Nâng mức độ cảnh báo, nhiều đối tượng không được phép rời khỏi Bắc Kinh
Chính quyền thành phố cũng yêu cầu các thư viện, bảo tàng và công viên trong thành phố chỉ mở cửa cho 30% lượng khách so với thông thường.
Tại buổi họp báo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 (Tiểu tổ lãnh đạo) thành phố Bắc Kinh tổ chức tối ngày 16/6 cho biết, do diễn biến của tình hình dịch Covid-19, Ban chỉ đạo đã nâng mức độ cảnh báo tình trạng khẩn cấp y tế cộng đồng của thành phố từ mức 3 lên mức 2, hàng loạt các biện pháp nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan sẽ được triển khai, trong đó nhiều đối tượng sẽ không được phép rời khỏi Bắc Kinh.
Phát biểu tại cuộc họp báo tối 16/6, Phó Tổng thư ký chính quyền thành phố Bắc Kinh Trần Bội cho biết, nhằm ứng phó với những diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19, chính quyền thành phố đã quyết định nâng mức cảnh báo tình trạng khẩn cấp y tế cộng đồng từ mức 3 lên mức 2, với hàng loạt các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt sẽ được triển khai nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.
Theo đó, những người ở trong các khu vực có mức độ cảnh báo nguy cơ trung bình và cao, những người có liên quan đến chợ đầu mối Tân Phát Địa sẽ không được phép rời khỏi Bắc Kinh. Chính quyền cũng khuyến cáo người dân nếu không có nhu cầu cần thiết không nên rời khỏi Bắc Kinh, trong trường hợp phải rời Bắc Kinh cần có giấy xét nghiệm axit nucleic âm tính trong thời gian 7 ngày.
Các khu dân cư trên địa bàn thành phố sẽ tiếp tục mô hình quản lý khép kín, thực hiện cơ chế đăng ký, đo nhiệt độ, quét mã… một số khu dân cư ở các khu vực có cảnh báo nguy cơ trung bình và cao sẽ không cho phép người và phương tiện bên ngoài vào khu, trong khi đó một số khu dân cư ở các khu vực cảnh báo nguy cơ cao cũng chỉ cho phép người vào và không cho ra.
Chính quyền thành phố cũng yêu cầu các thư viện, bảo tàng và công viên trong thành phố chỉ mở cửa cho 30% lượng khách so với thông thường, các trường trung học và tiểu học trên địa bàn tạm đóng cửa và khôi phục hoạt động giảng dạy trực tuyến. Các dịch vụ taxi và đi xe chung ở thủ đô Bắc Kinh cũng chỉ được đón trả khách trong nội đô và cấm cung cấp dịch vụ ra khỏi thành phố. Một số tuyến xe khách liên tỉnh giữa Bắc Kinh và với các tỉnh lân cận như Hà Bắc, Sơn Đông, Nội Mông Cổ… cũng buộc phải tạm dừng.
Trước đó, theo thông tin từ Ban chỉ đạo, từ ngày 11/6 đến nay, tình hình dịch Covid-19 tại Bắc Kinh diễn biến phức tạp khi đã có 106 người nhiễm bệnh (đa phần liên quan đến ổ dịch Tân Phát Địa) và 10 trường hợp dương tính không triệu chứng./.
Video đang HOT
Ổ dịch Bắc Kinh lại đặt chợ thực phẩm vào 'tầm ngắm'
Covid-19 bùng phát liên quan tới chợ Tân Phát Địa ở Bắc Kinh đã dây lên câu hỏi về vấn đề vệ sinh và an toàn ở các khu chợ.
Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, với 21 triệu dân, đang đặt trong tình trạng như "thời chiến" để ngăn Covid-19 bùng phát bằng các biện pháp như xét nghiệm hàng loạt và truy vết lây nhiễm.
Cơ quan y tế cho biết 27 ca nhiễm mới đã được ghi nhận hôm 15/6, nâng tổng số ca nhiễm tại Bắc Kinh từ 11/6 lên 106 trường hợp. Thành phố trước đó đã trải qua 55 ngày không xuất hiện ca nhiễm mới trong cộng đồng.
Nhiều người đang liên tưởng điều này tới sự bùng phát dịch ban đầu ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, hồi tháng 12/2019, khi một cụm dịch có liên kết với chợ bán buôn hải sản Hoa Nam trong thành phố.
Malik Peiris, giáo sư virus học tại Đại học Hong Kong, cho biết nCoV có thể tồn tại nhiều tuần trong điều kiện ẩm ướt và nhiệt độ thấp như ở các khu chợ. Điều này kết hợp với lưu lượng người qua lại dày đặc tại chợ có thể khiến virus lây lan nhanh hơn.
"Đó là một môi trường lý tưởng, cho phép virus lây truyền dễ dàng và hiệu quả", Peiris nói.
Được mệnh danh là "giỏ rau củ của Bắc Kinh", Tân Phát Địa là chợ bán buôn thực phẩm lớn nhất châu Á, với diện tích khoảng 112 hecta ở quận Phong Đài, phía tây nam thành phố. Chợ gồm 2.000 gian hàng, bán các mặt hàng từ thịt, hải sản, tới trái cây và rau củ. Khu chợ này tiêu thụ hơn 3.000 con lợn và 1.500 tấn hải sản mỗi ngày, theo thông tin trên trang web chợ.
Theo giới chức Bắc Kinh, Tân Phát Địa có khoảng 15.000 lượt khách ghé thăm và khoảng 3.000 xe tải giao hàng mỗi ngày. Hiện khu chợ đã bị đóng cửa để tiến hành xét nghiệm và điều tra y tế.
Nhân viên an ninh đạp xe qua khu chợ Tân Phát Địa bị đóng cửa ở Bắc Kinh hôm 14/6. Ảnh: AFP.
Chợ Tân Phát Địa và Hoa Nam cũng có những điểm tương đồng. Cả hai đều bán đa dạng loại thực phẩm, bao gồm thịt và hải sản, và gần những trạm giao thông. Trạm xe buýt đường dài Tân Phát Địa nằm ngay cạnh khu chợ cùng tên, trong khi gần chợ Hoa Nam là hai trạm từ ga xe lửa Hán Khẩu ở Vũ Hán.
Tuy nhiên, chợ Hoa Nam nhỏ hơn nhiều so với Tân Phát Địa, khi có diện tích chỉ khoảng 5 hecta và khoảng 1.000 gian hàng.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Bắc Kinh cho biết dấu vết của nCoV đã được tìm thấy trên thớt dùng để chế biến cá hồi nhập khẩu tại chợ. Chuyên gia nhận định cá không phải nguồn lây truyền nhưng có thể đã bị nhiễm virus.
Một bài xã luận trên tạp chí Khoa học Thủy sản châu Á hồi tháng 4, của các nhà khoa học từ Liên Hợp Quốc và hàng chục quốc gia, bao gồm Trung Quốc và Mỹ, đã nói rằng nCoV chỉ có thể lây nhiễm ở động vật có vú. Không có bằng chứng cho thấy virus này có thể lây nhiễm cho cá hoặc hầu hết các động vật biển khác.
Tuy nhiên, giống như bất kỳ bề mặt nào khác, hải sản vẫn có thể bị nhiễm nCoV, đặc biệt là khi nó được những người nhiễm virus chế biến, bài xã luận khẳng định.
Peiris cho biết nCoV không có nguồn gốc từ cá, nhưng bao bì đóng gói có thể đã nhiễm virus. "Bản thân cá không có khả năng nhiễm nCoV. Tuy nhiên, bao bì và những thứ khác đều có thể", Peiris nói thêm.
Benjamin Cowling, giáo sư dịch tễ học tại Đại học Hong Kong, cho biết cá nhập khẩu đông lạnh có thể là nguồn lây nhiễm, song ông không chắc chắn hoàn toàn.
"Tôi nghĩ một nguồn khác có khả năng cao hơn là một người nhiễm nCoV không bị phát hiện đi từ nơi khác tới Bắc Kinh và khiến quá trình truyền nhiễm virus lan rộng ra thành phố", Cowling nói.
"Hơn 50 trường hợp đã được phát hiện sau khi tiến hành xét nghiệm hàng loạt, cho thấy những ca nhiễm không hoặc có triệu chứng nhẹ có thể dễ dàng không bị phát hiện", giáo sư tại Đại học Hong Kong nhận xét thêm.
Trong khi các khu chợ thực phẩm có điều kiện thuận lợi để bùng phát dịch, nhiều nhà nghiên cứu vẫn cho rằng những cụm dịch trong khu chợ ở Bắc Kinh và Vũ Hán có thể là do trùng hợp.
"Đây là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng tôi nghĩ đó có thể là một kịch bản lây truyền nCoV dễ dàng", Peiris nói. Trong khi đó, Cowling cho biết đã có nhiều cụm dịch ở nhiều địa điểm khác nhau, nhưng chỉ một số ít xảy ra tại các chợ.
Zhang Wenhong, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Hóa Sơn ở Thượng Hải, cho biết có sự tương đồng giữa các cụm dịch trong khu chợ ở Bắc Kinh và Vũ Hán. Cả hai đều xảy ra tại nơi đông đúc và không đủ hệ thống lọc gió.
Zhang cho hay sự khác biệt chính là ca nhiễm đầu tiên tại cụm dịch Bắc Kinh được chẩn đoán trong vòng một tuần và nhiều biện pháp xử lý cụm dịch nhanh chóng được thực hiện.
Tại Vũ Hán, giới chức y tế hôm 20/1 mới thông báo ghi nhận lây nhiễm nCoV từ người sang người, gần hai tháng sau khi xuất hiện ca nhiễm đầu tiên, Zhang nói thêm.
"Bởi vì rất nhiều người và phương tiện giao thông di chuyển qua Tân Phát Địa, có thể các cụm dịch mới đã xuất hiện ở nhiều nơi khác", Zhang cảnh báo.
COVID-19: Bắc Kinh truy dấu 200.000 người liên quan ổ dịch Tân Phát Địa Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) tăng mức cảnh báo và truy dấu nguồn dịch sau khi hàng chục ca COVID-19 mới được phát hiện tại chợ bán buôn Tân Phát Địa. Sau khi không có ca mắc bệnh mới trong gần 2 tháng, Bắc Kinh có thêm 79 ca trong 2 tuần gần đây, khi cụm dịch COVID-19 mới được phát hiện...