Naomi Osaka và cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc
Những chiếc khẩu trang mang thông điệp chống nạn phân biệt chủng tộc trong suốt hành trình tại US Open 2020 khiến Naomi Osaka trở thành nhà vô địch đặc biệt nhất của giải Grand Slam trên đất Mỹ.
Rạng sáng 13/9, tay vợt nguời Nhật Bản Naomi Osaka ngược dòng, đánh bại cựu số 1 thế giới Victoria Azarenka (Belarus) với tỷ số 2-1 (1-6, 6-3, 6-3) sau gần 2 giờ để đăng quang US Open 2020. Đây là chức vô địch US Open thứ hai (lần đầu năm 2018) và danh hiệu Grand Slam thứ ba trong sự nghiệp của tay vợt 22 tuổi.
Hạt giống số 4 cho biết, cô đã buộc phải điều chỉnh suy nghĩ theo hướng tích cực, sau khi nhận thất bại chóng vánh 1-6 chỉ sau 26 phút, rồi bị dẫn trước 3-0 trong set thứ 2, nhưng đã chiến đấu quật cường để giành chiến thắng chung cuộc trước cựu số 1 thế giới.
“Tôi sẽ rất xấu hổ nếu thua trận này trong vòng chưa đầy một giờ đồng hồ, nên tôi đã cố gắng hết sức và không nghĩ về những điều tồi tệ nữa”, Osaka chia sẻ bí quyết lội ngược dòng thành công.
Đã 25 năm trôi qua kể từ khi một tay vợt nữ thua set đầu tiên trong trận chung kết US Open, nhưng vẫn giành chiến thắng chung cuộc. Trước Osaka, Arantxa Sanchez Vicario làm được điều đó khi đánh bại Steffi Graf hồi năm 1994.
Video đang HOT
Osaka sinh năm 1997 tại Nhật Bản. Mẹ cô là người Nhật, còn cha là người Haiti. Năm 3 tuổi, cả gia đình Osaka chuyển đến Mỹ. Osaka, sinh sống tại California, đến với US Open với mục tiêu trở lại ngôi vương, nhưng quan trọng hơn, cô muốn góp tiếng nói chống phân biệt chủng tộc đang hoành hành ở Mỹ.
Xuyên suốt hành trình tại US Open 2020, Osaka đã đeo 7 chiếc khẩu trang khác nhau ở mỗi vòng đấu. Điểm đặc biệt là mỗi chiếc khẩu trang đều in tên của một nạn nhân da màu người Mỹ, với thông điệp chống nạn phân biệt chủng tộc.
Chiếc khẩu trang đầu tiên in tên Breonna Taylor – một phụ nữ da màu bị cảnh sát bắn chết tại Louisville, Kentucky. Tiếp đến là Elijah McClain, Trayvon Martin, Ahmaud Arbery, George Floyd, Philando Castile và cuối cùng là Tamir Rice, một cậu bé da màu 12 tuổi bị cảnh sát hại chết ở Ohio năm 2014.
Tháng trước, Osaka tham gia chiến dịch tẩy chay thi đấu của các VĐV Mỹ để phản đối sự bất công về chủng tộc và lên án các cuộc bạo lực của cảnh sát đối với người da màu ở Mỹ, bằng cách rút lui khỏi trận bán kết Western và Southern Open. HLV Wim Fissette của cô cho biết, chính cuộc đấu tranh này đã giúp Osaka được tiếp thêm năng lượng và tinh thần thi đấu trong các trận đấu.
Á quân Mỹ Mở rộng 2020 từng bỏ tennis để bên con
Tay vợt người Belarus Victoria Azarenka sinh con năm 2016 và nhiều năm sau đó phải bỏ tennis để đấu tranh giành quyền nuôi con.
Victoria Azarenka vừa giành ngôi Á quân đơn nữ Mỹ Mở rộng năm nay sau khi để thua ngược Naomi Osaka 1-2 trong trận chung kết tối 12/9. Đây là giải Grand Slam đầu tiên mà cựu số một thế giới người Belarus tham dự kể từ năm 2013 sau thời gian vật lộn với chấn thương, sinh con rồi bước vào cuộc chiến dai dẳng giành quyền nuôi con ba năm trước.
Á quân Mỹ mở rộng Victoria Azarenka và con trai. Ảnh: Instagram.
Á quân Mỹ Mở rộng 2020 và bạn trai cũ Billy McKeague lần đầu gặp gỡ ở Hawaii rồi dọn về sống chung trong biệt thự Azarenka mua ở California năm 2015. Cặp đôi đón con trai đầu lòng - bé Leo - tháng 12/2016. Tuy nhiên cả hai chia tay tháng 8/2017 và tranh chấp quyền nuôi con. Không mang quốc tịch Mỹ nên ban đầu tay vợt 31 tuổi không được mang bé Leo ra khỏi California khiến Azarenka phải rút lui khỏi mọi giải đấu cuối năm 2017 để được ở gần con. Đầu năm 2018, ngôi sao người Belarus có lợi thế trong cuộc chiến giành quyền nuôi con khi tòa án ở Los Angeles cho rằng trường hợp của Azarenka nên được xử ở Belarus quê nhà của cô.
"Tôi mong rằng không ai phải trải qua chuyện giống như tôi cả. Nhưng đó là một phần của cuộc sống và tôi vẫn còn may mắn. Tôi được tự do nhưng thực sự rất khó khăn trong việc chỉ tập trung vào tennis. Một ngày nào đó tôi sẽ viết sách về chuyện của mình bởi nó xứng đáng lên phim. Nhưng giờ tôi chỉ muốn giữ chút riêng tư", cựu số một thế giới chia sẻ tháng 4/2018 sau khi trở lại làng bóng nỉ.
Azarenka và bạn trai cũ Billy McKeague. Ảnh: Instagram.
Cũng trong năm 2018, tòa án phúc thẩm ở California lại cho phép tòa án tối cao Los Angeles được quyền xử các vụ tranh chấp giám hộ quyền nuôi con và có phán quyết ngược lại với quyết định của phiên tòa ở Belarus. Sau nhiều tranh cãi, cuối cùng Azarenka đã giành quyền nuôi con và nay cách ly cùng bé Leo suốt thời gian phong tỏa vì đại dịch.
Chia sẻ trên một trang web về tennis hồi tháng 5, Á quân Mỹ Mở rộng thổ lộ rằng bé Leo rất hiếu thắng. "Thằng bé luôn muốn chiến thắng mọi thứ. Không thể chơi với Leo nếu nó không chiếm ưu thế. Tôi cũng muốn giành chiến thắng nên đó cũng là thử thách", bà mẹ 31 tuổi vui vẻ chia sẻ. Azarenka còn đùa rằng cô phát điên mỗi lần phải giả vờ thua con trai.
Trước khi vào chung kết Mỹ Mở rộng năm nay và để thua Osaka, Azarenka vượt qua một bà mẹ nổi tiếng khác là Serena Williams ở bán kết. Tuần trước, cựu số một thế giới người Belarus bày tỏ sự ngưỡng mộ với các đồng nghiệp vừa chăm con vừa phấn đấu sự nghiệp và hy vọng câu chuyện của các bà mẹ làng tennis sẽ truyền cảm hứng cho phụ nữ khắp thế giới khi vừa thực hiện thiên chức vừa theo đuổi giấc mơ riêng.
Naomi Osaka và Victoria Azarenka đang là biểu tượng của làng tennis nữ, truyền thông điệp gây cảm hứng. Ảnh: USOpen.
Victoria Azarenka từng vô địch Australia Mở rộng 2012 và 2013, lá Á quân Mỹ Mở rộng 2012, 2013 và 2015. Cô từng tới Việt Nam dự một giải biểu diễn ở TP HCM năm 2012. Trong khi đó đối thủ Osaka cũng là cựu số một thế giới với hai lần đăng quang Grand Slam tại Mỹ Mở rộng 2018 và Australia Mở rộng 2019. Tay vợt 22 tuổi có mẹ là người Nhật Bản gây chú ý tại Mỹ Mở rộng năm nay khi công khai ủng hộ phong trào Black Lives Matter đòi bình đẳng cho người da màu. Osaka thường tới sân với khẩu trang màu đen in tên các nạn nhân da màu bị cảnh sát Mỹ hành hung, sát hại.
Những chiếc khẩu trang in tên nạn nhân da màu theo chân Osaka tới Mỹ mở rộng từ vòng đầu tới chung kết. Ảnh: Twitter.
Kỷ lục thu nhập của Sharapova bị đàn em vượt qua Naomi Osaka, tay vợt 22 tuổi người Nhật Bản, đã kiếm được hơn 37 triệu USD trong một năm, nhiều hơn bất kỳ vận động viên nữ nào trong lịch sử. Theo Forbes, tay vợt Nhật Bản kiếm được 37,4 triệu USD trong 12 tháng từ tiền thưởng các giải đấu và nhà tài trợ, nhiều hơn 1,4 triệu USD so với Serena...