Nelson Mandela: Hòa giải dân tộc bằng bóng đá ngục tù
Nelson Mandela mê đấm bốc, chơi tốt bóng bầu dục và có một tình yêu với bóng đá nảy nở trong cảnh lao tù.
Ý chí nảy mầm trong nhà lao
Robben Island là một hoang đảo thuộc vùng duyên hải Cape Town, có nhà lao giam giữ tù biệt xứ, đa phần là các phạm nhân chính trị chống lại chế độ kỳ thị chủng tộc, trong đó có lãnh tụ Nelson Mandela (ông bị giam ở đây 18 năm trong 27 năm ngồi tù).
Trên hòn đảo hình ô-van này, hàng chục ngàn tù nhân năm xưa hằng ngày bị đày đọa gian khổ. Để tinh thần cũng không bị đập vỡ, họ cùng đoàn kết, kiên trì nhiều năm tranh đấu cho quyền được chơi thể thao. Nhờ sự can thiệp của Hội Hồng thập tự, chính quyền Nam Phi bấy giờ đành nhượng bộ.
Nelson Mandela và Walter Sisulu trong nhà tù trên đảo Robben năm 1966
Năm 1966, bóng đá nhà tù ở đây ra đời. Robben là nơi có một không hai trong lịch sử thế giới khi các tù nhân tổ chức Giải bóng đá nhà tù theo hệ thống luật FIFA, thậm chí có cả một liên đoàn bóng đá riêng ( Makana Football Association). Giải đấu được chia làm 3 nhánh dựa trên khả năng các cầu thủ. Trong hơn 1400 tù nhân, có những người được chọn ra để làm HLV, trọng tài, người hướng dẫn. Giải đấu cũng có một hội đồng đứng ra để xử lí những tranh cãi theo luật.
Cả tuần, phạm nhân nóng lòng chờ đến thứ bảy để được mặc trang phục thi đấu, xỏ giày ra sân. Niềm vui và đam mê trái bóng tròn ấy kéo dài chín tháng trong năm, chỉ gián đoạn vào mùa hè.
Có thể nói, ở bình diện nhân văn, hai cột gôn trên sân bóng tại hòn đảo Robben những năm 1960 còn mang ý nghĩa đặc biệt trong chặng đường phát triển của bóng đá Nam Phi nói riêng và môn bóng đá trong tù nói chung.
Khi thể thao làm chủ tinh thần
Nhà tù đảo Robben xưa đã xuất hiện câu nói nổi tiếng: “Tù nhân chúng tôi tin rằng, trong tình trạng khổ ải mất tự do sau song sắt, chúng tôi còn điều hành được cả một giải bóng đá theo quy định nghiêm ngặt của luật FIFA, thì sau này, chúng tôi có thể đứng ra điều hành đất nước”.
Video đang HOT
Anthony Suze đã chơi bóng 15 năm trong nhà tù tại Nam Phi
Quả thật, giữa vô số cầu thủ – tù nhân thuộc giải Makana ngày ấy nay đã có những nhân vật đang điều hành đất nước Nam Phi. Các quản ngục đã phải nhượng bộ để trao cho tù nhân thứ quý nhất: Tự do tinh thần nhờ chơi thể thao. Khi thể lực được rèn luyện trong thi đấu, những tư tưởng bi quan bị dằn xuống giúp họ giữ vững tinh thần lạc quan.
Luật của giải đấu cũng giúp các phạm nhân tập kiềm chế, khép mình vào khuôn khổ sống, giảm thiểu tối đa thói ngang tàng như đã từng có ngoài đời trước đây. Môn chơi đồng đội như bóng đá triệt tiêu dần tính cách “anh chị” của thế giới đại bàng trong nhà tù.
Ngày ấy, duy nhất một cái tên không bao giờ được ra sân, phải xem bạn tù thi đấu qua song sắt. Đó là Nelson Mandela.
Tuy nhiên, mô hình bóng đá trong ngục đã được người đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1993 mang đi cổ động trong các chuyến thăm nhà tù những quốc gia cộng đồng Nam Phi và cả Nam Mỹ, trước khi thuyết phục được FIFA đưa World Cup về tổ quốc mình.
Nelson Mandela đưa World Cup lần đầu về châu Phi
Mandela tuyên bố rằng: “Thể thao, có sức mạnh thay đổi thế giới, và gắn kết mọi người. Nó truyền cho giới trẻ sức mạnh bằng thứ ngôn ngữ họ hiểu. Sức mạnh đó, thai nghén những hy vọng và nảy mầm thành động lực lớn lao, ngay cả trong môi trường chỉ có những điều tuyệt vọng tồn tại”.
Người ta nói rằng, Mandela là người kiến trúc sư mang World Cup đầu tiên đến châu Phi. Thời điểm khi Nam Phi chính thức được chọn là nơi đăng cai World Cup 2006, Mandela tâm sự, ông thấy mình giống như đứa trẻ 15 tuổi thực hiện được giấc mơ của đời mình. Có lẽ, nếu không có Mandela, người ta sẽ chẳng có dịp được theo dõi những sự kiện thể thao, diễn ra ở Nam Phi.
Bóng đá hay thể thao vốn dĩ rất giản dị, nhưng đôi khi, nó vẫn cần sự dẫn dắt của người đội trưởng vĩ đại, hay người cầm đầu tài ba, để làm rõ điều đó.
Theo VNE
Nelson Mandela suýt thành võ sĩ huyền thoại thế nào?
"Quyền anh cũng giống như chủ nghĩa quân bình, nơi mà ý nghĩa của thứ hạng, tuổi tác, màu da hay địa vị chỉ là con số 0".
"Khi bạn bước lên sàn đấu, thăm dò đối phương để tìm ra thế mạnh và yếu của họ, bạn sẽ chẳng còn quan tâm đến những cái khác". Đó là lời tâm sự của Nelson Mandela trong cuốn tự truyện "Long walk to freedom" (tạm dịch "Dặm đường đến tự do").
Có thể đối với nhiều người, Mandela được nhớ đến với những điều lớn lao hơn là thể thao, nhưng với ông, chính thể thao được xem ngọn nguồn của rất nhiều quan niệm sống.
Nghị lực bước ra từ tinh thần đấu sĩ
Quyền anh vốn được cả thế giới biết đến từ lâu, và Nam Phi là một trong những quốc gia có truyền thống quyền anh đáng tự hào. Nelson Mandela yêu thích đấm bốc từ khi còn đi học, cho đến tận sau này.
Nelson Mandela suýt trở thành võ sĩ quyền anh chuyên nghiệp
Khi Mandela học ở Fort Hare, đấm bốc chỉ là thú vui giải trí nhất thời. Tuy nhiên, quãng thời gian ở Johannesburg đã nuôi dưỡng niềm đam mê của ông một cách nghiêm túc.
Năm 1950, ở Johannesburg, ông tham gia vào trung tâm cộng đồng Donaldson Orlando cùng với cậu con trai 10 tuổi, Thembi. Ông từng bộc bạch quan điểm triết học về quyền anh, rằng: "Tôi quan tâm nhiều đến bản chất cốt lõi của đấm bốc hơn là tính bạo lực của nó. Tôi thấy tò mò về cách các võ sĩ di chuyển cơ thể để bảo vệ mình, sử dụng chiến thuật để có thể vừa tấn công vừa phòng thủ."
"Sau khi bắt đầu tham gia vào chính trị, tôi không còn lên sàn thi đấu nữa. Niềm yêu thích của tôi chuyển sang tập luyện. Quyền anh không chỉ giúp tôi duy trì thể lực và tiêu khiển trong thời gian rảnh rỗi, nó còn khiến đầu óc tôi thư thái, thoát khỏi vướng bận từ chính trị và những vấn đề liên quan đến chủng tộc. Mỗi sáng thức dậy, tôi cảm thấy khoan khoái và sẵn sàng giải quyết công việc, đối mặt với những phiên tòa với tư cách là một người da đen ở đất nước đầy rẫy tư tưởng phân biệt màu da.
Bạn biết đấy, những thành viên cùng câu lạc bộ, họ đích thị là sản phẩm của một xã hội luôn tìm cách đàn áp người dân. Trên người họ mang đầy những vết sẹo, dấu tích của những trận đánh đập tàn nhẫn, dấu vết để đánh dấu thành phần cặn bã của xã hội. Thế nhưng, phẩm chất mà tôi nhìn thấy ở họ, là ý chí kiên cường duy trì sự sống, đấu tranh quyết liệt chống lại những bất công của chế độ xã hội thời đó"
Nelson Mandela tìm thấy triết lý sống trong boxing
Và cho dù những kỉ niệm, trải nghiệm có đẹp đến đâu, thì hiện thực cuộc sống, chế độ apartheid tàn nhẫn vẫn tồn tại và dẫm đạp lên cuộc sống của những tay đấm bốc châu Phi, cũng như vận động viên, nghệ sĩ da đen.
Khi mà nghèo đói chưa đủ cho cuộc sống khốn đốn của người dân, thì màu da, lại tước khỏi họ tất cả những cơ hội để tập luyện cùng người da trắng, được sử dụng những thiết bị, đồ dùng tân tiến và học hỏi, tham khảo lời khuyên cần thiết để trở thành một võ sĩ chuyên nghiệp thực thụ.
Những giọt mồ hôi, sức lực đổ ra trên sàn đấu, chỉ đủ để trả tiền ăn uống, tiền thuê nhà và mua quần áo. Một tay võ sĩ châu Phi bình thường tuyệt đối không thể dư giả để đầu tư vào thiết bị tập luyện và học văn hóa".
Ước mơ dang dở
Trong những năm 50, Mandela vừa là một võ sĩ nghiệp dư, đồng thời là luật sư. Cuộc sống của một luật sư bắt đầu từ lúc sáng sớm cho đến tận chiều tà, khiến ông hiếm khi tập luyện với một thể lực sung mãn. Đó được xem là tình trạng chung của tất cả những đấu sĩ da đen.
Những năm tháng sau khi phòng tập bị dỡ bỏ do những tranh cãi với chính quyền, cuộc sống của Mandela cũng cuốn theo vòng xoáy của nhà tù. Ông liên tục bị vu khống và cáo buộc những tội danh liên quan đến bất đồng chính trị.
Nelson Mandela và huyền thoại boxing Muhammad Ali
Tuy nhiên, ý thức duy trì tình yêu với quyền anh vẫn luôn thôi thúc Mandela chiến đấu với cuộc sống. Ông truyền cảm hứng và đam mê lại cho con trai mình, Thembi. Trong một bức thư ông gửi cho con gái, Zinzi từ nhà tù, ông tâm sự: "Thembi anh con là một võ sĩ có tài thực thụ. Cha vẫn thường thức khuya chờ anh trở về từ sàn đấu để tâm sự cùng."
Năm 1998, khi tù ngục không còn bám đuổi cuộc sống mình, Mandela tâm sự rằng: "Có lẽ ngoài việc trở thành một võ sĩ vô địch thế giới - điều mà tôi không thể hiện thực hóa, thì việc tổ chức cuộc thi quyền anh uy tín hằng năm là điều tuyệt vời nhất trong cuộc đời tôi".
Năm 2007, Mandela phát biểu rằng: "Tôi không muốn khi người ta nhớ đến quyền anh là môn thể thao chỉ dành cho phái mạnh, mà phụ nữ, những người có tài năng và đam mê, cũng được thể hiện trên sàn đấu. Trong cuộc đời mình, tôi luôn xem quyền anh là nghệ thuật, mang lại niềm vui chung cho tất cả mọi người, thậm chí nó còn giúp cho người ta, thoát khỏi nghèo đói."
Theo VNE
Gia tộc Mandela mâu thuẫn vì chuyện mộ phần Các thành viên gia đình Nelson Mandela đã kiện người cháu của ông tội quật mồ với toan tính kiếm tiền từ nơi chôn cất ông sau này. Ngày 2/7, Đại tá Mzukisi Fatyela, người phát ngôn lực lượng cảnh sát Nam Phi cho biết các thành viên trong gia tộc nhà Nelson Mandela vừa đệ đơn tố cáo cháu trai của ông...