Nâng chuẩn trình độ: Giáo viên sắp đến tuổi nghỉ hưu làm gì?
Thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 72 Luật Giáo dục năm 2019, ngoài giáo viên phải thực hiện nâng trình độ chuẩn theo lộ trình, những đối tượng không phải thực hiện lộ trình nâng chuẩn do sắp đến tuổi nghỉ hưu sẽ được bố trí, sử dụng như thế nào? Đây là câu hỏi được nhiều người quan tâm.
Mọi chính sách với nhà giáo phải thực hiện theo Luật quy định. Ảnh: Hữu Cường
Ông Đặng Văn Bình – Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết: Tại dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Bộ GD&ĐT để xin ý kiến, những giáo viên trừ thời gian đào tạo, không còn đủ 5 năm công tác tính đến tuổi nghỉ hưu sẽ không phải thực hiện đào tạo nâng chuẩn.
Bộ GD&ĐT trong phạm vi, quyền hạn của mình quy định việc sử dụng nhà giáo trong trường hợp không đáp ứng quy định trình độ chuẩn được đào tạo (Khoản 2 Luật Giáo dục năm 2019). Theo đó, trong Chương trình công tác năm 2020 của Bộ GD&ĐT, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục tiến hành xây dựng Thông tư quy định việc sử dụng đối với nhà giáo chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo để các địa phương, cơ sở giáo dục triển khai thực hiện.
Trên thực tế, những đối tượng giáo viên chưa đạt chuẩn và không đủ thời gian công tác để tham gia lộ trình đào tạo nâng chuẩn hầu hết đều có nhiều kinh nghiệm trong công tác, giảng dạy, nhiều người là giáo viên giỏi, giáo viên cốt cán. Vì vậy, dự thảo Thông tư đi theo hướng quy định những giáo viên này sẽ được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, phương pháp dạy học mới để tiếp tục làm nhiệm vụ giảng dạy cho đến khi nghỉ hưu. Trường hợp những giáo viên có nhu cầu nghỉ chế độ hoặc sức khoẻ yếu mà bảo đảm được các quy định về bảo hiểm xã hội, năm công tác… thì được xem xét để cho nghỉ chế độ.
Video đang HOT
Liên quan đến việc Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020, vây việc tuyển dụng mới đối với giáo viên ở các địa phương xét về khía cạnh trình độ đào tạo sẽ được thực hiện như thế nào? Ông Đặng Văn Bình khẳng định: Việc tuyển dụng giáo viên thuộc thầm quyền và trách nhiệm của UBND các cấp. Cụ thể, đối với giáo viên mầm non, tiểu học, THCS thuộc thẩm quyền của UBND cấp quận, huyện, thị xã.
Từ thời điểm này cho đến ngày 1/7/2020, trong công tác tuyển dụng giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, các địa phương cần cân nhắc đến các quy định hiện hành về trình độ chuẩn được đào tạo đối với giáo viên tại Luật Giáo dục 2005, Luật Giáo dục 2009, các Thông tư liên tịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học, THCS và điều kiện thực tế của địa phương về nguồn tuyển để đưa ra quy định phù hợp về trình độ đào tạo của những đối tượng sẽ tuyển dụng, nhằm bảo đảm quyền lợi cho mọi đối tượng tham gia dự tuyển. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến đối tượng được cử đi học cử tuyển theo nhu cầu thực tế của các địa phương trong thời gian qua.
Theo dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS, đối tượng phải thực hiện nâng trình độ chuẩn gồm: Giao viên mâm non chưa có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên; giáo viên tiểu học, THCS chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên hoặc bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên.
Thảo Đan
Theo Giáo dục thời đại
Giáo viên tham gia nâng chuẩn trình độ đào tạo được miễn học phí
Chính phủ vừa ban hành dự thảo Nghị định quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên (GV) mầm non, tiểu học, trung học cơ sở (THCS). Dự thảo Nghị định là một bước triển khai thực hiện khoản 2 Điều 72 Luật Giáo dục năm 2019.
Theo Dự thảo thì nếu GV chưa đạt chuẩn và được cấp có thẩm quyền cử đi đào tạo, học tập nâng chuẩn thì sẽ được miễn học phí theo quy định.
Dự thảo Nghị định quy định: Tính từ ngày 1-7-2020 (khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực thi hành), GV mầm non, GV tiểu học, GV THCS trừ thời gian đào tạo theo quy định, còn đủ 5 năm công tác tính đến tuổi nghỉ hưu phải thực hiện nâng trình độ chuẩn. Điều đó có nghĩa phải lấy mốc từ thời điểm sẽ nghỉ chế độ còn đủ 5 năm công tác tính lùi lại, cộng với thời gian đào tạo đạt trình độ chuẩn theo quy định để xác định đối tượng GV phải thực hiện đào tạo nâng chuẩn.
Mặt khác, dự thảo Nghị định xác định lộ trình thực hiện từ 1-7-2020 đến hết ngày 31-12-2030, như vậy trong thời gian này, các cơ sở giáo dục, địa phương sẽ xây dựng kế hoạch, xác định đối tượng GV thực hiện lộ trình đào tạo nâng chuẩn và theo các giai đoạn thực hiện lộ trình để bố trí, sắp xếp cử GV đi đào tạo phù hợp với điều kiện của từng GV và cơ sở giáo dục.
Dự kiến GV tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn được miễn học phí. Ảnh: T.F
Theo ông Đặng Văn Bình - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT thì: Mục đích chính của việc nâng trình độ chuẩn được đào tạo đối với GV các cấp học nêu trên là nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực sư phạm của đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới; đồng thời làm căn cứ để thực hiện chế độ chính sách cho nhà giáo.
Dự thảo sau khi đăng tải xin ý kiến nhận được sự quan tâm lớn của toàn xã hội, đặc biệt là đội ngũ GV. Nhiều GV, cán bộ quản lý giáo dục bày tỏ yên tâm, không còn lo lắng về lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn, những thắc mắc của giáo viên về đối tượng, lộ trình nâng chuẩn đã được giải đáp rõ ràng.
Đặc biệt, trong quá trình thực hiện lộ trình nâng chuẩn trình độ đào tạo, các GV vẫn thực hiện nhiệm vụ giảng dạy của mình. Chế độ, chính sách của GV vẫn thực hiện theo các quy định hiện hành. Quyền lợi, trách nhiệm của thầy cô tham gia đào tạo nâng chuẩn được quy định rõ ràng, theo hướng tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho đội ngũ để không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, công việc của GV.
Dự kiến GV tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn được miễn học phí. Kinh phí thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn của GV được đảm bảo từ nguồn tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước cấp bổ sung theo phân cấp ngân sách hiện hành; đóng góp của GV và các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.
Việc tuyển sinh đào tạo nâng trình độ chuẩn của GV được thực hiện bằng phương thức thi tuyển hoặc xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển do các cơ sở đào tạo giáo viên quyết định theo quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT. Thời gian đào tạo trình độ CĐ được thực hiện từ một năm rưỡi đến hai năm học đối với giáo viên có bằng tốt nghiệp trung cấp cùng ngành đào tạo.
Đào tạo trình độ ĐH được thực hiện từ 2,5 năm rưỡi đến 4 năm học đối với GV có bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp cùng ngành đào tạo. Từ 1,5 năm đến 2 năm học đối với GV có bằng tốt nghiệp trình độ CĐ cùng ngành đào tạo.
Các hình thức đào tạo được thực hiện linh hoạt, phù hợp với đối tượng GV vừa làm, vừa học: học tích lũy tín chỉ, học từ xa, học tập trung, trực tuyến, học trực tuyến kết hợp với tập trung.
T.Fan
Theo PL&XH
Nâng chuẩn trình độ: Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho giáo viên Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên (GV) mầm non, tiểu học, trung học cơ sở (THCS) sau khi đăng tải xin ý kiến nhận được sự quan tâm lớn của toàn xã hội, đặc biệt là đội ngũ GV. Nhiều GV, cán bộ quản lý (CBQL)...