NATO ráo riết chạy đua quân sự với Nga
Lo ngại trước khả năng quân sự ngày một lớn của Nga, các quốc gia châu Âu trong khối NATO đồng loạt tăng chi tiêu quốc phòng và theo dõi sát sao các động thái của Nga, với mong muốn tìm được những bí mật, sơ hở của quân đội nước này.
Máy bay quân sự Typhoon của Anh đánh chặn máy bay ném bom Tu-95 Bomber của Nga tại bắc Anh hôm 16/9. Ảnh: EPA
Máy bay NATO trong năm nay “xuất kích hơn 400 lần” để chặn máy bay Nga, tăng 50% lần so với năm 2013, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg hôm 20/10 phát biểu. Một báo cáo của nhóm nghiên cứu an ninh Mạng lưới Lãnh đạo châu Âu (ELN) công bố hồi giữa tháng 11 liệt kê các vụ đối đầu quân sự giữa hai bên với các cấp độ từ thường xảy ra cho đến rất nguy hiểm.
Nhưng những động thái của Nga không chỉ toàn gây lo ngại, mà còn có thể có lợi cho NATO.
“Rõ ràng mỗi khi chúng ta tiếp xúc với quân đội Nga, chúng ta sẽ quan sát được chiến thuật, cách triển khai quân của họ, từ đó tăng hiểu biết về lực lượng của Moscow”, Tướng không quân Mỹ Philip Breedlove, Tư lệnh tối cao của quân đội NATO, cho biết tại Tallinn, Estonia hôm 19/11. “Những động thái của Nga hiện xảy ra thường xuyên hơn, quy mô hơn”, ông nói.
Nga đang vướng vào căng thẳng tồi tệ nhất với phương Tây kể từ Chiến tranh Lạnh do khủng hoảng Ukraine. Ngay cả Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier, một người luôn ủng hộ giải quyết qua đối thoại, hôm 18/11 cho biết ông thấy “có ít lý do để lạc quan” về tình hình hiện tại, trong một cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.
NATO cáo buộc Mosocow điều hàng chục nghìn quân đến biên giới Nga – Ukraine. “Việc Nga huy động nhanh chóng khoảng 20.000 đến 40.000 quân ở biên giới Ukraine khiến NATO e ngại”, Karl-Heinz Kamp, giám đốc đào tạo Học viện liên bang Đức về Chính sách An ninh tại Berlin, cho biết. Tuy nhiên, Nga đã bác bỏ cáo buộc này.
Khi giám sát các cuộc tập trận của Moscow và họat động của máy bay Nga trên không phận NATO hoặc Phần Lan và Thụy Điển, phương Tây có thể nắm được thông tin về cách chỉ huy, liên lạc và chiến thuật của Nga, Lukasz Kulesa, giám đốc nghiên cứu của ELN ở London, đồng thời là cựu phó giám đốc Cục An ninh quốc gia Ba Lan, cho biết. Các nước không phải là thành viên của NATO gồm Phần Lan và Thụy Điển đã nâng cấp quan hệ đồng minh với tổ chức này hồi tháng 9.
“Nga giữ bí mật tốt”
“Những nhiệm vụ triển khai máy bay đến vùng Baltic, Biển Bắc và Biển Đen trong cùng một ngày của Nga cho thấy năng lực quân sự của Moscow đã phát triển đến đâu”, Kulesa cho biết. “Nó giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sự sẵn sàng chiến đấu của Nga và khả năng triển khai lực lượng phức tạp hơn của họ”.
Ruslan Pukhov, Giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ tại Moscow, đồng thời là thành viên của Hội đồng Quốc phòng Nga cho biết các thiết bị quân sự Nga sử dụng khi tập trận vốn đã được NATO biết đến từ lâu.
Video đang HOT
“Không có nguy cơ Nga bị lộ bất kỳ thông tin mật nào cho NATO qua những cuộc tập trận và các chuyến bay quân sự, Nga có thể giữ bí mật khá tốt”, Pukhov nói.
NATO tăng chi tiêu quân sự
Nga đã tăng chi tiêu quân sự 50% kể từ năm 2005, trong khi NATO cắt giảm 20%, Tổng Thư ký NATO Stoltenber cho biết.
Tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra hồi đầu tháng 9 tại Wales, NATO quyết củng cố hàng phòng thủ ở Đông Âu để đề phòng Nga. Mỹ, nước có chi phí quân sự chiếm tới hai phần ba chi tiêu của liên minh, kêu gọi các đồng minh châu Âu bỏ ra nhiều tiền hơn. NATO đã thống nhất điều thêm quân đến Đông Âu và thiết lập một lực lượng 5.000 lính phản ứng nhanh.
Bản đồ thể hiện các nước thuộc NATO ở châu Âu. Đồ họa: Julia Ro/ Cfr
Các quốc gia vùng Baltic đang củng cố lực lượng vũ trang của mình. Estonia tuyên bố sẽ tăng quân ở biên giới với Nga sau khi một nhân viên an ninh nước này bị Moscow bắt giữ.
Estonia đã đạt được mục tiêu chi tiêu quân sự của NATO, tức là bỏ ra khoảng 2% tổng sản phẩm quốc nội. Nước này còn có kế hoạch tăng mức này lên đến 2,05 % trong năm tới. Latvia và Lithuania, hai nước hiện chi dưới mức 1% dự kiến đạt được mục tiêu này trước năm 2020.
Các nước thành viên NATO, Đan Mạch, Ba Lan và Đức cũng dự kiến tăng chi tiêu quốc phòng, tuy nhiên, đến năm 2016, Đức mới bắt đầu triển khai kế hoạch. Berlin dành khoảng 1,3% tổng sản phẩm quốc nội cho quân sự.
Đan Mạch sẵn sàng bỏ ra 4 tỷ USD để nâng cấp hệ thống phòng không. Nước này đang suy tính về việc trang bị thêm máy bay Lockheed F-35, Boeing F-18 Super Hornet, hoặc chiến đấu cơ Typhoon.
Ba Lan, nước có chung đường biên giới với Nga và Ukraine, trong khoảng một năm sẽ lựa chọn nhà cung cấp máy bay trực thăng và hệ thống phòng không phù hợp, khi Warszawa bắt đầu chương trình củng cố quân đội trị giá 27 tỷ USD, và thay thế thiết bị quân sự từ thời Liên Xô, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Tomasz Siemoniak nói trong một cuộc phỏng vấn ngày 24/10. Nước này cũng sẽ tăng cường mua trực thăng tấn công, máy bay không người lái và tên lửa cho máy bay phản lực Lockheed F-16.
“Hồi chuông cảnh tỉnh”
Charly Salonius-Pasternak, một chuyên gia an ninh tại viện Quan hệ Quốc tế Phần Lan ở Helsinki, gọi động thái của Nga là “một hồi chuông cảnh tỉnh”, khiến cho các chính trị gia Phần Lan hay Thụy Điển không thể coi nhẹ sự tăng cường quân sự của Nga chỉ là tái vũ trang mức thấp.
“Lực lượng vũ trang Nga hiện có thể làm những điều họ không thể làm cách đây 10 năm”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn. “Nga có khả năng di chuyển các đơn vị quân sự lớn hơn trong khoảng cách dài và sẵn sàng chiến đấu ngay khi đến nơi”. Điều đó khiến Phần Lan và Thụy Điển phải cân nhắc về việc gia nhập NATO.
Trong bài phát biểu trước các ký giả và học giả quốc tế hôm 24/10, tổng thống Nga nhắc đến lãnh đạo Phổ Otto von Bismarck, người từng chi phối vũ đài chính trị châu Âu vào thế kỷ 19. Ông Putin nói rằng “người ta thấy ông Bismarck nguy hiểm vì ông ấy nói thẳng ra suy nghĩ của mình”.
“Tôi cũng luôn cố gắng nói ra những gì tôi nghĩ”, ông Putin nói.
Phương Vũ
Theo Bloomberg
Gay cấn chạy đua giành quyền kiểm soát Thượng viện Mỹ
Người Mỹ hôm qua đi bỏ phiếu giữa nhiệm kỳ - sự kiện được coi là cuộc trưng cầu dân ý về hiệu quả làm việc của Tổng thống Barack Obama, mở đường cho cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016. Nếu đảng Cộng hòa giành chiến thắng, chính quyền của ông Obama sẽ phải đương đầu Quốc hội đối lập, khó thực thi nhiều chính sách.
Lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Mitch McConnell (đeo kính) liệu có thắng được bà Alison Lundergan Grimes (vừa bỏ phiếu cùng chồng tại bang Kentucky)? Ảnh: AP
Các điểm bỏ phiếu được mở từ 6h sáng 4/11 (giờ Mỹ); hàng triệu người Mỹ đi bỏ phiếu để bầu lại 36 trong tổng số 100 thượng nghị sĩ tại Thượng viện, 36 trong tổng số 50 thống đốc bang và tất cả 435 thành viên Hạ viện, trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Obama xuống thấp, kinh tế Mỹ chưa phục hồi đủ để giúp đỡ tầng lớp trung lưu.
Không có trọng tâm như trong chiến dịch tranh cử tổng thống, đợt bầu cử giữa kỳ thường có lượng người đi bỏ phiếu thấp. Và người dân thường có xu hướng bầu cho đảng nào hiện không nắm quyền.
Đảng Cộng hòa được dự báo giành được đa số ghế tại Thượng viện, nhưng các cuộc thăm dò cho thấy, 8 trong 10 cuộc đua vẫn còn gay cấn và vẫn chưa rõ liệu họ giành đủ 6 ghế cần thiết để có quyền kiểm soát cơ quan 100 thành viên lần đầu tiên kể từ cuộc bầu cử năm 2006.
Các thượng nghị sĩ Dân chủ đang nỗ lực trong cuộc chạy đua khó khăn ở bang Alaska, Arkansas, Louisiana và Bắc Carolina, những bang mà đối thủ Mitt Romney của ông Obama chiến thắng năm 2012. Thượng nghị sĩ Dân chủ Mark Udall cũng đang chạy đua sát nút ở bang Colorado và cuộc chiến nhằm thay thế Thượng nghị sĩ Dân chủ Tom Harkin sắp nghỉ hưu tại bang Iowa cũng đang gay cấn. Các đảng viên Cộng hòa cũng phải chạy đua ác liệt để giành lại ghế ở bang Georgia, nơi Thượng nghị sĩ Saxby Chambliss sắp nghỉ hưu, BBC đưa tin.
Theo kết quả thăm dò, đảng viên Cộng hòa Mitch McConnell giành được sự ủng hộ nhỉnh hơn một chút so với đối thủ Dân chủ Alison Lundergan Grimes. Ông McConnell sẽ lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện nếu đảng Cộng hòa giành chiến thắng.
Nguy cơ Nhà Trắng phải thay đổi chính sách
Nhiều nhà phân tích dự đoán đảng Cộng hòa chiến thắng vì tỷ lệ ủng hộ ông Obama chỉ khoảng 40%, dù nền kinh tế gần đây phục hồi. "Đây là một cuộc trưng cầu dân ý đối với Tổng thống", Ran Paul, Thượng nghị sĩ và cũng là ứng viên tổng thống tiềm năng (năm 2016), nói với đài NBC cuối tuần qua. Nhưng các đảng viên Dân chủ nói rằng, khả năng của họ trong việc đoàn kết người ủng hộ trước đợt bầu cử vẫn có thể tạo cho họ lợi thế. "Hãy đưa tất cả những người bạn biết đi bầu cử, đừng ở nhà, đừng để ai khác lựa chọn tương lai cho mình", ông Obama nói trước đám đông trong chiến dịch vận động hôm Chủ nhật.
Đảng Cộng hòa hiện nắm quyền kiểm soát Hạ viện. Ở Thượng viện, đảng Dân chủ đang chiếm đa số, nhiều hơn 5 ghế so với đảng Cộng hòa. Nghĩa là trong đợt bầu cử giữa kỳ lần này, nếu giành được 6 ghế trở lên, đảng Cộng hòa sẽ lấy lại quyền kiểm soát Thượng viện, tạo nên bước chuyển chính trị đáng kể nhất từ khi ông Obama bước vào Nhà Trắng đầu năm 2009.
Một cuộc thăm dò dư luận của Reuters và Ipsos cho thấy, 75% người trả lời tin rằng, chính quyền nên "nghĩ lại" về cách tiếp cận những vấn đề lớn mà Mỹ đang phải đối mặt. 64% nói rằng, ông Obama nên thay thế một số vị trí cấp cao sau cuộc bầu cử lần này. Tuy nhiên, Nhà Trắng đã bác bỏ khả năng có thay đổi lớn trong chính sách của ông Obama sau bầu cử.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest tuyên bố: "Sẽ không khôn ngoan nếu vẽ ra kết luận về cuộc bầu cử lần này, giống như việc nói trước kết quả bầu cử tổng thống quốc gia chỉ dựa trên bản đồ", Reuters dẫn lời ông Earnest nói với báo giới. Ngoài vấn đề tỷ lệ ủng hộ ông Obama xuống thấp, cuộc bầu cử giữa kỳ lần này không nổi lên vấn đề nào khác.
Theo kết quả thăm dò trước bầu cử, đảng Cộng hòa sẽ tiếp tục kiểm soát Hạ viện và đoạt quyền kiểm soát Thượng viện từ tay đảng Dân chủ. Khi đó, nhiều dự luật quan trọng của chính quyền Obama, như cải cách nhập cư, đóng cửa nhà tù Guantanamo... khó mà được Quốc hội thông qua.
Theo Trúc Quỳnh
Tiền Phong
Trung Quốc ráo riết làm sạch không khí trước APEC Xe ô tô đi theo biển số chẵn lẻ, các nhà máy hoạt động hết công suất vào tháng 10 để nghỉ vào tháng 11, lịch làm việc thay đổi đến mức có nhân viên phải cai sữa sớm cho con, là những biện pháp của Bắc Kinh nhằm làm sạch môi trường đón APEC. Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á...