NASA phóng đại sức công phá của thiên thạch?
Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga khẳng định, công suất của vụ nổ thiên thạch ngày 15/2 tại Chelyabinsk do NASA đánh giá thực tế đã bị phóng đại lên nhiều lần.
Các nhà khoa học Nga tính toán lại công suất của vụ nổ thiên thạch và kết luận: con số 500 kiloton theo ước tính của NASA đã tăng lên so với thực tế đến vài lần.
“Năng lượng được xác định là nằm trong khoảng 10 đến 500 kiloton, song theo chúng tôi chỉ có thể giới hạn trong khoảng 100-200 kiloton mà thôi, nghĩa là ít hơn 4 lần so với đánh giá của các đồng nghiệp Mỹ ở NASA. Một lần nữa, tôi xin nhấn mạnh là tất cả các tham số của thiên thạch nổ trên bầu trời Chelyabinsk thu thập được cho đến nay mới là sơ bộ nên sẽ được liên tục cập nhật và chỉnh sửa trên cơ sở các thông tin mới để phân tích”, ông Boris Shustov, Giám đốc Viện Thiên văn quốc gia, trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga, cho biết.
Đường kính của thiên thạch, theo ông Shustov không vượt quá 20m. “Thông thường, các thiên thạch mà kích thước chỉ tính bằng mét sẽ hoàn toàn bị phá hủy vì chuyển động chậm dần khi rơi vào khí quyển và bị đốt cháy ở độ cao 30-40km”, ông nói.
Hình ảnh thiên thạch trên bầu trời Nga hôm 15/2. Ảnh: Chelyabinsk.ru.
Hôm thứ ba vừa qua, Viện Thiên văn học trong một tuyên bố chung với Viện Động học sinh quyển cũng thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga đề xuất: Cần thu thập dữ liệu và thông tin khách quan về các đặc trưng động học và vật lý của vật thể vũ trụ này.
Bản tuyên bố đề nghị các nhà thiên văn học chia sẻ các videoclip và những bức ảnh có trong tay cùng những vật chứng khác của thiên thạch để cùng với họ hợp tác nghiên cứu và hứa về phần mình sẽ công bố tất cả những tư liệu đang nắm giữ về hiện tượng thiên văn hiếm hoi này.
Video đang HOT
Trong khi thiên văn học đang cố gắng tìm hiểu tất cả các sự kiện và số liệu liên quan đến vụ nổ thiên thạch tại Chelyabinsk, chính phủ Liên bang Nga vẫn vẫn tiếp tục bàn thảo về các biện pháp bảo vệ dân chúng khỏi những vụ tấn công tương tự của “những người khách từ vũ trụ”.
Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Nikolai Patrushev đã kêu gọi quốc tế khẩn cấp để đưa ra một chương trình chung để đối phó trước các nguy cơ rơi xuống Trái đất của các tiểu hành tinh. “Để chống lại các mối đe dọa, cần có sự hợp tác liên quốc gia, về dự báo, giám sát và phân tích tình hình trong khoảng không gian gần Trái đất”, ông nói.
Trên trang mạng xã hội Twitter của mình, phó Thủ tướng Chính phủ LB Nga Dmitry Rogozin hôm thứ ba 20/2 cũng đã nghiêm khắc khiển trách các viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga đã không đưa ra được các chương trình bảo vệ nước Nga trong trường hợp khẩn cấp, nằm trong một kế hoạch lớn chống những nguy cơ từ vũ trụ đã được cấp với kinh phí lên tới 58 tỷ Rúp.
Theo 24h
Tại sao radar của Nga "mù" thiên thạch?
Dư luận hiện đang đặt ra câu hỏi tại sao các hệ thống radar phòng thủ tên lửa hùng mạnh của Nga đã không phát hiện ra thiên thạch gây họa ở nước này sáng ngày 15/2.
Gần 1.200 người đã bị thương khi tảng thiên thạch có đường kính khoảng 15 mét, nặng xấp xỉ 10.000 tấn đâm xuyên bầu khí quyển Trái đất và phát nổ ở độ cao 19 - 24 km so với mặt đất, gây ra đám mưa thiên thạch trên bầu trời của các vùng Chelyabinks, Tyumen, Kyrgan, Sverdlovskà và nhiều địa phương khác dọc rặng núi Ural.
Người ta ước tính rằng, khi phát nổ phía trên rặng núi Ural, tảng thiên thạch đã tạo ra xung lực khoảng 500 kiloton, có sức công phá gấp 25 lần quả bom nguyên tử Mỹ đã ném xuống Nagasaki (Nhật) năm 1945.
Sau sự cố, giới chính khách Nga kêu gọi các cường quốc trên thế giới khẩn thiết phát triển công nghệ nhận diện thiên thạch và tiểu hành tinh đe dọa Trái đất của chúng ta.
Sau khi nổ tung, một mảnh thiên thạch rơi xuống thành phố Chelyabinks. Ảnh: Siberian Times
Tuy nhiên, trước thực tế rằng Nga đang sở hữu một trong những hệ thống cảnh báo sớm công nghệ cao, tân tiến nhất trên Trái đất, nhiều người tự hỏi tại sao siêu cường hạt nhân này lại không có khả năng phát hiện ra mối họa sắp tới.
Các chuyên gia thuộc Dự án Các lực lượng hạt nhân Nga - tổ chức có trong tay thông tin đáng tin cậy về kho dự trữ hạt nhân cũng như mọi hệ thống vũ khí liên lục địa của chính phủ Moscow - đã cố gắng lý giải tại sao tảng thiên thạch có kích thước tương đối lớn lại có thể "qua mặt" hệ thống giám sát.
Nhóm chuyên gia Nga đã công bố một bức ảnh cho thấy khả năng quan sát không gian của các hệ thống radar của nước này xa tới mức nào. Họ tuyên bố, bất chấp kích thước của vật thể, các radar cảnh báo sớm "không bao giờ có cơ hội" phát hiện thiên thạch gây họa đặc biệt vì chúng không được thiết kế để khám phá các tảng đá bay vút vào từ ngoài không gian.
Như nhìn thấy trong bức ảnh cũng như một tập tin đăng tải kèm theo chụp từ Google Earth, các hệ thống radar của Nga đã bỏ qua độ cong của Trái đất và quét các khu vực hình quạt kéo dài qua bầu khí quyển của hành tinh chúng ta.
Tập tin của Google Earth cho thấy các phạm vi quét của các radar cảnh báo sớm của Nga. Đường thẳng màu xanh được cho là đường di chuyển của thiên thạch.
Giả sử tảng thiên thạch đi theo một quỹ đạo thẳng khi va chạm với Nga, với một góc vào khoảng 15 độ, một nhà nghiên cứu viết: "Như có thể thấy trong bức ảnh, thiên thạch đã nằm ngoài vùng quan sát của radar Pechora và nằm phía dưới đường chân trời khi quan sát từ Moscow, nên radar Don-2N cũng không thể nhìn thấy nó.
Radar Dnepr có thể phát hiện được thiên thạch nếu hướng nhìn lên nhưng nó đã không làm điều đó. Với tư cách là một radar cảnh báo sớm, nhiệm vụ của Dnepr là khảo sát dải không gian hẹp ngay phía trên đường chân trời, nơi một tên lửa đạn đạo có thể vượt qua nếu được phóng đi.
Các radar trên luôn luôn và cũng không cần phải quan tâm nhiều đến thứ gì khác. Chúng không có nghĩa vụ phải liên tục theo dõi toàn bộ bầu trời - một việc lãng phí năng lượng và làm giảm phạm vi phát hiện hiệu quả.
Một hệ thống radar cảnh báo sớm có thể nhìn thấy các vật thể ở độ cao lớn hơn (tới 34,5 độ như trong trường hợp của radar Dnepr) và sẽ thực hiện điều đó nếu được yêu cầu giám sát một vệ tinh. Dẫu vậy, bạn sẽ phải yêu cầu và do không ai nhận thấy tảng thiên thạch đang tới nên không ai làm chuyện đó".
Nhà nghiên cứu này nói thêm rằng, tập tin của Google Earth cũng cho thấy cả phạm vi quét của radar Krasnoyarsk nhưng nó cũng đã để thiên thạch "lọt lưới".
Vì vậy, theo nhà nghiên cứu giấu tên, không có bất cứ sai sót nào đối với hệ thống phòng thủ tên lửa và cảnh báo sớm của Nga. Lí do thiên thạch không bị phát hiện rất đơn giản: nó không phải là tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Nhà nghiên cứu kết thúc bài viết của mình bằng một lưu ý tích cực về sự an toàn của thế giới bất chấp số vũ khí hạt nhân sẵn có trong các kho dự trữ của Nga và Mỹ: "Nó vẫn đặt ra một câu hỏi thú vị. Điều gì xảy ra nếu bạn nhìn thấy một vụ nổ 500 kiloton trên (hoặc phía trên) mảnh đất của mình và không biết đó là gì và đến từ đâu? Tôi đoán chúng ta hiện đều biết người Nga sắp làm gì - họ sẽ nhanh chóng cho đăng tải các video về camera điều khiển của mình lên trang Youtube".
Theo 24h
Nga: Người dân rao bán "thiên thạch" Trong chuyến khảo sát khoa học ngày 17/2, các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Liên bang Ural (Nga) đã phát hiện trong khu vực hồ Chebarkul 53 mảnh vỡ của thiên thạch đã nổ trên bầu trời khu vực Chelyabinsk. Các nhà khoa học đã tiến hành phân tích các mảnh vỡ tìm được và khẳng định chúng có nguồn gốc...