NATO kêu gọi đảm bảo vận chuyển dầu qua Hormuz
Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) Anders Fogh Rasmussen ngày 18/1 kêu gọi Iran hành xử một cách có trách nhiệm, đồng thời cho rằng eo biển chiến lược Hormuz, tuyến hàng hải vận chuyển phần lớn lượng dầu từ vùng Vịnh tới các nước phương Tây, phải được lưu thông.
Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen. (Nguồn: Getty Images)
Phát biểu tại một cuộc họp báo sau khi tiếp Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu ở Brussels, ông Rasmussen khẳng định: “Vấn đề tối quan trọng là đảm bảo rằng dầu mỏ sẽ tiếp tục được vận chuyển qua eo biển chiến lược này. Chính quyền Iran có nghĩa vụ hành xử một cách có trách nhiệm và phù hợp với luật pháp quốc tế. Nhưng tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng NATO không hề có các kế hoạch can thiệp.”
Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cùng ngày cho biết eo biển Hormuz phải luôn được mở trong mọi hoàn cảnh, bởi nó có liên quan tới các lợi ích của toàn thế giới. Bất cứ biện pháp cực đoan nào về vấn đề này đều chống lại ý nguyện của toàn thế giới.
Video đang HOT
Liên quan đến tuyến đường biển huyết mạch này, ngày 18/1, một nghị sỹ Iran tiết lộ rằng Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đề nghị đàm phán trực tiếp với Tehran qua một bức thư mật gửi đến nhà lãnh đạo tối cao của nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Hãng thông tấn bán chính thức Fars dẫn lời nghị sĩ trên cho biết lá thư này cũng đưa ra cảnh báo việc đóng cửa eo biển Hormuz sẽ là “giới hạn đỏ” đối với Washington. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Ramin Mehmanparast tuyên bố Tehran đang xem xét đề xuất và sẽ hồi âm nếu thấy cần thiết. Hiện nay, Nhà Trắng chưa bình luận gì về thông tin này.
Mặc dù vậy, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta, ngày 18/1, tuyên bố nước này hoàn toàn sẵn sàng để đương đầu với mọi đe dọa từ Iran nhằm đóng cửa eo biển Hormuz.
Trả lời câu hỏi liệu những đe dọa của Iran có dẫn tới việc Mỹ phải tái bố trí lực lượng tại khu vực này hay không, ông Panetta nói rằng ở thời điểm hiện tại, Washington vẫn chưa tiến hành bước đi cụ thể nào để ứng phó với tình huống này. Song ông Panetta nhấn mạnh Mỹ hiện đã có sẵn một lực lượng quân sự mạnh đóng quanh khu vực vùng Vịnh và lực lượng này sẽ tiếp tục được duy trì nhằm bảo đảm hòa bình tại đây.
Cho đến nay Mỹ vẫn tuyên bố sẽ không cho phép Iran phong tỏa eo biển Hormuz. Tuy nhiên, ông Panetta vẫn hy vọng hai nước sẽ tìm ra cách giải quyết vấn đề một cách hòa bình thông qua con đường ngoại giao.
Liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran, một phái đoàn cấp cao của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế ( IAEA) dự kiến sẽ tới Tehran từ ngày 29-31/1 nhằm kiểm chứng liệu chương trình hạt nhân gây tranh cãi này có bao hàm mục đích quân sự hay không. Theo Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano, các thanh sát viên muốn rằng sẽ xác minh một cách dễ dàng tất cả các hoạt động được cho là nhằm mục đích quân sự và mong muốn Tehran hợp tác đầy đủ với IAEA./.
Theo TTXVN
Iran xác nhận làm giàu uranium dưới lòng đất
Iran ngày 9-1 chính thức xác nhận đã bắt đầu làm giàu uranium tại một boongke ngầm dưới lòng đất ở cơ sở hạt nhân Fordow và khẳng định toàn bộ nguyên liệu nguyên tử tại đây đều nằm dưới sự giám sát của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).
Phát biểu tại trụ sở IAEA ở thủ đô Vienna - Áo, đại diện của Iran, ông Ali Asghar Soltanieh, cho biết tại cơ sở hạt nhân Fordow được xây dựng gần thành phố Qom linh thiêng của người Hồi giáo dòng Shiite đang diễn ra các hoạt động làm giàu uranium ở cấp độ 20%, cao hơn nhiều so với mức 3,5% tại nhà máy hạt nhân chính của Iran. Ở cấp độ 20%, uranium có thể được chế tạo thành đầu đạn.
Tổng thống Iran thị sát cơ sở hạt nhân Natanz năm 2008. Ảnh: AP
Nhà máy Fordow bao gồm một hệ thống đường hầm và được bảo vệ bằng tên lửa phòng không. Hãng thông tấn bán chính thức Mehr dẫn lời người đứng đầu chương trình hạt nhân của Iran, ông Fereidoun Abbasi, phát biểu ngày 8-1 rằng: "Kẻ thù không có khả năng hủy hoại Fordow". Được xây dựng gần một khu quân sự, Fordow nằm trong bí mật khá lâu trước khi bị tình báo phương Tây phát hiện vào tháng 9-2009.
Trước tuyên bố xác nhận của Iran, IAEA đã khẳng định Iran bắt đầu sản xuất uranium làm giàu tới 20% bằng máy ly tâm IR-1 ở nhà máy Fordow, đồng thời xác nhận tất cả nguyên liệu hạt nhân ở cơ sở này đều nằm dưới sự giám sát của IAEA.
Trong phản ứng mới nhất, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Victoria Nuland, cho rằng việc Iran làm giàu uranium tới 20% là vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Do đó, Mỹ tiếp tục kêu gọi Iran ngừng các hoạt động làm giàu hạt nhân, hợp tác đầy đủ với IAEA và tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an.
Tương tự, Pháp và Anh cũng lên án hành động làm giàu uranium của Iran, coi đây là sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.
Theo Người lao động
Liệu có bùng nổ một cuộc chiến Iran? Những căng thẳng gần đây giữa Iran và các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, xoay quanh eo biển Hormuz khiến dư luận nghĩ tới khả năng một cuộc chiến có thể xảy ra. Đầu tháng 11, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đưa ra báo cáo về tình hình hạt nhân của Iran trong đó khẳng định Iran...