nCoV tàn phá phổi không kém SARS
Kết quả sinh thiết phổi của một bệnh nhân tử vong do nCoV cho thấy các phế nang phổi bị tổn thương nghiêm trọng, phù phổi.
Theo một báo cáo trên tạp chí Lancet, dựa vào kết quả sinh thiết phổi của một bệnh nhân 50 tuổi tử vong, các nhà khoa học Trung Quốc đã tìm ra nhiều điểm tương đồng về đặc điểm bệnh lý giữa Covid-19 và SARS.
Các mẫu sinh thiết được lấy từ phổi của bệnh nhân này cho thấy tổn thương phế nang lan tỏa hai bên. Phổi phải hình thành màng trong còn phổi trái có biểu hiện bị phù phổi. Đây là các đặc điểm bệnh lý của Covid-19 rất giống với SARS và MERS. Hình ảnh X quang cũng thể hiện rõ sự phát triển nhanh chóng của viêm phổi và một số khác biệt giữa phổi trái và phổi phải. Ngoài ra, giảm bạch cầu là một đặc điểm phổ biến ở những bệnh nhân mắc nCoV và có thể là một yếu tố quan trọng liên quan đến mức độ nghiêm trọng của bệnh và tỷ lệ tử vong.
Kết quả sinh thiết từ gan của bệnh nhân này cũng cho thấy gan bị tổn thương ở mức độ tương đối. Tuy nhiên chưa rõ nguyên nhân do nCoV hay do các loại thuốc điều trị.
Các nhà khoa học không tìm ra sự thay đổi rõ ràng nào trong mô tim, có nghĩa là nCoV có thể không trực tiếp làm suy yếu tim.
Biểu hiện bệnh lý của mô phổi phải (A) và trái (B), mô gan (C) và mô tim (D) ở bệnh nhân bị viêm phổi nặng do nCoV gây ra. Ảnh: Lancet
Trước đó, ngày 14/1, bệnh nhân này bắt đầu có các triệu chứng ớn lạnh và ho khan nhưng không đi khám mà tiếp tục làm việc. Ngày 21/1, ông tới phòng khám chụp X-quang phổi và lấy mẫu bệnh phẩm họng. Ảnh chụp X-quang cho thấy có một vài bóng loang lổ ở cả hai bên phổi. Ngày 22/1 (ngày thứ 9 của bệnh), Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc đã xác nhận bệnh nhân dương tính với Covid-19.
Video đang HOT
Ông lập tức được đưa vào khu cách ly và phải thở bằng oxy. Ôngđược điều trị kết hợp bằng nhiều loại thuốc khác nhau bao gồm thuốc chống nhiễm trùng alfa-2b, thuốc điều trị HIV lopinavir và ritonavir, và kháng sinh moxifloxacin nhằm ngăn ngừa nhiễm trùng thứ cấp. Do khó thở và thiếu oxy nghiêm trọng, bệnh nhân đã được tiêm tĩnh mạch bằng thuốc methylprednisolone. Sau đó, ông hạ sốt từ 39C xuống 36,4C. Tuy nhiên, các triệu chứng ho, khó thở và mệt mỏi vẫn không thuyên giảm.
Ngày thứ 12 của bệnh, ảnh chụp X-quang phổi cho thấy có thêm nhiều bóng lan rộng ở cả hai bên. Ông đã từ chối hỗ trợ máy thở trong phòng chăm sóc đặc biệt nên nhân viên y tế cho ông thở bằng oxy dòng cao HFNC (với nồng độ 60%). Ngày thứ 13, các triệu chứng của bệnh nhân vẫn không cải thiện. Ngày thứ 14, ông cảm thấy càng khó thở hơn mặc dù đã được điều trị bằng oxy HFNC nồng độ 100%. Tim bệnh nhân ngừng đập dù các bác sĩ đã rất nỗ lực cứu chữa bằng cách cho ông thở máy xâm lấn, ép ngực và tiêm adrenaline. Ông qua đời ngày 27/1, sau hai tuần nhiễm bệnh.
Các phát hiện lâm sàng và bệnh lý này không chỉ giúp xác định nguyên nhân tử vong mà còn cung cấp những hiểu biết mới về cơ chế hoạt động của nCoV, từ đó có thể giúp các bác sĩ kịp thời vạch ra chiến lược điều trị cho những bệnh nhân nặng và giảm tỷ lệ tử vong.
Minh Ngân (Theo Lancet)
Theo vnexpress.net
Nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ người khỏi bệnh
Chuyên gia Trung Quốc cảnh báo các bệnh nhân đã khỏi viêm phổi corona vẫn có thể lây virus, tuy nhiên nguy cơ này về lý thuyết là thấp.
Bác sĩ Zhao Jianping, người đứng đầu một đội chống dịch tại tỉnh Hồ Bắc, cho biết có nhiều trường hợp bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính sau khi bình phục.
"Điều này khá nguy hiểm. Bạn sẽ giữ những bệnh nhân này ở đâu? Chưa thể để họ về nhà vì có nguy cơ lây nhiễm cho người khác. Nhưng cũng không nên đưa họ vào khu cách ly vì tình trạng quá tải", ông nói.
Các chuyên gia cho biết hiện còn quá sớm để khẳng định lây nhiễm có thể xảy ra hay không vì xung quanh virus corona chủng mới còn nhiều điều chưa sáng tỏ. Song trên lý thuyết, tỷ lệ này tương đối thấp.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ Tin tức Bắc Kinh vào ngày 18/2, bác sĩ Zhao cho biết, một bệnh nhân của ông được xuất viện sau khi trải qua hai lần xét nghiệm virus corona âm tính. Vài ngày sau, anh bị sốt. Kết quả tái khám cho thấy, anh một lần nữa dương tính với nCoV.
Virus corona bám trong tế bào, nhìn qua kính hiển vi. Ảnh: AP
Ông Zhao khuyến cáo các bệnh nhân nên tự cách ly tại nhà 14 ngày sau khi xuất viện.
Trước đó, nhiều chuyên gia Trung Quốc cũng từng cảnh báo, người đã phục hồi vẫn có nguy cơ tái nhiễm Covid-19. Hiện chưa rõ họ có đang nói về bệnh nhân của ông Zhao hay không.
Tại tỉnh Ontario, Canada, các nhân viên y tế cũng ghi nhận hai người bệnh có kết quả xét nghiệm dương tính nCoV sau khi bình phục một thời gian.
Điều này cũng đặt ra câu hỏi về độ chính xác của các xét nghiệm axit nucleic được sử dụng để chẩn đoán virus corona.
Kevin Patterson, một bác sĩ người Canada, cho biết đối với lao và Ebola, trong một số trường hợp, người đã khỏi vẫn còn mang mầm bệnh trong cơ thể. Song họ không có khả năng lây truyền virus.
"Vi sinh sẽ chết sau quá trình điều trị. Nếu bạn đặt chúng lên đĩa Petri (dùng để nuôi cấy tế bào), chúng không phát triển. Có thể virus và DNA của virus được tìm thấy trong cơ thể, nhưng không có khả năng truyền nhiễm. Sẽ là bất thường nếu virus corona làm được điều này", ông nói.
Benjamin Cowling, người đứng đầu bộ phận dịch tễ học và thống kê sinh học tại Đại học Hong Kong, nhận định cách tốt nhất để giảm thiểu rủi ro là biết được virus corona trong cơ thể các bệnh nhân đã hồi phục còn hoạt động hay không. Các nhà khoa học đã cố gắng nuôi cấy nCoV để giải đáp điều này.
Theo ông Cowling, trên lý thuyết, bệnh nhân khỏi Covid-19 đồng nghĩa với việc cơ thể họ đã tiêu diệt được virus. Như vậy, nguy cơ lây thấp.
Dù một số người có dấu hiệu tái nhiễm, điều quan trọng là theo dõi tần suất của các ca bệnh này. Ông Cowling tin rằng, đây là những trường hợp cá biệt, không ảnh hưởng nhiều tới công tác dập dịch.
Thục Linh (Theo SCMP)
Theo vnexpress.net
Virus corona ở Trung Quốc: Đỉnh dịch đã qua? Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc, hầu hết những người bị nhiễm virus corona mới ở Trung Quốc đều có triệu chứng nhẹ. Bệnh nhân cao tuổi và bệnh nhân có nền bệnh khác thuộc nhóm nguy cơ nguy hiểm đến tính mạng. Tỷ lệ tử vong chung từ virus corona Covid-19 là 2,3%. Nghiên cứu được công bố...