Nâng cao vị thế của Việt Nam thông qua hoạt động tại Hội đồng Bảo an
Chiều nay (30/6), Bộ Thông tin và truyền thông (TT&TT) đã tổ chức hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về hội nhập quốc tế và UNESCO.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo chủ trì hội nghị. Tham dự có đại diện bộ, ban ngành và đông đảo đại diện các cơ quan thông tấn báo chí.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo cho biết hội nghị hôm nay là một trong các hoạt động định kỳ nhằm cung cấp cho cơ quan thông tấn báo chí các thông tin cập nhật và chuyên sâu để thông qua đó các PV sẽ truyền tải đến công chúng cả nước những thông tin mới nhất về hội nhập quốc tế và UNESCO.
Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu khai mạc
Những nội dung quan trọng được các chuyên gia, đại diện các bộ ngành chia sẻ tại Hội nghị sẽ tập trung vào các vấn đề như: Công tác đối ngoại đa phương của Việt Nam trong tình hình mới; tình hình đàm phán và thực thi các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam, cơ hội và thách thức.
Các hoạt động trọng tâm của Uỷ ban quốc gia UNESCO Việt Nam trên 5 lĩnh vực liên quan và Chiến lược của UNESCO tại Việt Nam giai đoạn 2020 – 2021 do Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam trình bày. Đây là chiến lược hoạt động mới của UNESCO tại Việt Nam mới được thông qua.
Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt đã có tham luận mở đầu “Việt Nam tham gia Hội đồng Bảo an: Triển khai đối ngoại đa phương trong tình hình mới”.
Việt Nam đã trúng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021 với số phiếu kỷ lục (192/193), thể hiện vị thế mới và uy tín cao của đất nước đối với cộng đồng quốc tế đồng thời giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 1/2020.
Video đang HOT
Về cơ bản, Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ Ủy viên không thường trực và Chủ tịch Hội đồng Bảo an. Đây là tiền đề thuận lợi để tiếp tục tham gia hiệu quả vào công việc của Hội đồng Bảo an trong thời gian tới. Dư luận báo chí và giới học giả quốc tế có nhiều bình luận, đánh giá tích cực về đóng góp của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an, nhất là vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 1/2020.
Như vậy, hoạt động tại Hội đồng Bảo an đã giúp nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam và ASEAN trên trường quốc tế, thể hiện tốt vai trò thành viên có trách nhiệm, tham gia quá trình hoạch định, triển khai các quyết định về hòa bình và an ninh quốc tế.
Làm sâu sắc thêm quan hệ song phương với các nước, các đối tác quan trọng, duy trì, củng cố môi trường hòa bình, ổn định phục vụ phát triển đất nước, bảo vệ thúc đẩy các lợi ích chiến lược của Việt Nam.
Việt Nam kêu gọi hợp tác quốc tế về thanh niên tại phiên họp của HĐBA
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Đại diện Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế về thanh niên và phát huy vai trò của các tổ chức khu vực.
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc. (Ảnh: Hữu Thanh/TTXVN)
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 27/4 tổ chức phiên họp trực tuyến công khai về chủ đề Thanh niên, Hòa bình, An ninh do Cộng hòa Dominicana, Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng Tư chủ trì.
Phát biểu tại phiên họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Đại diện Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế về thanh niên và phát huy vai trò của các tổ chức khu vực.
Đây là phiên họp kỷ niệm 5 năm chương trình này được Hội đồng Bảo an chính thức đưa vào thảo luận theo Nghị quyết 2250 (2015).
Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres điểm lại tình hình triển khai chương trình Thanh niên, Hòa bình, An ninh trong năm năm qua, với nhiều kết quả tích cực về tăng cường sự tham gia và đóng góp của thanh niên nói chung và đặc biệt, vai trò dẫn dắt và tiên phong của thanh niên trong các lĩnh vực ngăn ngừa và giải quyết xung đột, xây dựng hòa bình cũng như ứng phó với các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19 hiện nay.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh vẫn còn nhiều thách thức đang đặt ra hạn chế sự tham gia của thanh niên, nhất là thiếu sự quan tâm và đầu tư cho sự tham gia của thanh niên.
Ông cho biết 25% thanh niên bị ảnh hưởng bởi xung đột và bạo lực và 20% thanh niên không có việc làm, không có cơ hội học tập hay tiếp cận y tế. Những khó khăn này càng trầm trọng hơn trong bối cảnh dịch COVID-19.
Trước thực trạng này, Tổng Thư ký Guterres nhấn mạnh cần tăng cường đầu tư nguồn lực cho sự tham gia của các tổ chức và sáng kiến của thanh niên, kêu gọi đóng góp cho Quỹ Xây dựng Hòa bình, tập trung nâng cao năng lực cho thanh niên để triển khai các mục tiêu phát triển bền vững.
Chia sẻ các quan điểm và khuyến nghị của Tổng Thư ký về chương trình Thanh niên, Hòa bình, An ninh, Đại diện của Tổng Thư ký về Thanh niên và hai đại diện thanh niên từ Nam Sudan và Yemen kêu gọi các quốc gia tạo điều kiện cho thanh niên tham gia vào các tiến trình hòa bình cũng như các quá trình ra quyết định, tăng cường phối hợp giữa thanh niên, các cơ quan chính phủ và các tổ chức xã hội triển khai hiệu quả chương trình này.
Các nước thành viên Hội đồng Bảo an đánh giá cao kết quả triển khai chương trình Thanh niên, Hòa bình, An ninh, khẳng định thanh niên có vai trò, tiềm năng, sự sáng tạo và năng động để đóng góp vào hòa bình, an ninh và phát triển ở cả cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Các nước cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm và đề xuất nhằm thúc đẩy chương trình này như đầu tư cho giáo dục, việc làm, y tế, nâng cao vai trò và đóng góp của các nữ thanh niên, thể chế hóa sự tham gia của thanh niên trong các tiến trình hòa bình.
Phát biểu tại phiên họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Đại diện Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc chia sẻ tầm quan trọng của chương trình Thanh niên, Hòa bình, An ninh, khẳng định Việt Nam ủng hộ triển khai hiệu quả chương trình này; nhấn mạnh mặc dù đạt được nhiều kết quả, song ở nhiều nơi, hạn chế về nhận thức, nguồn lực và hiệu quả của các chính sách thanh niên cản trở thanh niên phát huy khả năng và đóng góp của mình.
Đại sứ đề nghị tăng cường nỗ lực nâng cao nhận thức chung về vai trò của thanh niên, đặc biệt là các nữ thanh niên, đầu tư xây dựng và triển khai chiến lược toàn diện về thanh niên với trọng tâm là giáo dục và phát huy văn hóa hòa bình để lan tỏa các giá trị hòa bình, ôn hòa và khoan dung, tạo nền tảng vững chắc cho thành công của các sáng kiến về ngăn ngừa và giải quyết xung đột và hòa giải dân tộc.
Đại sứ kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế về thanh niên, phát huy vai trò của các tổ chức khu vực, trong đó chia sẻ kinh nghiệm của ASEAN về thiết lập các cơ chế hợp tác về thanh niên, tổ chức đối thoại thường niên giữa lãnh đạo các nước ASEAN với các đại diện thanh niên.
Nghị quyết 2250 (2015) về Thanh niên, Hòa bình, An ninh được Hội đồng Bảo an thông qua tháng 12/2015 gồm 5 trụ cột: sự tham gia của thanh niên; ngăn ngừa xung đột; bảo vệ thanh niên; quan hệ đối tác triển khai chương trình; và tái hòa nhập cho thanh niên từng tham gia nhóm vũ trang, khủng bố.
Năm 2018, Hội đồng Bảo an thông qua nghị quyết 2419 (2018), yêu cầu Tổng Thư ký có báo cáo về triển khai chương trình này.
Tháng 3/2020, Tổng Thư ký đệ trình báo cáo đầu tiên, làm cơ sở để thảo luận tại phiên họp kỷ niệm 5 năm chương trình này./.
Hải Vân-Vũ Hiếu
Việt Nam hoàn tất sớm Báo cáo tháng Chủ tịch Hội đồng Bảo an Ban Thư ký Liên Hợp Quốc ngày 16/04 đã công bố Báo cáo tháng Chủ tịch Hội đồng Bảo an của Việt Nam lên hệ thống văn bản chính thức của Liên Hợp Quốc. Báo cáo rà soát, cung cấp thông tin tóm tắt và đánh giá toàn bộ các hoạt động mà Việt Nam đã triển khai trong tháng Chủ tịch 1/2020....