Ném “bom bẩn” ra lề đường Quốc lộ 281 qua Lộc Hà
Lâu nay, nhiều người dân các thôn Tây Sơn (Mai Phụ), thôn Tân Quý (Hộ Độ), thôn Liên Giang (Thạch Mỹ), cùng thuộc huyện Lộc Hà ( Hà Tĩnh) có thói quen xấu là mang rác thải sinh hoạt ra chất thành từng đống bên lề đường Quốc lộ 281 trông phản cảm và mất vệ sinh.
Rác được chất đống ven Quốc lộ 281, đoạn qua khu vực đầu xóm Tây Sơn, xã Mai Phụ
Quốc lộ 281 đoạn qua địa bàn các xã Mai Phụ, Thạch Mỹ, Hộ Độ (Lộc Hà) dài khoảng 5km. Ngoài vai trò của một huyết mạch giao thông quan trọng nhất vùng thì đây là cửa ngõ dẫn về trung tâm huyện cũng như các khu du lịch biển, du lịch tâm linh trên địa bàn. Vì vậy, việc đảm bảo hành lang ATGT, giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh, cảnh quan hai bên đường là rất cần thiết.
Tuy nhiên, thay vì phân loại rác thải tại chỗ, gom lại tại một vị trí phù hợp, chờ xe đến thu gom hoặc đưa ra bãi tập kết tập trung để đảm bảo vệ sinh môi trường thì người dân ở đây đã mang rác ra lề đường quốc lộ để vứt.
Rác vứt trên đường ra đồng ở Mai Phụ…
Những bao tải rác nằm chình ình ngay khu vực ngã tư Hộ Độ (giao nhau giữa Quốc lộ 281 với Quốc lộ 15B)
Video đang HOT
Chưa lúc nào thấy trước khu nghĩa trang Tây Sơn này sạch rác…
Theo đó, dù hai bên lề đường không có vị trí nào quy hoạch điểm tập kết hay bãi trung chuyển rác thải sinh hoạt nhưng thường xuyên xuất hiện từ 10 – 15 đống rác thải lớn nhỏ, nằm rải rác khắp tuyến, trong đó nhiều nhất là ở những đoạn sát khu nghĩa địa, nơi có ít nhà ở.
Tình trạng này xuất phát từ việc ý thức giữ gìn môi trường chung còn hạn chế, sự tiện lợi đáng phê bình của những người dân sinh sống ven đường và ở các xóm lân cận. Nó cũng xuất phát từ việc chính quyền địa phương, thôn xóm, HTX môi trường không có biện pháp quyết liệt, nghiêm khắc để chấn chỉnh.
Không hiểu vì sao các chân cột đèn cao áp là những nơi bị người dân vứt rác thải sinh hoạt nhiều nhất?
Rác được chứa trong các bao tải, túi bóng; có người thậm chí trên đường ra đồng tiện thể đựng vào rổ mang ra đây đổ. Tình trạng này diễn ra thường ngày, khiến các đống rác tự phát ngày một lớn hơn.
Và, chỉ khi lượng rác thải xuất hiện nhiều, những đống rác được chất cao, thì xe của HTX môi trường mới đi thu dọn.
Cứ như vậy, khi xe vừa thu gom xong lại xuất hiện ngay những bao rác mới vứt ngổn ngang tại vị trí cũ. Tình trạng này cứ lặp đi lặp lại, biến hai bên tuyến đường này thành những bãi rác trung chuyển bất đắc dĩ!
Dù mới dọn chiều hôm trước nhưng sáng hôm sau đã xuất hiện những túi ni lông đựng rác vứt bên đường (ảnh trước) và đến buổi chiều thì số lượng đống rác lại xuất hiện nhiều hơn, to hơn (ảnh qua thôn Liên Giang, xã Thạch Mỹ).
Để khắc phục tình trạng này, chính quyền các địa phương cần tuyên truyền, nhắc nhở, chấn chỉnh người dân chấm dứt thói quen xấu, trả lại hình ảnh đẹp, hành lang sạch sẽ, an toàn cho tuyến đường huyết mạnh này.
Cùng đó, nên khảo sát, xây dựng một bãi tập kết rác quy mô nhỏ để làm điểm trung chuyển trước khi đưa rác đến nơi xử lý vì gần khu vực đường Quốc lộ 281 chạy qua vẫn còn rất nhiều vùng đất bỏ hoang có thể quy hoạch được.
Phương Thảo
Theo Baohatinh
Gần 2.000 cầu dân sinh xóa cảnh "qua sông lụy đò"
Cả nước đã có gần 2.000 cây cầu dân sinh được khởi công xây dựng, góp phần phá bỏ thế ốc đảo, xóa cảnh đò ngang cách trở...
Cầu Tân Hồ là một trong 27 cầu dân sinh thuộc dự án LRAMP được Bộ GTVT triển khai xây dựng trên địa bàn huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh
Sau hơn 3 năm triển khai dự án đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (dự án LRAMP) sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB), cả nước đã có gần 2.000 cây cầu dân sinh được khởi công xây dựng, góp phần phá bỏ thế ốc đảo, xóa cảnh đò ngang cách trở vùng sâu, vùng xa của Tổ quốc.
Hết cảnh lụy đò
Những ngày giữa tháng 10/2019, tìm về xã Sơn Tân (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh), chúng tôi cảm nhận rõ sự hân hoan trên từng khuôn mặt của người dân nơi đây khi cây cầu dân sinh bắc qua sông Ngàn Phố trên địa bàn thôn Tân Hồ đang chuẩn bị khánh thành. Dù đang hoàn tất các hạng mục phụ trợ cuối cùng nhưng hơn hai tháng qua, người dân trong vùng, các phương tiện thô sơ đã có thể qua lại trên cây cầu bê tông cốt thép rộng 3,5m, dài gần 150m được khởi công xây dựng từ tháng 10/2018 do Ban QLDA 4 (Tổng cục Đường bộ VN) làm chủ đầu tư.
Trong căn nhà cấp bốn nằm sát chân cầu Tân Hồ, ông Nguyễn Dung (71 tuổi), một người dân ở xã Sơn Tân hồ hởi nói: "Có cây cầu là niềm mơ ước bao năm nay đã trở thành sự thật, thỏa lòng mong đợi của người dân trong thôn chúng tôi". Khuôn mặt rạng ngời, đầy hân hoan chợt khựng lại, đầy vẻ suy tư khi chúng tôi hỏi ông về chuyện sinh hoạt, đi lại của người dân thời điểm chưa có cầu.
"Ngày trước khổ lắm! Bao đời nay người dân trong thôn quanh năm chỉ trông vào hai vụ lúa và trồng trọt ít cây chè, cây mít trên rừng. Thế nhưng, thiên nhiên chẳng ưu ái khi toàn bộ diện tích đất canh tác của thôn Tân Hồ nằm tách biệt hoàn toàn ở phía bên kia sông Ngàn Phố, muốn sang phải lội sông, đi thuyền. Mùa khô còn đỡ chứ mùa lũ vất vả vô cùng. Đã có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra khi chèo đò qua sông vào mùa lũ. Ngay cả chị dâu tôi cũng mất vì chìm đò năm 1984, rồi năm 2003 cũng xảy ra vụ chìm đò làm 4 học sinh tiểu học trong xã chết đuối", ông Dung bồi hồi nhớ lại, rồi nói: "Từ nay có cầu Tân Hồ, những vụ tai nạn chìm đò trở thành dĩ vãng".
Ông Trần Bình Thân, Phó chủ tịch UBND huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) cho biết, cầu Tân Hồ chỉ là một trong 27 cầu dân sinh thuộc dự án LRAMP được Bộ GTVT triển khai xây dựng trên địa bàn huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. "Nhân dân và chính quyền địa phương đánh giá rất cao hiệu quả từ những cầu cầu mà dự án mang lại. Tôi cho rằng, đây là dự án có ý nghĩa thiết thực nhất đối với địa phương từ trước đến nay. Địa bàn huyện Hương Sơn có rất nhiều khu vực bị chia cắt bởi địa hình, bão lũ, khi các cầu dân sinh được triển khai xây dựng, con em trong vùng không còn phải lội suối đến trường, người dân cũng không còn gặp cảnh qua sông phải lụy đò như trước", ông Thân nói và cho biết, UBND huyện Hương Sơn đang khảo sát để đề xuất cơ quan chức năng tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 10 cầu dân sinh nữa trên địa bàn trong giai đoạn tới.
Cũng như người dân Sơn Tân, những ngày này, hàng trăm hộ dân ở xã Ban Công (huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) không còn thấp thỏm nỗi lo mưa lớn, lũ về khi cây cầu dân sinh bắc qua suối Nủa, thôn Sát dài hơn 77m, rộng 3,5m với kinh phí đầu tư khoảng 3,7 tỷ đồng vừa được khánh thành, đưa vào khai thác.
"Trước đây, thôn Sát như một ốc đảo bởi sự chia cắt của suối Nủa. Vào mùa khô, nước suối chỉ lưng chừng tầm 50 - 80cm nên có thể lội hoặc dắt xe qua nhưng khi mùa mưa lũ đến, nước chảy siết, suối lại sâu, người dân muốn qua suối, con em đến trường đều phải lắp ghép những cây tre, cây nứa kết thành bè để đi qua. Có cây cầu dân sinh thôn Sát, bà con đi lại thuận tiện, niềm mong mỏi bấy lâu nay của chính quyền và nhân dân xã Ban Công đã thành hiện thực", ông Vi Văn Toản, Chủ tịch UBND xã Ban Công chia sẻ.
Bổ sung đầu tư thêm 2.438 cầu dân sinh
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN (chủ đầu tư dự án LRAMP) cho biết, hợp phần cầu dân sinh được bắt đầu triển khai từ năm 2016 trên phạm vi 51 tỉnh thành, với tổng vốn đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng, sử dụng vốn vay của WB. Đến nay, trên cả nước đã khởi công xây dựng được 1.972 cầu (đạt 91%/2.174 cầu), hoàn thành 1.200 cầu. Dự kiến, đến hết năm 2019, hợp phần cầu dân sinh sẽ hoàn thành khoảng 1.800 cầu, vượt mức yêu cầu của hiệp định (1.600 cầu).
"Đến nay, trên cơ sở kiến nghị của các địa phương trong cả nước, Tổng cục Đường bộ VN kiến nghị Bộ GTVT bổ sung dự án LRAMP giai đoạn 2 vào danh mục đề xuất các dự án đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025. Riêng hợp phần cầu dân sinh, tổng vốn đầu tư dự kiến là 6.050 tỷ đồng, thực hiện đầu tư khoảng 2.438 cầu trên địa bàn 47 tỉnh, thành trong cả nước", ông Huyện nói.
Theo ông Trần Hữu Hải, Giám đốc Ban QLDA 4, WB đánh giá dự án LRAMP rất hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi đi lại cũng như sinh hoạt cho người dân vùng sâu, vùng xa. Các điểm vượt sông, suối mất ATGT được thay thế bằng các cây cầu giải quyết an sinh, xóa bỏ chia cắt cộng đồng, thúc đẩy KT-XH.
Đình Quang
Theo GTVT
Hàng chục hộ dân bất an bên tràn xả lũ "rỗng ruột"! Sau 17 năm vận hành nhưng không có nguồn vốn tu bổ, tràn xả lũ đập Khe Chọ (thôn 1, xã Xuân Lĩnh, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã xuống cấp nghiêm trọng. Hàng chục hộ dân nơi đây hiện đang phải sống bất an bên tràn xả lũ bị "rỗng ruột" này. Những trận mưa liên tiếp đã khiến tràn xả lũ hồ...