Nấu ăn tình nguyện cho đội xây dựng cầu, đường
Việc đi lại, giao thương hàng hóa của người dân ở các vùng nông thôn trong tỉnh An Giang ngày càng thuận tiện, dễ dàng hơn nhờ hệ thống cầu, đường được xây dựng hoàn thiện.
Công lao không nhỏ đến từ các đội thi công cầu, đường từ thiện ở các địa phương. Trong niềm vui phấn khởi đó, không thể không nhắc đến sự góp sức của những người nấu ăn tình nguyện, thầm lặng phục vụ những bữa ăn ngon mỗi ngày, các đội thi công cầu, đường vững tâm làm việc.
Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương, người dân rất đồng tình hưởng ứng và ủng hộ. Bà con đóng góp sức mình, hiến đất, góp tiền… cùng chính quyền địa phương từng ngày thay đổi diện mạo khu vực nông thôn. Mọi người đều rất ý thức, tùy theo sức mình mà đóng góp. Ở mỗi đoạn đường nối liền các ấp, liên xã, cho đến những cây cầu bê-tông kiên cố đều có sự góp sức của người dân, nhất là những đội thi công cầu, đường từ thiện. Ở đâu có các đội xây dựng cầu, đường từ thiện đến thì người dân ở địa phương nhanh chóng tiếp sức bằng những bữa ăn sáng, cơm trưa phục vụ các thành viên của đội.
Điển hình như mới đây, xã Mỹ Hiệp (Chợ Mới) vừa khởi công xây dựng cầu Mương Làng (ấp Tây Thượng) thì bà Đặng Thị Dồi, người dân ở địa phương liên hệ để hỗ trợ những suất ăn sáng cho đội thi công cầu cho đến khi hoàn thành. “Mấy anh, mấy cháu làm việc nặng nhọc, ở ngoài nắng suốt nên mình tiếp được gì là tiếp, khát nước là có trà đường, cà-phê sẵn sàng. Còn đói bụng có bún, bánh mì… vậy mới đảm bảo sức khỏe cho mọi người, vững tâm làm tốt việc xây cầu” – bà Dồi chia sẻ.
Không chỉ có bà Dồi, công việc này thu hút nhiều chị em, cô, dì phụ nữ ở địa phương. Hầu như ở gần công trình của các đội thi công cầu, đường từ thiện lúc nào cũng có một gian bếp luôn đỏ lửa, sẵn sàng phục vụ đồ ăn, thức uống. Số tiền để thực hiện công việc này do mọi người hùn lại; ai có tiền hùn tiền, ai có rau, củ, nước đá, cà-phê thì đóng góp. Mỗi người mỗi hoàn cảnh nhưng đều giống nhau ở tấm lòng thiện nguyện, muốn đóng góp sức mình xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Video đang HOT
Người dân phục vụ cho các đội thi công cầu, đường từ thiện
Trước đây, bà Dồi đi làm thuê, có thời gian phải rời địa phương ra tận TP. Hồ Chí Minh để làm việc. Sau này, cuộc sống “dễ thở” hơn, bà Dồi nghĩ ngay đến việc chia sẻ khó khăn cùng với mọi người, đồng hành với công việc phục vụ bữa ăn sáng cho các đội thi công cầu, đường từ thiện ở địa phương. “Thiệt sự từ khi mần những công việc này thấy rất vui. Mặc dù cực, do phải thức sớm đi lấy bánh mì, bún, rồi phải chuẩn bị đồ ăn nhưng được cùng làm với mọi người, ai cũng ăn ngon, có sức khỏe xây cầu, làm đường thì niềm vui nhiều hơn” – bà Dồi giải thích.
Theo bà Dồi, số tiền để nấu những bữa ăn không phải của riêng bà, mà do anh, chị em trong gia đình đóng góp cùng uy trì thực hiện trong thời gian qua. Bây giờ, mong ước của bà Dồi cũng như nhiều cô, dì ở đây là có nhiều sức khỏe để tiếp tục đồng hành cùng mọi người làm việc thiện.
“Mọi người còn xây cầu, làm đường tới đâu mình còn lo chuyện ăn uống đến đó, mỗi người góp chút công sức cùng nhau hoàn thành các công trình nhanh nhất, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa dễ dàng, đây là lợi ích chung cho địa phương, vậy là vui rồi” – bà Dồi bày tỏ. Lo phần ăn sáng xong, bà Dồi nán lại để phụ tiếp nấu bữa trưa. Công việc ai cũng có, nhưng ai cũng cố gắng tranh thủ làm tiếp mọi người, mỗi người mỗi việc sẽ hoàn thành công việc nhanh hơn.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Mỹ Hiệp Nguyễn Thị Hồng Ngân cho biết, khi địa phương có bất kỳ công trình nào, từ xây cầu, làm đường… thì hội cũng có một tổ bao gồm các thành viên đến từ các chi hội phụ nữ ở các ấp tập hợp lại, đến các công trình đang thực hiện để tiếp sức. Phần nhiều là nấu các bữa ăn sáng, như: bánh mì, bún chay, nước uống…
“Quan trọng là các chị không làm vì nhiệm vụ hay bất cứ lợi ích gì mà luôn có tấm lòng đối đãi như với người nhà của mình. Bún, bánh mì dù là đồ chay nhưng khâu chuẩn bị nguyên liệu, chế biến đều rất kỹ lưỡng, cố gắng làm ngon miệng để mọi người ăn ngon, có sức khỏe để làm tốt những công việc từ thiện, góp sức xây dựng quê hương, thay đổi bộ mặt nông thôn” – chị Ngân thông tin.
Khởi động chiến dịch "Vì nụ cười phụ nữ"
Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam vừa chính thức khởi động chiến dịch "Vì nụ cười phụ nữ" nhằm khơi dậy khát vọng vươn lên, khả năng sáng tạo của phụ nữ vượt qua khó khăn, thách thức trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Các đại biểu bày tỏ quyết tâm hưởng ứng chiến dịch "Vì nụ cười phụ nữ"
Được khởi động vào đúng dịp kỷ niệm 111 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, hưởng ứng chủ đề Ngày Quốc tế Phụ nữ năm 2021 do Liên Hợp Quốc phát động "Hành trình phụ nữ trong lãnh đạo: Xây dựng tương lai bình đẳng mới trong thế giới COVID - 19", Chiến dịch cũng nhằm khích lệ phụ nữ chủ động tiếp cận và ứng dụng công nghệ để từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng gia đình hạnh phúc, lan toả giá trị hạnh phúc đến mỗi gia đình, cộng đồng và toàn xã hội.
Không phải ngẫu nhiên mà Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam lựa chọn chủ đề này cho chiến dịch. Hơn 1 năm qua, bên cạnh những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế, COVID-19 cũng đã hé lộ nhiều khía cạnh bất bình đẳng giới hết sức quan ngại: tỷ lệ phụ nữ tử vong do COVID-19 cao hơn tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh; gánh nặng công việc nội trợ, chăm sóc con, khó tiếp cận dịch vụ sức khoẻ gia tăng trong bối cảnh giãn cách xã hội, nguy cơ bị bạo lực và các vấn đề về sức khoẻ tinh thần; nguồn lực để phục hồi sau dịch bệnh của phụ nữ cũng bị ảnh hưởng do hạn chế về đào tạo kỹ năng nghề, ít tiếp cận công nghệ lại tập trung trong các ngành dịch vụ, các loại công việc đơn giản, lương thấp và bấp bênh.
Đáng chú ý, bối cảnh dịch bệnh COVID-19 khiến tỷ lệ phụ nữ bị bạo lực gia tăng từ 30 - 300%.
Số liệu của Trung tâm phụ nữ phát triển cũng cho thấy, tại Việt Nam, trong thời gian giãn cách xã hội do dịch COVID-19, số cuộc gọi của phụ nữ bị bạo lực đến đường dây nóng của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đề nghị can thiệp hỗ trợ vì bạo lực gia đình đã tăng hơn 50%.
Số lượng được hỗ trợ tham vấn của Ngôi nhà Bình Yên - nơi tiếp nhận, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực gia đình và bị mua bán trở về cũng tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm 2019; số lượng nạn nhân được hỗ trợ giải cứu và tiếp nhận vào Ngôi nhà Bình yên ở Hà Nội và Cần Thơ tăng 80% so với cùng kỳ năm trước.
Trong "bức tranh có những mảng màu tối" ấy, điều đáng mừng là nhiều chị em phụ nữ đã lên tiếng. Trước đó, kết quả từ cuộc điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ đầu tiên thực hiện năm 2010 cho thấy, có tới hơn 90% phụ nữ bị bạo hành được hỏi không dám lên tiếng hay tìm kiếm sự giúp đỡ. 10 năm sau, phụ nữ đã có thay đổi rất lớn, họ đã sẵn sàng chia sẻ, đấu tranh, phản bác, phê phán, tố giác trước những hành vi bạo lực nhằm vào mình cũng như những người thân.
Trong bối cảnh "chống dịch như chống giặc", chúng ta không khỏi ấn tượng bởi hình ảnh nhiều nữ nhân viên y tế tạm gác tình mẫu tử để đi vào tâm dịch, tận tâm với người bệnh; là những chị em phụ nữ tự nguyện tham gia các tổ nấu ăn hỗ trợ các chốt chống dịch hay cần mẫn may khẩu trang, làm kính chống giọt bắn tặng cho các lực lượng làm nhiệm vụ, người dân vùng dịch...
Cùng với đó, phụ nữ cũng đã nhanh chóng thích ứng với tình trạng "bình thường mới" bằng cách tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin mà theo như bà Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam: "ứng dụng công nghệ thông tin chính là điều kiện quan trọng để phụ nữ học hỏi, nâng cao kỹ năng, tìm kiếm cơ hội để phục hồi sau đại dịch, đồng thời thu hẹp dần khoảng cách giới trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Ứng dụng tốt công nghệ thông tin không chỉ để phụ nữ không bị "tụt hậu công nghệ", mà còn giúp chị em nâng cao sức khoẻ thể chất và tinh thần, mang lại niềm vui, hạnh phúc và nụ cười cho bản thân".
Để phụ nữ cười nhiều hơn, cùng với việc nâng cao nhận thức, thay đổi từ hành vi từ chính những người phụ nữ, chúng ta hãy cùng chung tay xây dựng một xã hội bình đẳng, an toàn, để những nụ cười đẹp luôn nở trên môi mỗi người phụ nữ, lan toả giá trị hạnh phúc đến mỗi gia đình, cộng đồng và toàn xã hội.
Như lời của Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam: "khi chúng ta có những người phụ nữ tự tin, mạnh khoẻ và vui vẻ, là chúng ta sẽ có nhiều gia đình hạnh phúc. Đó cũng là điều mà chương trình "Vì nụ cười phụ nữ" muốn mang lại trong năm 2021 và những năm tiếp theo"./.
Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt hơn 344 tỉ đồng Theo Cục Thống kê TP Cần Thơ, tháng 2 vừa qua, vận tải hàng hóa trên địa bàn thành phố đạt khoảng 0,85 triệu tấn, tăng 4,14% so với tháng trước và tăng 1,9% so với cùng kỳ; vận tải hành khách khoảng 6,78 triệu lượt, tăng 5,99% so với tháng trước và tăng 14,9% so với cùng kỳ. Hoạt động giao thông...