NATO thay đổi lớn giữa căng thẳng với Nga
NATO sắp thông qua những thay đổi lớn nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh, giữa lúc căng thẳng với Nga tiếp tục diễn biến nóng.
Lãnh đạo các nước thành viên NATO ngày 28.6 khai mạc hội nghị thượng đỉnh thường niên tại Madrid (Tây Ban Nha), dự kiến sẽ thông qua những thay đổi lớn. Hội nghị thượng đỉnh G7 và cuộc họp của LHQ thảo luận về nhiều vấn đề liên quan khủng hoảng Ukraine cũng diễn ra trong cùng thời gian.
NATO tăng quân trực chiến
Theo tờ The New York Times, NATO dự kiến sẽ lần đầu trong 12 năm qua cập nhật tuyên bố về sứ mệnh. Trước thềm hội nghị, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho hay liên minh này sẽ tăng lực lượng sẵn sàng trực chiến lên hơn 300.000 binh sĩ từ con số khoảng 40.000 hiện nay. Một số đội hình tác chiến dọc sườn đông của khối sẽ nâng lên cấp độ lữ đoàn với từ 3.000 – 5.000 binh sĩ.
Ngoài ra, những vũ khí hạng nặng như hệ thống phòng không và lực lượng trước đó được bố trí phòng vệ riêng tại các nước thành viên sẽ được điều động đến phía đông. “Điều này tạo nên sự thay đổi lớn nhất về phòng vệ chung và răn đe kể từ sau Chiến tranh lạnh”, theo AFP dẫn lời ông Stoltenberg. Một quan chức NATO cho biết hệ thống mới sẽ sẵn sàng trong năm tới.
Các binh sĩ tham gia cuộc tập trận Shield Protector do hải quân Romania tổ chức ngày 22.6 nhằm củng cố năng lực tác chiến của NATO. Ảnh AFP
Trong diễn biến liên quan, Đài NBC dẫn lời giới chức Mỹ cho hay Tổng thống Joe Biden dự định sẽ công bố gia hạn sự hiện diện của một số binh sĩ tăng cường đến Ba Lan và thay đổi về điều động lực lượng Mỹ đến một số quốc gia vùng Baltic như Lithuania, Latvia và Estonia. Dự kiến, vấn đề Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO cũng sẽ được thảo luận tại hội nghị.
Nga có cảnh báo nóng mới
Nga luôn lo ngại việc NATO mở rộng sát sườn mình. Trước những diễn biến mới, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh liên bang Nga Dmitry Medvedev cảnh báo rằng bất cứ động thái tiến tới bán đảo Crimea nào của một thành viên NATO sẽ bị xem là tuyên bố chiến tranh với Nga và có thể dẫn đến Thế chiến 3. “Nếu điều đó được tiến hành bởi một quốc gia thành viên NATO, điều này có nghĩa là xung đột với toàn bộ liên minh Bắc Đại Tây Dương, một Thế chiến 3 và hoàn toàn là thảm họa”, ông phát biểu. Bên cạnh đó, ông nói rằng nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, Nga sẽ tăng cường biên giới và sẽ “sẵn sàng các biện pháp trả đũa” như điều động các tên lửa Iskander.
Xem nhanh: Chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine ngày 125 có diễn biến gì nóng?
Trong cuộc họp báo ngày 28.6, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov gọi NATO là “khối hung hăng” được tạo ra để đối đầu. Bên cạnh đó, ông Peskov khẳng định chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đang diễn ra theo kế hoạch và sẽ đạt được mục đích, theo Reuters. Ông Peskov cũng tuyên bố chiến dịch của Nga tại Ukraine sẽ dừng lại ngay sau khi Ukraine đầu hàng, đồng thời kêu gọi chính quyền Kyiv ra lệnh cho các binh sĩ hạ vũ khí. “Phía Ukraine có thể dừng lại mọi thứ trước ngày hôm nay. Cần có lệnh buộc các đơn vị buông vũ khí”, theo AFP dẫn lời ông Peskov. Phía Ukraine chưa bình luận về phát ngôn trên.
Trung tâm mua sắm Ukraine trúng tên lửa
Trung tâm mua sắm ở Kremenchuk bị thiệt hại nặng sau khi trúng tên lửa ngày 27.6. Ảnh AFP
Giới chức Ukraine hôm qua cho biết 2 tên lửa của Nga đã lao xuống một trung tâm mua sắm ở TP.Kremenchuk, miền trung Ukraine ngày 27.6, khiến ít nhất 18 người thiệt mạng và 59 người bị thương. Reuters dẫn lời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết trung tâm này khi đó có hơn 1.000 người. Văn phòng Tổng thư ký LHQ, G7 và EU đã lên án vụ việc. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định tên lửa bắn trúng một kho vũ khí và vụ nổ kho đạn sau đó đã khiến lửa lan sang trung tâm mua sắm vốn đang đóng cửa.
Giới chức Ukraine cũng cho hay Nga tiếp tục tấn công tại Kharkiv, Mykolaiv và Odessa. Trong khi chiến sự vẫn diễn ra ác liệt tại TP.Lysychansk, một trong những pháo đài lớn cuối cùng của Ukraine ở miền đông.
Thổ Nhĩ Kỳ ngừng phản đối, mở đường cho Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO
Ngày 28/6, Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố ngừng phản đối Thụy Điển và Phần Lan gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), mở đường cho hai quốc gia Bắc Âu này tham gia liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu.
Tổng thư ký NATO (giữa) tiếp nhận đơn xin gia nhập liên minh của Thụy Điển và Phần Lan.
Theo tổ hợp truyền thông BBC (Anh) và hãng tin RT (Nga), sau nhiều tuần căng thẳng chính trị, cuối cùng Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được thỏa thuận với Thụy Điển và Phần Lan. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan ngày 28/6 tuyên bố Ankara chấm dứt phản đối việc hai nước Bắc Âu này gia nhập NATO.
Ba nước đã đạt được thỏa thuận trên sau một cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra bên lề Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Madrid (Tây Ban Nha).
Theo một thông cáo báo chí của NATO, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto và Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde đã ký một bản ghi nhớ trước sự chứng kiến của lãnh đạo ba nước và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.
Tổng thư ký Stoltenberg cho biết Thụy Điển và Phần Lan sẽ trở thành quan sát viên tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới của NATO. Ông nói thêm bản ghi nhớ bao gồm các điều khoản về chống khủng bố và xuất khẩu vũ khí.
Trong một thông báo, Tổng thống Erdogan khẳng định Ankara "đã có điều mà nước này cần". Ông nhấn mạnh: "Thổ Nhĩ Kỳ đã giành được những kết quả quan trọng trong cuộc chiến chống các tổ chức khủng bố".
Trong khi đó, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson ca ngợi nước này có "một thỏa thuận rất tốt" với Thổ Nhĩ Kỳ. Trả lời trong cuộc phỏng vấn, Thủ tướng Magdalena Andersson nói: "Tôi nghĩ đây là một thỏa thuận mà tôi ủng hộ hoàn toàn".
Về phần mình, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã ký một biên bản ghi nhớ với nước này cùng Thụy Điển, trong đó Ankara ủng hộ hai quốc gia Bắc Âu gia nhập NATO. Ông Niinisto tuyên bố nước này phản đối chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức và sẽ tuân thủ các chính sách của NATO.
Trước đó, Người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông İbrahim Kalın, cho biết nước này và NATO, Thụy Điển, Phần Lan đã tổ chức cuộc họp 4 bên ngày 28/6 bên lề Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Madrid.
"Theo đề nghị của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, một hội nghị thượng đỉnh 4 bên giữa Thổ Nhĩ Kỳ, NATO, Thụy Điển và Phần Lan được tổ chức với sự tham dự của Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan. Hội nghị thượng đỉnh này này diễn ra bên lề Hội nghị thượng đỉnh NATO", ông Kalın nêu rõ.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) đã lên tiếng hoan nghênh việc các nước đạt được thỏa thuận mở đường cho Thụy Điển và Phần Lan trở thành thành viên của NATO.
Tháng trước, Phần Lan và Thụy Điển đã chính thức nộp đơn gia nhập NATO. Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ ý kiến phản đối, cho rằng Thụy Điển và Phần Lan chứa chấp các đối tượng có liên quan tới nhóm chiến binh của PKK và những nhân vật ủng hộ Giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen, người đang sống lưu vong tại Mỹ và bị Ankara cáo buộc là chủ mưu vụ đảo chính hồi năm 2016 nhằm lật đổ Tổng thống Erdogan.
Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng yêu cầu Phần Lan bàn giao các nghi phạm khủng bố - đây là yêu cầu mà Ngoại trưởng Haavisto cho là chỉ có thể được thực hiện nếu nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật được tôn trọng.
Theo Hiến chương NATO, đơn xin gia nhập liên minh phải nhận được sự tán thành của tất cả 30 nước thành viên của khối. Do vậy, việc Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ giúp Thụy Điển và Phần Lan gần như không còn trở ngại lớn nào trên con đường gia nhập liên minh quân sự này.
Stockholm and Helsinki từng áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Thổ Nhĩ Kỳ hồi năm 2019, liên quan tới sự kiện Ankara can thiệp vào tình hình tại Syria. Ankara cũng yêu cầu hai nước này đóng cửa các văn phòng, phong tỏa tài sản liên quan tới các nhóm mà Thổ Nhĩ Kỳ liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố, như Đảng Công nhân Kurdistan (PKK) hay FETO, đồng thời cấm những tổ chức này xuất hiện công khai.
Đức trở thành nước đóng góp lớn nhất ở châu Âu cho NATO Phát biểu ngày 28/6 khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G7), Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết đầu tư của Đức cho quốc phòng do cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ đưa Đức trở thành quốc gia đóng góp lớn nhất ở châu Âu cho NATO. Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu tại lễ...