Ném đá xe khách là tội ác, sao xử phạt quá nhẹ?
Theo luật sư, các mức chế tài theo quy định hiện nay về xử phạt hành chính hay xử lý hình sự những trường hợp vi phạm nghiêm trọng đều chưa đủ tính răn đe.
Thời gian qua, báo chí thông tin nhiều vụ ném đá xe khách. Nhiều vụ, đối tượng say rượu rồi rủ nhau ném “giải say”, ném “cho vui”; nhiều vụ các nhà xe cạnh tranh làm ăn thuê người ném đá để dằn mặt đối thủ. Mới đây nhất, xe khách BKS 18B-007.46 (thuộc nhà xe Hồng Long) bị ném đá, sơn trên tuyến cao tốc Nội Bài-Lào Cai, theo tường trình của bà Vũ Thị Nhạn, chủ nhà xe Hồng Long nguyên nhân có thể do nhà xe không đưa khách vào nghỉ ăn cơm ở quán cơm Lộc Phát số 8 (địa bàn huyện Sóc Sơn) nên từ Tết đến nay xe của nhà bà đã 4 lần bị các đối tượng ném đá, sơn vào kính chắn gió, khiến hành khách hoang mang.
Xe của nhà xe Hồng Long bị ném đá, ném sơn trên tuyến cao tốc Nội Bài-Lào Cai tối 14/3 (Ảnh: VEC)
Cũng qua thông tin trên báo chí, các vụ ném đá xe khách đã được cơ quan chức năng xử lý, tuy nhiên, đa phần số vụ mới chỉ dừng lại ở việc xử lý hành chính. Một số ít vụ việc do tính chất nghiêm trọng mới xử lý hình sự.
Dư luận cho rằng hành vi ném đá xe khách là một tội ác, tội cố ý, có thể gây chết người hàng loạt. Nếu chỉ xử lý hành chính không đủ tính răn đe đối với các đối tượng phạm pháp. Trong trường hợp, đối tượng ném đá khiến tài xế gây tai nạn chết người hoặc chết nhiều người, các đối tượng ném đá bị xử phạt ra sao?
Chia sẻ vấn đề này, luật sư Vũ Thị Thanh (Công ty Luật TNHH Intercode), Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết hiện pháp luật cũng có nhiều điều khoản quy định về hành vi phạm tội này kèm theo các hình thức xử lý.
Tại điểm a khoản 7 Điều 11 Nghị định 171/ 2013/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính vi phạm giao thông đường bộ và đường sắt với mức phạt từ 5 triệu đến 7 triệu đồng cho hành vi này.
Tại Điều 203 Bộ Luật Hình sự sửa đổi bổ sung năm 2009 và được hướng dẫn bởi Điều 4 Thông tư liên tịch 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC về hành vi ném đá xe khách nói riêng và các phương tiện lưu thông đường bộ, đường sắt nói chung.
Video đang HOT
Với hành vi ném đá xe khách mà dẫn tới chết người hoặc chết nhiều người thì sẽ bị xử lý sau khi xem xét nhiều khía cạnh như lỗi, động cơ phạm tội, tính nguy hiểm cho xã hội, hậu quả thực tiễn… để truy cứu trách nhiệm hình sự theo: tội danh cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác dẫn đến chết người theo Điều 104 Bộ Luật Hình sự; tội vô ý làm chết người theo Điều 97 Bộ Luật Hình sự; thậm chí là Tội giết người theo quy định tại Điều 93 Bộ luật này.
Tuy nhiên, theo Luật sư Vũ Thị Thanh, nhìn một cách khách quan, các mức chế tài theo quy định hiện này về xử phạt hành chính hay xử lý hình sự những trường hợp vi phạm nghiêm trọng đều chưa đủ tính răn đe.
Mặc dù có quy định như vậy nhưng trên thực tế chủ yếu là xử phạt hành chính mà rất ít các trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự trừ trường hợp có hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Phiên tòa xét xử sơ thẩm 2 bị cáo ném đá xe khách ở Đắk Nông (Ảnh: Người Lao Động)
Luật sư Vũ Thị Thanh cho rằng để việc áp dụng điều luật trên cũng như xử lý hành vi ném đá xe khách đúng người đúng tội là câu chuyện đáng bàn. Thứ nhất, làm thế nào để việc kiểm tra phát hiện kịp thời, xử lý đến nơi đến chốn của cơ quan có thẩm quyền; Thứ hai, là trên thực tế, hầu hết người bị bắt quả tang chỉ thừa nhận lần đó, không thừa nhận những lần ném đá xe khách trước, còn vật chứng lại không có; Thứ ba là hành vi ném đá xe khách trên thực tế cũng là loại hành vi khó xác định được thiệt hại bởi trong một số trường hợp hư hại không đáng kể.
Trong khi đó, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt là phương tiện xe cơ giới gia tăng đáng kể. Thực tế có rất nhiều vấn đề bất cập gây bức xúc, hoang mang cho người dân trên các tuyến đường, đặc biệt là đường cao tốc, quốc lộ…, không chỉ có nạn ném đá xe khách, mà còn nạn rải đinh trên đường… Việc ném đá vào xe khách cũng gây hậu quả không kém so với nạn rải đinh khi tài xế đang lái xe bị ném đá, làm vỡ kính xe, tổn thương người lái dẫn đến mất thăng bằng và gây tai nạn thậm chí gây thương vong cho nhiều người.
Chính vì vậy, với những hành vi như trên cần phải được xử lý nghiêm, đủ sức răn đe bên cạnh đó tuyên truyền để người dân hiểu, lên án, ngăn chặn kịp thời./.
Theo_VOV
Vì sao không công khai vi phạm của đa cấp Liên kết Việt ?
Liên quan đến vụ lừa đảo của đa cấp Liên kết Việt, dư luận đang "dậy sóng" trước việc vì sao quyết định xử phạt không được công bố rộng rãi để người dân có thông tin và không bị rơi vào "bẫy đa cấp".
Báo Hải quan dẫn lời ông Bạch Văn Mừng- Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh cho biết: Cục Quản lý cạnh tranh đã tiến hành hậu kiểm hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty Liên kết Việt vào ngày 15/7/2015.
Căn cứ kết quả kiểm tra, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh đã ban hành Quyết định xử phạt Công ty Liên kết Việt với số tiền 570 triệu đồng về các hành vi vi phạm các quy định trong hoạt động bán hàng đa cấp được quy định tại Nghị định số 42/2014/NĐ-CP và Thông tư số 24/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương.
Vậy tại sao quyết định này không được công khai? Đó là câu hỏi được rất nhiều người đặt ra trong bối cảnh hậu quả của Liên kết Việt gây ra là rất lớn, ảnh hưởng đến hàng chục nghìn người. Không ít ý kiến cho rằng nếu vi phạm của Liên kết Việt được sớm công khai thì số nạn nhân của Công ty "siêu lừa" này sẽ được giảm đi đáng kể.
Bộ Công thương cho rằng, cơ quan này đã làm tròn trách nhiệm trong việc giám sát, kiểm tra và phát hiện sai phạm của Công ty Liên Kết Việt - Ảnh: báo Infonet
Việc công khai thông tin về việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính đã được quy định rõ trong Luật Xử lý vi phạm hành chính (năm 2012).
Điều 72 Luật Xử lý vi phạm hành chính, quy định về công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính.
Các trường hợp phải công khai liên quan đến vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dược; khám bệnh, chữa bệnh; lao động; xây dựng; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo vệ môi trường; thuế; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; đo lường; sản xuất, buôn bán hàng giả mà gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội thì cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm công bố công khai về việc xử phạt.
Nghị định 42 về quản lý kinh doanh đa cấp cũng quy định doanh nghiệp bán hàng đa cấp, người tham gia bán hàng đa cấp thực hiện các hành vi vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật cạnh tranh và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Hơn nữa, một trong các hành vi vi phạm bị xử phạt của Công ty Liên kết Việt là "Cung cấp các thông tin gian dối và gây nhầm lẫn cho khách hàng về chất lượng, công dụng của sản phẩm".
Như vậy, theo quy định tại Điều 72 Luật Xử lý vi phạm hành chính như đề cập ở trên (vi phạm liên quan đến "chất lượng sản phẩm, hàng hóa"), việc xử phạt Công ty Liên kết Việt cần được Cục Quản lý Cạnh tranh công bố công khai.
Phải chăng Cục Quản lý cạnh tranh không nắm được quy định hay có uẩn khúc gì phía sau mà đơn vị này không muốn công bố vi phạm của Liên kết Việt?
Trước làn sóng dư luận về việc không công khai vi phạm của Liên kết Việt, báo Infonet cũng có thông tin, trong thời gian Cục QLCT điều tra, xử lý vi phạm của Công ty Liên Kết Việt theo quy định của pháp luật cạnh tranh, C46 (Bộ Công an) cũng đã vào cuộc để tìm hiểu, xác minh các thong tin về các dấu hiệu lừa đảo của công ty này.
Một lần nữa vị lãnh đạo Bộ Công thương khẳng định, "do chỉ cơ quan công an mới có đủ năng lực, thẩm quyền để điều tra xác minh hành vi lừa đảo, tại thời điểm Cục QLCT ban hành quyết định xử phạt Công ty Liên Kết Việt lại chưa có kết luận cụ thể của cơ quan công an nên Cục QLCT, với chức năng và quyền hạn được pháp luật cho phép, chưa thể đưa ra các cảnh báo về dấu hiệu lừa đảo của Công ty Liên Kết Việt".
Trước đó, trả lời phỏng vấn Infonet, ông Phan Đức Quế- Trưởng Phòng điều tra xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, Cục QLCT cho biết, thời gian tới cơ quan này sẽ kiến nghị để sửa đổi, bổ sung một số điều trong Nghị định 42 của Chính phủ theo hướng tăng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm trong bán hàng đa cấp.
HẠNH VŨ (Tổng hợp)
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Tranh chấp nhãn hiệu hàng hóa: Tòa án hay chính quyền? Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2016, dư luận xôn xao về vụ tranh chấp nhãn hiệu hàng hóa đối với sản phẩm mì chính (bột ngọt) giữa Công ty Ajinomoto và Công ty Hà Trung Hậu, trong đó có vấn đề cơ quan quản lý có nên tiến hành xử phạt hành chính hay để DN tự kiện nhau ra tòa. Luật...