Nàng công sở bị cô lập vì chống đối bộ phận thu mua bòn rút tiền công ty, dân mạng khuyên làm ngay điều này
Việc cần làm khi phát hiện tiêu cực đó chính là chuẩn bị tất cả bằng chứng rồi ngay lập tức trình báo với sếp để có giải pháp tiến hành thanh lọc phù hợp.
Thị phi là đặc sản của môi trường công sở và thường xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể kể đến như sự giao tiếp không rành mạch, hiểu lầm xoay quanh những lời đồn đoán…
Bên cạnh những nguyên nhân phổ biến, thị phi cũng có thể bắt nguồn từ lợi ích nhóm, nơi một cá nhân hoặc một bộ phận vì lợi ích của bản thân mình mà không màng đến việc qua mặt cấp trên để ăn chặn ngân sách công ty.
Và khi bị một ai đó phát giác, họ bắt đầu chia bè kéo cánh rồi tiến hành cô lập cá nhân đó. Bên dưới đây là câu chuyện của một nàng công sở bị cô lập vì phát hiện ra những tiêu cực mà đồng nghiệp mình đã làm. Cụ thể, cô bộc bạch:
“Tâm sự của một nhân viên bị cô lập vì đang chống đối việc ăn tiền từ bộ sản xuất và thu mua.
Mình năm nay 22 tuổi, đã đi làm 1 năm, công ty hiện tại là công ty đầu tiên mình làm. Công ty mình thuộc nhóm sản xuất công nghiệp nặng, nước ngoài, mới xây xong nhà máy và vừa đi vào sản xuất tầm vài tháng, có bộ sản xuất và thu mua (thu mua là người quen của HR tuyển vào). Công việc của mình là thông dịch, trợ lý của sếp, xử lý công việc liên quan đến hành chính.
Chuẩn bị vào thời điểm sản xuất hàng số lượng lớn nên công ty chỉ định mình và 1 người nước ngoài đi tìm cũng như khảo sát nguồn hàng. Lý do: thu mua không tìm được mặt hàng phù hợp, quan trọng hơn là nội bộ người nước ngoài đang nghi ngờ việc thu mua và quản lý sản xuất đang ăn tiền từ nhà cung cấp.
Để xác định họ có ăn tiền thật hay không, sếp của mình đã yêu cầu nhân viên thu mua gửi file theo dõi đơn hàng đã mua để mình kiểm tra giá. Trùng hợp là mình có thông tin của công ty cung cấp thép đang bán cho công ty mình nên mình đã lấy báo giá của hàng thép đó.
Mỗi đơn hàng, công ty mình đã mua khoảng 10 tấn do bộ phận sản xuất yêu cầu. Giá bên mình đã mua là 1X/kg, giá nhà cung cấp báo cho mình là 1Y/kg. X ~ Y chênh nhau từ 6.000~7.000VND. Mình biết tùy từng thời điểm giá sẽ khác nhau nhưng sự chênh lệch quá lớn này làm mình cảm thấy rất sốc.
Video đang HOT
Một việc khác, công ty cần mua máy công cụ để phục vụ việc sản xuất và giao cho thu mua tìm, mình là người dịch lại. Sau khi tìm xong 4 loại máy thì thu mua đưa mình báo giá. Sau khi có báo giá, mình nói ngày mai có việc đi với sếp nên mình và sếp sẽ ghé qua xem hàng luôn.
Nhân viên thu mua bực mình và bảo người tìm là thu mua nên mình đến xem hỏi giá thì không được, thu mua phải đi xem cùng, mình trả lời mai đi tỉnh cả ngày nên không thể đi cùng được. 5p sau,nhân viên thu mua đưa mình báo giá khác và đòi lại tờ báo giá cũ, mình chỉ kịp lướt qua, nhìn thấy trên báo giá mới cái máy rẻ nhất giảm đi 4 triệu.
Có lẽ cũng chính vì mình tham gia vào việc tìm nhà cung cấp nên nhân viên thu mua có thành kiến và thường xuyên nói giọng mỉa mai mình. Nhân viên thu mua đó thường bỏ tiền túi mua này mua kia cho mọi người ăn hoặc rủ mọi người mua đồ ăn chung nhưng trừ mình ra. Lôi lý do này lý do kia trợn mắt phồng mũi rồi nói mình làm việc không có trình tự và qua mặt người đó.
Dạo này mình cảm thấy mỗi ngày đi làm đều mệt mỏi, nhiều lúc về đến nhà không kìm được cảm xúc mà khóc to. Nhưng không hiểu sao mình thấy thù và quyết tâm phải bóc được những người đó để cho mọi người biết bộ mặt thật của họ. Ai đã có kinh nghiệm trong vấn đề này có thể cho mình cao kiến nước đi được không? Mình thực sự cảm thấy bế tắc quá!”.
Sự gian dối chưa bao giờ là thứ nên được dung túng bằng bất cứ hình thức nào. Cho nên, sau khi được đăng tải cách đây chưa lâu, những dòng tâm sự của nàng công sở nhanh chóng gây được sự chú ý của đông đảo thành viên trong nhóm kèm theo đó là hàng loạt bình luận bày tỏ sự bất bình và tư vấn đường hướng xử lý mạnh tay:
“Bạn cứ lưu hết tất cả bằng chứng lại rồi báo cáo cho sếp. Nếu sếp mà không xử lý triệt để hạng này thì cứ mạnh tay nộp đơn nghỉ việc”.
“Bạn làm trợ lý trực tiếp cho sếp nước ngoài thì báo cáo luôn vì đấy là nhiệm vụ của mình. Việc gì phải sợ thằng nhân viên gian dối”.
“Thực ra các công ty Việt Nam mình vẫn thường xảy ra những chuyện này. Theo mình, bạn có thể xem lại mức lương vị trí thu mua bên công ty bạn đã đủ thuyết phục chưa, nếu mức lương mà thấp thì người ta thường phải tìm đến nguồn thu khác. Mình nói như vậy không có nghĩa là phải nhân nhượng nhưng giải pháp để xử lý vấn đề có rất nhiều”.
Tiêu cực luôn tồn tại và song hành cùng đà phát triển của mỗi công ty và tổ chức. Vì một môi trường vững mạnh, chúng ta không nên nhận nhượng với những hành động tiêu cực dù là nhỏ nhất. Dù có phải đối mặt với sự tẩy chay, cô lập, chia bè kéo cánh thì việc vạch trần những hành động xấu xa, thanh lọc tổ chức là vô cùng cần thiết. Cho nên, chị em công sở chẳng cần gì phải lo sợ mà hãy đứng lên khi phát hiện những xấu xa tồn tại.
Làm sếp ở tuổi 28, nàng công sở bị cấp dưới hùa nhau tẩy chay, dân mạng khuyên làm ngay việc này
Được lòng cấp dưới thì tốt, không thì cũng chẳng sao, cứ dựa trên quan điểm công việc mà đánh giá và đối xử. Việc cần làm chính là nhanh chóng chứng minh năng lực bản thân.
Không được lòng đồng nghiệp là một trong những vấn đề vô cùng nan giải đối với những cá nhân đang làm việc trong môi trường công sở. Điều này lại càng trầm trọng hơn khi người không được lòng đồng nghiệp không ai khác chính là người giữ vai trò lãnh đạo.
Người ta vẫn nói, người thu phục được nhân tâm, làm chủ được quần hùng mới có khả năng lãnh đạo, lèo lái tổ chức. Vậy phải làm cách nào khi mà "trên bảo dưới không nghe" và có những làn sóng chống đối ngầm trong nội bộ nhóm. Đó là câu hỏi mà một nàng công sở vừa đặt ra để tham vấn ý kiến của cư dân mạng. Cụ thể, cô bộc bạch:
"Chào mọi người, xin được nghe ý kiến, mình đi thẳng vào vấn đề luôn nhé. Mình đi làm được 5 năm, công ty hiện tại là thứ 3, làm được 1 năm. Mình làm văn phòng quản lý 1 team nhỏ trong bộ phận, do team đó có liên quan đến vị trí công việc của mình. Chuyện chả có gì, lượng công việc hơi nhiều, đòi hỏi chuyên môn, kinh nghiệm cao, yêu cầu ngoại ngữ giỏi, mức lương cỡ chỉ 10 triệu.
Lúc mới vào, do so với người cũ, mình nhỏ tuổi (28) nên không được coi trọng ý kiến. Sắp xếp công việc nhưng không ai chịu làm, rồi đến khi sếp hỏi tiến độ công việc chưa xong, quay lại nói sao cái gì cũng mách sếp. Có khi còn gọi mình "sếp được chưa", "sếp này kia". Mình cố gắng để chứng minh năng lực cho mọi người thấy.
Sau 1 năm năng lực đi ngược chiều mối quan hệ với đồng nghiệp, dù cố gắng vẫn không thể "thân" với ai cả, xã giao, vẫn pha trò cho mọi người vui. Giờ mọi người đã nghe theo sự sắp xếp của mình, công nhận năng lực và chuyên môn. Nhưng khi đi làm, mình cứ thấy cô đơn một cõi. Cảm thấy không được vui và thoải mái như những chỗ cũ.
Ở công ty cũ mình tự tin là người vui vẻ, năng động, hay pha trò. Ở đây, do lượng công việc quá nhiều nên trong giờ chỉ dí dép lên chạy để làm cho kịp. Mình cảm thấy hơi buồn, không biết do mình đã thay đổi, hay tính mình khó quá, không khéo trong giao tiếp nên không thể hòa hợp với đồng nghiệp được.
Bạn mình nói người ta đi làm có bè có phái, ăn uống vui vẻ, còn mình làm bạn với công việc! Cấp dưới của mình có 1 người mới nghỉ việc, nói rằng lương và công việc không phù hợp. Mình cũng muốn tổ chức chia tay đồng nghiệp như người ta. Nhưng lúc sắp nghỉ, bạn bảo do mình không tốt nên bạn mới nghỉ, cả hội đi ăn mà không gọi mình. Mình thì chả biết gì, cứ vô tư cho đến khi sếp trên của mình nói cho mình biết.
Biết rằng đi làm có người này người kia, không phải là Phật để ai cũng quý cũng mến. Tính mình ham học hỏi, thích đọc sách nhưng có chút yếu lòng, hay nhạy cảm, suy nghĩ vẩn vơ nên dễ buồn".
Không được lòng đồng nghiệp thật sự đề nan giải, đặc biệt điều này lại xuất phát từ cấp dưới. Bởi lẽ, nếu không có sự hợp tác và hỗ trợ của nhân viên, người làm sếp cũng khó có thể hoàn thành công việc cũng như gặt hái được những thành tựu. Có vẻ đây cũng là vấn đề mà không ít người phải đối mặt. Bằng chứng đến từ việc rất nhiều bình luận bày tỏ quan điểm trong vấn đề này đã được để lại bên dưới:
"Có thể ngoài giờ làm, bạn không thân nhưng nếu hợp tác mà vui vẻ thì vẫn tốt hơn là làm đúng nhiệm vụ. Mà nghe bạn kể chắc là người thích làm việc vui vẻ hòa đồng với đồng nghiệp nhỉ".
"Bạn đi làm chứ có phải là đi chơi đâu. Công ty trả lương cho bạn đến làm việc, bạn bỏ ra sức lao động và chất xám,công việc áp lực là đương nhiên. Còn về vấn đề đồng nghiệp, kể cả thân cũng là quan hệ cá nhân thì nên rạch ròi, trách nhiệm của ai vẫn phải tự mà hoàn thành. Việc cả nhóm đi ăn với nhau và không rủ bạn, coi như không biết cho đẹp mặt thôi".
"Theo quan điểm cá nhân mình thì không biết bạn mong muốn "thân" với các bạn member theo nghĩa nào. Chung quy lại đi làm thì công việc và sự hợp tác trong công việc vẫn là chính yếu. Dù bạn có thật sự thân với một ai đi nữa thì vốn dĩ vẫn phải có sự rõ ràng giữa công việc và mối quan hệ riêng tư.
Mình đi làm chứ không phải đi chơi mà cần vui vẻ hay sợ cô đơn. Vị trí của bạn là leader thì rõ ràng công việc của bạn sẽ khác với những người còn lại. Việc nhân viên nghỉ và nói là do bạn thì mình thấy chuyện đó bình thường".
Xét ra, mối quan hệ đồng nghiệp cũng chỉ xoay quanh phạm trù công việc. Cho nên, nếu đã không được cấp dưới "ưa", thì chị em công sở cứ căn cứ và các giá trị, KPI trong công việc để đưa ra biện pháp cũng như cách thức tương tác phù hợp. Người không thích chúng ta thì rất nhiều và chẳng việc gì phải làm họ thích bằng mọi giá. Tuy nhiên, chúng ta có thể khiến cấp dưới nể phục bằng cách dùng năng lực chuyên môn và thái độ trong công việc để chứng minh.
Louis
2 nữ sinh trường quốc tế được chú ý khi xuất hiện trên show truyền hình: Mặc đồng phục giản dị nhưng xinh đẹp khó rời mắt Vẻ ngoài xinh xắn, đáng yêu của hai nữ sinh này đã thu hút mọi ánh nhìn. Vì là trang phục để mặc mỗi ngày lúc tới trường nên dĩ nhiên không thể đòi hỏi đồng phục có độ tôn dáng, lồng lộn như đồ đi chơi phố. Tuy nhiên, vẫn có những gái xinh đẳng cấp chính "cân đẹp" đồng phục. Mặc...