“Nàng Kiều” kỹ sư về quê trồng vườn dừa, khách tới ầm ầm
“Không hiểu sao ngay từ nhỏ, tôi đã bị cuốn hút về hình ảnh của những vườn dừa rộng lớn đất Bến Tre. Nhưng mãi đến năm 2013 tôi mới thực hiện được ước mơ làm du lịch vườn dừa của mình”-chị Đào Thị Diễm Kiều, chủ vườn dừa du lịch phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ thổ lộ.
Chuyện khởi nghiệp của cô kỹ sư
Sau khi tốt nghiệp khoa Điện tử – Viễn Thông, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ TP.Cần Thơ, cô kỹ sư trẻ đã bị gia đình phản đối quyết liệt trước ý định cất tấm bằng đại học để về quê làm du lịch miệt vườn với dự án trồng 500 cây dừa các loại.
Ông Đào Văn Lâm – ba của Kiều cho biết: “Hồi đầu tôi ngăn cản chuyện này lắm nhưng dần dà nghe con phân tích hướng phát triển cây dừa thành khu du lịch sinh thái, tôi mới chuyển sang ủng hộ…”.
Vườn dừa Tân Lộc do nữ kỹ sư Đào Thị Diễm Kiều xây dựng khang trang, sạch đẹp. Ảnh; Anh Thư
Từ đây 10.000m2 đất (10 công) đang trồng mận An Phước đã được Diễm Kiều phá bỏ để thay vào đó 1.000 cây dừa các loại. Dưới các ao mương, Kiều cho nạo vét sạch, thông thoáng và thả rất nhiều cá vừa phục vụ cho khách du lịch đến tham quan, vừa tăng thêm thu nhập.
Để vườn dừa của mình phát triển xanh tốt, trái nhiều, to, nước ngọt, cơm dầy, chị đã cất công sang huyện Chợ Lách (Bến Tre) để học tập kinh nghiệm trồng dừa, nhất là các biện pháp phòng chống sâu bệnh, dịch bệnh trên cây dừa. Bên cạnh đó, Diễm Kiều còn thường xuyên tham khảo ý kiến đóng góp của nhiều nhà khoa học tại Đại học Cần Thơ, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam.
Những cây dừa trong vườn dừa của chị Đào Thị Diễm Kiều vừa cho trái, vừa tạo cảnh quan thu hút khách du lịch miệt vườn.
Video đang HOT
Năm 2015, dừa bắt đầu cho trái “chiếng”, Kiều chỉ để lại 500 gốc dừa chất lượng cao, phân bố đều trên diện tích của mình để dừa đủ sức quang hợp ánh sáng, đủ nước tưới và chất dinh dưỡng. Chị sử dụng nguồn phân hữu cơ vốn có rất nhiều tại địa phương như rễ lục bình, bùn đáy ao, phân bò, dơi, trùn quế, phân gà vịt… đi kèm với các loại phân vi sinh để bón cho cây dừa. Từ đó trái dừa của vườn chị Kiều luôn an toàn cho người tiêu dùng.
Vườn dừa Diễm Kiều đẹp, hấp dẫn, thơ mộng trong con mắt nhiều khách du lịch.
Bốn năm qua, mỗi năm 500 cây dừa các loại đã mang về cho chị Kiều từ 300 đến 400 triệu đồng tiền lãi mà không phải bỏ công chăm sóc nặng nhọc. Đó là chưa kể đến nguồn cá dưới ao mương mỗi năm cũng mang về cho chị từ 50 đến 60 triệu đồng.
Thu hút khách trải nghiệm
Chị Diễm Kiều chia sẻ: “Trồng dừa đúng kỹ thuật thì năng suất và chất lượng rất cao, nhẹ công chăm sóc, thu hoạch dài hơi lại không lo giá cả biến động thất thường như những loại cây ăn trái khác”.
Từ đầu năm 2018 đến nay, nắm bắt nhu cầu khách đến du lịch tại vùng cù lao giữa dòng sông Hậu, lại là trung tâm giao thương cùng lúc nhiều địa phương như huyện Lai Vung, Lấp Vò (Đồng Tháp); huyện Thốt Nốt, quận Ô Môn (TP.Cần Thơ); TP. Long Xuyên (An Giang)… chị Kiều đã hình thành Khu du lịch Vườn dừa Tân Lộc khang trang sạch đẹp.
Đến với vườn dừa, du khách rất thoải mái hưởng thụ bầu không khí trong lành; được bơi xuồng len lỏi giữa cánh rừng dừa; thưởng thức vị ngọt của những trái dừa thơm ngon, an toàn. Bình quân mỗi ngày khu du lịch nhỏ của Diễm Kiều đón từ 100 đến 200 khách đến tham quan, quay phim, chụp ảnh lưu niệm. Riêng các ngày nghỉ, ngày lễ, tết số khách tăng hơn 300%, có nhiều khách nước ngoài.
Vườn dừa du lịch cộng đồng của chị Diễm Kiều thu hút nhiều khách du lịch.
Dịch vụ kinh doanh du lịch vườn dừa đã mang về cho Diễm Kiều khoản thu nhập năm 2018 xấp xỉ 200 triệu đồng. Nếu tính chung các nguồn lãi từ việc bán dừa trái, kinh doanh du lịch, nuôi cá dưới ao, năm 2018 Diễm Kiều có lãi gần 500 triệu đồng.
Mới đây, phường Tân Lộc lại đón nhận tin vui: TP.Cần Thơ đã thông qua dự án quy hoạch, khai thác cù lao sông Hậu thành điểm tham quan, nghỉ dưỡng cao cấp.
Ông Đỗ Trung Ngôn – Phó Chủ tịch UBND phường Tân Lộc cho biết: “Chúng tôi sẽ mở rộng các tuyến đường; hình thành mới nhiều điểm du lịch đa dạng, hấp dẫn trong đó vườn dừa Tân Lộc của chị Diễm Kiều là một điểm nhấn quan trọng…”.
Theo Danviet
Thủ tướng đối thoại với nông dân: Gửi gắm tâm tư từ ruộng đồng
Ngày 10/12/2019, tại TP.Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ trực tiếp đối thoại với nông dân về những vấn đề thiết thực trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Hiện, đã có nhiều câu hỏi nông dân cả nước muốn gửi đến Thủ tướng liên quan đến những vấn đề đang "nóng" như: tiêu thụ nông sản, tác động của biến đổi khí hậu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trong bối cảnh hội nhập...
Tháo gỡ vướng mắc
Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân tổ chức tại TP.Cần Thơ là lần thứ 2 người đứng đầu Chính phủ trực tiếp trao đổi, giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của nông dân trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Ở cuộc đối thoại lần thứ nhất, tổ chức ngày 9/4/2018 tại TP.Hải Dương (Hải Dương), nông dân đã trực tiếp phan ánh với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề lớn, quan trọng còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong nông nghiệp, nông thôn hiện nay: Chính sách tín dụng, đất đai, thị trường nông sản, quản lý vật tư nông nghiệp, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, môi trường nông thôn, chương trình xây dựng nông thôn mới...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao lưu với các nông dân tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2018. Ảnh: T.L
Ngay sau cuộc đối thoại đó, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 6158/VPCP-QHĐP truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan tháo gỡ ngay những vướng mắc cho nông dân.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ NNPTNT xây dựng chương trình thương hiệu nông sản chủ lực; kết nối các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và các đối tác có liên quan nhằm sản xuất các sản phẩm đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu; công bố rộng rãi các thông tin về thị trường nông sản; thực hiện các giải pháp kiểm soát chặt chẽ và nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi trên thị trường.
Bộ Công Thương chỉ đạo hệ thống thương vụ tại nước ngoài đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại đưa hàng hóa nông sản Việt Nam thâm nhập vào các hệ thống bán lẻ, chuỗi siêu thị tại các quốc gia, tổ chức tuần hàng Việt Nam, vận động doanh nghiệp trong nước tham gia trưng bày sản phẩm nông sản giới thiệu tại nước sở tại. Hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại và thực hiện truy xuất nguồn gốc. Tập trung tháo gỡ rào cản kỹ thuật, nhất là các rào cản đang vướng mắc tại một số thị trường lớn.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, để người dân đưa đất vào sử dụng có hiệu quả trong đó có việc góp vốn, cho thuê, chuyển nhượng... để phục vụ sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiến hành rà soát, đánh giá các vướng mắc, bất cập về thể chế pháp luật trong tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp vay vốn sản xuất kinh doanh...
Thêm những vấn đề "nóng"
Tiếp nối thành công của cuộc đối thoại Thủ tướng với nông dân lần thứ nhất, tại cuộc đối thoại lần thứ 2 năm 2019 tổ chức tại TP.Cần Thơ ngày 10/12 tới, chắc chắn nhiều vấn đề "nóng" liên quan đến sản xuất, kinh doanh, chế biến và tiêu thụ nông sản; chính sách đất đai, biến đổi khí hậu; chính sách về vốn tín dụng và những vấn đề nổi cộm trong phát triển nông thôn hiện nay sẽ được đặt ra. Cho đến thời điểm này, Ban tổ chức đã nhận được rất nhiều câu hỏi của nông dân về những vấn đề ảnh hưởng "sát sườn" đến quá trình lao động, sản xuất của bà con.
Ông Trần Thanh Nam (ở xã Tân Phú, huyện Châu Thành, Bến Tre) - một nông dân đã nhiều năm gắn bó với miệt vườn, với vườn cây ăn trái bày tỏ sự vui mừng: "Nếu được đặt câu hỏi tới Thủ tướng tại hội nghị này, tôi rất mong muốn nhận được câu trả lời về những chính sách của Chính phủ trong việc hỗ trợ ĐBSCL đối phó với biến đổi khí hậu. Tôi được biết Thủ tướng đã nhất trí bố trí 3.000 tỷ đồng để khắc phục tình trạng sạt lở, xâm nhập mặn ở nhiều nơi vùng ĐBSCL, tôi muốn biết việc triển khai chính sách này như thế nào, bao giờ nông dân mới hết chịu cảnh mất đất, mất nhà, mất tư liệu sản xuất do sạt lở?".
Trong khi đó, anh Phan Văn Thà (ở thị trấn Tân Biên, huyện Tân Biên, Tây Ninh) lại băn khoăn về vấn nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng và rất mong Chính phủ, ngành chức năng có giải pháp kiểm soát chặt chẽ chất lượng, giá cả các loại giống cây trồng...
Rất nhiều nông dân khác lại quan tâm đến thực trạng tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất lớn. Bao giờ Chính phủ cho sửa đổi Luật Đất đai để hợp thức hóa việc tích tụ ruộng đất và gia tăng hạn mức, hạn điền để phù hợp với sản xuất lớn?
Ngoài những vấn đề về nguồn lực cho chương trình xây dựng nông thôn mới, đào tạo nghề cho nông dân, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, nhiều nông dân cũng tỏ ra trăn trở trước sự mai một của văn hóa làng xã truyền thống trước sức ép của quá trình hội nhập. Ông Quách Thanh Sử (xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, Cà Mau) đặt vấn đề làm sao để tăng sức "đề kháng" cho văn hóa nông thôn trước làn sóng du nhập văn hóa xấu, lai căng; việc xây dựng thiết chế văn hóa nông thôn mới sao cho giữ gìn được những giá trị văn hóa tốt đẹp của nhiều vùng nông thôn đang ít nhiều bị mai một...
Theo Danviet
Phó Thủ tướng TT Trương Hòa Bình: Phát triển du lịch, tăng thu nhập cho dân Chiều 18/11, tỉnh Cà Mau tổ chức Đạị hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh lần thứ III năm 2019. Ông Trương Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đến dự và chỉ đạo Đại hội. Tỉnh Cà Mau có 14 dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn; trong...