nCoV rình rập người chạy thận
Ba lần một tuần, Mat Risher tới lọc máu tại Trung tâm Thận Tây Bắc ở Washington, bất chấp nguy cơ lây nhiễm virus, bởi không thể không chạy thận.
Tại gian phòng chật hẹp, Mat ngồi chung với 20 bệnh nhân khác trong vòng vài giờ để chạy thận. Tất cả đeo khẩu trang y tế và được đo nhiệt độ trước khi vào bên trong. Bác sĩ cũng cho biết máy móc được khử trùng thường xuyên. Tuy nhiên rủi ro vẫn rất cao.
Một trong những bệnh nhân nCoV tử vong đầu tiên ở Mỹ từng lọc máu tại cùng một phòng khám. Thông tin này ít nhiều khiến Risher lo sợ.
Mat Risher đang chạy thận tại Trung tâm Thận Tây Bắc, Kirkland, Washington. Ảnh: NY Times
Covid-19 lây lan khắp các tiểu bang của Mỹ, 500.000 bệnh nhân bị suy thận cần lọc máu hàng tuần là những người dễ bị tổn thương nhất. Các phòng khám đón tới hàng chục bệnh nhân trong mỗi ca làm việc. Do thiếu không gian, họ ngồi san sát nhau, gần hơn nhiều so với khoảng cách an toàn 2 m được khuyến nghị.
“Đây chắc chắn là thời gian đáng sợ đối với chúng tôi”, anh Risher chia sẻ.
Chạy thận là lựa chọn điều trị cuối cùng đối với nhiều người. Ngày thường, họ vốn đã dễ mắc bệnh. Một trường hợp lây chéo tại cơ sở điều trị từng xảy ra trong quá khứ. Do đó, nhiều người càng tỏ ra lo ngại khi dịch bệnh diễn biến khó lường.
DaVita và Fresenius, hai công ty lớn nhất ngành công nghiệp, cho biết họ có đủ quy trình đảm bảo an toàn cho bệnh nhân và y bác sĩ, đồng thời đang tích cực ngăn chặn sự lây lan của virus trong các cơ sở chạy thận.
Song giới chuyên gia cho rằng công ty vẫn không ý thức được mức độ nguy hiểm của vấn đề. Các bệnh nhân được yêu cầu tái sử dụng khẩu trang. Nhiều nhân viên y tế và kỹ thuật viên tỏ ra lo ngại về vấn đề thiếu hụt thiết bị bảo hộ cũng như nguy cơ lây nhiễm chéo.
“Phản ứng của các cơ sở lọc máu trước Covid-19 là chưa hề thỏa đáng, khiến những người dễ bị tổn thương nhất tiếp xúc với virus. Điều này đặc biệt nghiêm trọng đối với các bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối”, ông Dave Regan, Chủ tịch Liên minh Nhân viên Dịch vụ Quốc tế, tuyên bố.
Video đang HOT
Alan Kliger, bác sĩ chuyên khoa thận Đại học Yale, nhận định: “Mắc bệnh truyền nhiễm là nguyên nhân tử vong lớn thứ hai khi tiến hành chạy thận”. Cứ 10 bệnh nhân thì có một người chết vì biến chứng do nhiễm trùng qua khu vực nối ống thông.
Theo phân tích của Medicare, 6 trong số 10 cơ sở chạy thận tại Mỹ được thanh tra vào năm ngoái có những sai sót liên quan đến quá trình kiểm soát bệnh tật. Thậm chí có nhân viên không vệ sinh thiết bị đúng cách hoặc không đeo găng tay khi làm thủ tục cho bệnh nhân.
Mối lo ngại càng gia tăng giữa thời điểm dịch bệnh, khi mà nhiều nơi phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt vật tư y tế.
Một phòng chạy thận tại Trung tâm Thận Tây Bắc. Ảnh: NY Times
“Chúng tôi không có nhiều thiết bị bảo hộ đến thế”, bác sĩ Kliger thừa nhận.
Theo ông, ở những khu vực như New York hoặc Connecticut, lượng bệnh nhân khổng lồ đồng nghĩa với việc bác sĩ phải ứng biến bằng các vật dụng có sẵn.
Nhân viên tại các cơ sở chạy thận cho biết họ không cảm thấy an toàn khi làm việc.
Để đối phó với tình trạng đó, nhiều nơi cố gắng thay đổi chính sách, áp dụng biện pháp mới ngăn chặn nguy cơ lây lan tiềm ẩn của nCoV. Risher nhận định mọi thứ thay đổi khá nhanh tại phòng khám nơi anh điều trị.
Trung tâm Thận Tây Bắc đã làm việc với giới chức y tế địa phương cũng như Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), tiến hành theo dõi các bệnh nhân và nhân viên tiếp xúc với người từng nhiễm nCoV. Các phòng khám được khử trùng thường xuyên. Y bác sĩ mặc đồ bảo hộ khi điều trị với bất cứ ai mắc bệnh.
Hai công ty DaVita và Fresenius cũng đưa ra biện pháp tương tự trong những tuần gần đây, cố gắng giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm. Bệnh nhân đến lọc máu được đo nhiệt độ liên tục và phải khai báo về tình trạng sức khoẻ. Hơn hết, tất cả đều đeo khẩu trang.
Thục Linh
Cụ bà 90 tuổi 'chết đi sống lại' khi nhiễm nCoV
Cụ Geneva Wood biết rõ mình sắp chết khi cảm nhận nỗi đau đớn cùng cực mỗi lần hít thở, nhưng cơ thể vẫn kiên cường chống lại virus.
Cụ Wood biết rất rõ hai lá phổi 90 tuổi của mình đang ứ dịch, khiến cụ như chết đuối từ bên trong. Cảm nhận sức tàn phá của nCoV, cụ nói với bác sĩ nguyện vọng cuối cùng của mình.
"Tôi nói với bác sĩ mình sắp chết rồi. Tôi chỉ muốn gặp gia đình. Uớc nguyện duy nhất của tôi là được trò chuyện với các con lần cuối", cụ nhớ lại những ngày chống chọi với nCoV gần cuối tháng 3 tại bệnh viện ở Kirkland, Washington, Mỹ.
Cụ Geneva Wood hồi phục trong bệnh viện sau khi nhiễm nCoV hồi tháng 3. Ảnh: Kirkland Reporter.
Bác sĩ đồng ý, cho phép người thân vào thăm bà. Vì phổi chỉ chứa được rất ít oxy, cụ Wood hầu như không thể nói chuyện. Con gái cụ, Cami Neidigh, lái xe từ nhà tới bệnh viện. Gia đình rất đau đớn khi Wood nhiễm Covid-19, bởi cụ vừa hồi phục sau cơn đột quỵ.
"Đời thật tàn nhẫn", Neidigh nói. "Mẹ tôi vừa mới học cách sống lại".
Vài tháng trước, sau khi cụ suýt chết vì đột quỵ, gia đình đưa cụ tới viện dưỡng lão Life Care ở Kirkland, bang Washington. Lúc mới đến, cụ hầu như không thể nói chuyện, cũng không thể đi lại. Nhân viên ở đó đã chăm sóc cụ tới khi hồi phục.
"Lúc đấy tôi chỉ có thể nằm một chỗ và họ đã dạy tôi cách sống lại", cụ Wood nói. "Tôi đến đó để trị liệu. Những gì họ làm cho tôi thật tuyệt vời".
Nhưng khi cụ bắt đầu hồi phục, cơn bão nCoV càn quét qua viện dưỡng lão Life Care, biến cơ sở này thành một ổ dịch đầu tiên ở Mỹ. Virus lây lan khắp viện dưỡng lão từ lâu, trước khi người ta chuyển sang chạm khuỷu tay vào nhau thay vì bắt tay, trước khi cách biệt cộng đồng và ở nhà thành thói quen.
Cụ Wood bất ngờ nhận ra mình bị nhiễm nCoV như 80 bệnh nhân khác ở đó. Cụ được chuyển tới bệnh viện, khi virus đã tấn công vào phổi.
"Tôi ho sù sụ", cụ nói. "Hít thở khó khăn, rất mệt. Tôi chỉ muốn ngủ, muốn nghỉ ngơi, muốn người ta để yên cho tôi nằm một mình".
Cụ chưa bao giờ cảm thấy kiệt sức như vậy. Dù chưa từng từ bỏ ý chí sống sót ngay cả khi trải qua hàng chục trận cúm lúc nuôi nấng con cái trưởng thành, hay những tháng ngày khó khăn của Đại suy thoái và Thế chiến II, lúc này cụ lại muốn buông xuôi trước Covid-19.
Nhưng cơ thể cụ lại không đầu hàng. Nó đã chiến đấu và giúp cụ sống sót. "Tôi chưa chết được", cụ nói đùa với y tá lúc cô này mang nước vào.
Wood là một trong số những người may mắn. 55 người ở viện đã chết, đa số ít tuổi hơn cụ rất nhiều. Bây giờ cụ đã về nhà, có thể trò chuyện cùng gia đình, những người mà cụ từng sợ sẽ không thể gặp lại.
Dựa vào người con gái trên chiếc ghế lớn mềm mại ở phòng khách, cụ bày tỏ niềm hạnh phúc khi được ở nhà.
"Tôi yêu ngôi nhà mình. Tôi đã chiến đấu để được sống sót cạnh con cái, để được ôm hôn con hoặc đá vào mông chúng khi chúng cần", cụ Wood đùa.
Neidigh cụ nhẹ nhõm khi mẹ lại có thể nói đùa một lần nữa. "Trải nghiệm đó giống như một chuyến tàu lượn siêu tốc", cô nói.
Neidigh muốn bất kỳ ai đang có suy nghĩ rằng phải chấp nhận "hy sinh người già" vì lợi ích của người trẻ hoặc lợi ích của nền kinh tế lên trên sức khỏe hãy nhớ tới những người như cụ Wood. Không ai có quyền chọn người nào được sống và người nào phải chết. Người già là kho trí tuệ, họ vẫn luôn có thứ đáng giá để cho đi.
"Chúng ta không được phép đo đếm mạng sống theo cách đó", Neidigh nói.
Hồng Hạnh
California ghi nhận ca tử vong do nCoV đầu tiên Một bệnh nhân lớn tuổi chết tại quận Placer, miền bắc California, nâng số ca tử vong vì nCoV ở Mỹ lên 11 hôm 4/3, tổng số ca nhiễm tại nước này là 154. 10 trường hợp tử vong trước đó ở Mỹ đều được ghi nhận tại bang Washington. Giới chức y tế cho rằng bệnh nhân ở California có thể nhiễm...