Nật Sơn – Kim Bôi: Miền cổ tích ngủ quên
Trải nghiệm một cuộc sống có màu sắc khác rất gần Hà Nội – đó là Nật Sơn, thuộc huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình.
Khi thấy mệt với các điểm du lịch nổi tiếng luôn đông đúc, ồn ào náo nhiệt, với khách sạn đầy đủ tiện nghi, đủ loại trò chơi phải đứng xếp hàng mới được vào; thì những vùng đất còn nguyên sơ với người dân hồn hậu, chân chất với nét đặc sắc của không gian văn hoá, ẩm thực mới lạ lại có sức hút, sự hấp dẫn kỳ lạ.
Chơi mà như đi nghỉ, đi trải nghiệm một cuộc sống có màu sắc khác rất gần Hà Nội – đó là Nật Sơn – nơi quê nhà của người chị yêu quý cùng hoạt động trong hội nhóm sinh hoạt văn chương mang tên Tản Văn Hay.
Du khách tắm tại thác nước Nật Sơn. Ảnh: Nhật Quang
Nếu huyện Kim Bôi nằm lọt giữa vùng lõi của tỉnh Hoà Bình thì Nật Sơn là cái rốn của huyện Kim Bôi nằm lọt trong thung lũng hiền hoà, cây cối tươi xanh, không khí mát mẻ trong lành. Núi đan tay dựng hàng bao bọc lấy Nật Sơn, có ngọn núi ba vai như cái đinh ba cách điệu vươn thẳng lên trời. Từ trên núi cao ấy có nguồn nước thanh sạch chảy xuống nuôi sống con người, vật nuôi, cây trái của bản Mường.
Nhờ địa thế độc đáo, lại chỉ các Hà Nội hơn 60 km, ngày kháng chiến, đây là an toàn khu – nơi hoạt động đóng quân của nhiều cơ quan chính quyền, quân đội cần đảm bảo sự bí mật an toàn. Nhiều năm liền người nước ngoài không được ra vào Nật Sơn, người dân ở đây cũng không kết hôn với người nước ngoài. Người dân ở đây theo truyền thống vẫn có thói quen bảo mật vị trí hiểm yếu dù hết sức cởi mở, thân thiện với khách.
Đường vào Nật Sơn được làm khá đẹp, ô tô chạy bon bon qua cánh đồng lúa đang thì con gái xanh mướt rượt, có những cung đường chạy xuyên qua dốc, hẻm quanh co uốn lượn như vòng eo thiếu nữ với cây cối xanh tươi, hiền hoà. Cảm giác khách như đang chạy trên con đường về với ấu thơ, khi xa xa là nếp nhà vấn vương khói bếp lam chiều, những khóm tre, bụi nứa, hoa dại đầy hoang sơ tự nhiên.
Video đang HOT
Chị chủ nhà cùng gia đình dậy từ 5 giờ sáng quay lợn đón khách, loại lợn bản chỉ ăn thân chuối rồi rau bèo cám bã trong nhà, không một chút vô cơ hoá học, thịt thơm mà mềm, da giòn mà ngọt, ăn no mà không nặng bụng. Biết đường khó tìm, chị chạy xe máy gần 20 cây số ra đường to đón khách dẫn vào.
Màn chào đón ấn tượng với các mế đội cồng chiêng xóm Rộc – Nật Sơn mặc trang phục truyền thống của người Mường, đánh cồng chiêng bài Đi đường và Đón khách dẫn khách lên ngôi nhà sàn truyền thống có tuổi đời hàng thế kỷ của nhà nội chị chủ nhà.
Người Nật Sơn đón tiếp khách rất nồng hậu. Ảnh: Nhật Quang
Người Mường chọn sống ở vùng giao thoa giữa vùng cao và đồng bằng, nên văn hoá có sự tiếp nhận giao hoà cả miền xuôi lẫn miền ngược, có tiếng nói và trang phục, âm nhạc của riêng mình… Chỉ có tấm lòng mến khách là ai cũng như ai, nhiệt tình cởi mở, chân thành chắc nịch như nắm xôi nấu từ gạo trong thung, từ dòng nước trong mát đầu khe thượng nguồn. Đến cả quả lạc lè chấm hạt dổi cũng ngọt thơm đến lạ do nguồn nước của Nật Sơn chảy từ núi Ba Vai rất thanh sạch lại nhiều khoáng chất nên vạn vật nơi đây đều tràn đầy sức sống.
Bữa rượu ấm cúng với lời ca tiếng hát, câu mời, ly rượu men lá nhè nhẹ thơm thơm đủ làm người uống lâng lâng, say say theo tiếng hát mộc mạc “tuy chưa quen nhưng chúng mình làm quen, nắng lên đi cho chúng mình làm quen”, cùng là bài hát: “Bốn phương trời ta về đây chung vui. Không phân chia giọng nói tiếng cười. Cùng nắm tay ta kết tình thân ái. Trao cho nhau những gì thiết tha”. Nghe lại thấy hợp thấy thấm, ngấm và xúc động đến như vậy.
Ăn uống no nê, đoàn chúng tôi theo chân chị Vân đi tắm suối Khả Gấp. Đi theo con đường chị từng lên cắm bản người Dao dạy học hơn hai mươi năm, con đường thời chưa làm chị đi xe máy ngã lên ngã xuống nhiều lần nay được đổ bê tông rộng rãi, chắc chắn.
Trời bên ngoài còn nắng gắt, thế mà theo lối mòn men xuống thác Lĩnh Phĩnh chỉ vào đến lòng suối là thấy mát lạnh hơn vào phòng điều hoà. Con suối róc rách chảy men theo các tảng đá có từ bao giờ nước chảy làm mòn các chỏm đá thành trơn nhẵn, rêu mọc xanh nhờ. Nắng lọc qua tán cây xanh chiếu lấp lánh xuống mặt nước suối, hoa sang đỏ tươi rơi xuống mặt nước cùng không khí tĩnh lặng thanh sạch làm người ta như lạc vào miền cổ tích, mải mê theo tán lá, ngọn cây, dòng tia nắng đi tìm nàng công chúa ngủ trong rừng.
Cởi quần áo men theo vách đá rồi lao ào xuống suối dòng nước mát lạnh cảm giác thật là sảng khoái. Dòng nước mát chảy dội thẳng vào đầu, giã lên vai, lên lưng như đẩy trôi đi những vướng mắc, ưu lo trong cuộc sống, để tiếng cười vang vọng giữa núi rừng, hoà tiếng thác đổ như đưa con người về với thời thủa hồng hoang.
Nhóm lửa nướng mực, mang theo hoa quả, bia được làm lạnh bằng tủ lạnh tự nhiên bằng cách ném lon bia vào khe nước, chỉ một lát là có bia lạnh như ướp trong tủ mát. Thư thả nhìn ngắm trời xanh qua kẽ lá, ngắm cổ thụ xù xì dấu vết tháng năm, ngắm nụ cười ngây thơ của bé gái người Mường. Hồn như bất chợt trôi về nơi nào xa lắm.
Tạm biệt thác nước, chị chủ nhà đáng yêu, đoàn chúng tôi còn lời hẹn về với bản Mường với chuyến khám phá rừng đêm và đêm lửa trại giao lưu cùng dân bản. Những mong nơi đây thành địa chỉ mới để có thêm nhiều khách đến thăm và trải nghiệm Nật Sơn.
Lãng du "miền cổ tích"
Văn Bàn hội đủ những điều kiện phát triển các loại hình du lịch, như văn hoá, sinh thái và tâm linh, mang lại nhiều kỷ niệm khó quên cho du khách dù chỉ một lần đến với vùng đất được mệnh danh là "miền cổ tích".
Theo đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, rẽ nút giao IC16 vào Quốc lộ 279, bạn sẽ bất ngờ khi men theo chân núi Tam Đỉnh sừng sững canh giữ một vùng mỏ sắt Quý Xa, vượt dốc cổng trời, phóng tầm mắt bao quát thị trấn Khánh Yên đẹp tựa bức tranh sơn thủy.
Khúc dạo đầu trong chuyến đi, bạn sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của núi Gia Lan ẩn hiện trong làn sương mảnh mai. Khánh Yên Thượng nằm khiêm nhường dưới chân núi như nét nhấn trong bức tranh tổng thể của miền quê Văn Bàn.
Thoáng chút ngỡ ngàng, du khách sẽ bắt gặp hình ảnh thân quen của lũy tre làng và những tán cọ xanh. Nét quê vùng trung du đan xen, hòa quyện cùng vẻ đẹp bình dị của mái nhà sàn truyền thống và trang phục nền nã, duyên dáng của thiếu nữ Tày nơi đây.
Ở mảnh đất này, bạn sẽ được thăm di tích lịch sử cách mạng Khu du kích Pú Gia Lan; thêm thấu hiểu thông điệp từ bức tượng đá thiên nhiên tạc giữa mây trời hình ảnh "bà bồng cháu"...
Thị trấn Khánh Yên ngày càng thay đổi. Ảnh: Thành Phú
Văn Bàn nằm giữa dãy Hoàng Liên Sơn phía Tây Bắc và dãy Con Voi phía Đông Nam, cùng ven sông Hồng và nhiều con suối thơ mộng như ngòi Nhù, ngòi Chăn, Nậm Tha, Nậm Mả...
Cấu tạo địa chất đã hình thành hang động qua quá trình phong hoá, thủy hoá hàng triệu năm như Thẳm Dương, Thẳm Sáng với nhiều hình thù kỳ lạ. Đến Liêm Phú, Nậm Xây, Nậm Xé thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn, bạn sẽ được tận hưởng bầu không khí trong lành, vẻ đẹp hoang sơ, hệ thực vật, động vật phong phú...; ngắm thác Bay bọt tung trắng xóa.
Văn Bàn còn là vùng không gian văn hoá, với những di tích lịch sử gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt. Đó là đền Ken thuộc xã Chiềng Ken, toạ lạc trên đỉnh đồi, dưới tán cây đại thụ mướt xanh, được vinh danh là Cây di sản.
Khu di tích thờ tướng Nguyễn Hoàng Long - người có nhiều công lao cùng thuộc hạ dòng họ Nguyễn thế kỷ XVIII đánh đuổi giặc ngoại xâm, khai khẩn đất hoang, lập làng yên dân.
Rồi đền Cô thuộc xã Tân An - Di tích lịch sử cấp quốc gia nằm bên tả ngạn sông Hồng, thuộc quần thể di tích đền Bảo Hà. Nơi đây còn lưu giữ kho tàng những giá trị văn hóa phi vật thể đậm bản sắc, với những phong tục, tập quán và lễ hội.
Về vùng đất nổi tiếng với câu thơ của thi sỹ Tản Đà: "Hôm qua còn ở Dương Quỳ/Trắng phau ngựa trắng xanh rì rừng xanh", bạn sẽ được thưởng thức nhiều món đặc sản, như cá suối lam ống nứa, thịt trâu sấy, nhộng cọ chiên, canh chua với măng sặt, măng bói, cùng chén rượu Nậm Cần nồng nàn, ý vị. Chắc hẳn đây sẽ là kỷ niệm khó quên trong chuyến lãng du "miền cổ tích" của mỗi du khách.
Khám phá Đồng Cao miền cổ tích giữa núi đồi Đông Bắc Cách đây chừng hơn 6 năm (trước năm 2010), Đồng Cao vẫn là một cái tên khá xa lạ với giới "xê dịch", cũng tại đường sá khó khăn, bởi cái xứ ấy chẳng ai lên làm gì. Tình cờ nghe một người bạn đọc đâu đó trên tờ báo địa phương nhắc tới địa danh này, họ gọi đó là "Mẫu Sơn"...