NASA công bố kế hoạch “định cư” lâu dài trên Sao Hỏa
Cơ quan hàng không vũ trụ NASA (Mỹ) vừa công bố bản kế hoạch định cư chi tiết trên Sao Hỏa, nhằm đưa con người lên hành tinh Đỏ sinh sống và làm việc, hoàn toàn độc lập với Trái Đất trong 25 năm tới.
Một căn cứ định cư cho con người có thể được lập ra trên sao Hỏa vào thập niên 2030 (Ảnh: GETTY)
Trong bản kế hoạch mang tên “Hành trình lên Sao Hỏa”, NASA sẽ lập ra các căn cứ định cư cho con người trên Sao Hỏa vào thập niên 2030, gọi đây là sứ mệnh “lịch sử” giống việc định cư sang châu Mỹ hay quá trình khám phá Mặt Trăng trước đó, tờ Telegraph đưa tin.
“Giống chương trình Apollo, chúng tôi sẽ tập trung hành trình này vì mục tiêu chung cho nhân loại, nhưng điểm khác biệt ở chỗ chúng ta sẽ định cư lên đó. Trong vài thập niên tới, NASA sẽ từng bước đưa con người lên định cư lên sao Hỏa”, NASA cho biết.
Theo bản kế hoạch dài 36 trang, NASA sẽ lựa chọn các đối tượng có khả năng làm việc, học tập và định cư một cách an toàn ngoài Trái Đất trong khoảng thời gian dài. Bất kỳ hành trình nào di cư lên hành tinh Đỏ sẽ phải mất nhiều tháng và đối tượng nào muốn trở về Trái Đất sớm sẽ không được tuyển chọn.
Theo tờ Wall Street Journal, hành trình lên sao Hỏa và trở về Trái Đất có thể kéo dài hơn 1.000 ngày. Tuy nhiên, tổng ngân sách cụ thể cho kế hoạch trên không được tiết lộ.
NASA nhấn mạnh: “Những nỗ lực hiện nay và trong vài thập niên tới sẽ đặt nền móng cho việc định cư lâu dài ngoài Trái Đất. Sinh sống và làm việc trong vũ trụ đòi hỏi việc chấp nhận những rủi ro nhất định”.
NASA chia hành trình định cư lên sao Hỏa ra làm ba giai đoạn: “giai đoạn chuẩn bị trên Trái Đất”, “giai đoạn xây dựng căn cứ trên sao Hỏa” và “giai đoạn định cư”.
Video đang HOT
Một nghệ sĩ tưởng tượng về các module định cư trên sao Hỏa (Ảnh: telegraph)
Trong những thập niên tới, Cơ quan hàng không vũ trụ NASA (Mỹ) sẽ tiếp tục thu thập dữ liệu từ các cuộc thử nghiệm trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) và sau đó đưa phi hành đoàn sinh sống lâu hơn ngoài vũ trụ mà không gặp vấn đề về sức khỏe (do phóng xạ vũ trụ và tác động của trạng thái mất trọng lực trên đó).
Hiện nay, khoảng thời gian các phi hành gia sinh sống ngoài vũ trụ là rất hạn chế bởi lo ngại về phóng xạ trong vũ trụ có thể gây bệnh ung thư. Rất nhiều phi hành gia sau khi trở lại Trái Đất từ vũ trụ phải đeo kính vì hiện tượng mất trọng lực đã gây áp lực lên tế bào thần kinh thị giác. Ngoài ra, các nhà du hành vũ trụ còn gặp những vấn đề về sinh sản.
Thử nghiệm đầu tiên sẽ được tiến hành ngoài Trạm vũ trụ quốc tế, gần Mặt Trăng trước khi bắt đầu những sứ mệnh trên sao Hỏa. Bước cuối cùng là đưa con người lên quỹ đạo của sao Hỏa hay một trong số tiểu vệ tinh của nó, trước khi phi hành gia đặt chân chính thức trên hành tinh Đỏ và việc thiết kế dùng không gian 3 chiều để lập ra các căn cứ định cư.
Bề mặt sao Hỏa (Ảnh: Nasa/JPL/University of Arizona)
“NASA đang gần hơn bao giờ hết thời khắc trong lịch sử trong việc đưa các nhà du hành vũ trụ Mỹ lên sao Hỏa”, Giám đốc Trung tâm hàng không vũ trụ NASA Charles Bolden cho hay.
“Ngày hôm nay chúng tôi công bố chi tiết kế hoạch hành trình lên sao Hỏa và những cách thức chúng ta phối hợp với nhau để đạt được mục tiêu trên. Trong vài tuần tới, tôi sẽ thảo luận bản kế hoạch chi tiết với các nghị sĩ Mỹ cũng như các đối tác quốc tế, rất nhiều trong số họ sẽ có mặt trong Hội nghị vũ trụ quốc tế vào tuần tới”, ông Bolden chia sẻ.
NASA cũng cam kết sẽ thiết kế hệ thống vận tải mới, đủ mạnh có thể chạy bằng động cơ sử dụng năng lượng Mặt Trời, tiếp đến sử dụng năng lượng này để đưa tàu vũ trụ tiến xa hơn vào vũ trụ. Các tàu vận chuyển hàng hóa cũng sẽ đưa lên sao Hỏa và quá trình này có thể mất hàng tháng, thậm chí hàng năm trước khi con người có thể đặt chân lên đó.
“Chiến lược của NASA là vừa kết hợp các hoạt động ngắn hạn vừa tiến hành chuẩn bị cho hành trình lên sao Hỏa và đưa con người định cư trong tương lai”, William Gerstenmaier, trợ lý Giám đốc về Nhân sự và Hoạt động trại Trung tâm Hàng không vũ trụ NASA, tiết lộ.
Các dòng sông muối đang tuôn chảy trên sao Hỏa (Ảnh: Nasa/JPL/University of Arizona)
NASA kết luận: “NASA và các đối tác sẽ hợp tác tìm giải pháp và lời giải cho những vấn đề hắc búa của nhân loại để chứng minh tồn tại sự sống ngoài Trái Đất và liệu sao Hỏa có tồn tại vi sinh vật sống trên đó? Và liệu sao Hỏa sẽ là ngôi nhà trú ngụ an toàn cho con người một ngày không xa trong tương lai?”
Hiện NASA đang gặp phải một sự thách thức khác, đó là Dự án sao Hỏa 1 do một tổ chức phi lợi nhuận của Hà Lan táo bạo đề xuất sẽ đưa con người lên hành tinh Đỏ cũng như lập ra các căn cứ định cư trên đó trước năm 2027.
Vũ Duy
Theo Dantri/Telegraph/ Wall Street Journal
NASA sắp đưa con người lên khám phá sao Hoả
NASA cho biết, họ có kế hoạch đưa con người lên sao Hoả trong vài thập kỷ tới. Nhiệm vụ khám phá sao Hoả sẽ được thực hiện trong 3 giai đoạn và đòi hỏi nhiều nghiên cứu sâu hơn nữa.
Di chuyển con người đến một địa phận "Độc lập với Trái đất" sẽ là nhiệm vụ cuối cùng sau nhiều năm nghiên cứu. NASA cho biết kế hoạch này sẽ được hoàn thành sớm nhất vào sau năm 2030. Hiện tại, NASA đã đặt ra một kế hoạch có tên là: "Hành trình tới sao Hoả của NASA - Bước tiên phong tiếp theo trong Thám hiểm không gian".
Kế hoạch này bao gồm 3 giai đoạn chính. Đầu tiên là Earth Reliant: khi nào thích hợp để con người đặt chân lên sao Hoả; giai đoạn tiếp theo có tên là Proving Ground, thời điểm này sẽ diễn ra các hoạt động thử nghiệm đưa con người vào không gian sâu thẳm, tuy nhiên môi trường thử nghiệm sẽ cho phép con người trở về Trái đất trong vài ngày.
Một phần của bề mặt sao Hỏa được tàu vũ trụ Reconnaissance gửi về.
Những nhà khoa học hi vọng 2 giai đoạn đầu tiên sẽ được tiến hành thuận lợi để đi đến giai đoạn cuối cùng là đưa con người lên sao Hoả. Nếu như thành công, đây sẽ là "thành tựu toàn cầu đánh dấu bước chuyển quan trọng trong việc mở rộng không gian sống của nhân loại. Chúng ta sẽ không chỉ đến thăm sao Hoả, mà còn có thể ở lại đó".
Khi đó, con người sẽ sống và làm việc trong môi trường nhận được "sự hỗ trợ từ Trái đất với sự bảo dưỡng định kỳ. Họ sẽ thu hoạch các tài nguyên từ sao Hoả để tạo ra nước, nhiên liệu oxy và vật liệu xây dựng. Đồng thời, có thể sử dụng hệ thống thông tin tiên tiến để truyền về Trái đất trong khoảng thời gian 20 phút".
Nhưng trước khi bước vào giai đoạn tuyệt vời đó, họ phải bắt đầu nghiên cứu giai đoạn đầu tiên Earth Reliant. Những nghiên cứu này sẽ được tiến hành hoàn toàn dựa trên những tín hiệu gửi về từ Trạm vũ trụ quốc tế, đảm bảo các thiết bị hoạt động hiệu quả, tính toán chính xác các vấn đề về thời gian trong không gian.
Sau đó, khi các nghiên cứu số liệu đều khả quan, các nhà khoa học sẽ bước sang giai đoạn thứ 2 là Proving Ground. Trong giai đoạn này, người ta sẽ thử nghiệm đưa con người vào không gian xa xôi hơn, theo hướng về phía sao Hoả . Khi con người thực sự có thể đến được sao Hoả, các nhà khoa học sẽ tiếp tục nghiên cứu sâu hơn.
Báo cáo kết luận: "NASA và các đối tác đang làm việc khẩn trương mỗi ngày, do đó chúng ta có thể trả lời một số câu hỏi cơ bản của con người về sự sống bên ngoài Trái đất. Sao Hoả có sự tồn tại của các loài sinh vật hay không? Nơi đó có thật sự là nơi khả quan cho sự sống của con người? Những nghiên cứu sẽ cho chúng ta biết về quá khứ, hiện tại và tương lai của Trái đất".
PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo Independent)
Theo DSPL
Sao Hỏa có nước: Hi vọng có sự sống ngoài Trái đất? Tuyên bố tìm thấy nước trên sao Hỏa của NASA đã làm dấy lên hi vọng sự sống ngoài Trái đất, AFP đưa tin ngày 29.9. Ảnh phác họa một chiếc phi thuyền bay gần Sao Hỏa của NASA - Ảnh: Reuters Hành trình tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất vừa nhận được một khích lệ rất lớn từ tuyên bố mới...