Nắng hồng
Dưới sân trường đầy nắng, nàng e lệ nhận lá thư tỏ tình của cậu bạn cùng lớp, chàng “hiệp sỹ” đã sửa giúp nàng chiếc xe “khốn khổ”, giở chứng bất ngờ giữa lúc ông trời điềm nhiên thả lửa.
Đứa mơ mộng như nàng đã vô cùng cảm kích hành động nghĩa hiệp ấy, để rồi tự tô vẽ cho mình một mối tình học trò thật đẹp, thật lãng mạn… Nhưng dường như nó mang nhiều cảm tính.
Nàng đã không kiểm soát được chính mình, để rồi cuối năm lớp 12 nàng có thai, gia đình làm đám cưới thật nhỏ gọn, hôm đó nàng đã khóc rất nhiều. Con thuyền mang nặng sách vở, cùng bao hoài bão đã không thể cập được bến bờ thành công…
Thi xong tốt nghiệp cấp ba, vài tháng sau nàng sinh con, ai cũng tiếc cho nàng. Vợ bỏ dở đèn sách đã đành, chồng nàng cũng chẳng màng chuyện đó, anh mải chơi, theo ông anh họ đi làm lơ xe cho khỏi nhức óc với những kiến thức khô cứng.
Con bé đầy năm, nàng sôi sục ý chí quay lại đi học. Tranh thủ con ngủ, nàng giở sách vở ra ôn, nhà chồng không cấm cản cũng chẳng ủng hộ, còn bố mẹ nàng thì nhiệt tình khích lệ.
Bước vào cánh cổng trường đại học, mừng vui xen lẫn nhiều nỗi niềm khó tả, nàng dặn mình cố không được lãng phí thời gian, gắng “cày cuốc” đi làm thêm, song vẫn cần đảm bảo kiến thức trên lớp, để được lĩnh học bổng, không nhờ vả gia đình nhiều và còn phải dành tiền mua quà cho con nó mừng. Cuối tuần, bất kể mưa to hay nắng đổ nàng vẫn phóng chiếc xe máy cà tàng về quê.
Video đang HOT
Trễ mất ba năm so với chúng bạn song nhìn nàng rất trẻ trung, những bộn bề vì con mọn, vì gánh nặng vật chất đã không làm mất đi vẻ hiền ngoan vẫn vương trên gương mặt thanh tú.
Trong lớp không ai biết nàng đã có chồng, nói có con càng chẳng ai tin. Một người xinh xắn lại học giỏi và giao tiếp ân cần như thế đương nhiên khá nhiều anh để ý nhưng nàng thờ ơ, “kiêu” với tất thảy bọn họ khiến đám con gái ghen tị và bọn con trai ít khi dám trò chuyện.
Chỉ có Khiêm là hay lặng im nhìn nàng với con mắt và nụ cười dễ thương đến lạ, nàng bối rối với đôi mắt có hàng mi đen rợp ấy. Khiêm kém nàng hai tuổi, nhà gã không giàu nhưng cũng không phải quá vất vả tìm kế sinh nhai.
Gã rất thông minh và khá nhiệt tình với bạn bè, gã đã vô tư giúp nàng rất nhiều trong việc giải quyết đám bài tập với các tài liệu cần tra cứu hàng giờ ở thư viện. Cứ áng tầm nào nàng từ quê lên, gã lại “ngồi đồng” ngoài sân bóng chuyền trước phòng nàng, để chờ. Nhớ đến gã, nàng bất chợt mỉm cười và thấy hơi ấm lòng.
Từ những cử chỉ quan tâm ấy, dần dà nàng cảm nhận được hình như chưa bao giờ con tim rung động dữ dội và lòng thổn thức mãnh liệt nhường ấy. Bao lần nàng gục xuống tự hỏi phải chăng đó mới là tình yêu? Khiêm mang đến cho nàng cảm giác được nâng niu, chia sẻ, đó là người hiểu biết và luôn biết cách làm người đối diện nhận ra điều đó.
Chồng nàng vẫn mang mặc cảm tự ti của kẻ ít học, nên đôi khi nói những lời khiến nàng đau. Anh còn mải chơi quá, hôm về thăm nhà lại nghe mẹ nàng kể chuyện chồng mới sang vay tiền, tưởng có việc gì hóa ra để mua con gà chọi mang đi đấu đá cho vui.
Nàng cúi mặt cố che tiếng thở dài. Nàng không xấu hổ, vì đó là lựa chọn của mình, tránh chẳng được, nàng chỉ nhớ đến con bé con. Mỗi lần nó tung tăng bên sân nhà như những đốm nắng, nhìn thấy mẹ đôi mắt vụt sáng lao đến ôm chầm lấy, là nàng biết mình còn nợ con nhiều lắm. Quá khứ không thể nào thay đổi được, chỉ có cách sửa sang cho nó tốt đẹp hơn lên thôi và nàng đang cố hết sức.
Nàng cho Khiêm xem ảnh con gái, tâm sự tất cả và khuyên gã đừng quan tâm nhiều đến mình nữa. Cả hai ngồi im lặng rất lâu, nàng đang đứng dậy thì bỗng nghe Khiêm nói rành rọt: “Anh sẽ vẫn luôn bên em”.
Lời thật “sến” đó có lẽ được thốt ra do một phút bốc đồng, thiếu suy nghĩ vậy mà, nước mắt chảy vào trong đã khiến tim nàng như tan ra vì xúc động, bàn chân rệu rã muốn khuỵu xuống, nàng muốn khóc, muốn cười, nhưng rồi vẫn quay người bước đi lòng thầm nghĩ: “Sẽ đến ngày ta nhận ra, sự chia ly mới là lưu niệm đẹp hơn cả và ngày mai, nắng vẫn hồng bên sân”.
Theo VNE
Mong bà bớt chiều cháu
Chị thi thoảng vẫn lên mạng tham khảo các bài viết về chuyện nuôi dạy con cái nhưng chuyện gia đình chị thì thật buồn, vì chị không dạy được con.
Cháu lớn nhà chị năm nay mới hơn 3 tuổi mà lòng chị cứ canh cánh lo chuyện cháu không được răn dạy từ bé sau này sẽ hư. Vợ chồng chị là công nhân cả ngày đi làm ở khu công nghiệp, ở nhà chỉ có bà nội trông cháu nhưng bà lại nuông chiều vô lối và cháu cũng quấn bà chứ không quấn chị nên chị không bảo được cháu, cháu cũng không nghe lời ai, kể cả bà.
Cháu bắt đầu ngủ với bà từ khi mới chín tháng vì chị lỡ kế hoạch có thai lúc đó. Thương cháu còn bé mà mẹ lại phải giữ thai không tiện chăm con nhỏ nên khi cháu khóc đòi mẹ là bà vạch áo cho cháu bú giả. Cứ như thế, suốt ba năm qua, cháu cứ tỉnh dậy là khóc ầm ĩ đòi bà chứ không đòi mẹ. Cho ăn, đi tắm, đi chơi cháu đều một mực đòi bà làm. Chị mà làm thì cháu khóc thét, mẹ chồng chị thấy thế lại xông vào chăm cháu, dù có đang bận đến mấy. Tối chị đi làm về, muốn gần con, ôm con trong lòng kể chuyện cổ tích cho con nghe, con chị cũng không thiết hoặc chỉ nằm cùng mẹ được một chốc là đòi ra với bà.
Cháu đã ba tuổi, nhanh nhẹn và thông minh, đã bắt đầu biết nhận thức. Chị luôn cố gắng dành những ngày chủ nhật, buổi tối, những bữa ăn dạy cháu mời cơm mọi người trong gia đình, ai cho quà phải khoanh tay nói cháu xin, đi đâu phải chào hỏi..., những điều đơn giản nhất mà chị muốn hướng cho con từ bé. Nhưng khổ thay, mẹ chồng chị cứ gạt đi, bảo: "Nó bé biết gì mà dạy, lớn rồi tự nó hiểu ra". Nhiều lần chị thật xấu hổ khi con chị mặt cứ trân trân nhìn các bác, các cô tới nhà, ăn cơm thì luôn đòi cầm đũa chọc vào tất cả các đĩa thức ăn. Nhiều lúc con vầy thức ăn, đi vòng quanh mâm không cho ai ăn, chị bực quá lôi ra phát vào mông thì bà nội lại chạy tới ôm, bế cháu dỗ dành.
Điều chị bức xúc nhất là chuyện mẹ chồng lấy lý do ở nhà không ai thương cháu bà, chỉ bà yêu cháu nhất nhà, nên bế cháu theo lúc bà đi các đám cưới hỏi, vừa để trông vừa khoe cháu. Cháu tuy là con gái nhưng lì lợm và chẳng biết sợ ai. Trong mâm cỗ, cháu thích ăn gì bà đều lấy cho dù đã hết khẩu phần ăn của mình. Cả mâm có đĩa dưa hấu cháu đòi bà lấy hết cho cháu ăn nham nhở, những người khác không còn miếng nào. Cháu đòi ăn giò hết miếng này đến miếng khác bà cũng vẫn tự nhiên xin để chiều ý cháu. Nhiều người khó chịu và đâm ra ghét hai bà cháu. Mặc ai khen chê bà không quan tâm, với bà, cháu bà là nhất và bà cũng không thấy ngại gì cả. Chị biết được khi nghe hàng xóm rỉ tai nhau về chuyện mẹ chồng chị chiều cháu.
Có lần cháu nghịch ngợm cho nước vào hộp sữa, chị nghiêm nghị nói: "Ai cho con nghịch thế này" rồi lôi cháu ra nhà tắm lau sạch chân tay dính sữa. Cháu khóc thét lên, đòi bà rồi té nước tung tóe khắp nơi, ướt hết cả người chị. Mẹ chồng chị đang trong bếp vội lao ra ôm chầm lấy cháu "Nó bé biết cái gì mà mày lại mắng, hỏng hộp này thì mua hộp khác, lần sau cất cao lên để nó không với được. Để đấy rồi bà xử mẹ, vì tội dám mắng cháu bà". Được bà bế trong tay nó vẫn cố quay người đập tay để đánh mẹ. Bà bế cháu vào phòng, đóng cửa lại, vạch ti ra cho cháu bú. Được một lúc thì chị thấy con im.
Điều buồn phiền nhất và chị cũng đã nói với chồng là con gái đã hơn ba tuổi mà không đi học. Nguyên nhân là khi cháu đi học sang buổi thứ hai có đánh nhau với bạn cùng lớp vì tranh đồ chơi. Sau đó, cô giáo mắng phạt ở lớp, có phết nhẹ vào mông cháu rồi cho đứng góc lớp. Biết chuyện, mẹ chồng chị làm ầm lên, nói cô giáo cháu không ra gì, vô đạo đức và cấm chị không cho cháu đi học để ở nhà bà trông. Vợ chồng chị không đồng ý thì bà giả vờ bế cháu đi học, đợi vợ chồng chị đi làm vừa khuất bóng là bế cháu về. Bà tuyên bố trước cả nhà: "Trẻ con đứa nào cũng thích nịnh, đâu cũng thế không riêng gì cháu tôi, cô giáo không thương cháu tôi, nó thù cô là đúng rồi, không cần phải đi học, đã có tôi trông". Chị nói với chồng chồng chị cũng gạt đi: "Bà thương con, thương cháu mới thế".
Chị cảm thấy bất lực và đau khổ vì dù mẹ chồng có đỡ đần giúp vợ chồng chị nhưng chị lại không được làm mẹ cháu đúng nghĩa. Con chị cũng bị các trẻ hàng xóm xa lánh vì bà nội bênh cháu và chiều cháu. Cháu đã ba tuổi mà cứ thế thì lớn lên sẽ không coi vợ chồng chị là cha mẹ nữa và không nghe lời ai cả. Chị chỉ biết thở dài vì cháu gọi chị là mẹ nhưng bà lại tranh hết việc chăm nom dạy dỗ cháu. Chị rất buồn khi cứ mỗi bữa ăn bảo con: "Con nói con mời ông, mời bà, mời bố mẹ ăn cơm nào!" mà con bé cứ trân trân nhìn sang phía bà nội không nói câu nào. Bà lại gạt phắt đi: "Thôi, không phải mời gì hết"...
Theo PNO
Tôi đã vượt qua bệnh trầm cảm như thế đó Chồng tôi đứng bên cạnh, nét mặt rất buồn bã và hối hận. Đứa nhỏ trên tay anh trườn xuống, sà vào lòng tôi, áp má lên ngực tôi, bập bẹ kêu: "Mẹ ơi! Mẹ!...". Tôi xót xa nghĩ, suýt nữa thì con tôi mất mẹ. Từ một phụ nữ tích cực, thành đạt, công việc thuận lợi như diều gặp gió, chỉ...