NATO yêu cầu Taliban tạo điều kiện cho việc sơ tán những người muốn rời nước này
Ngày 17/8, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương ( NATO) Jens Stoltenberg đã kêu gọi lực lượng Taliban tạo điều kiện cho tất cả những người muốn rời khỏi Afghanistan, đồng thời cho biết tổ chức này đã nhất trí điều thêm các máy bay đến Kabul để phục vụ công tác sơ tán.
Công dân Pháp cùng đồng sự Afghanistan xếp hàng chờ lên máy bay rời Afghanistan tại sân bay Kabul ngày 17/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Ông Jens Stoltenberg cho biết liên minh này chỉ có 2 lựa chọn là rút toàn bộ lực lượng khỏi Afghanistan hoặc điều thêm binh lính và nối lại các chiến dịch quân sự tại quốc gia này. Tuy nhiên, cuối cùng NATO lựa chọn phương án rút lui vì thực tế 20 năm can dự tại Afghanistan chỉ ra rằng mọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế đều không mang lại những kết quả tốt đẹp và mạnh mẽ hơn khi xét đến các cấu trúc nhà nước Afghanistan. Ông Stoltenberg cũng thông báo đình chỉ mọi hỗ trợ dành cho Chính phủ Afghanistan.
Tổng thư ký NATO cũng nhận định quân đội quốc gia Afghanistan thất bại quá nhanh trước đợt tấn công của Taliban là điều bất ngờ, đồng thời chỉ trích giới lãnh đạo Afghanistan đã không thể chống lại Taliban và tìm được giải pháp hòa bình mà người dân nước này luôn mong đợi. Có những bài học mà NATO cần rút ra từ vụ việc này.
Theo ông, việc Taliban trở lại nắm quyền ở Afghanistan sẽ càng khiến chủ nghĩa khủng bố quốc tế trở thành mối đe dọa do đó liên minh quân sự này “cần phải cảnh giác để luôn đi đầu trong cuộc chiến” chống lại mối đe dọa này. Tuy nhiên, ông Jens Stoltenberg nhấn mạnh trọng tâm chính hiện nay của NATO là sơ tán những người “dễ bị tổn thương” ra khỏi quốc gia Tây Nam Á này. Người đứng đầu NATO kêu gọi Taliban không để Afghanistan trở thành nơi ẩn náu của các tổ chức khủng bố.
Video đang HOT
Cũng trong ngày 17/8, người phát ngôn Taliban Suhail Shaheen tuyên bố, Mỹ phải rút toàn bộ binh sĩ khỏi Afghanistan trước ngày 11/9, đồng thời cam đoan rằng phong trào này không có ý định tấn công binh sĩ Mỹ. Phát biểu với Sky News, ông Shaheen Mỹ phải rút toàn bộ các lực lượng trước ngày 11/9 như đã cam kết.
Ông Shaheen cũng kêu gọi các nước ngoài hỗ trợ công cuộc tái thiết Afghanistan sau khi gây ra những “sự tàn phá ở Afghanistan trong suốt 20 năm”. Ông Shaheen cũng nêu rõ Taliban sẽ không để mạng lưới khủng bố Al-Qaeda hoặc bất kỳ tổ chức khủng bố nào khác hoạt động ở Afghanistan.
Trong diễn biến liên quan, truyền thông Bỉ đưa tin quốc gia này sẽ điều thêm máy bay tới Islamabad, thủ đô của Pakistan, để đến Afghanistan sơ tán những người muốn rời khỏi quốc gia này Ngoại trưởng Đức Heiko Maas tuyên bố quốc gia này đã tạm dừng hoạt động cứu trợ đến Afghanistan nhưng sẽ làm việc với các đối tác trong Liên minh châu Âu (EU) để cứu trợ các quốc gia láng giềng tiếp nhận dòng người di cư từ nước này.
Taliban kêu gọi quan chức chính phủ trở lại làm việc
Sau khi giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul, ngày 17/8, phiến quân Taliban đã thông báo ân xá cho tất cả các quan chức chính phủ, đồng thời kêu gọi họ trở lại làm việc.
Cảnh vắng lặng trên đường phố Kabul, Afghanistan sau khi Taliban tuyên bố giành quyền kiểm soát quốc gia Tây Nam Á, ngày 15/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Tuyên bố của Taliban nêu rõ đã ban hành quyết định ân xá cho tất cả nhân viên chính phủ. Do đó, các nhân viên này có thể an tâm quay trở lại công việc thường nhật.
Trong khi đó, cùng ngày, quyền Thống đốc Ngân hàng Trung ương Afghanistan Ajmal Ahmady thông báo đã rời khỏi thủ đô Kabul trên một chuyến bay quân sự, đồng thời bày tỏ hoài nghi về lòng trung thành của lực lượng an ninh Afghanistan. Theo ông, khi Taliban đẩy mạnh tấn công và giành quyền kiểm soát tại nhiều khu vực trên cả nước, thị trường tiền tệ của Afghanistan đã rơi vào tình trạng hoảng loạn, đặc biệt là sau khi ngân hàng trung ương ngày 13/8 được thông báo sẽ không nhận được thêm bất kỳ hỗ trợ tài chính nào, khiến giá trị đồng nội tệ của Afghanistan lao dốc.
Ngày 15/8, lực lượng Taliban đã giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul. Tổng thống Ashraf Ghani đã rời khỏi đất nước. Tuy nhiên, Taliban sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận khối tài sản mà Ngân hàng Trung ương Afghanistan sở hữu tại Mỹ. Tổng dự trữ của ngân hàng này đạt 9,4 tỷ USD, song phần lớn số tiền này đều được giữ bên ngoài Afghanistan. Một quan chức Mỹ nói với hãng tin AFP (Pháp) vào ngày 16/8 rằng: "Bất kỳ tài sản nào thuộc Ngân hàng trung ương mà Chính phủ Afghanistan sở hữu ở Mỹ sẽ không được cung cấp cho Taliban".
Cũng trong ngày 17/8, Pakistan đã tái khẳng định cam kết ủng hộ một giải pháp chính trị toàn diện ở Afghanistan, đảm bảo quyền lợi cho tất cả các nhóm sắc tộc ở quốc gia Tây Nam Á này. Tuyên bố này được Văn phòng Thủ tướng Pakistan đưa ra sau cuộc họp của Ủy ban An ninh quốc gia (NSC) .
Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Imran Khan, với sự tham dự của các quan chức lãnh đạo quân sự và dân sự hàng đầu, cuộc họp đã tái khẳng định rằng Pakistan sẽ tiếp tục phối hợp với cộng đồng quốc tế và tất cả các bên liên quan tại Afghanistan nhằm thúc đẩy một giải pháp chính trị toàn diện ở nước này. Giới chức Pakistan đã tập trung thảo luận về tình hình ở Afghanistan và nhấn mạnh sự cần thiết phải tuân thủ nguyên tắc không can thiệp công việc công việc nội bộ nước này. Tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Pakistan cũng cho biết NSC đã ghi nhận những diễn biến tích cực khi các vụ bạo lực lớn đã được ngăn chặn. NSC kêu gọi tất cả các bên ở Afghanistan tôn trọng pháp quyền, bảo vệ quyền cơ bản của tất cả người dân Afghanistan và đảm bảo rằng mọi tổ chức hay nhóm khủng bố sẽ không được sử dụng lãnh thổ của Afghanistan để chống lại bất kỳ quốc gia nào.
Thủ tướng Khan cũng chỉ đạo huy động mọi biện pháp sẵn có để hồi hương người Pakistan, các nhà ngoại giao, nhà báo và nhân viên của các tổ chức quốc tế đang tìm cách rời khỏi Afghanistan. Tuyên bố nêu rõ: "Đã đến lúc cộng đồng quốc tế phải hợp tác để đảm bảo một giải pháp chính trị toàn diện vì nền hòa bình, an ninh và sự phát triển lâu dài của Afghanistan và khu vực".
Cùng ngày, Đại sứ Pakistan tại Liên hợp quốc (LHQ) Munir Akram cũng khẳng định nước này đang tích cực thúc đẩy một giải pháp chính trị toàn diện ở Afghanistan và giúp sơ tán các nhà ngoại giao, đại diện của các tổ chức quốc tế và những người khác khỏi thủ đô Kabul.
Trao đổi với báo giới, ông Akram cho biết đã các nhà lãnh đạo của một số đảng phái và nhóm chính trị ở Afghanistan, đại diện cho tất cả các nhóm đa sắc tộc, ngoại trừ người Pashtun, đã có mặt tại thủ đô Islamabad và gặp gỡ lãnh đạo Pakistan trong cùng ngày. Các nhân vật này đã cam kết sẽ liên tục liên hệ và nỗ lực làm việc với Taliban nhằm xây dựng một Chính phủ Afghanistan toàn diện. Pakistan sẽ phối hợp với các nhân vật trên và với các đại diện của Taliban để thúc đẩy mục tiêu có một chính phủ chính trị toàn diện - yếu tố quan trọng đối với nền hòa bình lâu dài và sự ổn định ở Afghanistan.
Pakistan cũng kêu gọi tất cả các bên Afghanistan, bao gồm cả Taliban, đảm bảo duy trì luật pháp và trật tự ở Kabul và các nơi khác. Ưu tiên trước mắt phải là duy trì luật pháp và trật tự cũng như sự an toàn của tất cả dân thường Afghanistan, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Đại sứ cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tôn trọng nhân quyền và luật nhân đạo quốc tế; các quyền cơ bản của con người phải được duy trì; tất cả tài sản dân sự và cơ sở hạ tầng phải được bảo vệ.
Trước đó cùng ngày, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình bất ổn và hỗn loạn tại Afghanistan hiện nay. Ông kêu gọi lực lượng Taliban bảo đảm cho việc tiếp cận nhân đạo một cách đầy đủ và bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân, nhân viên LHQ và ngoại giao đoàn. Ông cũng cho rằng HĐBA và cộng đồng quốc tế cần thể hiện sự đoàn kết và có tiếng nói chung đối với tình hình tại Afghanistan, trong đó có việc kêu gọi bảo đảm quyền con người, bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái, cũng như không để lãnh thổ nước này bị các nhóm khủng bố sử dụng làm nơi trú ẩn.
Theo thông tin từ LHQ, số thương vong của dân thường tại Afghanistan trong 6 tháng đầu năm tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái và được cho là gia tăng ở mức kỷ lục trong những ngày gần đây.
Afghanistan cũng tiếp tục phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng nhân đạo trầm trọng, với hơn 18,5 triệu người (hơn 30% dân số) cần hỗ trợ nhân đạo. Vấn đề người di cư, tị nạn Afghanistan cũng đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là tại các nước láng giềng của quốc gia này. Ngày 17/8, Uỷ viên châu Âu phụ trách vấn đề kinh tế Paolo Gentiloni cho rằng châu Âu cần tạo các hành lang nhân đạo để tiếp nhận người tị nạn chạy trốn khỏi Afghanistan, cũng như tránh để tái diễn làn sóng người di cư bất hợp pháp không thể kiểm soát.
Nhật Bản đóng cửa Đại sứ quán tại Afghanistan Ngày 17/8, Bộ Ngoại giao Nhật Bản thông báo đã đóng cửa Đại sứ quán nước này tại Afghanistan và sơ tán toàn bộ nhân viên đang làm việc tại đây trong bối cảnh lo ngại tình hình an ninh sau khi Taliban giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul. Các tay súng Taliban gác tại thủ đô Kabul, Afghanistan, ngày 16/8/2021. Ảnh:...