nCoV bùng phát đợt mới ở Hong Kong
Làn sóng Covid-19 thứ ba đột ngột quay trở lại Hong Kong, với các ca nhiễm không rõ nguồn gốc, người bệnh chưa từng tiếp xúc với cụm dịch.
Tháng 5, Hong Kong được coi như một hình mẫu cho việc kiểm soát Covid-19. Các trường học đã mở cửa trở lại. Nhà hàng, trung tâm thương mại một lần nữa đông đúc. Phương tiện công cộng như xe bus, tàu hỏa hoạt động bình thường.
Tuy nhiên, làn sóng Covid-19 mới đột ngột quét qua trong những tuần gần đây. Dịch lại đạt đỉnh. Các bệnh viện ghi nhận nhiều ca nhiễm theo ngày hơn bao giờ hết. Quan trọng hơn, giới chức y tế không thể xác định nguồn gốc của những trường hợp này, dù đã triển khai hệ thống truy vết tiếp xúc chặt chẽ.
Hôm 20/7, chính quyền báo cáo 73 trường hợp dương tính, con số cao nhất trong một ngày kể từ khi Covid-19 lần đầu xuất hiện.
Người dân Hong Kong đeo khẩu trang khi đi làm bằng tàu điện ngầm, ngày 19/7. Ảnh: Reuters
“Tình hình nghiêm trọng và chưa có cách nào để kiểm soát”, Carrie Lam, trưởng đặc khu, cho biết.
Trong khi chính phủ nhiều nước trên khắp thế giới tìm cách nới quy định giãn cách xã hội, nối lại đường bay, mở cửa nền kinh tế, câu chuyện của Hong Kong mang đến một lời cảnh báo.
Các chuyên gia cho rằng việc gỡ bỏ phong tỏa quá nhanh chóng có thể tạo đà cho một đợt bùng phát mới, bởi hiện chặng đường đến vaccine còn cách vài tháng nữa. Ngay cả những quốc gia thận trọng nhất, số ca nhiễm mới vẫn dễ dàng tăng đột ngột. Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia đang vật lộn đối phó với tình trạng này.
“Đây là vấn đề thực sự đáng báo động. Khi nới lệnh hạn chế thái quá, bạn sẽ đối mặt với sự trở lại của virus”, Tiến sĩ David Hui, giám đốc Trung tâm Bệnh truyền nhiễm mới nổi Stanley Ho, Đại học Hong Kong, nhận định.
Video đang HOT
Trước đó, đặc khu được nhiều chuyên gia quốc tế khen ngợi vì công tác ứng phó đại dịch. Chính quyền nhanh chóng thắt chặt biên giới, hạn chế nhập cảnh và áp dụng biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, đợt bùng phát mới nhất khiến cả các chuyên gia y tế hàng đầu bối rối.
Giới chức cho biết vẫn chưa thể hiểu được nguồn lây của lượng lớn ca mắc Covid-19. Đây là dấu hiệu đáng lo ngại, bởi việc phá vỡ chuỗi lan truyền này sẽ trở nên khó khăn hơn. Hầu hết người được xét nghiệm dương tính không đi du lịch, không ra ngoài phạm vi sinh sống và chưa từng tiếp xúc với các cụm dịch trước đó.
Tiến sĩ Hui cho biết các đợt bùng phát trước đã được ngăn chặn một cách triệt để, không để chúng có thể lan rộng trong cộng đồng.
“Khi đó, bạn có thể cách ly ngay những người tiếp xúc gần và không để virus lây lan. Giờ đây thì điều này khá khó, bởi có quá nhiều người âm thầm truyền virus”, ông nói.
Nhiều người cho rằng các ca nhiễm mới chủ yếu là do khách nhập cảnh vào Hong Kong mà không qua cách ly 14 ngày. Họ kêu gọi chính quyền ngừng cấp chứng chỉ miễn kiểm dịch cho một số doanh nhân, phi công, du khách. Tuy nhiên, điều này khá khó khăn trong khi Hong Kong đang phải vật lộn với suy thoái kinh tế.
Người dân mua đồ ăn tại một nhà hàng ngày 20/7, giới chức y tế chỉ cho phép các cơ sở kinh doanh phục vụ dưới dạng mang về. Ảnh: Reuters
Sau khi Covid-19 quay trở lại, giới chức khu vực một lần nữa phải áp đặt các biện pháp cứng rắn làm chậm sự lây lan của virus. Người dân được yêu cầu đeo khẩu trang mọi nơi, nhà hàng phải đóng cửa sau 6 giờ chiều. Các phòng tập, rạp chiếu phim, bể bơi cũng tạm ngừng hoạt động. Khoảng 40% công nhân viên chức nghỉ làm ở nhà.
Chuang Shuk-kwan, lãnh đạo Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe về Các bệnh Truyền nhiễm Hong Kong, nhận định không loại trừ khả năng sẽ tái triển khai lệnh phong tỏa hoặc giãn cách xã hội nếu các trường hợp tăng theo cấp số nhân.
“Tất nhiên, chúng tôi hy vọng tình huống đó sẽ không xảy đến”, ông nói.
Khu vực này hiện đang mở rộng xét nghiệm cư dân, đặc biệt là người có nguy cơ nhiễm virus cao, bao gồm người cao tuổi, tài xế taxi, nhân viên nhà hàng. Các cơ quan chuyên môn phải xử lý khoảng 10.000 mẫu xét nghiệm mỗi ngày.
Nhân viên y tế tiếp tục lo lắng số lượng bệnh nhân có thể gia tăng nhanh chóng, tràn ngập các bệnh viện thành phố. Giới chức cho biết khoảng 70 trong số 1.700 giường tại khu cách ly đã được sử dụng. Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân đều trong tình trạng ổn định, chỉ 36 người được coi là có triệu chứng nặng hoặc nguy kịch.
Tại một số bệnh viện, bệnh nhân trẻ tuổi dù không có triệu chứng vẫn được yêu cầu ở lại theo dõi cho đến khi có kết quả xét nghiệm âm tính. Bác sĩ lo ngại điều này có thể dẫn đến thiếu không gian cho người bệnh lớn tuổi hoặc có triệu chứng nghiêm trọng, cần được chăm sóc khẩn cấp.
Hong Kong đối mặt làn sóng Covid-19 thứ ba
Giới chức y tế Hong Kong cảnh báo thành phố đang đối diện làn sóng Covid-19 lần ba nghiêm trọng nhất, khi ca nhiễm mới hàng ngày liên tục tăng.
"Làn sóng lây nhiễm lần ba là tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch bùng phát, thậm chí còn tệ hơn tình hình hồi tháng ba", Chuang Shuk-kwan, lãnh đạo Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe về các bệnh truyền nhiễm Hong Kong, cho biết hôm 11/7.
Chính quyền Hong Kong thông báo 28 ca nhiễm mới nCoV trong 24 giờ, gồm 16 ca lây nhiễm cộng đồng, 33 người khác nghi nhiễm đang chờ kết quả xét nghiệm cuối cùng.
Số ca nhiễm mới khiến tổng ca nhiễm ở Hong Kong tăng lên 1.431 trường hợp, trong đó 7 người chết. Chuyên gia y tế yêu cầu người dân ở nhà và tránh đi làm khi có thể, trong khi chính quyền đặc khu cảnh báo không loại trừ khả năng siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội.
Người dân Hong Kong đeo khẩu trang trên đường phố hôm 10/7. Ảnh: AFP.
Trong số 33 trường hợp có kết quả dương tính nCoV sơ bộ, có một nhân viên 27 tuổi làm tại trạm kiểm soát cửa khẩu Thâm Quyến và ít nhất hai tài xế taxi. Số lượng các ca nhiễm không rõ nguồn gốc đã tăng từ 7 lên 28 người.
Giới chức cho hay nhân viên trên làm việc ngày cuối hôm 8/7 và được thông báo kết quả xét nghiệm dương tính nCoV sơ bộ tối 10/7. Cơ quan quản lý cho biết anh vẫn đeo khẩu trang khi làm việc và không có lịch sử di chuyển gần đây. Giới chức đang cố gắng truy tìm nguồn lây nhiễm và những người tiếp xúc gần với người này.
Trong khi nguồn lây nhiễm của người này chưa được xác nhận, giới chức y tế tin rằng anh đã nhiễm nCoV gần khu nhà ở Tsz Wan Shan, quận Cửu Long. Ít nhất ba ca nhiễm mới hôm 11/7 sống ở khu Cửu Long hoặc tới khu chợ ở đó.
"Tình hình Covid-19 ở đại lục cũng như Thâm Quyến đang tốt hơn rất nhiều so với Hong Kong, khả năng anh ấy nhiễm nCoV từ những nguồn này thấp hơn khả năng nhiễm từ Tsz Wan Shan", bà nói.
Bà Chuang cho hay khi Hong Kong đối diện làn sóng Covid-19 hồi tháng 3, mức tăng ca nhiễm mới hàng ngày là hai chữ số nhưng phần lớn là các ca nhiễm từ bên ngoài hoặc có thể truy vết nguồn lây nhiễm.
"Hiện sự bùng phát đang ảnh hưởng lên các nhà hàng, viện dưỡng lão, cùng một số học sinh cũng như một vài khu vực, khu nhà ở. Chúng tôi rất lo ngại về tình trạng này", bà Chuang nhận định.
Bà cũng khuyến khích người dân tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội, tránh ra ngoài và cố gắng làm việc ở nhà càng nhiều càng tốt. Lãnh đạo cơ quan Thực phẩm và Sức khỏe Hong Kong Chan Siu-chee cũng cảnh báo cần đưa ra biện pháp giãn cách xã hội chặt chẽ hơn khi đặc khu ghi nhận hơn 170 ca nhiễm mới kể từ đầu tuần.
Hong Kong hôm 10/7 tuyên bố đóng cửa toàn bộ trường học nhằm ngăn nCoV lây lan, một ngày sau khi công bố giới hạn mới về số lượng người được phép tụ tập trong các quán bar, nhà hàng và trung tâm thể dục. Tối đa 8 người có thể ngồi cùng bàn tại nhà hàng, trong khi ở quán bar và quán rượu, con số này là 4 người.
Covid-19 đã xuất hiện tại hơn 210 quốc gia, vùng lãnh thổ, khiến hơn 12,8 triệu người nhiễm, hơn 567.000 người chết và hơn 7,4 triệu người hồi phục.
Luật an ninh có thể tác động gì đến Hong Kong? Luật an ninh Hong Kong có thể khiến biểu tình và tranh luận chính trị "lui vào dĩ vãng" và đặc khu sẽ "bình thường" như các thành phố Đại lục khác. Hong Kong đêm 30/6 công bố luật an ninh, sau khi được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký thành luật và chính quyền thành phố thông qua. Luật này...