thức đủ loại món ăn.
Những người bạn Sài Gòn của tôi rất ngạc nhiên khi tôi dẫn họ đi ăn ở những quán vỉa hè ven đường hoặc quán lụp sụp. Nhưng tôi bảo muốn ăn ngon và ăn lạ thì phải ngồi những quán như thế. Một vài bữa, họ nghiện luôn những kiểu quán như thế...
Video đang HOT
Giữa bụi bặm đường phố, lê la vài con ngõ, thưởng thức chút hương vị Hà Thành. Đó là cái thú ẩm thực của người Hà Nội. Những quán kể dưới không mới, nó quá quen thuộc với rất nhiều người, từ già tới trẻ, từ người đi xa hay vài lần ghé thăm Hà Nội.
Buổi tối những ngày đầu hè, tiết trời mát mẻ, Hà Nội trong lành, mời bạn dạo quanh những cửa hàng vỉa hè, ngõ nhỏ thưởng thức những món bình dị của người Hà Thành.
1. Nem chua - Ngõ Tạm Thương, Hàng Bông
Ngõ Tạm Thương, ngõ phố nhỏ xíu nằm trên đường hàng Bông, cái ngõ phố rất đặc trưng cho kiểu ngõ phố cổ Hà Nội, đường vào bé tý bé tẹo, hai cái xe lách qua nhau cũng khó khăn. Cả ngõ phố không có lấy một cái mặt tiền ngôi nhà nào trông hiện đại, mới mẻ, tất cả đều nho nhỏ, cũ cũ.
Cứ chiều tối, ngay đầu ngõ có hàng chục thanh niên tay vẫy, miệng ơi ới:" Nem chua rán đi anh chị ơi...". Đầu ngõ chật ních những xe là xe. Không giống với kiểu vẫy gọi nài ép như ở phố lẩu Phùng Hưng và Cao Bá Quát, các chàng thanh niên ở phố nem rán này rất lịch sự. Hỏi ăn của nhà ai, chỉ nhà nào là người giữ xe của nhà ấy chạy ra dắt xe, không ai lô xô vào mà mời mọc, giành giật lấy khách về nhà mình.
Nem rán ở đây ăn khá ngon. Nem được rán lên vừa phải, không bị ngậy mỡ ăn lại giòn chứ không bị dính dính như các nơi khác. Ăn nem rán chấm tương ớt, cùng món xoài xanh, củ đậu hay dưa chuột. Có quán còn phục vụ cả khoai tây chiên bơ tỏi chấm với xì dầu.
Mỗi quán trong ngõ, quán nào quán ấy đều nhỏ xíu, ghế ngồi là những chiếc ghế nhựa con con xếp thành hàng dọc, hơi chật chội khó ngồi nhưng có như thế mới "nếm " hết cái vị của kiểu ăn quà vặt.
2. Bánh gối - Lý Quốc Sư
Quán Gốc Đa nằm trên đường Lý Quốc Sư dễ đến ngoài hai mươi năm. Quán có tên là Gốc Đa có lẽ do quán nằm "tựa lưng" bên một gốc đa cổ thụ. Món truyền thống của quán là món bánh gối nhưng mấy món như bánh rán, bánh bao, nem cua bể... giờ cũng được quán thêm vào thực đơn để chiều lòng những thực khách hay quà Hà Nội.
Nét hấp dẫn của bánh gối ở đây chính là lớp vỏ bánh mỏng, nhiều nhân ăn thấy giòn lại thơm chứ không bị ỉu. Chiếc bánh đã cắt nhỏ ăn kèm với nước chấm chua ngọt bỏ thêm chút tương ớt cay cay, gắp miếng đu đủ thêm vài cọng rau thơm là đủ vị. Ăn xong thực khách có thể gọi thêm cả cốc trà Bát Bảo tráng miệng, giá đắt hơn vỉa hè một nghìn đồng nhưng vị lạ lại rất ngon.
Quán có phong cách khá độc đáo. Vì đông khách nên phục vụ ở đây dường như cũng được chuyên môn hóa từng công đoạn. Mỗi người của quán cứ theo nhiệm vụ mà làm, người chuyên rán, chuyên vớt, chuyên cắt bánh, chuyên bưng bê phục vụ. Còn với khách, ăn xong cứ theo bảng giá mà tính tiền, mặc dù ra cửa sẽ có người tính lại.
3. Nem Tai - Hàng Thùng
Ở Hàng Thùng có quán nem tai Bà Hồng đã trở thành địa chỉ thường xuyên của không ít người Hà Nội. Bạn bè gặp mặt thường rủ nhau đi thưởng thức món nem Bà Hồng, những đôi trai gái yêu nhau cũng lui tới quán này như một chỗ để ăn vui.
Món nem tai được ăn theo dạng cuốn. Một ít lá sung, lá đinh lăng, dải lên bánh đa nem, cho nem tai vào, kèm với một vài miếng sung muối chua, cộng với một lát giò lụa hoặc nem chua. Sau đó cuốn tròn rồi chấm vào nước mắm dấm cay nhẹ.
Độ dai của bánh đa nem, độ giòn, mềm, thơm ngậy của nem tai, cộng với một chút vị chan chát, xin xít của rau kèm và vị chua chua, ngòn ngọt, cay dịu của nước chấm sẽ làm khách đến thưởng thức nhớ mãi. Trong món ăn này, rau ăn kèm là một phần không thể thiếu. Đĩa rau kèm của quán bà Hồng có trên chục loại nào lá sung, lá đinh lăng, kinh giới, xà lách, lá mơ... khách thích dùng loại rau kèm nào cũng có.
Tưởng chỉ riêng người Hà Nội mới thích mấy món ăn bốc chấm nước mắm này ấy thế mà cả người Tây cũng ham. Có vị lầm tưởng bàn ăn ở đây sạch như bàn ăn ở nước họ nên cứ hồn nhiên dải bánh nem lên bàn cuốn cuốn gói gói, trông đến ngộ. Lại có có người tận Sài Gòn, ra Hà Nội chơi còn cố qua cửa hàng mua một chút nem tai để làm quà cho người nhà.
4. Hoa quả dầm - Tô Tịch
Phố Tô Tịch dài khoảng một trăm mét, nằm hơi khuất trên đường Hàng Gai. Từ đầu phố đến cuối phố có đến gần chục cửa hàng hoa quả dầm nằm san sát nhau. Mới dừng chân ở đầu phố, người đi đường dễ dàng bị quyến rũ ngay bởi sắc màu và hương thơm hấp dẫn của những loại quả này.
Quán nào cũng có hàng chục loại quả bày ngay trên mặt quầy. Quả được cắt thành những miếng nhỏ vừa miệng rồi cho vào cốc. Khách ăn có thể đếm được trên chục loại quả trong cốc của mình nào dưa hấu, xoài, mẵng cầu, bơ, dưa vàng, mít, nhãn, trân châu đen... được xếp theo trình tự màu sắc xanh, đỏ, vàng rất hấp dẫn và bắt mắt.
Khi có người đến ăn, chủ quán mới bỏ ra và rưới lên trên cốc quả một ít sữa đặc và nước cốt dừa. Sữa và nước dừa sẽ ngấm vào từng miếng hoa quả đã cắt nhỏ làm tăng thêm hương vị ngọt và thơm ngậy, cuối cùng là cho một ít đá xay mịn lên trên. Sự đặc biệt của loại đồ uống này là không dùng đường mà chỉ cho sữa vào để làm tăng vị ngọt nên có vị ngọt mát và thơm ngậy
Đến phố Tô Tịch, khách hàng có thể yêu cầu chủ quán xay sinh tố những loại quả mình thích. Phong cách phục vụ tại những quán này cũng rất cơ động, khách có thể ăn ngay tại quán hoặc nếu thích mang về, chủ quán sẽ cho vào một cốc nhựa, có kèm cả thìa và ống mút...
Giá cả cũng rất phải chăng, dao động từ 10.000 - 20.000đ/1cốc, khách hàng đến đây phần đông là thanh niên, học sinh, sinh viên.
5. Caramen - Hàng Than
Với người Hà Nội thì Caramen chẳng đâu ngon như ở Hàng Than. Caremen hàng Than ngon bởi vị nước hàng, mùi ca phê, kem ăn ngọt ngậy hay từ vị đăng đắng của thứ nước đen sánh trên mối đĩa caramen.
Quán ở đây đã tồn tại rất lâu đời nhưng đúng chất vỉa hè. Ghế nhựa nhỏ, cốc nhựa, thìa nhôm đơn giản. Bàn cũng là ghế, nhưng chủ yếu ghế là để ngồi. Những lúc đông khách mỗi người ngồi một chiếc ghế tay cầm đĩa caramen và thìa ăn mới đủ chỗ.
Nếu nói là chen chúc cũng đúng vì trên mỗi đoạn vỉa hè nhỏ xíu, mà lúc nào ghế cũng xếp chật ních. Người sát người, tay bê đĩa, bê cốc, tay cầm thìa... thế mà lại thành ngon nên vào mùa hè, quán chẳng bao giờ ngớt khách thậm chí cả mùa đông cũng vẫn đắt hàng.
Ở đây có nhiều loại Caramen lắm: caramen chân châu, caramen dừa, caramen hoa quả... rồi cả món caramen thập cẩm nữa. Có khoảng 10 món cho bạn lựa chọn. Nhưng nếu đã thành dân nghiền món này thì người ta chỉ gọi một món "caramen mộc" - tức là món caramen trứng truyền thống.
6. Nộm thịt bò - phố Hồ Hoàn Kiếm
Thật ra, trước kia ở phố Hồ Hoàn Kiếm này mới chỉ có một vài nhà bán nộm bò khô, nhưng dần dần thấy lượng khách ngày một đông, nhiều nhà cũng chuyển sang bán theo. Đến bây giờ con phố nhỏ dài vẻn vẹn không đến 300 m mà có tới gần chục quán hàng bán thịt bò khô với hàng lô dãy bàn ghế để san sát trên vỉa hè.
Cũng là đĩa nộm bò khô với những nguyên liệu như đu đủ xanh nạo, thịt bò, rau thơm, lạc rang, nước sốt nhưng khi ăn ở những quán này, bạn sẽ cảm nhận rất rõ được vị giòn của đu đủ xanh nạo, vị thơm ngon hơi dai của những miếng thịt bò rán khô được tẩm ướp gia vị kỹ lưỡng, vị béo ngậy của lá lách, vị sừn sựt của gân, sách, vó bò và đặc biệt là vị chua cay mặn ngọt pha rất vừa phải của nước sốt.
Ngoài nộm bò khô, còn có thêm chim sẻ, chim câu quay để chiều lòng thực khách có nhu cầu thay đổi khẩu vị. Các quán nộm bò khô này mở hàng bắt đầu từ 5 giờ chiều và kéo dài đến tận 11-12 giờ đêm.
7. Cơm rang bò - Mã Mây
Trên đường Mã Mây hình thành một phố cơm rang bò thu hút rất đông người đến ăn. Các hàng cơm rang bán tập trung vào buổi chiều tối, vì lúc này mới là lúc được bày các loại bàn ghế ra vỉa hè. Cơm rang ở đây không giống như các loại cơm rang thập cẩm có đủ các thứ đậu quả, xúc xích, lạp xườn xanh xanh đỏ đỏ mà các nhà hàng ăn uống khác hay làm.
Cơm rang ở đây trắng, gạo rất ngon nên ăn không với nước chấm đã ngon rồi, thịt bò và dưa xào để riêng ra một đĩa. Nước chấm pha tương ớt chua chua, cay cay ăn với món cơm rang mằn mặn này quả là không chê vào đâu được. Cả một đoạn phố này đêm nào cũng tưng bừng nhờ các hàng cơm rang và phố cơm rang này khá nổi tiếng với người dân Hà Nội.
8. Ngao, sò, ốc... nướng Cầu Gỗ
Ai mê mấy hàng đồ biển nướng, hấp thì đến khu phố Cầu Gỗ gần chợ Hàng Bè. Đêm nào ở đây cũng nhộn nhịp như đi hội, các bà hàng ngồi quạt than nướng sò, mực...khói bay mù mịt cùng mùi thơm tỏa ra khiến ai đi qua cũng thèm.
Người ăn ngồi tràn lan trên vỉa hè để thưởng thức. Giá cả ở đây rẻ hơn nhiều lần ở các nhà hàng mà lại được ngồi trong không khí vừa nấu, vừa nướng, vừa hấp... có khác nào mấy cái nơi gọi là làng Nướng gì đó giá cắt cổ mà chưa chắc đã tươi bằng ở phố vỉa hè này.
Hà Nội nhiều phố, mỗi con phố lại khó nhớ tên. Nhiều khi người ta thuộc tên phố, tên ngõ chỉ vì ở đó có những món hàng ăn ngon, độc đáo khiến người ta muốn quay trở lại luôn luôn. Một góc nhỏ như vậy thôi cũng đủ làm những người đi xa Hà Nội hay tạm xa Hà Nội nhớ nhung và thèm quay trở lại.
Theo GiaDinh.net.vn
Cơm nắm muối vừng mộc mạc hồn cốt đồng quê Cơm nắm hay "cơm vắt" và cũng có nơi gọi là "cơm bới" không biết có từ bao giờ, có lẽ từ xa xưa lắm, thuở người Việt biết dùng gạo nấu cơm. Cơm nắm đã trở thành bữa ăn lót dạ cho người nông dân làm đồng xa... ... Cho những cô cậu học trò đi học ở làng bên hay người...