NASA phóng thành công tàu thăm dò sao Hỏa mới
Ngày 18/11, NASA đã phóng thành công tàu thăm dò không người lái MAVEN hướng tới sao Hỏa để nghiên cứu tầng khí quyển của hành tinh này, với mục tiêu tìm ra manh mối về sự biến mất của khí quyển và nước trên “hành tinh đỏ”.
Tên lửa Atlas V 401 rời bệ phóng
Theo hãng tin AFP, tên lửa Atlas V 401 mang theo thiết bị nghiên cứu sự biến động của khí quyển và hơi nước sao Hỏa (MAVEN) đã rời bệ phóng đúng lịch trình vào 18 giờ 28 phút GMT ngày 18/11.
“Mọi việc xem ra có vẻ tốt”, trung tâm kiểm soát của NASA cho biết.
Vụ phóng tàu thăm dò trị giá 671 triệu USD đã khởi đầu cho hành trình dài 10 tháng tới “hành tinh đỏ”.
Dự kiến đến tháng 9/2014 phi thuyền mới đến đích, nhưng phải hai tháng sau đó tàu thăm dò với những cánh gắn pin năng lượng mặt trời mới bắt đầu bay quanh quỹ đạo sao Hỏa.
Tàu thăm dò mới nhất này có nhiệm vụ khác với các chuyến thám hiểm trước đây của NASA, bởi trọng tâm sẽ không phải bề mặt khô của sao Hỏa mà là tìm hiểu những bí ẩn của thượng tầng khí quyển – vấn đề chưa từng được nghiên cứu.
Video đang HOT
Phần lớn thời gian trong sứ mệnh kéo dài 1 năm của mình, MAVEN sẽ bay quanh “hành tinh đỏ” ở độ cao 6000 km so với mặt đất. Tuy nhiên, cũng sẽ có 5 lần nó bay sâu vào khí quyển sao Hỏa với độ cao có lúc chỉ cách mặt đất 125 km, để đo đạc các số liệu ở nhiều tầng khác nhau.
Các nhà nghiên cứu đã miêu tả sứ mệnh này như một cuộc tìm kiếm mảnh ghép còn thiếu về những gì đã xảy ra trên khí quyển sao Hỏa, có lẽ hàng tỷ năm trước đây, vốn khiến người hàng xóm của Trái đất từ một hành tinh có nước và có thể thuận lợi cho sự sống, trở thành một hoang mạc khô cằn.
“MAVEN là tàu thăm dò đầu tiên dành riêng để khám phá và tìm hiểu về thượng tầng khí quyển của sao Hỏa”, NASA khẳng định. “Tàu thăm dò sẽ điều tra xem khí quyển của sao Hỏa biến mất vào không gian ra sao để xác định lịch sử của nước trên bề mặt của nó”.
Một trong ba công cụ khoa học của MAVEN là thiết bị đo gió mặt trời và tầng điện ly do phòng thí nghiệm khoa học không gian, đại học California tại Berkeley thiết kế.
Thiết bị thứ hai là một bộ cảm biến từ xa, do phòng thí nghiệm vật lý không gian và khí quyển, đại học Colorado thiết kế, nhằm xác định các đặc tính chung của thượng tầng khí quyền và tầng điện ly.
Thiết bị thứ ba là một quang phổ kế khối lượng ion và khí gas tự nhiên, do NASA phát triển.
“Với MAVEN, chúng ta sẽ khám phá một mảnh ghép lớn nhất chưa được khám phá của sao Hỏa”, trưởng nhóm điều tra của sứ mệnh, ông Bruce Jakosky khẳng định.
Theo Dantri
Tàu vũ trụ "siêu tốc" của Nga đưa phi hành gia lên trạm ISS
Hôm nay (26/9), hai nhà du hành Nga cùng một nhà du hành Mỹ đã được tàu vũ trụ Soyuz của Nga đưa lên Trạm vũ trụ quốc tế ISS. Hành trình của họ đã được rút ngắn từ 2 ngày xuống dưới 6 tiếng nhờ một kỹ thuật mới được áp dụng.
Tàu vũ trụ Soyuz TMA-10M rời bệ phóng
Vụ phóng được thực hiện vào lúc 0 giờ 58 phút giờ địa phương, tại trung tâm không gian Baikonur mà Nga đang thuê của Kazakhstan. Có mặt trong phi hành đoàn gồm nhà du hành Michael Hopkins của NASA và các ông Oleg Kotov và Sergei Ryazansky của Nga.
"Mọi thứ đã diễn ra đúng kế hoạch. Tất cả đều đúng như dự kiến", bình luận viên chính thức của NASA thông báo trên một trang web sau khi Soyuz đi vào quỹ đạo khoảng 10 phút.
Trong thông báo mới nhất, Cơ quan vũ trụ liên bang Nga Roscosmos xác nhận phi thuyền đã ghép nối thành công với trạm ISS vào 2 giờ 45 phút giờ GMT hôm nay 26/9. Như vậy hành trình của Soyuz lên ISS mất chưa đầy 6 tiếng thay vì 2 ngày như trước đây.
Phi thuyền chỉ bay quanh trái đất 4 lần thay vì 30 lần như thường lệ, nhờ một kỹ thuật được phát triển từ thời Liên Xô cũ nhưng chỉ mới được áp dụng thường xuyên từ năm nay.
Các nhà khoa học cùng các phi hành gia từ lâu đã bàn luận về lợi ích của một chuyến đi "nước rút" như vậy.
Những chuyến bay có thời gian lâu hơn giúp thành viên phi hành đoàn thích nghi tốt hơn với các điều kiện trong không gian, nhưng cũng đồng thời thử thách độ bền bỉ về thể chất.
Việc cắt ngắn thời gian của hành trình từng bị bãi bỏ sau một số thử nghiệm của Liên Xô, bởi một nhà du hành đã bị ốm rất nặng trong suốt hành trình, và đã có lúc tưởng như đe dọa tới tính mạng.
Nhưng đầu năm nay, hai chuyến đi như vậy đã được thực hiện thành công và Nga quyết định tái triển khai, nhằm biến nó trở thành tiêu chuẩn mới cho các chuyến đi lên ISS.
Tâm điểm của chuyến đi lần này sẽ là sự ghé thăm ISS dự kiến vào ngày 7/11 của một ngọn đuốc (không được thắp vì lí do an toàn), được sử dụng trong lễ rước đuốc tiếp sức tại Thế vận hội mùa Đông 2014 mà Nga là nước đăng cai.
Nhóm các phi hành gia mới sẽ gặp gỡ chỉ huy trưởng người Nga Fyodor Yurchikhin cùng hai kỹ sư Karen Nyberg của NASA và Luca Parmitano của Cơ quan vũ trụ châu Âu.
Thời gian 4 tháng trên trạm của 3 người này đã có nhiều sự kiện hơn dự báo, khi Parmitano gặp sự cố khi đi ra ngoài khoảng không hôm 16/7. Khi đó chiếc mũ bảo hiểm của ông xuất hiện nhiều chất lỏng chưa xác định.
3 nhà du hành này sẽ trở về trái đất vào ngày 11/11 tới và khi đó ông Kotov sẽ giữ quyền chỉ huy.
Thanh Tùng
Theo AFP, RIA Novosti
Ấn Độ thử thành công tên lửa có tầm bắn bao phủ Trung Quốc Sáng 15/9, Ấn Độ đã phóng thử thành công tên lửa tầm xa Agni V có tầm bắn đủ để vươn tới mọi vị trí tại Trung Quốc, và có thể mang đầu đạn hạt nhân. Đây là lần thứ hai nước này thử thành công một tên lửa tầm xa thuộc loại này. Tên lửa Agni V rời bệ phóng ngày 15/9...