Nem chua Quảng Ngãi
Quảng Ngãi, vùng quê có nhiều món ngon nổi tiếng: cá bống sông Trà, mạch nha Thi Phổ, đường phèn, đường phổi, don… Và không thể quên món nem chua đã bao đời gắn bó với người dân nơi đây, hiện diện trong mâm cỗ, sính lễ cưới xin, cả trong tiệc trà rượu của người dân quê mến khách.
Thực phẩm chủ yếu để chế biến nem chua: thịt nạc và bì (da) lợn, nước cốt chanh, muối, tiêu, tỏi… Để có món nem chua ngon, những bà nội trợ khéo tay thường chọn thịt lợn cỏ, giống lợn nhỏ con được nuôi bằng rau, cám và những thức ăn dư thừa trong gia đình. Lợn vừa mổ, chọn miếng nạc màu hồng rửa sơ qua nước rồi dùng dao thái lát mỏng và nhỏ, bì lợn thái sợi. Sau đó, ngâm vào nước cốt chanh hơn nửa giờ đồng hồ cho thịt chín tái rồi vớt ra vắt ráo nước. Tỏi Lý Sơn băm nhuyễn trộn với muối, tiêu, đường rồi ướp đều với thịt.
Tiếp đến, dùng tay vo thịt thành những cục vuông bằng cổ tay trẻ em rồi gói qua với lá chanh non. Sau đó, dùng lá chuối gói thành những viên nem vuông xinh xắn, buộc bằng lạt tre chẻ nhỏ rồi treo vào những nơi kín đáo. Nem chua bảo quản khoảng mươi ngày mới đến độ ngon nhất. Nếu muốn ăn liền sau khi chế biến thì có thể thêm ít nước cốt chanh để nem mau chua.
Bóc lá chuối xanh hiện ra miếng nem chua với thịt ửng hồng xen lẫn màu trắng của bì lợn và tỏi, điểm những chấm đen của tiêu xay dập trông thật bắt mắt. Dùng đũa gắp miếng nem cuộn vào lá chanh non rồi cho vào miệng thì dẫu thực khách có khó tính đến đâu cũng sẽ gật gù khen ngợi. Hương vị mát lạnh từ lá chanh quyện với vị ngọt từ thịt xen lẫn với đường hòa cùng vị chua của chanh, vị mặn của muối và hương vị cay dịu của tiêu, tỏi cứ đọng mãi nơi đầu lưỡi. Thịt tái chín hơi dai cùng với độ giòn của bì lợn và tỏi làm cho miếng nem “chẳng muốn rời” chân răng.
Video đang HOT
Món nem luôn hiện diện trên mâm cỗ dâng cúng tổ tiên và những người đã khuất. Trên mâm cỗ là bánh tráng ( bánh đa), kế tiếp là nem chua rồi mới đến những món ăn khác. Thưởng thức mâm cỗ sau khi dâng cúng, phải dùng tay bẻ bánh tráng đưa vào miệng rồi dùng đũa gắp món nem thịt vừa tái chín. Đây là nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của người Quảng Ngãi để nhớ đến tổ tiên từ thuở hồng hoang. Nem còn được dùng làm sính lễ cưới xin để tỏ sự tôn trọng thông gia, giúp cho đôi uyên ương nên nghĩa vợ chồng…
Theo thanh niên
Nồng ấm hương vị nem thính xứ Thanh
Nem chua Thanh Hóa có lẽ không còn xa lạ với nhiều người. Cầu kỳ hơn một chút, có lẽ ít ai biết đến món nem thính, với vị chua đặc biệt của của thịt trộn thính, hòa lẫn mùi thơm nồng của lá chuối nướng cháy, chỉ ngửi thôi đã thấy thèm rồi.
Chấm vào một chút tương ớt cay cay, cảm nhận từng loại mùi vị hòa quện nơi đầu lưỡi, đây quả là một món ăn tuyệt vời của miền quê xứ Thanh.
Để vừa lòng những thực khách khó tính nhất, nem thính phải chú trọng từ khâu chọn nguyên liệu. Phải là thịt ba chỉ hoặc thịt vai không quá nhiều mỡ, thịt phải tươi, lấy về còn nóng ấm, da bì lợn tươi hồng, lá ổi và lá đinh lăng vừa đủ độ non.
Thịt lợn cắt thật sạch để không phải đem rửa, nước lã sẽ làm hỏng vị nem, sau đó đem thái chỉ. Đây có lẽ là công đoạn vất vả nhất, phải thái thật đều tay, thái quá nhỏ sẽ trở nên tủn mủn, thái quá to sẽ làm gia vị khó ngấm vào trong và làm hỏng quá trình lên men thịt. Bì lợn lọc bỏ sạch sẽ, cũng đem thái chỉ thật mỏng. Trước đây người dân thái thủ công, bây giờ hiện đại hơn, người ta có thể dùng máy để thái ra những miếng đều tăm tắp và đủ tiêu chuẩn, tuy nhiên khi ăn, ai tinh ý sẽ thấy nó tỏa ra cái mùi ngai ngái của máy, không có được cái vị ngon đặc biệt tự tay làm.
Xong công đoạn thái thịt, đem ướp với muối, mắm, bột ngọt và hạt tiêu bắc, băm thêm tỏi trộn vào, lượng tùy vào khẩu vị. Đảo thật đều cho ngấm, rồi rắc thính vào trộn vừa đủ khô. Thính được làm từ gạo tẻ, rang vàng thơm lên rồi xay hoặc giã nhỏ thành bột. Lượng thính trộn vào hoàn toàn là cảm nhận và bí quyết riêng của người làm nem.
Chọn lá chuối để gói cũng là một công đoạn đặc biệt. Lá chuối phải là lá cây chuối hột, khi nướng mới tỏa ra mùi thơm thấm vào từng miếng thịt. Lá chuối đem hong cho héo bớt để gói không bị giòn, lau sạch sẽ, rồi tước ra thành từng mảnh nhỏ, một chiếc nem thính phải được bao bọc bởi 3, 4 lớp lá chuối như vậy.
Cuối cùng, thịt sẽ được chia nhỏ thành từng cục để gói. Nắm từng cục thịt thật chắc, quấn thêm một lớp lá ổi và lá đinh lăng đã chuẩn bị từ trước, rồi lần lượt bao bọc bởi các lớp lá chuối, cột lạt thật chặt rồi xâu thành từng xâu treo trong bếp. Hơi nóng của thính và tỏi hòa quyện với các gia vị sẽ làm nem lên men, sau khoảng 2 ngày là nem chín đến.
Khác với nem chua, có thể ăn liền, thì nem thính lại phải nướng lên mới ăn được. Đem cả cái nem còn nguyên lá chuối vùi vào tro nóng, đặt than hồng lên trên ủ chín bằng hơi, để cho cháy xém hết lớp lá chuối bọc ngoài vào tận bên trong, mùi thơm tỏa ra cùng tiếng nổ lép bép, xì xèo của mỡ, chảy ra và quện vào nhau, khiến mấy đứa trẻ cứ hau háu chực chờ nuốt nước miếng.
Bóc hết lớp lá chuối bao ngoài rồi đem chấm tương ớt cay xè, ăn khi còn nóng hổi. Nem thính ít phổ biến hơn cũng vì yêu cầu khó tính phải được nướng trong tro bếp mới thưởng thức hết cái thơm ngon của nó. Giờ ít nhà đun củi nên không có tro than, cho vào lò vi sóng hoặc nướng bằng bếp điện, nhưng không thể có được vị thơm đặc biệt khi nướng bằng tro .
Nem thính xứ Thanh thức dậy vị chua chua, vị thơm bùi của thính, có vị ngọt ngọt của thịt, vị cay cay của tiêu bắc, vị nồng nồng của tỏi, vị thanh thanh của lá đinh lăng và ổi, và đặc biệt là mùi hương nồng của lá chuối cháy, làm nao lòng du khách.
Theo VNE
Dân dã bánh nậm lá dong Cầm chiếc bánh nậm trên tay, nhẹ nhàng mở lớp lá ra, tự mình cảm nhận hơi ấm từ lá chuối phả ra cùng với mùi thơm của nhân thì mới thấm thía được phong vị riêng biệt của thứ bánh dân dã này. Thuở bé, muốn được ăn bánh nậm thì phải chờ đến mùa gặt hay đám tiệc vì việc làm...