NATO Ả Rập: Liên minh “chuyển lửa”
Chính quyền T ổng thống Donald Trump đã tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran – có hiệu lực vào ngày 7-8, sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân quốc tế liên quan tới nước này.
Ngoài sức ép kinh tế, Washington mấy tháng qua còn lặng lẽ thúc đẩy thành lập một liên minh an ninh mới, với sự có mặt của 6 thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) là Ả Rập Saudi, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Bahrain, Kuwait, Qatar, Oman và 2 nước bên ngoài là Ai Cập, Jordan.
Có tên ban đầu là Liên minh Chiến lược Trung Đông ( MESA) và hay được báo giới gọi bằng biệt danh “ NATO Ả Rập”, khối này chống lại điều mà họ cho là “sự bành trướng của Iran trong khu vực”.
Tuy nhiên, trong khi các thành viên NATO cùng chia sẻ lợi ích và trách nhiệm thì liên minh các nước Hồi giáo Sunni kể trên bất đồng về nhiều vấn đề cơ bản, bao gồm cách đối xử với Iran. Ả Rập Saudi và UAE xem Tehran là kẻ thù không đội trời chung song Kuwait và đặc biệt là Oman từ trước tới nay vẫn giao hảo gần gũi với Iran.
Ý tưởng thành lập “NATO Ả Rập” xuất hiện lần đầu trong chuyến thăm Ả Rập Saudi của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 5-2017. Ảnh: REUTERS
Một trở ngại lớn hơn đối với “NATO Ả Rập” là sự tuyệt giao giữa một bên là UAE, Ả Rập Saudi, Bahrain và một bên là Qatar từ tháng 6-2017 tới nay, với lý do chủ yếu cũng vì Qatar “chơi” với Iran. Cuộc khủng hoảng này đẩy Mỹ vào thế khó bởi Qatar là nơi đặt căn cứ không quân lớn nhất của Mỹ trong khu vực, còn Ả Rập Saudi là khách hàng mua vũ khí Mỹ nhiều nhất thế giới.
Thực ra MESA giống như một ý đồ “chuyển lửa” của Mỹ, nhằm chuyển gánh nặng kiềm chế Iran lên vai các đồng minh Ả Rập. Kế hoạch này còn được Mỹ xem là chất xúc tác nhằm thúc đẩy các thương vụ vũ khí cho chính những nước trên. Nhưng oái oăm thay, “chuyển lửa” cũng là điều mà các đồng minh Ả Rập của Mỹ mong muốn. Không muốn hoặc không đủ lực đối đầu Iran trực diện, các nước Sunni này hy vọng “mượn tay” Mỹ hoặc thậm chí là Israel.
Sự xung đột từ trong trứng nước này khiến MESA dù có thành hình cũng không rõ sẽ đối đầu với Iran trên thực tế như thế nào. Để được xem là thành công, họ phải ngăn được Iran hiện diện quân sự lâu dài ở Syria, đánh bại phiến quân Houthi dòng Shiite để khôi phục quyền lực cho Tổng thống Abdrabbuh Mansour Hadi ở Yemen, lập được một lá chắn tên lửa bao phủ Trung Đông…
Video đang HOT
Thế nhưng, trừ khi những rạn nứt giữa các thành viên tiềm năng được lấp đầy và đạt được thỏa thuận chính trị về chia sẻ gánh nặng, kế hoạch “chuyển lửa” của chính quyền ông Trump khó thành hiện thực.
Maysam Behravesh, chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông thuộc Trường ĐH Lund (Thụy Điển)
Theo nld.com.vn
Chiến lược xoay chiều biến Qatar thành cái gai trong mắt vùng Vịnh
Chính sách đối ngoại ủng hộ cả hai phe đẩy Qatar vào thế đối đầu với cả người Sunni lẫn Shiite, châm ngòi cho khủng hoảng trầm trọng.
Vua Qatar Tamim bin Hamad Al Thani. Ảnh: Reuters
9 quốc gia, chủ yếu là các nước Arab, đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, đẩy đất nước giàu có bậc nhất vùng Vịnh này vào tình cảnh bị cô lập. Các chuyên gia phân tích cho rằng đây là hệ quả của quá trình lâu dài Doha thực hiện chính sách đối ngoại "xoay chiều", đẩy họ vào thế đối đầu với tất cả, theo Slate.
Với nguồn thu dồi dào từ khí đốt, sở hữu đế chế truyền thông Al Jazeera có khả năng định hướng dư luận khu vực, Qatar trong 10 năm qua thực hiện chính sách đối ngoại rất khác biệt, lúc ủng hộ bên này, lúc ủng hộ bên kia trong cuộc đối đầu giữa hai thế lực người Shiite và người Sunni ở vùng Vịnh nhằm gia tăng ảnh hưởng của mình, theo cây bút bình luận chính trị Fred Kaplan.
Trong thời kỳ Mùa xuân Arab, vua Hamad bin Khalifa Al Thani chấm dứt vai trò "trung gian ngoại giao" truyền thống của Qatar, ra mặt ủng hộ các thế lực nổi dậy lật đổ chính phủ ở Trung Đông và Bắc Phi, biến hãng tin Al Jazeera thành công cụ tuyên truyền cho các cuộc đảo chính để phục vụ cho lợi ích của Doha.
Các nước trong khu vực coi hướng đi này của Qatar là thái quá, khiến những hoài nghi về động cơ trong chính sách đối ngoại của Doha ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, Faysal Itani, nhà phân tích tại Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington, cho rằng chiến lược của Qatar là hợp lý vào thời điểm đó. "Họ phát huy tốt nhất lập trường của mình và tìm cách tạo ra một phạm vi ảnh hưởng đặc biệt trong nền chính trị khu vực", ông nói.
Kaplan cho rằng Qatar có thể làm được điều này vì họ là quốc gia có tiềm lực tài chính khổng lồ với dân số có thu nhập bình quân đầu người bậc nhất thế giới. Điều đó khiến các nước láng giềng có diện tích lớn hơn, dân số đông hơn ghen tị, làm sâu sắc thêm những rạn nứt chính trị mà các quốc gia này đang phải đối mặt.
Nhưng vài năm qua, khi phong trào Mùa xuân Arab đã lắng xuống và các nhóm nổi dậy bị lấn át bởi các phần tử Hồi giáo cực đoan, Qatar lại thay đổi chiến lược của mình. Sau khi vua Tamim bin Hamad Al Thani lên nắm quyền năm 2013, Qatar vung tiền và vũ khí truyền thông để ủng hộ những phong trào mới vốn là kình địch của người Sunni.
Trong khi tích cực tham gia vào cuộc chiến của người Sunni chống lại phiến quân Houthi ở Yemen và chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria, vua Tanim lại đưa Qatar xích lại gần hơn với Iran, quốc gia có đông đảo người Shiite ở bên kia vịnh Persian, ủng hộ các phong trào vũ trang như Hamas, Hezbollah và một số tổ chức Hồi giáo cực đoan.
Các chuyến bay của Qatar chỉ có thể bay qua Iran sau khi bị các nước láng giềng đóng cửa không phận. Ảnh: Flightradar24
Trong mắt người Sunni ở các nước vùng Vịnh, chiến lược của Qatar ngày càng giống âm mưu lật đổ họ để gia tăng thế lực cho Doha. Chiến lược này đã khiến Qatar trở thành kẻ thù của tất cả, từ việc đối đầu với người Sunni khi ủng hộ Iran, cho tới thể hiện sự thù địch với người Shiite khi tiếp tục cho Mỹ triển khai lực lượng lớn ở căn cứ al-Udeid và hậu thuẫn Arab Saudi trong cuộc chiến ở Yemen.
"Người Qatar muốn trở thành Hong Kong của khu vực", Joyce Karam, trưởng văn phòng Washington của báo Al-Hayat, nhận định. "Nhưng chiến lược đó giờ đây không hiệu quả nữa".
Giọt nước tràn ly
Theo Kaplan, mâu thuẫn tích tụ âm ỉ gần một thập kỷ giữa Qatar và các nước Arab bắt đầu bùng phát sau chuyến công du vùng Vịnh gần đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Khi phát biểu ở Arab Saudi tháng trước, ông Trump cho rằng mình sẽ đoàn kết và tăng cường sức mạnh cho các lãnh đạo người Sunni trong cuộc chiến chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan, mà không ngờ rằng ông đang châm ngòi cho một bước leo thang mới.
Cựu tổng thống Barack Obama trước đây luôn cởi mở với mọi cường quốc trong khu vực, kể cả Iran, bởi ông không muốn kéo Mỹ sâu hơn vào những cuộc chiến phe phái ở vùng Vịnh. Ông cũng tránh làm gia tăng căng thẳng giữa Qatar với các quốc gia Sunni khác, cho rằng tốt nhất là để họ tự tìm ra giải pháp cân bằng của riêng mình.
Nhưng chuyến công du tới Arab Saudi của ông Trump đã làm thay đổi tất cả. Bài phát biểu của ông cho thấy chính sách mới của Mỹ, ủng hộ các cường quốc người Sunni trong cuộc chiến chống lại các thế lực người Shiite, đặc biệt là Iran. Điều Trump không lường trước được là tuyên bố của ông đã củng cố quyết tâm của người Sunni trong việc tăng cường đối đầu với Iran và cô lập Qatar, Kaplan nhận định.
Các chuyên gia của chuyên trang tình báo, quốc phòng Jane's 360 dự đoán rằng sau cuộc khủng hoảng này, Qatar sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc giảm hẳn sự ủng hộ đối với các phong trào Hồi giáo, đặc biệt là ở Syria. Một khi Qatar cắt đứt quan hệ với các tay súng Hồi giáo, cuộc chiến chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) và các phong trào cực đoan trong khu vực chắc chắn sẽ diễn ra thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, nếu Qatar nhượng bộ sức ép từ các nước Arab và nghiêng hẳn về người Sunni, mâu thuẫn sắc tộc trong khu vực có thể càng thêm trầm trọng. "Chính sách đối ngoại của Qatar từng tạo nên một vùng xám giúp tháo ngòi một số cuộc khủng hoảng ở vùng Vịnh. Nếu vùng xám đó biến mất, chiến tranh và hỗn loạn sắc tộc có thể bao trùm cả khu vực", Kaplan nhấn mạnh.
Trí Dũng
Theo VNE
Tên lửa hành trình có thể xuyên thủng mọi lá chắn của Nga Với tầm bắn gần 5.500 km và hành trình bay phức tạp, tên lửa hành trình 9M729 mới của Nga được coi là mối đe dọa không thể đối phó đối với Mỹ và đồng minh châu Âu. Tên lửa hành trình Kalibr-NK phóng từ tàu chiến của Nga. Ảnh: Sputnik Trong phiên điều trần trước Quốc hội hôm 4/4, tướng John Hyten,...