Nâng cấp bộ mặt văn hóa Thủ đô
Những đám đông hỗn loạn, tranh cướp xô đẩy nhau, hòng “xin” được một chút lộc Thánh trong một lễ hội, rồi cũng lại đám đông hỗn loạn ấy tranh cướp xô đẩy nhau đến chết ngất để cướp cho được một nhành hoa anh đào. Mới đây cả nghìn người tranh giành nhau những suất ăn trong một cửa hàng shushi miễn phí trên phố Đoàn Trần Nghiệp. Văn hóa ứng xử, văn hóa nơi công cộng của người Hà Nội xem ra đang rất chênh.
Cả nghìn người chen nhau ăn shushi miễn phí
Lệch chuẩn
Xem lại những tấm ảnh cũ, chẳng đâu xa, những năm 1980, khi đất nước còn nhiều gian khó, Hà Nội trong lành với những nụ cười hồn hậu. Cũng cảnh xếp hàng nhưng vui vẻ và trật tự, cũng “ô phố bàn cờ, xe như mắc cửi” nhưng không ai cố hơn nhau dù chỉ là nửa bánh xe như cái thời hiện đại ô tô và điện thoại cảm ứng. Hà Nội từng chứng kiến cảnh xô bồ đến xấu hổ khi cả nghìn sinh viên cùng nhau cướp hoa trong Lễ hội hoa anh đào. Các nhà đạo đức, văn hóa, quản lý đau đầu bàn cãi, truyền thông lên án. Tưởng sau lần ồn ào đó sẽ chấm dứt, nhưng rồi sau một thời gian ngắn lại vẫn… tiếp diễn, hết tranh cướp sách trong hội chợ sách cho đến tranh cướp áo mưa tại một sự kiện do một Đại sứ quán tổ chức. Ngẫm lại mới thấy, cái thói quen khó bỏ của người Việt nói chung và người Hà Nội nói riêng là thích những thứ không phải bỏ tiền ra mua, cho dù nếu có mua cũng chẳng đáng là bao.
Nhiều người Việt khi ra nước ngoài về than vãn rằng, ở nhiều siêu thị Nhật Bản có đề biển cấm ăn cắp bằng tiếng Việt. Nhiều nơi công cộng ở Hàn Quốc cũng đề biển tiếng Việt cấm xả rác bừa bãi. Còn hình ảnh mà những người đi du lịch Thái Lan vẫn thường thấy trong rất nhiều nhà hàng khách sạn là tấm biển cảnh báo thực khách không lấy quá nhiều đồ ăn rồi bỏ phí, nếu không sẽ bị phạt. Thậm chí, nhà vệ sinh ở nơi này cũng đề biển cảnh báo không dẫm chân lên bồn cầu bằng tiếng Việt. Những tấm biển trên chính là nỗi buồn cho những ai còn biết xấu hổ. Và tất thảy những chuyện dở khóc dở cười kia là minh chứng cho thấy, phát triển kinh tế xã hội không đồng nghĩa với việc phát triển văn hóa và văn minh. Những hiện tượng tiêu cực gần đây nảy sinh là những vấn đề đáng báo động, không chỉ tạo ra hình ảnh xấu, nếp nghĩ xấu, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh một thành phố có bề dày văn hóa, lịch sử cả nghìn năm.
Đào thải “thảm họa” cách nào?
Trước sự xuống cấp về văn hóa, Sở VH-TT&DL Hà Nội đang bắt tay vào xây dựng Đề án “Hệ thống quy tắc ứng xử ở cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư thành phố Hà Nội”. Đề án này được xem như một quy định với quy mô rộng, trước mắt, tập trung xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử tại trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, khu dân cư, nơi công cộng và cơ quan hành chính. Theo ông Nguyễn Khắc Lợi- Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, ở nhiều thành phố lớn trên thế giới, từ lâu đã có những bộ quy tắc ứng xử, ví như quy tắc ứng xử giữa cá nhân với cá nhân, giữa cơ quan công quyền với người dân… Trong quá trình toàn cầu hóa, việc xây dựng một hệ thống quy tắc ứng xử trong các môi trường giao tiếp của Hà Nội để hình thành một bản sắc riêng, phù hợp với truyền thống và mang nét hiện đại là một việc làm cấp thiết.
Trước mắt, dự án này sẽ tiến hành khảo sát, nghiên cứu đánh giá thực trạng và phát hiện vấn đề trong ứng xử tại một số cơ quan công quyền, tổ chức kinh doanh, trường học, bệnh viện… cùng với việc nghiên cứu và so sánh hệ thống quy tắc ứng xử ở một số quốc gia trên thế giới, những nước có nền văn hóa tương đồng, từ đó xây dựng và đề xuất hệ thống quy tắc ứng xử đối với từng đối tượng. Bước tiếp theo sẽ đề xuất bộ khung tiêu chuẩn đối với mỗi đối tượng khách thể nghiên cứu, đề xuất các điều kiện thành công khi triển khai cũng như các biện pháp, chế tài nhằm đảm bảo hiệu quả triển khai cho từng trường hợp cụ thể. Cũng theo ông Nguyễn Khắc Lợi, việc đưa bộ “Hệ thống Quy tắc ứng xử” của người Hà Nội vào cuộc sống là rất cần thiết, song không thể nóng vội. Nếu người dân chấp nhận hệ thống quy tắc ứng xử một cách khiên cưỡng đồng nghĩa với ý tưởng này thất bại. Theo kế hoạch, giữa năm 2014, Sở VH-TT&DL Hà Nội sẽ công bố dự thảo và chính thức ban hành “Hệ thống Quy tắc ứng xử nhằm xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” vào năm 2015. Những “người trong cuộc” hy vọng đưa ra những tiêu chí được số đông đánh giá là chuẩn mực, sau đó tuyên truyền, vận động để các chuẩn mực ấy dần thành nếp nghĩ, chuyển thành hành động của người dân.
Video đang HOT
Quỳnh Vân
Theo ANTD
Người chen ăn buffet miễn phí: Chúng tôi không chết đói
Sau hàng loạt những ý kiến cho rằng chuyện hàng nghìn người, được cho là sinh viên, chen lấn, xô đẩy để được vào ăn miễn phí tại một nhà hàng sushi trên phố Đoàn Trần Nghiệp (Hà Nội là việc đáng xấu hổ, nhiều bạn sinh viên tham gia vào sự kiện này đã lên tiếng giải thích.
Ăn miễn phí vì không có tiền có lỗi không?
Là người đến tham dự chương trình từ sớm, bạn Nguyễn Nga - Đại học kinh tế quốc dân mô tả lại không khí ngày 24/10: "Buổi sáng rất đông và hỗn loạn, lần đầu tiên tôi được chứng kiến cảnh đông người như thế, mọi người chen chúc vào một cái quán bé tẹo, xô đẩy nhau đến phát sợ".
Mà nguyên nhân theo Nga thì một phần là do tâm lý mọi người nghĩ ai đứng trước sẽ được vào trước nên cứ chen nhau như vậy.
Cũng giống với lúc tắc đường, mạnh ai nấy đi, mình cứ đi được là được, không cần quan tâm người khác, thói quen xấu này ẩn sâu trong tâm thức người Việt Nam, nên cũng khó mà từ bỏ. Không giống với người Nhật họ xếp hàng từ từ, ai đến trước xếp trước, đến sau xếp sau.
Người này chèn lên người kia để được vào bên trong trước
Nhưng may mắn hơn nhiều người khác, Nga cười và cho biết: "Tôi và mấy người bạn vẫn chen được vào sau một hồi vật lộn, giờ nghĩ lại vẫn thấy sao mình có thể bon chen giỏi thế".
Theo quan sát của Nga thì hôm đó đúng là hầu hết toàn sinh viên: "Sinh viên thì mới có thời gian rảnh như vậy, người đi làm lấy thời gian đâu mà chờ từ sáng tới chiều để ăn".
Trước một số ý kiến cho rằng, sinh viên hầu hết là dân ngoại tỉnh đến thì mới ham hố mấy trò khuyến mãi, miễn phí làm xấu hình ảnh người Tràng An - Hà Nội gốc, Nga bức xúc: "Tôi thấy quan điểm trên hoàn toàn sai, không riêng gì các bạn ngoại tỉnh mà các bạn Hà Nội cũng vậy thôi. Thiết nghĩ nếu nói sinh viên đi ăn miễn phí vì không có tiền thì có quá đáng hay không, cái tư tưởng được ăn miễn phí không mất tiền ai mà chẳng thích. Nếu lựa chọn giữa mất tiền và không mất tiền mà được ăn ngon các bạn chọn bên nào".
Còn nói về lí do tham dự sự kiện này, Nga nói rõ: "Thật sự, không chỉ riêng tôi, mà tôi nghĩ tất cả các bạn trẻ đến đấy chỉ vì thích cái lạ cái mới, tò mò muốn xem món ăn ở đó như thế nào vì các quán ăn của người Nhật giá cả cũng tương đối đắt đối với sinh viên".
Và theo quan điểm của Nga thì đến chỉ để nếm thôi, chứ sinh viên mặc dù chưa giàu nhưng cũng không đến nỗi thèm và khát ăn, không những vậy, cuộc sống của sinh viên hiện giờ cũng phải nói là khá sung túc.
Nhiều bạn còn chen vào cả bếp để lấy thức ăn
Trong tâm thế người đã vào được bên trong thưởng thức các món ăn Nga chia sẻ:"Các bạn được vào hay không được vào chắc cũng chả có ai vui, vì hôm đó một phần phải chen chúc, phần thì người ta nghĩ mình đang đi ăn xin. Mất tiền thì cũng sẽ khác hơn, được ăn uống đàng hoàng, không bị chỉ trỏ, thích ăn lúc nào thì ăn, không phải chen lấn, đợi chờ".
Nga nói thêm: "Xét đi xét lại thì lỗi lớn nhất thuộc về nhà hàng, có khi biết đâu đây là chiêu quảng cáo của nhà hàng. Giá mà nhà hàng tổ chức tốt, đúng như theo chỉ tiêu ghi sẵn trong quảng cáo thì cũng không đến mức lộn xộn".
Chen bẹp ruột từ sáng, chiều mới được ăn
Trong khi đó, bạn Thu Phương - sinh viên năm 3 (Học viện tài chính) cho biết: "Hôm đó đông lắm, phải nói là chen bẹp ruột mới vào được, giới trẻ xô đẩy đi xem Kpop như nào thì hôm đó cũng y như vậy, cảm giác cứ như người chồng lên người".
Theo quan sát của Phương thì hôm đó hầu như là sinh viên, cũng có cả người đi làm nhưng hầu hết ai cũng bỏ về trước vì không đợi được. Chỉ có sinh viên thừa thời gian thiếu việc làm nên mới đứng đợi lâu như vậy.
Phương kể: "Hôm đó tôi đến từ 11h mà hơn 3h chiều mới được vào ăn, đứng ở ngoài chen chân mà không thở được. Đúng là miếng ăn là miếng...nhưng do tâm lý đã chót chờ rồi nên cố chờ đến cùng".
Trước phản ánh của nhà hàng một số bạn ăn không hết còn đề thừa rất nhiều thức ăn rất lãng phí, trong khi nhiều người chưa được ăn, Phương nói: "Chuyện này xảy ra vào ca sáng khi nhà hàng làm tiệc buffet, nhưng đến chiều khi chúng tôi vào thì nhà hàng sắp cho ngồi bàn và lấy theo từng suất, họ xếp vừa đủ ăn nên không thừa nhiều lắm".
Một số người lấy nhiều thức ăn xong để thừa rất lãng phí
Còn chuyện sinh viên đến nhiều thì theo Phương âu cũng chỉ đi theo phong trào, một đứa đi thì rủ cả hội đi, đi vì tò mò, chứ chuyện tiền nong chỉ là một phần nhỏ.
Đồng quan điểm, bạn Lê Thu Hoài - Sinh viên năm 3 - Học viện tài chính cũng cho biết: "Tôi thấy không khí lúc đó ngột ngạt lắm, mà người chen không chỉ là sinh viên, có cả bà bầu, bà cụ tóc bạc phơ, buồn cười nhất là 1 anh đã đi làm, vác cả đại gia đình đến, đến quán còn giới thiệu cho vợ, chủ quán là em học cùng trường với anh".
Thu Hoài cũng nói về bữa ăn lãng phí của nhiều người: "Buổi sáng mọi người ăn buffet rất lãng phí lấy xong để thừa, chính vì vậy đến ca chiều mỗi người sẽ được nhân viên mang cho 1 điã ăn hương hoa, có thừa chắc cũng thừa đồ ăn không ngon. Một lần chứng kiến thôi chứ có lần hai mời tôi cũng không đến".
Theo Đất Việt
Hà Nội rà soát toàn bộ biệt thự cổ Chiều qua, 28-10, Sở VH-TT&DL Hà Nội đã báo cáo trước HĐND TP việc xây dựng Dự thảo Tờ trình của UBND TP và dự thảo Nghị quyết của HĐND Thành phố ban hành Danh mục phố cổ, làng cổ, làng nghề truyền thống tiêu biểu, biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 và di sản văn...