Nâng cao năng lực tài chính của Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, các ngân hàng thương mại Việt Nam đang phải đối diện với không ít những khó khăn, thách thức
Nghiên cứu tình hình năng lực tài chính trong giai đoạn 2018-2020 của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm này nâng cao năng lực tài chính trong thời gian tới.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Tình hình năng lực tài chính của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu
- Về quy mô tổng tài sản: Trong giai đoạn 2018-2020, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) là một trong những ngân hàng thương mại có tốc độ tăng trưởng khá nhanh về quy mô tài sản so với các ngân hàng thương mại trong hệ thống, cụ thể: Năm 2019, tổng giá trị tài sản đạt 383.514.439 triệu đồng, tăng 16,45% so với năm 2018; Năm 2020, tổng giá trị tài sản đạt 444.530.104 triệu đồng, tăng 15,91% so với năm 2019 (Bảng 1).
- Quy mô vốn chủ sở hữu: Bảng 1 cho thấy, vốn chủ sở hữu đang có xu hướng tăng lên về giá trị và tỷ trọng trên tổng nguồn vốn, điều này cho thấy khả năng tài chính của ACB đang được chú trọng và tăng cường. Vốn chủ sở hữu của ACB trong năm 2020 đạt 35.448.163 triệu đồng, tăng 27,67% so với năm 2019.
- Quy mô nguồn vốn huy động: Hoạt động huy động vốn của ACB cho thấy sự tăng trưởng liên tục, tốc độ tăng trưởng nguồn vốn huy động mỗi năm trên 14%. Quy mô nguồn vốn huy động của ACB tăng lần lượt từ 269.998.503 triệu đồng năm 2018 lên 308.129.391 triệu đồng năm 2019 và năm 2020 tăng lên 353.195.838 triệu đồng.
Khảo sát cho thấy, nguồn vốn huy động của ACB liên tục tăng, nguyên nhân chủ yếu là do ACB đã tận dụng được lợi thế ngân hàng bán lẻ, tập trung vào các đối tượng khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, ACB liên tục đưa ra các sản phẩm đặc thù với lãi suất cạnh tranh. ACB cũng mở rộng mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch. Hiện nay, ACB đã thiết lập được 350 chi nhánh và phòng giao dịch, với không gian và thiết bị hiện đại. Trên cả nước ACB đã đặt hơn 11.000 cây ATM và 850 đại lý Western Union trên toàn quốc.
- Khả năng sinh lời: Chỉ số lợi nhuận trên tài sản trung bình (ROA) và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của ACB tương đối ổn định trong giai đoạn 2019-2020. ROA và ROE của ACB trong năm 2002 lần lượt là 1,69% và 24,64%. Để đánh giá về khả năng sinh lời của ACB, tác giả so sánh chỉ số ROA và ROE của ACB so với một số các ngân hàng thương mại có quy mô tài sản tương đương với ACB như: Techcombank (Tổng tài sản năm 2019 là 383.699.461 triệu đồng, năm 2020 là 444.530.104 triệu đồng); VPbank (Tổng tài sản năm 2019 là 377.204.126 triệu đồng, năm 2020 là 439.602.933 triệu đồng); SHB (Tổng tài sản năm 2019 là 365.254.318 triệu đồng, năm 2020 là 412.679.593 triệu đồng) (Bảng 2,3).
Video đang HOT
Theo Bảng 2, chỉ số ROA của ACB so với các ngân hàng khác có cùng quy mô tài sản tương đối thấp. Chỉ số ROA của ACB năm 2019 và 2020 lần lượt là 1,69% và 1,86%. Điều này cho thấy, lợi nhuận sau thuế chưa thật sự tương ứng với quy mô tài sản của ACB;
Bảng 3 cho thấy, so với các ngân hàng có quy mô tài sản tương đương với ACB thì tỷ số ROE của ACB cao hơn rất nhiều. Điều này cho thấy, khả năng sinh lời trên vốn chủ sở hữu của ACB tương đối tốt so với các ngân hàng có quy mô tài sản tương tự, việc tăng vốn chủ sở hữu của ACB đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh cho ngân hàng.
- Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR): Tỷ lệ CAR của ACB năm 2018 là 12,8%; năm 2019 là 10,9%; năm 2020 là 10,7%. Như vậy, trong giai đoạn 2018-2020, ACB luôn duy trì tỷ lệ an toàn vốn trên mức tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 9% được quy định tại thời điểm hiện tại. Điều này cho thấy, ACB đã chú trọng vấn đề an toàn vốn và phòng ngừa rủi ro.
- Quản lý nợ: Đi đôi với mở rộng tín dụng ACB luôn chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng. Tỷ lệ nợ xấu năm 2018 là 0,73%, năm 2019 là 0,54% và năm 2020 là 0,9%. Điều này cho thấy, giai đoạn 2018-2020, tỷ lệ nợ xấu đã được ACB kiểm soát khá tốt, dưới 1%.
Nhìn chung, hoạt động kinh doanh của ACB thời gian qua đã đạt khá nhiều thành tựu, đóng góp vào sự phát triển chung của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam. Quy mô tài sản, huy động vốn và tín dụng của ACB luôn tăng trưởng tốt. Bên cạnh việc tăng trưởng quy mô hoạt động thì ACB cũng đã chú trọng đến việc đảm bảo an toàn cho hoạt động tín dụng. ACB luôn kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới mức 1%, nhờ đó, lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ qua các năm. Tỷ lệ ROE luôn ổn định và tương đối cao so với các ngân hàng cùng quy mô. Với việc tăng vốn điều lệ qua các năm, ACB đã khẳng định uy tín và thương hiệu trên thị trường.
Mặc dù huy động vốn của ACB tăng trưởng tốt, hoạt động tín dụng cũng có xu hướng tăng, tuy nhiên mức tăng trưởng của hoạt động tín dụng vẫn còn thấp so với mức tăng của hoạt động huy động vốn. Điều này cho thấy, ACB chưa sử dụng hết vốn huy động được, có hiện tượng lãng phí vốn. Đồng thời, dư nợ cho vay vẫn còn tập trung nhiều vào một số khách hàng truyền thống, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn. Cho nên, nếu rủi ro xảy ra đối với những khách hàng trên thì ACB sẽ khó khăn trong khó xử lý hậu quả, bởi vì khả năng phân tán rủi ro của ACB còn nhiều hạn chế. Hơn nữa, tỷ trọng cho vay trung – dài hạn của ACB vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong các khoản cho vay, thực trạng này làm cho vòng quay vốn tín dụng của ACB giảm.
Vốn chủ sở hữu của ACB chiếm tỷ trọng tương đối nhỏ trong tổng nguồn vốn, điều này làm ảnh hưởng khá lớn đến hoạt động kinh doanh, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu CAR của ACB thời điểm hiện tại vẫn tuân thủ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, tuy nhiên đang có xu hướng giảm dần từ 12,8% năm 2018 xuống 10,7% năm 2020. Như vậy, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến khả năng thanh khoản của ACB.
ACB mặc dù là một trong những ngân hàng đi đầu trong các sản phẩm dịch vụ mới, tuy nhiên thực tiễn cho thấy, tỷ lệ sản phẩm dịch vụ mới của ACB được khách hàng chấp nhận và có chu kỳ sống lâu chưa nhiều. Nguyên nhân là do Chiến lược marketing của ngân hàng chưa thật sự hiệu quả. Phương thức bán hàng còn mang tính thụ động, chờ đợi khách hàng tìm đến hơn là chủ động tự tìm kiếm khách hàng. Dịch vụ ngân hàng còn đơn giản, chủ yếu là các dịch vụ truyền thống như: huy động vốn và cho vay, các dịch vụ liên quan đến thanh toán, chuyển tiền, các sản phẩm tích hợp công nghệ cao chưa phát triển mạnh. So với các ngân hàng thương mại hiện nay, công nghệ hóa ngân hàng của ACB còn nhiều hạn chế. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt hiện nay, ACB cần thiết phải thường xuyên, liên tục nâng cao năng lực tài chính.
Giải pháp nâng cao năng lực tài chính của ACB
Để có thể nâng cao khả năng cạnh tranh và ứng phó hiệu quả với các rủi ro tài chính, ACB cần tiếp tục giữ vững và duy trì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu trên 10% như hiện tại. Đồng thời, nghiên cứu và có giải pháp để tăng cường vốn điều lệ, xử lý dứt điểm nợ tồn đọng, làm lành mạnh hoá tình hình tài chính; Chú trọng hiện đại hoá công nghệ ngân hàng và hệ thống thanh toán, thúc đẩy hoạt động marketing, đa dạng hoá và nâng cao tiện ích các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại; Xây dựng thêm nhiều sản phẩm, gia tăng tiện ích cho khách hàng trong quá trình giao dịch.
Cùng với việc hiện đại hoá công nghệ, ACB cũng cần có chính sách khai thác công nghệ hiệu quả thông qua việc phát triển những sản phẩm và nhóm sản phẩm dựa trên công nghệ cao, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh về sản phẩm, dịch vụ, tạo sự đa dạng trong lựa chọn sản phẩm và tăng cường bán chéo sản phẩm đến khách hàng. Việc phát triển đa dạng hoá sản phẩm dịch vụ cũng sẽ giúp ACB phân tán và hạn chế rủi ro trong quá trình hoạt động.
Đặc biệt, để thực hiện tốt các mục tiêu, kế hoạch đề ra, ACB cần cải tiến và đơn giản hoá các thủ tục hành chính, thủ tục vay vốn nhằm tạo thuận lợi cho khách hàng; Xây dựng chiến lược khách hàng đúng đắn, ngân hàng và khách hàng gắn bó chặt chẽ lâu bền. Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; có kế hoạch đào tạo, đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ; nâng cao phong cách phục vụ cán bộ, nhân viên, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.
Đấu thầu thành công 5.600 tỷ đồng tiền tạm nhàn rỗi từ Quỹ vaccine
Số tiền tạm thời nhàn rỗi của Quỹ vaccine phòng COVID-19 dự kiến được gửi tại các ngân hàng thương mại nhằm mục đích bảo toàn và phát triển vốn cho quỹ trong quá trình chờ đợi mua đủ vaccine.
Từ khi thành lập quỹ đến nay, bình quân mỗi ngày, Quỹ vaccine có trên 10.000 lượt tổ chức, cá nhân chuyển khoản. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)
Trao đổi với báo chí chiều ngày 1/7, Phó Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước, Giám đốc Ban quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19 Nguyễn Quang Vinh cho biết đã đấu thầu thành công phiên đầu tiên nhằm gửi một phần tiền nhàn rỗi từ quỹ trong quá trình chờ mua vaccine phòng COVID-19.
Đã có 4 ngân hàng lớn là Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV trúng thầu với tổng số tiền là 5.600 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Quang Vinh cho biết mỗi ngân hàng trúng thầu được gửi 1.400 tỷ đồng; với mức lãi suất từ 3% đến 3,3%. Theo quy định, số tiền tạm thời nhàn rỗi của Quỹ vaccine phòng COVID-19 dự kiến được gửi tại các ngân hàng thương mại nhằm mục đích bảo toàn và phát triển vốn cho quỹ trong quá trình chờ đợi mua đủ thuốc vaccine cho người dân.
Theo quy định tại Thông tư 41/2021/TT-BTC ngày 02/6/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn về tổ chức, hoạt động, quản lý, sử dụng và kế toán, quyết toán, công khai tài chính Quỹ vaccine phòng COVID-19, quỹ gửi tiền nhàn rỗi tại các ngân hàng thương mại mà Kho bạc Nhà nước lựa chọn để gửi có kỳ hạn các khoản ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi.
Quy trình lựa chọn ngân hàng thương mại này của Kho bạc Nhà nước đã được thực hiện theo quy định tại Nghị định 24/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 của Chính phủ quy định chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước và Thông tư 64/2019/TT-BTC ngày 16/9/2019 của Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư 314/2016/TT-BTC ngày 28/11/2016 hướng dẫn Nghị định 24/2016/NĐ-CP.
Việc lựa chọn này đảm bảo công khai, minh bạch và công bằng trên cơ sở xếp hạng của Ngân hàng Nhà nước cũng như các tiêu chí đánh giá cụ thể về quy mô tổng tài sản, tổng vốn chủ sở hữu, chất lượng tín dụng, kết quả hoạt động kinh doanh của mỗi ngân hàng.
Quy trình gửi tiền nhàn rỗi của Quỹ vaccine phòng COVID-19 được tiến hành chặt chẽ, công khai, minh bạch theo từng bước, bao gồm: thông báo nhu cầu gửi tiền của quỹ tới các ngân hàng thương mại; nhận, mở bản chào nhận tiền gửi của các ngân hàng thương mại; xác định lãi suất, khối lượng gửi tiền theo nguyên tắc cạnh tranh về lãi suất và ký kết hợp đồng gửi tiền với các ngân hàng thương mại.
Hiện số dư của ngân sách nhà nước đang được công khai đấu thầu trực tuyến.
Theo lãnh đạo Kho bạc nhà nước, mức lãi suất tiền gửi của thông qua đấu thầu cũng cao hơn so với trước, tùy thuộc vào thị trường có thể cao hơn lãi suất bình quân liên ngân hàng, góp phần gia tăng nguồn thu cho ngân sách.
Lãnh đạo Kho bạc Nhà nước khẳng định toàn bộ các khoản tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân cho quỹ; lãi tiền gửi của quỹ tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng thương mại (kể cả không kỳ hạn và có kỳ hạn) đều là nguồn thu của quỹ và được sử dụng để hỗ trợ, tài trợ cho hoạt động mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine phòng COVID-19 theo quy định.
Kho bạc Nhà nước cũng đang có kế hoạch tiếp tục đấu thầu kỳ tiếp theo để bảo toàn và tăng trưởng quỹ, bảo đảm nguồn lực tài chính hiệu quả cho việc mua, nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất vaccine, góp phần sớm đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, tính từ khi thành lập quỹ đến nay, bình quân mỗi ngày, Quỹ vaccine có trên 10.000 lượt tổ chức, cá nhân chuyển khoản, chưa kể trên 1 triệu tin nhắn. Số huy động vào Quỹ vaccine phòng COVID-19 tính đến 17 giờ chiều 1/7 là 7.986 tỷ đồng (bao gồm ngoại tệ quy đổi). Tổng số tổ chức, cá nhân đã đóng góp là 356.715 lượt. Số tiền này chưa bao gồm tiền của những đơn vị cam kết ủng hộ cho Quỹ vaccine.
Thời gian tới, kỳ vọng quỹ sẽ nhận được sự đóng góp của tất cả các tổ chức, cá nhân với số tiền khoàng 10.000 tỷ đồng.
Theo Ban Quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19, thời gian qua, Quỹ vaccine phòng COVID-19 của Chính phủ giao cho Bộ Tài chính quản lý.
Từ khi thành lập đến nay, Quỹ đã nhận được sự quan tâm, chia sẻ, ủng hộ của rất nhiều bộ, ban, ngành cơ quan Trung ương và địa phương; các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước.
Theo cân đối nguồn lực, để mua và tiêm cho 75 triệu dân cần 150 triệu liều vaccine với kinh phí là 25.200 tỷ đồng.
Chỉ sau một thời gian ngắn từ khi thành lập Quỹ đến nay đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Nhằm tạo thuận lợi để nhân dân và các đoàn thể giám sát hoạt động của quỹ, thông tin về số tiền huy động, danh sách các tổ chức, cá nhân tài trợ, đóng góp, tiền lãi từ hoạt động gửi tiền nhàn rỗi của quỹ tại ngân hàng,... cũng như tình hình thu, chi chung của quỹ đều được công khai đầy đủ, minh bạch trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính, Cổng thông tin điện từ của Kho bạc Nhà nước, Cổng thông tin điện tử của quỹ và qua các hình thức công bố, công khai khác./.
Tín dụng sẽ không đủ 'nóng' để gây áp lực lên mặt bằng lãi suất Thanh khoản ngân hàng sẽ bớt dư thừa khi tín dụng có dấu hiệu phục hồi trở lại. Mặc dù vậy, mức tăng của tín dụng sẽ không quá "nóng" và không đủ để gây áp lực lên mặt bằng lãi suất nói chung trên thị trường. Lãi suất có thể tăng từ đầu quý III tới Theo báo cáo cập nhật dữ...