Nelson Mandela – một đời vì nhân loại
Sau khi bị cầm tù vào năm 1964, Nelson Mandela đã trở thành biểu tượng toàn cầu về phong trào chống chủ nghĩa apartheid. Nhưng sự phản đối của ông đối với nạn phân biệt chủng tộc đã nhen nhóm từ nhiều năm trước đó.
Cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela đã ra đi ở tuổi 95 vào tối ngày 5/12.
Thường được người dân Nam Phi gọi bằng cái tên trìu mến là “Tata” hay “Cha”, Mandela, người đã ngồi tù 27 năm, thường được nhớ đến là người anh hùng đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và là tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi sau hơn 3 thế kỷ cầm quyền của người da trắng.
Sinh ngày 18/7/1918 tại một ngôi làng nhỏ ở phía đông Nam Phi, Mandela là một trong số 13 người con của một lãnh đạo bộ tộc Tembu.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Fort Hare và Đại học Witwatersrand chuyên ngành Luật, ông Mandela đã tham gia Đại hội Dân tộc Phi (ANC) vào năm 1943 và sau đó thành lập Liên đoàn thanh niên của ANC.
Vào năm 1948, khi Đảng Dân tộc, với đa số là người Nam Phi gốc châu Âu, giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử, ông Mandela bắt đầu tham gia vào phong trào chống chính sách phân biệt chủng tộc của đảng này. Ông hoạt động tích cực trong chiến dịch phản đối ANC và thông qua Hiến chương Tự do, vốn là nền tảng cơ bản cho cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa apartheid, kêu gọi các quyền bình đẳng cho người da đen chiếm số đông bằng phong trào đấu tranh không bạo lực tại nước này.
Trong thời gian từ 1956-1961, Mandela, cùng 150 nhà hoạt động khác bị bắt vào thời điểm đó, đã bị đưa ra xét xử vì tội phản quốc nhưng được tha bổng.
Hòn đảo Robben ngoài khơi Cape Town, nơi Mandela bị giam 18 năm trong 27 năm ngồi tù.
Năm 1960, khi ANC bị cấm hoạt động, Mandela đã chuyển vào hoạt động ngầm, thành lập và lãnh đạo cánh vũ trang của ANC có tên gọi “Umkhonto we Sizw” (tạm dich: Ngọn giáo của quốc gia).
Mandela bắt đầu thời gian ngồi tù kéo dài 27 năm vào năm 1964, khi ông bị kết án 5 năm tù về tội rời Nam Phi trái phép và kích động các cuộc đình công, và 1 năm sau đó bị kết án tù chung thân về tội phản quốc. Trong thời gian thụ án tại nhà tù đảo Robben ngoài khơi Cape Town, Mandela đã trở nên nổi tiếng là lãnh đạo da đen đáng chú ý nhất tại Nam Phi và là biểu tượng mạnh mẽ của phong trào chống phân biệt chủng tộc.
Các chiến dịch quốc tế kêu gọi trả tự do cho Mandela giành được sự ủng hộ rộng rãi và cuối cùng đã gây sức ép khiến chính phủ Nam Phi phải thả ông vào ngày 11/2/1990. Vào cuối năm đó, Mandela, khi đó 72 tuổi, được bổ nhiệm làm phó chủ tịch ANC và chủ tịch ANC vào năm sau.
Ông Mandela đã vài lần trở lại thăm nhà tù trên đảo Robben kể từ khi được trả tự do.
Video đang HOT
Mandela được trao giải Nobel Hòa Bình vào năm 1993 cho các nỗ lực xóa bỏ một cách hòa bình chế độ apartheid và đặt nền móng cho một Nam Phi dân chủ mới.
Quá trình từ tù nhân trở thành tổng thống của ông Mandela diễn ra năm 1994, khi ông được bầu làm tổng thống Nam Phi trong cuộc bầu cử dân chủ đa sắc tộc đầu tiên và ANC giành 252 trong tổng số 400 ghế tại quốc hội.
Ông Mandela đã dành nhiệm kỳ làm tổng thống kéo dài 5 năm cho công cuộc xóa đói giảm nghèo và các nỗ lực tái hòa giải giữa người da đen và người da trắng. Ông đã từ chức tổng thống vào năm 1999 để ủng hộ người thế nhiệm Thabo Mbeki, người trước đó đã được bầu làm chủ tịch của ANC.
Đám đông chào đón Mandela khi ông được tự do năm 1990.
Dù đã thôi làm tổng thống nhưng Mandela vẫn có tiếng nói trong các vấn đề nóng của thế giới. Mandela đã tham gia các nỗ lực phòng chống căn bệnh thế kỷ AIDS, chỉ trích chính sách ngoại giao của Mỹ dưới thời chính quyền George Bush và từng được bổ nhiệm làm nhà trung gian hòa giải cho cuộc nội chiến của người Burundi.
Sức khỏe của Mandela sau khi nghỉ hưu luôn là một mối lo ngại của những người yêu mến ông thế giới. Vào năm 2001, Mandela đã bị phát hiện và được điều trị bệnh ung thư tuyến tiền liệt.
Ông Mandela thông báo rút lui khỏi đời sống công chúng vào năm 2004 ở tuổi 85, do sức khỏe ngày càng giảm sút và muốn dành nhiều thời gian hơn cho gia đình. Vào năm 2011 và 2012, ông thường xuyên phải nhập viện để kiểm tra sức khỏe.
Ông Mandela nhận giải Nobel Hòa Bình năm 1993 cùng cựu Tổng thống Nam Phi FW de Klerk.
Vào năm 2009, ngày sinh nhật của Mandela, 18/7, đã được Liên hợp quốc lấy làm Ngày Mandela Quốc tế để vinh danh 67 năm ông đã đấu tranh cho công bằng xã hội và tự do của thế giới.
Sinh thời, Mandela đã được trao 250 giải thưởng quốc tế các loại, trong đó Huy Chương Tự Do của Tổng Thống Mỹ, Huân chương Lenin của Liên Xô và giải Hòa bình Nobel.
Ông Mandela kết hôn 3 lần, có 6 người con và 20 người cháu.
An Bình
Theo Dantri
Những phát ngôn để đời của cố Tổng thống Mandela
Dành cả cuộc đời để chiến đấu chống phân biệt chủng tộc, đoàn kết dân tộc, chống đói nghèo và bệnh tật, cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela đã có nhiều phát ngôn bất hủ, làm lay động lòng người...
Cố tổng thống Nam Phi Nelson Mandela
Về sự đoàn kết con người:
"Khi năm tháng qua đi, một người sẽ ngày càng nhận ra tầm quan trọng của tình bạn và sự đoàn kết con người. Và nếu một người 90 đưa ra những lời khuyên tự nguyện nhân dịp này, nó sẽ là các bạn, bất kể tuổi tác, hãy đặt sự đòan kết con người, sự quan tâm tới người khác, ở trung tâm của những giá trị mà bạn trân trọng trong cuộc sống" - Bài diễn văn tại Kliptown, Soweto, ngày 7/12/2008.
Về xã hội dân chủ và tự do
"Suốt cả cuộc đời mình, tôi đã luôn cống hiến bản thân cho cuộc đấu tranh này của người châu Phi. Tôi đã chiến đấu chống lại sự áp đảo của người da trắng, và tôi cũng chiến đấu chống lại sự áp đảo của người da đen. Tôi đã ấp ủ lí tưởng về một xã hội tự do và dân chủ, trong đó mọi người đều sống bên nhau trong hòa thuận và với những cơ hội bình đẳng.
Đó là một lí tưởng tôi hy vọng có thể sống vì nó. Nhưng, thưa đồng bào, nếu cần, đó cũng là một lí tưởng tôi sẵn sàng chết vì nó" - Phát biểu tháng 4/1964 từ bến tàu khi mở đầu đợt biện hộ của ông trong vụ xét xử Rivonia.
Về đói nghèo:
"Vượt qua sự đói nghèo không phải một cử chỉ của sự nhân đạo. Nó là một hành động của công lý. Nó là sự bảo vệ một quyền căn bản của con người, quyền có phẩm giá và một cuộc sống xứng đáng. Chừng nào đói nghèo còn đeo đẳng, sẽ không thể có sự tự do đích thực" - Bài phát biểu tại Johannesburg, ngày 2/7/2005.
Về tình huynh đệ đích thực
"Hãy để sự phấn đấu của tất cả chúng ta chứng minh rằng Martin Luther King Jr. đã đúng, khi ông nói rằng sự nhân văn không thể tiếp tục bị bó buộc một cách bi kịch trong đêm đen của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và chiến tranh. Hãy để cho mọi nỗ lực của tất cả chúng ta chứng minh rằng ông ấy không chỉ là một người mơ mộng khi nói đến vẻ đẹp của tình huynh đệ đích thực và hòa bình là quý giá hơn cả kim cương hay bạc, vàng. Hãy để một kỷ nguyên mới ló rạng" - Bài phát biểu trong lễ nhận giải Nobel hòa bình tháng 12/1993.
Về Nam Phi một thập niên sau chế độ phân biệt chủng tộc:
"Hôm nay chúng ta là một quốc gia hòa bình, đoàn kết trong sự đa dạng, không chỉ tuyên bố mà thực sự sống với lập luận rằng Nam Phi thuộc về tất cả những ai sống tại đây. Chúng ta giữ một vị thế trong số các quốc gia trên thế giới, tự tin và tự hào là một quốc gia châu Phi" - Bài phát biểu tại Cape Town, ngày 10/9/2004.
Phát biểu khi nghỉ hưu ở tuổi 85:
"Một trong những điều khiến tôi mong mỏi được trở lại nhà tù đó là tôi đã có quá ít cơ hội để đọc sách, suy ngẫm và chiêm nghiệm trong tĩnh lặng sau khi được trả tự do. Tôi có một ý định, trong số nhiều ý định khác, đó là cho bản thân mình thêm cơ hội đọc sách và suy ngẫm", tuyên bố tại Johannesburg ngày 1/6/2004.
Về bệnh AIDS:
"HIV/AIDS là mối nguy hiểm lớn nhất chúng ta phải đối mặt trong rất nhiều thế kỷ. HIV/AIDS còn tệ hơn cả một cuộc chiến tranh. Nó giống như một cuộc thế chiến. Hàng triệu người đang chết vì nó" - Tuyên bố tại Johannesburg, ngày 1/12/2000.
Không ai sinh ra đã biết căm ghét
"Không ai được sinh ra đã biết ghét người khác vì màu da hay thân thế hoặc tôn giáo của người đó. Người ta phải học cách ghét bỏ, và nếu họ có thể học để ghét bỏ, họ có thể được dạy để yêu thương, bởi tình yêu thương đến với trái tim con người tự nhiên hơn là những thứ đối lập". - Tự truyện "Chặng đường dài tới tự do" năm 1994.
Về thành quả của chính phủ sau 5 năm ông làm Tổng thống:
"Chúng ta đã đặt nền móng cho một cuộc sống tốt đẹp hơn. Những thứ cách đây vài năm từng không thể tưởng tượng nổi đã trở thành sự thật thường nhật. Tôi thuộc về thế hệ của các nhà lãnh đạo mà việc đạt được chế độ dân chủ là một thách thức rõ ràng" - Bài phát biểu tại Quốc hội ở Cape Town, ngày 26/3/1999.
Về sự dũng cảm và sợ hãi
"Người dũng cảm không phải là người không cảm thấy sợ hãi mà là người cai trị được sự sợ hãi đó" - Tự truyện "Chặng đường dài tới tự do" năm 1994.
Về chế độ phân biệt chủng tộc:
"Chúng ta đang tách mình ra khỏi một hệ thống đã sỉ nhục sự nhân ái bằng cách chia rẽ chúng ta khỏi nhau dựa trên chủng tộc và khiến chúng ta đối đầu nhau với tư cách người áp bức và người bị áp bức. Hệ thống đó đã phạm một tội ác chống lại loài người" - Bài phát biểu tại Pretoria sau khi nhận được báo cáo điều tra các tội ác của thời kỳ phân biệt chủng tộc từ Ủy ban Sự thật và hòa giải, ngày 29/10/1998.
Thanh Tùng
Tổng hợp
Theo Dantir
Ông Mandela nhập viện trong tình trạng nghiêm trọng Cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela hôm qua đã nhập viện trong tình trạng nghiêm trọng để điều trị bệnh viêm phổi. Cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela lãnh đạo cuộc tranh đấu chống nạn phân biệt chủng tộc. Một phát ngôn viên cho biết ông Mandela "trong tình trạng nghiêm trọng nhưng ổn định", và vẫn có thể tự thở...