Neighbours
Tôi và hắn hẹn nhau tại café Neighbours – thực tế thì tôi không phải là hàng xóm của hắn, cả về định vị địa lý lẫn định vị tinh thần.
Đồng hồ đổ chuông reo réo lôi tôi ra khỏi giấc ngủ. Rệu rã nhấc người dậy như thói quen. Chà … thực ra thì tôi đã quên béng mất kì nghỉ năm mới bắt đầu từ hôm nay – ngày 30 Tết rồi.
Sáng mùa xuân, trời còn xâm xẩm, mây xám quàng quạng, nặng nề nhích từng chút một trên nền trời tím tái. Tôi cũng đang lạnh tím ngắt cả người đây. Đối với một gã vừa bị người yêu bỏ như tôi thì việc hàng ngày vẫn đều đặn thức dậy rồi đi làm đúng giờ, ăn ngủ đủ bữa quả là sự sỉ nhục cho những kẻ si tình ướt át. Ây, tôi tuyệt không muốn sỉ nhục ai đâu, chỉ thấy mình không được bình thường như những kẻ biết yêu bình thường vậy thôi.
Tôi pha cho mình một cốc café đen pha sữa, đứng bên ban-công nhìn ra phố phường lúc nhúc những căn nhà đóng hộp ngổn ngang, hỗn độn, đầy hoang mang và còn đang ngái ngủ. Radio sáng đang phát bài “Ordinary day” của G.O.D – quả là hợp tâm trạng của tôi nhưng lại chẳng hợp với không khí Tết – tôi không hợp với giao giới xung quanh. “Tôi thức dậy vào buổi sáng. Mở tung cửa sổ và hít thở không khí trong lành sẵn sàng cho một ngày, trên tay là một tách café nóng … Từ những thanh âm quen thuộc của radio, tôi có thể nghe thấy niềm vui của mọi người trên thế giới”. Chỉ có điều, quả là như một ngày bình thường như mọi ngày, bình thường đến nỗi bất thường, bởi tôi không cảm nhận được không khí Tết quanh mình.
Âu cũng phải thôi. Nơi tôi đang đứng đây là ban-công tầng 5 khu chung cư mini cho người lao động thu nhập thấp trong cụm mấy khu chung cư như vậy, tổ hợp này lại lọt trong vòng vây của các khối bê-tông sừng sững được gọi là nhà cao tầng của các cơ quan, xí nghiệp, khách sạn, nhà hàng. Các khối hộp được đính cài hỗn loạn như một bàn cờ hỏng, những người trong đó đi giữa các khe lối bị mắc kẹt và vướng víu bởi những chiếc bóng rối ren đạp lên nhau.Trông mới thê thảm làm sao! Hầu hết dân cư khu này đều là người lao động hoặc sinh viên từ tỉnh khác tới, những người độc thân như tôi, hiếm lắm mới thấy vài cặp vợ chồng mới cưới.
Những ngày này thật im ắng quá; thi thoảng vài giọt âm thanh lạc hướng vào chốn này nhưng rơi tõm vào tiếng vọng của lặng thinh. Không có những người tất bật sắm đồ cho một cái Tết vội, cũng chẳng có kẻ bồn chồn muốn bán cho nhanh hàng về Tết. Không có tiếng trẻ con xụ lại cười lách khách. Không có mùi bánh chưng, không có khói bếp. Thực ra, vẫn loáng thoáng từ xa những chấm mờ li ti phớt hồng của cành đào nụ nào đó ngây ngô và tham vọng muốn khoe khoang sắc trẻ của nó, cả những chấm xanh lấm tấm của lá non, cả những mai mờ của một thoáng sắc đỏ chẳng còn đương thời tươi nữa. Ấy là chúng hiện vọng trong tầm nhìn của tôi và từ vị trí của tôi – thật hoang phí và đáng thương. Ở những góc nhìn khác, chắc chắn, chúng sẽ rực rỡ hơn nhiều. Nhưng tôi quả tình chẳng muốn dịch chuyển chỉ để thay đổi góc nhìn và làm mới nhãn quang của mình. Một kẻ còn phải ì ạch để nhận ra bản thân thuộc chủ nghĩa lười xê dịch thì chẳng thể đơn giản mà di chuyển từ định vị này sang định vị khác như nhặt một viên đá ra khỏi nền đất của nó.
Cũng như khi chơi trò ghép hình, có thể mảnh ghép này xếp vào được vị trí của mảnh ghép khác nhưng lại làm sai lệch hình ảnh tổng quan. Sẽ rất vênh vao đấy! Đôi khi tôi đối với định vị quen thuộc của mình, vì đã quá quen thuộc chăng (!?) nên không cảm nhận được cái bóng và vết hằn của bàn chân, đến nỗi còn tưởng nó đã quên lãng tôi mất rồi. Mà định vị của tôi với định vị ngoài kia về vật lý và không gian thì vốn thuộc cùng một mặt phẳng, ấy vậy nhưng tôi có cảm giác luôn luôn rằng đoạn giao giữa tôi và bên ngoài bị cong méo như ảo giác mơ hồ về các luồng sóng âm nhiễu nhương một cách mềm mại và duyên dáng. Này! Tôi không còn thuộc về nơi của mình, cũng chẳng thuộc về nơi khác, rồi lại không dịch chuyển được, mà lại còn bị người yêu đã, đã thế đầu óc lại còn quái đản. Thế thì có lẽ tôi mới là kẻ đáng bị sỉ nhục. Buồn nên cười vậy thôi!
À! Nói về chuẩn bị cho Tết, sẽ nhanh thôi, vì tôi gần như chẳng chuẩn bị gì đâu. Cô bạn đồng nghiệp đã thương tình mua giùm tôi ít hoa quả, rượu tôi sẵn có, tủ lạnh cũng còn nhiều đồ ăn sẵn và chút đồ siêu thị – bạn thân của tuổi trẻ và tình trạng độc thân. Thế là Tết rồi! Đằng nào bạn bè tôi có đến cũng chỉ kê ca đến thế, hoặc chúng tôi lôi nhau ra ngoài (ăn) uống. Thế là xong Tết! Chuẩn bị cho Tết là thế nhé, ổn rồi thì giờ tôi đi café với thằng bạn.
Chiều 30 Tết của hai gã lười hoặc chẳng có gì để làm: Tôi lấy làm cảm động lắm vì hắn mặc kệ bố mẹ anh em lu bu với chuẩn bị cho Tết, mặc kệ cả mấy cô bạn gái đang tức phát điên lên vì không thể gọi cho hắn léo nhéo nhờ chở đi mua đồ. Nhưng tôi cũng chẳng lấy làm cảm động cho lắm vì mối thân tình của tôi và hắn đúng là kiểu mùa vụ. Hắn cần một cái thùng rỗng để trút cái mớ bong nhong của cuộc đời hắn (mà toàn là do hắn tự tay hắn kéo chân hắn đi vào), mà tôi lại xứng đáng và vinh hạnh đủ là cái thùng rỗng tốt nhất (vì căn bản tôi chẳng muốn để các nơ-ron thần kinh của tôi phải chạy nháo nhào lên vì những vấn đề của người khác, cũng sống đơn giản một cách đơn điệu và nhạt nhẽo nên chẳng có gì để đổ thống đổ tháo cho ai). Hắn gần như độc nói và tôi gần như độc nghe, nhưng tôi thề là hắn kể chuyện rất có duyên nên tôi thích nghe hắn nói. Một gã như hắn, bề ngoài ngay cả đối với những người thân thiết nhất cũng xử sự một cách đầy cảnh giác với lớp mặt nạ hoàn hảo, thực chất bên trong là một kẻ hay phàn nàn, chán ngán, cay nghiệt, có phần ngoa ngoắt. Hắn đủ thông minh để tạo cho bản thân hắn không có một khuyết điểm nào, và dù tôi là người biết rất nhiều chuyện hay ho của hắn thì cũng chẳng phải là mối lo ngại nào cả. Hắn chẳng cần phải đề phòng tôi vì rốt cuộc tôi cũng sẽ tự tiêu hóa cái đống bí mật của hắn một cách lặng lẽ và sạch trơn, như kiểu chưa từng ai nhét cái gì vào dạ dày tôi cả.
Tôi và hắn hẹn nhau tại café Neighbours – thực tế thì tôi không phải là hàng xóm của hắn, cả về định vị địa lý lẫn định vị tinh thần. Một kẻ có các động cơ nơ-ron thần kinh được bôi dầu chạy trơn tru, luôn đòi hỏi bảo trì tu dưỡng không thì sẽ xóc ầm ầm lên – là hắn lúc này đây (còn tôi là đại lý sửa chữa và bảo hiểm của hắn) vs. một cỗ máy xập xệ rúm ró, bị đá vào chán còn chẳng buồn thở nữa là gầm lên với ai – là tôi. Thế mà hắn đối đãi với tôi như thể “bán anh em xa, mua láng giềng gần”, chẳng biết ai “bắt quàng làm họ” nữa.
Café Neighbours thực sự là một nơi thú vị – chí ít là với tôi. Một quán café được xây trên mặt bằng diện tích khá rộng. Bên trong, không như nhiều quán café khác để thông suốt hoặc chia thành từng phòng lớn ngăn cách bằng cửa kính để tạo cảm giác mở, Neighbours thiết kế các ngăn như một dãy phòng trọ hay dãy phòng chung cư. Các khối phòng nối tiếp nhau với hai dãy trực diện nhìn nhau, cửa được đánh số đàng hoàng. Diện tích mỗi phòng không lớn lắm, chỉ chứa được ba người là thấy vừa đủ. Trong mỗi phòng chỉ có mấy cái đệm ngồi và đệm tựa với một cái bàn gỗ con con màu trắng, tường còn chẳng sơn vẽ gì đặc biệt ngoài một màu xám tím ảm đạm, trên tường treo một giá sách cỡ nhỏ hình vuông để báo, tạp chí, một ít sách văn học cổ điển, mấy cái đĩa CD nhạc không lời. Đặt trên nóc giá sách là một cái đài nhỏ, muốn nghe gì thì tự chọn đĩa và bật, có thể thoải mái mang đĩa của mình đến nghe. Cách phục vụ ở đây cũng khác nhiều chỗ, tất nhiên cũng phải gọi đồ uống, nhưng trong mỗi phòng đều có thêm bộ ấm chén pha trà, phích nước luôn sẵn nóng, vài chai nước suối. Hoàn toàn cảm thấy một khi đã bước vào thì đó là không gian khép kín, riêng tư, tự phục vụ. Các phòng khi có khách đều đóng cửa, và tất nhiên chẳng có ai đi gõ cửa phòng khác bao giờ. Một phòng ở, một nhà giam, một trại tập trung … dù là gì thì đều rất cô lập, kiệm giao. Không gian khối hộp ba chiều không ngăn cản âm thanh, nhưng những người đến đây chẳng ai để chúng thoát ra ngoài, tất cả đều rầm rì hoặc có khi đã kịp bắt lấy mà nuốt trọn trước khi có bất cứ phân tử âm thanh nào dám ho he bỏ trốn. Một nơi thú vị! – tôi lặp lại.
Chiều 30 Tết của hai gã lười hoặc chẳng có gì để làm – tôi lặp lại: Tôi và hắn lúc đầu còn ngồi nghiêm chỉnh đối diện nhau, im lặng, chầm chậm uống hết chén trà của mình – một kiểu tâm tình rất thâm thúy, thần giao cách cảm chăng? Lúc sau, cả hai đều nằm luôn xuống sàn, gối lên đệm tựa, nếu ở đây người ta có để cả chăn thì chắc tôi sẽ thuê một phòng, dọn luôn đến đây ở. Hắn nhắm mắt, không biết có phải ngủ hay không. Tôi thư thái đọc “Kinh cầu cho một đứa trẻ không ra đời” của Kertész Imre và nhâm nhy ly Louis Chevallier XO. Vị rượu đọng lại trên các đầu gai lưỡi cảm giác tê buốt, các gai lưỡi run rẩy và bẻ quặt xuống, co rúm lại. Khi cảm giác tê buốt lắng dịu lai, chúng thở phào nhẹ nhõm, từ từ giãn nở ra, cò cọ vào nhau ấm áp. Đọc được mười trang, tôi đứng dậy lắc lắc đầu mấy cái để đẩy các tế bào thần kinh đang xô vẹo về đúng phân khúc của chúng. Mới mười trang đầu mà các con chữ mải miết, dồn dập, thung thúc, rin rít như đang chơi đuổi bắt với não tôi làm nó thở hổn hển và thấm mệt. Giữa lúc các cơ thần kinh chùng xuống ngơi nghỉ, tôi quay ra liếc xem hắn đang làm cái trò chết tiệt gì. Nếu hắn hẹn tôi đến đây chỉ để thiết lập một mối thân giao với không khí thì thà rằng tôi ở nhà, tôi và không khí cũng đã nói chuyện với nhau đủ nhiều rồi. Tôi nói với hắn, như một cách để bắt nhịp lại với thế giới mặc định là thực:
- Rốt cuộc hôm nay hẹn mình ra có chuyện gì thế?
- Chẳng có gì cả. Tự dưng thấy mấy ngày Tết nhất này làm đầu óc mình cứ quay quay, bận rộn lại thành nhàm chán, nhàm chán vì phải quay quay bởi những điều đâu đâu. Mà nhàm chán thì nhìn mặt thằng cha tưởng như chán ốm như cậu lại thấy hay – hắn cười nhạt.
- Nếu đó là lời khen tặng thì chắc hẳn mình phải ăn mừng vì cái sự chán ốm của mình cả dịp Tết này nhỉ – tôi cũng cười nhạt.
- Thế nhớ alo mình đi ăn mừng cùng. Mừng cho cái sự chán ốm của thằng này – hắn chỉ vào hắn, thằng này nữa – hắn chỉ vào tôi, và tất cả những thứ còn lại.
- Được thôi. Cậu có thể đem theo mấy em của cậu cho bớt chán ốm đi.
- Để giản lược cái sự chán thì chỉ nên dụng những kẻ chán ốm thông thái chứ không phải những kẻ chán ốm ngu ngốc – hắn phẩy tay, tàn thuốc li ti văng ra từ đầu lọc, lóe lên một chớp mờ như một phát kiến nhỏ nhoi, rồi lụi ngóm.
- Vậy sao kẻ thông thái như cậu còn cặp kè với những người mà cậu coi là ngu ngốc, cho dù họ có ngu ngốc thật đi nữa?
- Để khớp các mảnh ghép vào với nhau thành một bức tranh chỉnh toàn cân xứng thì hoặc là chúng y xì nhau, hoặc là lồi lõm. Trái Đất còn nghiêng ngả thì sẽ chẳng thể có sự cân bằng tương xứng nào cả, lồi lõm là tất yếu.
- Thôi được. Cậu đang tự mãn với cái phần lồi của cậu, còn phần lõm thì chắc cậu ăn bớt rồi hả?
- À vì mình cũng có phần lõm nên mình mới chán ốm lên vì nó.
- Lý do ngớ ngẩn hết sức. Cậu chán ốm vì cái tất yếu và không thể phủ định hay thay đổi. Thay vì ngồi đó mà kêu chán, thà AQ rằng sự lồi lõm chỉ ở lớp vỏ, còn lõi thì vẫn đặc nguyên
- Liệu có xảy ra xâm thực ngược vào trong không nhỉ?
- Nếu cậu còn than thở chán ốm thì chắc chắn là có đấy.
- Ừ! Nào thì cạn ly vì chán ốm nhưng không được xâm thực – hắn giơ cái ly còn nguyên của hắn và rút một hơi hết bay. Chưa biết cái lõi đặc quánh nguyên chất của hắn có bị xâm thực ngược vào trong hay không, nhưng chắc chắn cổ họng và dạ dày của hắn sẽ bị xông cay đến mức nước mắt thấm từ ruột thấm ra.
******
10h tối, tôi loáng choáng đi về. Con đường nhỏ hiu mờ đèn- đường tắt về khu chung cư ẻo lả liêu xiêu say men rượu. Đợn gió se sua đượm mùi âm ẩm của mưa xuân, cả vị Chevallier vẫn còn hơi đằm đặm rủ rỉ vào tai tôi, thực sự là giờ chỉ muốn lăn mình trên giường rồi ngủ một giấc mê man đến tận trưa hôm sau – còn gì hạnh phúc hơn. Chợt … tôi thấy một bóng người tựa lưng hờ hững vào bức tường chạy dọc theo con đường đối diện khu chung cư tôi đang sống. Có thoáng chút giật mình khe khẽ tựa như đọng sương nơi chuốt lá gieo mình xuống bình yên … ba giây … Tôi bình tĩnh lại, à, tôi nhận ra rồi, là cô bé nhà bên. Nói “cô bé” có phần không phù hợp với em lúc này cho lắm.
Đêm 30, gió lạnh rin rít ghê người mà em chỉ mặc chiếc áo len lửng tay mỏng manh màu đen với quần jeans rách bó sát làm nổi bật lên đường cong (Tuyệt đấy!!!). Ngồi bên vệ đường, một chân co lên, một tay gác lên gối, tay kia cầm điếu thuốc lốm đốm đỏ, chẳng biết là khói thuốc hay là sương đêm vây quầng lên đầu lọc. Yên tĩnh quá! Trầm mặc đến mức tôi nghĩ tất cả thanh âm và ánh sáng ít ỏi của không gian xung quanh đều bị hút về phía em, nén lại thật chặt sau vẻ ưu tư kia. Cảm giác cái định vị nhỏ bé của mình cũng đã bị xâm lấn và chèn ép thành vô thanh, nhưng tôi không nỡ phá tan đi sự yên tĩnh u uất này – mà em là cái nút đen để giải phóng tất cả. Năm phút … Chần vần đứng đó nhìn cũng không phải một ý hay, để mặc em ở đó cũng không yên tâm (Hóa ra mình cũng là người tử tế!!!), tôi lại gần, đứng bên cạnh em, chìa ra đưa cho em cái áo phao đang mặc trên người. Em ngẩng lên, khuôn mặt li ri những giọt mưa xuân hắt vào làm lớp mascara trên mắt hơi nhòe đi, môi hơi tím vì lạnh (hoặc cũng có thể ánh sáng yếu ớt làm tôi nhìn ra như vậy) hơi nhếch lên vẻ cong cớn mà vẫn đáng yêu.
- Anh là ai vậy? Sao đưa cho tôi áo làm chi?
- Chà! Đến bó tay với em! Anh là hàng xóm của em, ở phòng 404 ấy, em nhớ ra chưa?
- À! Thằng cha gà công nghiệp dở hơi ngày nào cũng tắt đèn lúc 10h tối ấy hả.
Video đang HOT
- Em muốn nghĩ sao cũng được. Nhưng anh thấy trời lạnh thế này mà em ăn mặc phong phanh thế, anh có lòng quan tâm tới em thôi. Tiện nói luôn là sau đó anh bật đèn bàn để làm việc hoặc đọc sách, gà công nghiệp không chăm được như anh đâu.
Em ném cho tôi cái phì cười, không biết vì buồn cười thật hay chán chả muốn nói chuyện với thằng cha dở hơi này nữa.
- Cảm ơn anh Gà, được chưa?
- Được rồi. Mà sao em không lên nhà đi? Nghe chừng vừa đi uống về nên không dám lên nhà, sợ bố mắng hả?
- Ông ấy thì có quan tâm gì em sống chết thế nào. Em chưa muốn lên nhà vội, hút điếu thuốc cho ấm người đã. Anh có muốn một điếu không? – em chìa một điếu Vina cho tôi.
- Không! Anh cảm ơn! Anh không hút thuốc.
- Đúng là gà công nghiệp!
- Anh ngồi nói chuyện với em một chút được chứ? Đằng nào lên nhà cũng chỉ có mình anh.
- Tùy anh thôi! Cái vệ đường này không phải của riêng ai cả.
Ở đây được tầm 2 năm rồi, nhà em ở cạnh nhà tôi, 403 và 404, em ở với bố, nghe mấy bà bán hàng tạp hóa kể là mẹ em mất từ khi còn nhỏ. Cũng chả có mấy khi hai nhà qua lại, hôm đầu tiên chuyển đến tôi có qua chào hỏi sơ sơ thì gặp bố em. Chỉ là xã giao thông thường, ông chẳng chú tâm tới lời nào của tôi, còn tôi thì cũng chào hỏi cho xong thủ tục, sau ai sống đời người nấy, thi thoảng chạm mặt ngoài hành lang cũng lờ đi như người lạ. Em thì tôi càng ít gặp hơn, hình như có đôi lần tối đi uống bia với bạn về muộn thì có thấy em ở cửa. Nhà đó thật kì lạ, chẳng bao giờ tôi nghe thấy tiếng cãi vã, nhưng cũng chưa bao giờ thấy hai bố con đi với nhau và cũng chẳng loáng thoáng nghe tiếng nói chuyện vọng sang bao giờ. Nói chung là khó hiểu, mà tôi cũng chẳng muốn hiểu.
Hai người ngồi cạnh nhau, im lặng cho đến mười phút, em tiếp tục hút thuốc, tôi hết nhìn mưa lại nhìn đèn. Tôi quay sang bắt chuyện với em, chịu khó dẹp cái lớp không khí mỏng đang lững thững ở giữa hai kẻ người quen lạ mặt.
- Nhà em chuẩn bị Tết nhất đến đâu rồi?
- Chả thế nào cả. Ngày nào cũng như ngày nào, Tết cũng thế, có gì đặc biệt đâu.
- Ờ! Nếu lúc nào muốn thì cứ sang nhà anh nói chuyện, ăn chút bánh kẹo hoa quả cho có không khí.
- Ở một mình mà cũng bày vẽ ghê nhỉ!
- Ở một mình thì càng phải để cho người khác không thấy mình đáng thương mà.
- Trông anh lù rù thế mà cũng để ý hình tượng phết nhỉ.
- Anh chỉ làm thế nào mà mình thấy ổn thôi.
- Mà ngày này anh không đi chơi với người yêu à? Hay định đêm rủ nàng về nhà hẹn hò?
- Một, anh không phải loại người như thế. Hai, anh vừa chia tay.
- Hay đấy! Kể cho em nghe đi. Đang muốn nghe chuyện tầm phào cho đỡ chán.
Ngày gì mà tôi toàn phải hầu chuyện những kẻ chán đời thế nhỉ!? Đời tôi có gì vui hơn à?
- Ngày xửa ngày xưa …
- Em không phải trẻ con. Anh kể nhanh lên, đừng làm trò nữa – em gắt gỏng.
- Được rồi, được rồi! Anh quen cô ấy hồi năm cuối Đại học, yêu nhau được ba năm thì cô ấy bỏ anh.
- Anh kể rõ ra xem nào! Vì sao cô ta lại bỏ anh?
- À! Cô ấy thấy chán (lại chán!!!), thấy yêu anh buồn tẻ quá. Chẳng bao giờ cãi nhau, giận dỗi, có gì thì anh cũng nhường nhịn hết. Rồi bạn bè anh cũng không nhiều, chẳng dẫn cô ấy đi ra mắt được với ai cho vui vẻ, có thằng bạn gọi là thân nhất thì cô ấy nhận xét là đồ sở khanh giả tạo (cũng đúng!!!)
- Trông bộ dạng lù khù lẩn ngẩn của anh thì chắc đúng là vậy rồi. Là em thì em cũng chẳng ưa nổi.
- Thế em thì yêu đương sao rồi? Trông xinh xắn thế này chắc nhiều anh theo đuổi lắm.
- Cũng tàm tạm. Em có người yêu, bình thường vốn ghét mấy đứa cùng tuổi, nghĩ chúng nó trẻ quen, chả hiểu sao lại nhận lời yêu hắn nữa. Đi với mấy anh hơn tuổi thì được mời đi chỗ này chỗ nọ sang sang cũng oách, cơ mà suốt ngày phải nghe mấy lão dạy dỗ “Em phải thế này … Em phải thế kia…”. Tán mình thì phải chấp nhận mình chứ lại đòi thay đổi em như kiểu định lừa làm thí nghiệm tẩy não hay cướp nội tạng ấy.
- Còn cậu bạn đó đối với em như thế nào?
- Nhìn chung cũng vui vẻ, nhưng nhiều khi em nghĩ em chỉ coi là bạn thân đặc biệt hơn chút. Chả có tí cảm giác gì ấy. Em tính đá quách đi cho rồi. Cho đỡ cảm thấy tội lỗi vì mình bố thí tình cảm cho ai.
- Chiều em khó nhỉ. Là anh chắc anh chịu.
- Xì! Anh mà có tí tẹo cơ hội nào á? Chưa đến đâu.
- Em trông thế thôi mà nói chuyện vẫn xì-tin nhỉ – tôi xoa đầu em.
- Này! Đừng coi em là trẻ con – em hất tay tôi ra, mặt nhăn nhăn phụng phịu nom lại dễ thương, chỉ tội hơi buồn cười trong bộ dạng tập làm người lớn kia.
- Được rồi! Được rồi! Mà em cứ định ngồi mãi ở đây à? Anh thì không có vấn đề gì, chỉ lo cho em lạnh với lại về muộn nữa.
- Xào! Làm gì có ai lo cho em. Nhưng mà em cũng thấy hơi khát rồi. Anh kiếm cái gì cho em uống đi – em đá đá chân tôi – Mau không là lỡ cơ hội được phục vụ em đấy.
- Thế lên sân thượng khu nhà mình đi. Anh lên nhà chuẩn bị chút đồ với lấy thêm áo khoác.
- Anh không cho thuốc mê vào đấy chứ? – em vừa cười nhăn nhở vừa liếc xéo tôi.
- Có vấn đề gì thì em cũng biết anh ở đâu mà đến xử lý còn gì. Anh chả chạy đi đâu đâu.
******
11h tối 30, trên sân thượng, khu chung cư mini rẻ tiền, có hai kẻ, một kẻ chán đời và một kẻ đã chán nghe kẻ khác ca thán chán đời. Em lên sân thượng ngồi chờ, từ dưới cầu thang đi lên cửa, nhìn dáng em đằng sau, bóng đen nhỏ nhắn liêu xiêu đổ xuống mặt nền đầy thấp thỏm, cố gắng không bị nuốt lịm đi trong bóng tối lạnh lẽo của không gian. Ai, dù khoác cho mình lớp khiên chắn kín kẽ đến đâu, cũng có lúc ngột ngạt mà buông lỏng. Người ta hóa trang cũng chỉ để bảo vệ dung nhan đang dần tàn phai, dần lộ rõ vẻ mệt mỏi. Người ta cố gồng mình, hay nổi xung lên cũng chỉ để lấp liếm đi những rệu rã, run rẩy và yếu đuối. Mọi thứ thuộc về chúng ta thực ra chưa bao giờ thuộc về chúng ta. Bóng, tâm thức, ký ức … tất cả cũng sẽ có lúc cùng từ bỏ ta mà đi, đẩy ta rơi vào vụt lặng.
Tôi mang lên chai vang Đà Lạt vị như sô-đa nho với đĩa hoa quả, một chai nước lọc, hai cái ly – thế là đủ cho đêm giao thừa. Nghĩ cũng không thiệt thòi hay đáng thương cho lắm, bị người yêu đá, nhưng vẫn có một em xinh tươi bên cạnh cùng trải qua những phút giây cuối của một năm sắp qua.
- Em buồn ngủ thì xuống nhà, ở lại trên này dễ cảm lạnh, còn nói chuyện lúc nào cũng được.
- Anh rủ em lên đây rồi đuổi em về đấy à? Tính lật mặt à?
- Con bé này, sao toàn nghĩ xấu cho người khác thế? – tôi cốc đầu em một cái.
- Hừ! Đưa đây cho em! – em giành lấy chai vang, rót đầy hai ly.
- Người ta chỉ rót đến nửa ly là nhiều rồi, đúng ra là chạm đáy. Anh đâu có uống tranh phần với em.
- Ít nhiều gì thì trước sau cũng vào bụng thôi. Sướng hay khổ rồi cũng phải nếm, đằng nào cũng là một đời người.
- Bà cụ non ạ, thế sao em không nghĩ thà rằng mọi buồn vui đều từ từ rót vào, ngấm dần thành nỗi quen, lâu dần thành trải trang đắc thú, như đôi khi thưởng cho mình một ly lấy vui. Đổ ập một lúc rồi tuốt tát trôi qua, vừa hụt hẫng, vừa không kịp trở tay, vừa chẳng trưởng thành kịp.
- Sống dài khắc khoải lắm. Em chẳng muốn sống mãi như bây giờ. Dài đã chắc gì vui.
- Nếu em muốn cuộc sống của em là một câu chuyện phi thường, vậy hãy bắt đầu bằng cách nhận ra rằng em là tác giả và mỗi ngày em có cơ hội để viết nên một trang mới.
- Triết lý của anh đấy à?
- Không, Mark Houlahan.
- Ờ, sao cũng được – hình như em khẽ thở dài, hay là làn khói thở miết mong manh lạnh?
Chúng tôi chạm ly. Tiếng thành ly va khẽ vào nhau, rung lên yếu ớt nhưng cũng kịp vạch ra một tia nhớp nhoáng giữa bóng tối mơ hồ luẩn quẩn hơi lạnh. Chúng tôi vô duyên mãi rồi cũng xô xệch phải nhau ở một thời khắc đầy ngẫu hứng. Tôi không rõ cảm giác cần lắm sự thấu hiểu và thân sơ từ bất cứ ai, chỉ biết đối với mình, cho dù là nhàn nhạt cũng đủ để tôi thỏa mãn, còn sâu sít mọi ngóc ngách có lẽ để mình tôi rong chơi trong đó là đủ. Sự cầu toàn bản thân đã rất đau khổ, nhưng cầu toàn áp nguyện lên người khác lại càng mệt mỏi hơn.
- Anh Gà này!
- Gì thế?
- Em không thấy anh giống một kẻ vừa bị bồ đá chút nào cả. Hoặc là đau khổ vật vã, hoặc là yêu đương chơi bời toán loạn. Thậm chí trông anh nếu bảo không có bồ thì cũng chẳng ai thắc mắc gì đâu.
- Thực ra khi anh còn học năm nhất, trước khi yêu cô ấy thì anh cũng đã yêu một người khác, mối tình đầu ấy. Anh cũng từng mơ ước, từng vạch ra rất nhiều kế hoạch, dự định cho tương lai. Lúc chia tay, anh cảm thấy chán nản và sụp đổ. Thế mà rồi cũng qua thôi. Con người mạnh mẽ hơn mình tưởng, nhưng lại cứ thích tỏ ra yếu đuối cầu sự quan tâm của người khác.
- Lý do chia tay là gì thế?
- Cũng là vì chán thôi. So với người yêu thứ hai của anh là khi anh đã thành kẻ lững đững mà nhấm nháp từng vấy vẩn của sự chán nản thấm sâu dần dần vào từng mạch nối thần kinh, khiến người khác thấy sốt ruột ngán ngẩm rồi thì cô ấy có cá tính khá mạnh, thích những thứ vui chớp chóng chầy, yêu anh cũng là một niềm vui lạ lùng ngắn ngủi. Hôm kỉ niệm bốn tháng, anh còn chuẩn bị rất công phu. Em có tin không, anh đã thuê nguyên một toa tàu cũ bỏ không, giấu món quà ở đó, đưa cô ấy gợi ý để tìm giữa sân ga cũ. Anh đứng chờ, chờ rất lâu, cứ tưởng cô ấy tìm chưa ra, sốt ruột muốn phát khùng. Cuối cùng cô ấy cũng xuất hiện, mặc như một cô nàng rockchick hoang dại, áo cúp vải da đen và váy bồng màu hồng thẫm. Anh mừng húm nghĩ cô ấy cũng chuẩn bị cho ngày này thật đặc biệt. Ai dè, cô ấy chạy đến, thở hổn hển, chỉ kịp buông cho anh một câu: “Xin lỗi anh! Coi như anh tặng cho em kỉ niệm bốn tháng. Em phải đi đây. Tạm biệt!” rồi chạy đi mất. Anh đứng ngẩn ngơ giữa đường ray tàu bỏ hoang, chưa kịp hiểu gì, thấy mình bị bỏ rơi còn đáng thương hơn cả ga tàu cũ đó. Sau này, nghe mấy người bạn anh kể lại, cô ấy mê một tay trống trong rockband của câu lạc bộ trường. Sáu tháng để anh vật vã và suy sụp, nhưng rồi mọi chuyện cũng qua thôi.
- Một thời nông nổi và cuồng si à?
- Em đọc nhiều tiểu thuyết quá hay sao thế? – tôi cười – Nó chỉ dùng khi người ta thấy tiếc nuối và hối hận, còn anh thì chẳng hối hận. Ít ra, bốn tháng ấy, cô ấy đã tô vẽ cho cuộc đời vốn nhàm tẻ của anh thêm màu sắc, chỉ là anh không thể đáp trả lại tương xứng như những gì cô ấy mong đợi. Nói chung là trong tình yêu khó lòng có thể cân bằng lắm, mỗi người sẽ cảm thấy vênh vao ở những điểm khác nhau.
- Thế á? Nhưng bố mẹ em thì ăn khớp nhau trơn tru lắm. Đến nỗi chẳng một mảnh vụn nào có thể lọt vào ấy. Kể cả em.
- Mẹ em mất rồi phải không? Giờ hai bố con thế nào? Anh thấy có vẻ không được ổn cho lắm.
- Ổn hay không ổn cũng thế. Trong mắt ông ấy em thành vật trong suốt, chẳng thể mảy may lay ông ấy thức dậy được. Mẹ em mất khi em còn nhỏ, quãng thời gian trước đó gia đình em hạnh phúc lắm. Nhưng sau đó, khi chỉ còn lại hai người – em và ông ấy, thì ông ấy phủ toẹt em đi như thể em chưa từng là con của ông ấy. Đối với ông ấy, chỉ cần có mẹ em thì dù là hai hay ba đều hoàn hảo. Ngày làm tang cho mẹ em, đi từ nghĩa trang về, ông ấy vẫn dắt tay em đi, rồi khi đứng trước nhà – nhà cũ hồi ba người nhà em từng ở cơ, thì ông ấy văng tay em ra và nói: “Hết rồi!”. Thế là hết!
- Em đã bao giờ thử nói chuyện với bố, kiểu tâm sự ấy chưa?
- Làm gì có. Ông ấy lạnh te và hầm hè như thể ai mà đụng vào thì ông ấy có thể bóp chết người ta để được im lặng ấy. Hôm ở nghĩa trang, khi ông ấy cầm tay em, em cảm thấy an tâm lắm, mẹ mất em buồn chứ, nhưng kể cả là lúc ấy hay bây giờ, em vẫn cần có một người gọi là bố để cùng vượt qua. Mẹ mất, em còn nhỏ chưa hiểu được điều gì, chỉ biết là mẹ sẽ không ở cùng hai bố con nữa, em không khóc. Nhưng khi ông ấy buông tay em ra, để mặc em đứng lại với gió lạnh, em đã khóc. Em còn không thể cất tiếng gọi “Bố ơi!” được, em sợ càng gọi ông ấy sẽ càng rời xa em hơn.
- Em cũng giống ông ấy. Cả hai đều loay hoay trong nỗi sợ và chán chường của mình, căng mình chịu đựng cú giật nảy thảng thốt rung lên của mối liên hệ giữa ba người. Mỗi người chọn cách phản ứng với nỗi đau khác nhau mà giống nhau. Cả hai đều cầu mong được xoa dịu từ người khác, nhưng không dám cất lên, đều tương tác với nhau bằng im lặng và bị kéo giãn về hai đầu. Mỗi người lại có một quãng thời gian để thích nghi khác nhau, bố em có thể yếu đuối hơn em nghĩ. Ông ấy đang bị mắc kẹt ở điểm thời gian dừng lại, còn em thì đứng nhìn ông ấy và trông chờ ông ấy cứu em trong khi ông ấy còn chưa thể cứu được mình. Thả lỏng một chút, cố gắng nhích về phía ông ấy một chút, bố em ngủ đã lâu rồi, cũng đến lúc cần người gọi dậy. Anh nghĩ bố em không ghét bỏ em đến mức như em nghĩ đâu, chứ không ông ấy đã quẳng em vào cô nhi viện rồi.
- Ông ấy là bố cơ mà, tại sao em phải nhún nhường trước? Chứ không lẽ em không buồn, không đau à? Bao năm qua, em làm đủ mấy trò vớ vẩn và điên rồ, chỉ mong ông ấy để mắt đến, mắng cho em vài câu thì em sẵn sàng khóc òa lên mà ông ôm ấy xin lỗi. Có khi em chết đi ông ấy còn tưởng em đi bụi theo giai quá.
- Đừng nói hỗn thế. Dù gì bố vẫn là bố. Trong bất cứ mọi loại tình cảm, chẳng có sự ưu tiên nào hay ai đúng ai sai cả. Còn cảm thấy yêu thương và cần có nhau thì ai cũng cần cố gắng. Nếu thực sự đối phương đã lựa chọn từ bỏ thì mới không nên níu kéo, sự ra đi là tất yếu khi sợi dây đã trở nên lão chão lỏng lẻo.
- Anh đã nghĩ như thế khi những người yêu cũ của anh bỏ anh à? Có AQ quá không?
- Em cứ nghĩ thế này. Yêu chỉ là một khía cạnh cảm xúc. Nhưng hai tập hợp khó có thể giao nhau, mỗi cá thể đều tĩnh tại trong cái nội hàm nhỏ hẹp kín đặc của mình, đứng nhìn cá thể khác trôi nổi trong ngoại diên mơ hồ, vậy làm sao có thể kết giao bền chặt. Không đổ tội cho ai cả. Chúng ta giống các phân tử đang tồn tại đây, liên tục di chuyển và kiếm tìm, có thể sẽ trúc trắc ở một vài kết nối hỏng, nhưng rồi sẽ tìm được đúng tổ hợp của mình để kết thành hợp chất hoàn chỉnh.
- Đó sẽ là những người có thể nâng đỡ, xoa lành cho nhau phải không?
- Đúng rồi đấy.
Em im lặng một lúc, khẽ thở dài, tựa vào vai tôi, khép hờ mắt như đang muốn suy nghĩ và xoay xáo lại tất cả những câu chuyện dang dở của mười bảy năm qua.
- Này, anh Gà!
- Ừ gì thế?
- Em nghĩ là em thích anh rồi đấy.
- Ừ anh cũng thích em rồi đấy.
Hai đôi vai khẽ rung lên. Nụ cười không còn khó nhọc nữa mà như trút ra thật nhiều thật nhiều điều, mong cho hơi lạnh làm se đi một chút.
Lúc ấy, từng tràng pháo hoa rộ vút lên, thứ áng sáng rực rỡ và ấm áp nhất chúng tôi nhìn thấy từ khi gặp nhau hôm nay. Chẳng có gì mới mẻ lạ lùng đâu nhưng hôm nay thật đặc biệt. Em lấy tay che hai mắt tôi lại, khẽ đặt một nụ hôn nhẹ nhàng tinh tươm lên môi tôi. Rụt tay về, em cười khúc khích:
- Anh Gà hẹn hò với em nhé!
Vị môi mỏng manh và ngọt ngào vất vương một chút ẩm ướt của mưa xuân còn làm tôi mê man. Tôi cười:
- Ừ!
Theo Guu
Mùa hẹn yêu thương
Vậy là đã sắp đến thời khắc giao mùa thứ 5 chúng mình về chung dưới một mái nhà. Như mọi năm, ngày cuối cùng của năm có lẽ cũng
Anh!
Em hiểu, là một bác sĩ nhi khoa còn trẻ, anh không thể vắng mặt trong những thời khắc cao điểm như thế này, nhưng nhìn cảnh mọi người hạnh phúc quây quần bên nhau, em không khỏi có cảm giác nao lòng.
Còn nhớ năm đầu tiên anh thông báo sẽ vắng nhà vào đêm 31/12, bản tính trẻ con đã làm em giận dỗi. Mới cưới nhau vài tháng, em đã mong ước biết bao được cùng anh trải nghiệm những giờ khắc thiêng liêng, cảm nhận thật trọn vẹn không khí ấm áp của gia đình, có anh và em trong thời điểm mà cả thế giới gọi là mùa sum họp.
Thế mà điều đó đã không xảy ra. Phố chưa lên đèn, anh đã vội vã rời đi, những vòng bánh xe như hối hả hơn giữa dòng người tấp nập. Em đã trách, đã giận, đã nằm vùi trong chăn đếm từng nhịp thời gian trôi tích tắc... để rồi không thể chịu nổi nỗi nhớ anh, em đã lấy điện thoại gọi cho anh khi kim đồng hồ chỉ đúng 12 giờ đêm. Đáp lại cố gắng đó của em, chỉ là những tiếng chuông đổ lạnh lùng...
Sáng sớm ngày đầu tiên của năm, anh trở về nhà trong cái se lạnh bướng bỉnh của mùa xuân và cái xoay lưng lạnh lùng của vợ. Anh nói với em thế này trước khi buông mình xuống giường với thân thể rệu rã sau một đêm thức trắng: "Đêm qua có một đứa bé bị tai nạn giao thông rất nặng, nó đã chiến đấu rất kiên cường để vượt qua số phận. Sáng nay khi giao ca ra về, anh nhìn thấy mùa xuân lấp lánh trong ánh mắt của người cha và người mẹ đứa bé... mùa xuân đó quả thật rất đẹp, em à".
Kể từ đó em hiểu rằng, không phải cứ vào dịp cuối năm tất cả các gia đình đều quây quần bên nhau để đón chào thời khắc thiêng liêng chuyển mình sang năm mới. Mỗi người đều chào đón mùa xuân một cách thật khác nhau. Với em, ngày cuối của năm sẽ là ngày chuẩn bị bữa cơm thật tươm tất, gói cho anh và các đồng nghiệp đang túc trực ở bệnh viện, sẽ là những lúc em say sưa nghe anh kể về những em bé đã vượt qua bệnh tật để sống sót một cách thần kỳ. Đó cũng sẽ là những lúc em nắm tay anh thật chặt để tiễn một thiên thần nào đó vừa đi xa... tất cả mọi cảm xúc ấy làm cho mỗi mùa xuân bên anh luôn là một mùa rất khác.
Ba kính yêu của con! (Viết theo lời tâm sự của con trai nhỏ)
Tết Dương lịch này ba sẽ lại vắng nhà phải không ba? Hôm nay, bạn Nam khoe với con rằng bạn ấy sẽ được ba đưa đi ngắm pháo hoa ở Đầm Sen, con thật sự cũng muốn được như bạn ấy. Mẹ bảo với con rằng ba bận trực đêm ở bệnh viện, chắc là không thể đưa con đi xem được rồi. Ba ơi, ba đừng làm việc nhiều quá, con biết ba làm việc để kiếm tiền mua sữa cho con, con sẽ nhịn uống sữa một hôm ba nhé. (Ba đừng mách mẹ là con nhịn uống sữa nhé, mẹ mà biết sẽ mắng con thật nhiều đấy. Chuyện này là bí mật của hai ba con mình thôi!).
Ba biết không, mãi đến bây giờ con mới biết chuyện ông già Noel sẽ tặng quà cho các em bé ngoan đấy, thế mà mẹ không nói cho con biết sớm hơn, làm năm rồi con không kịp ngoan để được quà của ông già Noel. Năm nay, con ngoan nhiều, nên chắc là ông già Noel sẽ dành cho con một món quà. Con đã nhờ mẹ viết thư xin một chiếc máy bay cánh bằng rồi, hy vọng ông già Noel sẽ nhận được thư và tìm thấy tên con trong danh sách được duyệt quà.
Ba ơi, nếu Giáng sinh này con được thưởng chiếc máy bay cánh bằng, con sẽ lái máy bay ìn ìn đưa cả nhà mình đi Phú Quốc ba nhé. Con và mẹ thích tắm biển ở Phú Quốc lắm, khi đó con sẽ óach hơn cả bạn Nam luôn, vì con đã rất ngoan mà!
Em và con!
Anh đã đọc những dòng tâm sự cuối năm của hai mẹ con, và anh thật biết ơn cuộc đời đã cho anh một tổ ấm để yêu thương và vun đắp. Hơn ai hết, anh hiểu nỗi niềm của em và con khi phải đón Tết một mình mà không có anh bên cạnh. Em vẫn cười thật hiền đón anh về nhà sau giờ tan ca, con vẫn ríu rít hỏi chuyện ba và ôm ba thật chặt. Những ấm áp của mùa xuân bỗng tràn ngập và chia đều cho cả gia đình mình. Và anh biết, mình vẫn còn nợ em và con một mùa xuân sum họp.
Em biết không, anh có một món quà bất ngờ dành cho cả nhà mình vào dịp Tết Dương lịch này. Em hãy nhắn với con rằng, anh đã trò chuyện với ông già Noel và biết được con mình có tên trong danh sách nhận quà Giáng sinh. Ông già Noel còn bảo rằng, vì em và con rất tuyệt nên ông ấy sẽ thưởng cho cả nhà mình một chuyến du lịch đến Phú Quốc để đón mùa xuân năm nay. Và nhân tiện, vì ông già Noel rất bận rộn, không thể tự tay thu xếp mọi việc, nên ông ấy đã nhờ anh làm giúp. Em và con đồng ý chứ?
Đỗ Nguyễn Như Huỳnh
Cuộc thi "Thời khắc yêu thương" do Công ty TNHH Sapporo Việt Nam phối hợp với VnExpress thực hiện. Đây là nơi để bạn chia sẻ những kế hoạch, dự định ý nghĩa đến người mà bạn mong muốn gửi lời tri ân, yêu thương và cùng họ trải qua những thời khắc cuối cùng của năm. Chương trình kéo dài từ ngày 26/11 đến ngày 23/12 trên trang Đời sống, báo VnExpress. Độc giả gửi bài tham dự tại đây.
Theo VNE
Chồng tôi rất sĩ diện khi lì xì Chồng mình rất sĩ diện khi lì xì cho mọi người. Nhà đâu có giàu có gì mà anh mừng tuổi cứ như đại gia, tiền trăm cứ gọi là phát ra liên tục. Mấy ngày Tết trôi qua mà mình rất khó chịu vì anh chồng sĩ diện hão của mình. Thật sự, vì vợ chồng mình chỉ là những người làm...