Nanh vuốt ngày càng sắc nhọn của không quân Trung Quốc
Không quân Trung Quốc đang nhanh chóng thu hẹp khoảng cách về sức mạnh với Mỹ.
Chiến đấu cơ J-10 Trung Quốc. Ảnh: ausairpower.net
Căng thẳng trên Biển Đông cùng các cảnh báo liên tục về hoạt động quân sự hóa ngày càng gia tăng mà Trung Quốc thực hiện tại những khu vực tranh chấp đang khiến giới chuyên gia phân tích, hoạch định chiến lược Lầu Năm Góc phải chuyển hướng quan tâm, tập trung nhiều hơn vào sự thay đổi nhanh chóng của lực lượng không quân nước này, theo Scout Warrior.
Một bản đánh giá do các quan chức Lầu Năm Góc và Quốc hội Mỹ công bố năm 2014 khẳng định, Washington từng giành thế áp đảo trươc Bắc Kinh về sức mạnh không quân, nhưng nay, khoảng cách ấy dần bị thu hẹp trước tốc độ hiện đại hóa quân sự nhanh chóng của Trung Quốc. Bên cạnh việc đưa ra những nhận xét về cán cân quân sự giữa hai nước, tài liệu trên còn cung cấp hàng loạt khuyến nghị liên quan tới kế hoạch phát triển quân đội và sử dụng ngân sách Mỹ.
Dù ra đời từ hai năm trước, văn bản này đến nay vẫn còn nguyên giá trị bởi nó góp phần tái hiện một cách rõ nét những bước phát triển đáng chú ý của không quân Trung Quốc, quan sát viên quân sự Kris Osborn nhận định.
Bước chuyển mình
Theo bản đánh giá, quân đội Trung Quốc hiện có khoảng 2.200 máy bay, trong đó, 600 chiếc được cho là tương đối hiện đại.
“Vào đầu những năm 1990, Bắc Kinh khởi động chương trình hiện đại hóa quân đội toàn diện nhằm nâng cấp không quân từ một lực lượng hoạt động tầm gần theo định hướng phòng vệ thành một lực lượng đa nhiệm, tân tiến, có khả năng vừa tiến hành các cuộc tấn công chính xác tại những địa điểm bên ngoài biên giới Trung Quốc, vừa đảm nhận nhiệm vụ phòng không, phòng thủ tên lửa, đồng thời cung cấp cảnh báo sớm”, bản đánh giá cho biết.
Về mảng máy bay tàng hình Trung Quốc, tài liệu đặc biệt quan tâm đến nguyên mẫu chiến đấu cơ tàng hình J-20, miêu tả đây là chiếc phi cơ hiện đại hơn tất cả các máy bay đang được triển khai ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Bắc Kinh cũng đang thử nghiệm một biến thể chiến đấu cơ tàng hình khác, nhỏ gọn hơn, với định danh J-31. Tuy nhiên, mục đích sử dụng của nó vẫn chưa thực sự rõ ràng.
Theo một số báo cáo, Trung Quốc năm 2014 cho ra mắt J-31 tại triển lãm hàng không Chu Hải. Thế nhưng, nhiều nhà phân tích chỉ ra rằng hiện chưa thể xác định liệu nó có đủ khả năng cạnh tranh về công nghệ với mẫu chiến đấu cơ F-35 của Mỹ hay không.
Video đang HOT
Chiến đấu cơ J-31 trong một cuộc thử nghiệm. Ảnh: Creative Commons
Dù vậy, ưu thế về vũ khí công nghệ cao mà Mỹ vẫn tự hào đang suy giảm nhanh chóng. Để minh chứng cho điều này, bản báo cáo dẫn lại bình luận của một nhà phân tích, so sánh khoảng cách thực lực chiến đấu cơ Mỹ – Trung từ hơn 20 năm trước với ngày nay.
Ông này cho hay, năm 1995, những chiến đấu cơ F-15, F-16 hay F/A-18 của không quân Mỹ luôn tỏ ra áp đảo trước J-6 Trung Quốc. Nhưng nay, các máy bay chiến đấu J-10 hay J-11 Trung Quốc lại sở hữu sức mạnh gần như tương đương những mẫu F-15 cải tiến của Mỹ.
Ngoài J-10 và J-11, Trung Quốc còn nắm trong tay những chiến đấu cơ Su-27, Su-30 do Nga sản xuất, đồng thời chuẩn bị sắm thêm cả các mẫu tiêm kích Su-35 mới.
Theo bản đánh giá, Su-35 là một máy bay vô cùng linh hoạt và có khả năng chiến đấu cao, sẽ tăng cường đáng kể phạm vi hoạt động cũng như sức chứa nhiên liệu của phi đội chiến đấu cơ Trung Quốc hiện tại. Vì thế, nó sẽ giúp Trung Quốc thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ trên không ở Eo biển Đài Loan, biển Hoa Đông hay Biển Đông. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn có thể tháo rời chiếc máy bay này để tiến hành nghiên cứu, sao chép để tự chế tạo các mẫu chiến đấu cơ tương lai.
Mặt khác, Trung Quốc 15 năm qua cũng đạt được những bước tiến bộ vượt bậc về công nghệ tên lửa không đối không.
“Tất cả chiến đấu cơ Trung Quốc vào năm 2000, ngoại trừ các mẫu Su-27, đều gặp vấn đề về phạm vi hoạt động của tên lửa. Tuy nhiên, 15 năm qua, Trung Quốc đã sở hữu một số lượng nhất định tên lửa không đối không tầm trung và tầm ngắn tinh vi, vũ khí tấn công chính xác, bao gồm bom dẫn đường bằng vệ tinh trong mọi điều kiện thời tiết, tên lửa chống bức xạ và bom dẫn đường bằng laser, cùng tên lửa hành trình tầm xa phóng trên không, tấn công mặt đất hiện đại hay tên lửa hành trình chống hạm”, bản đánh giá viết.
Máy bay vận tải chiến lược mới Y-20 mà Bắc Kinh đang thử nghiệm là một điểm đáng chú ý khác trong kho khí tài quân sự Trung Quốc, theo các chuyên gia Mỹ. Y-20 có tải trọng gấp ba lần mẫu máy bay vận tải C-130 của không quân Mỹ. Các kỹ sư Trung Quốc còn có thể cải tạo chúng thành máy bay tiếp dầu, giúp gia tăng phạm vi hoạt động của lực lượng không quân.
Quy mô phi đội máy bay chở nhiên liệu của Trung Quốc hiện tương đối nhỏ, đa phần vẫn thiếu chức năng tiếp dầu trên không. Đây là một điểm bất lợi lớn đối với khả năng tác chiến tại những khu vực xa xôi.
Trung Quốc hồi năm 2014 được cho là đã đặt mua 4 tổ hợp phòng không thế hệ mới S-400 Triumf từ Nga. Hệ thống này có khả năng đánh chặn nhiều loại mục tiêu trên không, bao gồm máy bay, trực thăng, thiết bị bay không người lái cũng như tên lửa đạn đạo chiến thuật có vận tốc 4.800 m/s.
S-400 sẽ mở rộng gấp hơn hai lần phạm vi bao phủ của hệ thống phòng không Trung Quốc, từ 200 km lên 400 km, đủ lớn để vươn tới cả Đài Loan, quần đảo Senkaku và một phần Biển Đông, bản đánh giá nhấn mạnh.
Ngoài ra, bản đánh giá không quên liệt kê các thông tin liên quan đến kho vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa Trung Quốc, ví dụ như tên lửa DF-31, DF-31A hay mẫu DF-41 đang phát triển. Bắc Kinh được cho là đang nắm giữ một số tên lửa đạn đạo liên lục địa lưu động, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Sách Xanh Ngoại giao Nhật Bản quan ngại Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông
Nhật Bản quan ngại về sự quân sự hóa nhanh chóng của Trung Quốc, bao gồm hoạt động xây dựng tiền đồn và sử dụng quân đội trên Biển Đông.
Hình ảnh vệ tinh chụp đường băng phi pháp Trung Quốc xây trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: CSIS/Reuters
Đó là một trong những nội dung quan trọng được đề cập trong sách Xanh Ngoại giao Nhật Bản năm 2016, được Ngoại trưởng Fumio Kishida trình lên nội các nước này ngày 15.4, theo báo The Mainichi (Nhật Bản).
Quan ngại hành động đơn phương của Trung Quốc
Sách Xanh Ngoại giao năm 2016 nêu rõ Nhật Bản phải "phối hợp với cộng đồng quốc tế để bảo vệ hàng hải tự do, rộng mở và hòa bình", trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có hành động quyết liệt và hung hăng trên Biển Đông.
The Mainichi dẫn sách Xanh Ngoại giao khẳng định nhiều quốc gia, trong đó có Nhật Bản đã bày tỏ quan ngại về các hành động đơn phương của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng trên Biển Đông. Các hành động của Trung Quốc gồm cải tạo đất với quy mô lớn và nhanh chóng thành các đảo nhân tạo, xây dựng các tiền đồn phục vụ cho mục đích quân sự.
Đối với Nhật Bản, vấn đề tranh chấp trên Biển Đông và những hành động của Bắc Kinh khiến nước này cũng "vô cùng quan ngại" bởi Tokyo đang tìm kiếm sự an toàn cho tuyến đường biển, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông vì nước này phụ thuộc vào nhập khẩu nguồn năng lượng qua đường biển.
Sách Xanh Ngoại giao Nhật Bản được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc thời gian qua liên tục khiến tình hình Biển Đông thêm phức tạp khi xây dựng đường băng, bố trí rada, tên lửa phòng, những hành động được coi là quân sự hóa rất rõ ràng. Trung Quốc không chỉ phớt lờ những chỉ trích của dư luận mà còn coi những nước như Mỹ, Nhật Bản là những "kẻ ngoài cuộc".
Ngoại trưởng Fumio Kishida trình lên nội các Nhật Bản sách Xanh Ngoại giao năm 2016 vào ngày 15.4 - Ảnh: Reuters
Bên cạnh vấn đề Biển Đông, sách Xanh Ngoại giao Nhật Bản cũng nhắc tới vấn đề tranh chấp trên biển Hoa Đông, khẳng định nước này quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải, đồng thời chỉ trích việc tàu thuyền Trung Quốc thường xuyên xâm nhập lãnh hải gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
Mặc dù vậy, Nhật Bản vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đối thoại với Trung Quốc, nói rằng quan hệ với Bắc Kinh là "một trong những mối quan hệ song phương quan trọng nhất" của Nhật Bản. Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ với Trung Quốc thông qua đối thoại và hợp tác ở các cấp độ khác nhau và cả hai nước chia sẻ trách nhiệm đối với sự hòa bình, ổn định của khu vực và quốc tế.
Quan hệ với Nga, Hàn Quốc, Triều Tiên
Sách Xanh Ngoại giao Nhật Bản cũng không quên đề cập đến mối quan hệ với nước láng giềng Hàn Quốc, Nga cũng như mối đe dọa từ phía Triều Tiên.
Cụ thể, trong quan hệ với Hàn Quốc, sách Xanh nêu rõ quan hệ này sẽ bước sang một "kỷ nguyên mới" "theo định hướng tương lai" sau khi hai nước ký thỏa thuận song phương năm 2015 nhằm giải quyết vấn đề phụ nữ Hàn Quốc bị ép mua vui cho quân đội Nhật Bản trong thời chiến. Nhật Bản coi Hàn Quốc là "nước láng giềng quan trọng nhất", cùng chia sẻ những lợi ích chiến lược và mối quan hệ hữu nghị Nhật - Hàn là cần thiết đối với sự hòa bình, ổn định của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Quần đảo Dokdo/Takeshima tranh chấp giữa Hàn Quốc và Nhật Bản - Ảnh: Reuters
Mặc dù vậy, Nhật Bản vẫn giữ nguyên lập trường đối với quần đảo đang tranh chấp với Hàn Quốc rằng Takeshima/Dokdo là phần lãnh thổ của Nhật Bản "dựa trên bằng chứng lịch sử và luật pháp quốc tế".
Liên quan đến quan hệ với Nga, sách Xanh nhấn mạnh Thủ tướng Nhật bản Shinzo Abe mong muốn thúc đẩy các cuộc đàm phán nhằm giải quyết tranh chấp lãnh thổ kéo dài hàng chục năm nay về quần đảo tranh chấp Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phía bắc. Nhật Bản cho rằng việc thiết lập quan hệ với Nga góp phần củng cố lợi ích của Nhật Bản và thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng tại khu vực. Nhật Bản cũng mong muốn được đón tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin vào một ngày thích hợp nhất.
Đề cập đến vấn đề Triều Tiên, Nhật Bản coi sự phát triển hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng là nguồn cơn của mối đe dọa trực tiếp và nghiêm trọng đối với sự an toàn của Tokyo. Nhật Bản sẽ "hối thúc mạnh mẽ để Triều Tiên cụ thể hóa các hành động nhằm hướng tới phi hạt nhân hóa".
Ngọc Mai
Theo Thanhnien
Nhật đồng ý cho Philippines thuê máy bay tuần tra Biển Đông Nhật sẽ cho Philippines thuê các máy bay TC-90, một dấu hiệu cho thấy hai nước đang tăng cường hợp tác quân sự đối phó với sức ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc. Máy bay TC-90. Ảnh: BY-ND Thỏa thuận được nhất trí chiều 2/5, trong cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Gen Nakatani và người đồng cấp Philippines...