Nâng cao chất lượng khám, điều trị cho bệnh nhân bạch hầu ở Tây Nguyên
Chiều 21-7, tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Sở Y tế, lãnh đạo bệnh viện tỉnh trong khu vực về công tác khám, điều trị bệnh bạch hầu của các tỉnh Tây Nguyên.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại buổi làm việc.
Theo báo cáo của Sở Y tế bốn tỉnh Tây Nguyên gồm: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kom Tum, tính đến ngày 21-7, trên địa bàn bốn tỉnh đã ghi nhận 108 ca mắc bệnh bạch hầu tại 34 xã, thuộc 14 huyện. Trong số các ca mắc bệnh bạch hầu, có 67 ca có biểu hiện lâm sàng và 37 ca người lành mang trùng bạch hầu. Có ba ca tử vong, trong đó tại Đắk Nông hai ca và Gia Lai một ca.
Kể từ khi phát hiện trường hợp mắc bệnh bạch hầu đầu tiên tại tỉnh Đắk Nông đến nay, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Kon Tum và Gia Lai điều tra, xử lý ổ dịch, nhận định các yếu tố nguy cơ để đưa ra các giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả lâu dài. Tổ chức các lớp tập huấn về “Hướng dẫn giám sát, phòng chống và điều trị bệnh bạch hầu” cho tuyến huyện và tập huấn “Hướng dẫn thiết lập và vận hành đội đáp ứng nhanh” cho cán bộ tuyến tỉnh bốn tỉnh Tây Nguyên về thực hành các bài tập đáp ứng với dịch bạch hầu.
Video đang HOT
Bộ Y tế cũng phân công bốn bệnh viện tuyến Trung ương thành lập bốn đoàn công tác hỗ trợ cho ngành y tế bốn tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum từ công tác khảo sát phát hiện bệnh, cách ly, xử lý môi trường, thu dung, điều trị… bệnh bạch hầu trên địa bàn.
Ngành y tế các tỉnh Tây Nguyên đã nêu ra một số khó khăn trong công tác phòng, chống và khám, điều trị bệnh bạch hầu như: Bệnh bạch hầu chủ yếu xảy ra ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, ở vùng lõm về tiêm chủng vắc-xin…
Trong khi đó, công tác tuyên truyền, tiêm phòng vắc-xin ở khu vực này hết sức khó khăn do nhiều người đồng bào dân tộc thiểu số không biết tiếng phổ thông; nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số có quan điểm phòng, chống dịch khác nhau nên không chịu đưa con em mình đi tiêm vắc-xin phòng, chống bệnh bạch hầu.
Bên cạnh đó, hiện nay các tỉnh đều thiếu thuốc phục vụ điều trị cho bệnh nhân bạch hầu, nhất là thuốc Serum anti diphterique (SAD). Các cơ sở y tế, nhất là cơ sở y tế tuyến huyện, thiếu trang thiết bị, máy móc phục vụ khám, điều trị cho bệnh nhân bạch hầu. Việc cách ly điều trị cho bệnh nhân bạch hầu tại cơ sở y tế nhưng không biết sử dụng nguồn kinh phí nào phục vụ cho điều trị và ăn uống cho bệnh nhân cũng như người nhà bệnh nhân trong thời gian cách ly.
Công tác lấy mẫu gửi đi xét nghiệm còn gặp nhiều khó khăn, do hiện nay các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh chưa xét nghiệm được mà chủ yếu gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên để xét nghiệm. Mẫu bệnh phẩm gửi về ngày càng nhiều nên chậm có kết quả. Nguồn nhân lực của một số cơ sở y tế vừa thiếu, vừa yếu nên việc khám, điều trị cho bệnh nhân bạch hầu gặp nhiều khó khăn…
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, với sự vào cuộc quyết liệt của ngành y tế cũng như cả hệ thống chính trị ngay từ khi mới phát hiện ca bệnh đầu tiên, đến nay, đã kiểm soát được và từng bước ngăn chặn bệnh bạch hầu lây lan trong cộng đồng.
Thứ trưởng biểu dương nhiều cách làm hay của ngành y tế các tỉnh Tây Nguyên trong phòng, chống bệnh bạch hầu như đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng cả tiếng phổ thông và tiếng đồng bào dân tộc thiểu số. Đội ngũ y tế cơ sở đã tích cực vào cuộc nên nhiều ca bệnh được phát hiện sớm, điều trị sớm nên giảm các ca biến chứng nặng. Công tác cách ly, xử lý môi trường được các địa phương thực hiện quyết liệt, kịp thời, không để lây lan dịch bệnh trong cộng đồng…
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng chỉ ra công tác phòng, chống bệnh bạch hầu vẫn còn gặp nhiều khó khăn do nhận thức về phòng, chống dịch bệnh của một bộ phận đồng bào còn có sự khác biệt. Ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỷ lệ được tiêm vắc-xin phòng bệnh còn thấp. Nhiều cơ sở y tế còn thiếu nguồn nhân lực và vật lực để phòng, chống và khám, điều trị bệnh nhân bạch hầu…
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị ngành y tế các tỉnh Tây Nguyên chú trọng tập trung mọi nguồn lực phòng, chống dịch bệnh bạch hầu như rà soát đối tượng, nhu cầu vắc-xin có thành phần bạch hầu, lập kế hoạch và dự trù tiêm vắc-xin có thành phần bạch hầu theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định 3054/QĐ-BYT ngày 15-7-2020 của Bộ Y tế; xây dựng kế hoạch và bảo đảm nguồn lực cho công tác phòng chống dịch, bệnh của tỉnh. Trong công tác điều trị bệnh bạch hầu, việc phát hiện sớm và điều trị sớm là hết sức quan trọng, hạn chế thấp nhất tình trạng biến chứng và tử vong, do đó ngành y tế các tỉnh phải phát huy vai trò của đội ngũ y tế tuyến cơ sở trong công tác phòng, chống dịch bệnh bạch hầu. Các trường hợp khi mới phát hiện bệnh thì nên điều trị ở tuyến huyện, chỉ những trường hợp biến chứng thì mới chuyển lên tuyến trên để giảm gánh nặng cho tuyến trên.
Ngành y tế các tỉnh cần xây dựng kế hoạch về nguồn nhân lực và vật lực, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống cũng như điều trị bệnh bạch hầu báo cáo Bộ Y tế để có biện pháp giải quyết kịp thời. Các bệnh viện tuyến trên được phân công hỗ trợ các tỉnh phòng, chống dịch bệnh bạch hầu cần tăng cường tập huấn, đào tạo cho đội ngũ cán bộ y tế các tỉnh từ khâu phòng, chống dịch đến việc khám, điều trị bệnh. Ngoài những kỹ thuật khó phải cầm tay chỉ việc thì các bệnh viện cũng cần lập hệ thống khám, chữa bệnh trực tuyến để trao đổi, hỗ trợ cho các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện trong công tác chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu nói riêng, công tác khám, điều trị bệnh nói chung.
Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khẩn trương chuẩn bị đầy đủ các loại thuốc phục vụ khám, điều trị bệnh và vắc-xin phòng, chống bệnh bạch hầu cung cấp cho các tỉnh đầy đủ, kịp thời để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và khám, điều trị bệnh. Về phác đồ điều trị bệnh bạch hầu, các đơn vị cũng cần rà soát lại và cập nhật những phác đồ điều trị mới nhất, phù hợp với khu vực Tây Nguyên, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở y tế trong khu vực khám, điều trị bệnh.
Đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa
Công đoàn viên chức TP HCM phối hợp với Đoàn Thanh niên và Hội Cựu chiến binh Khối Dân - Chính - Đảng TP vừa tổ chức thăm hỏi, tặng 50 phần quà (từ 1 - 2 triệu đồng/phần) cho các mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh và trao 100 suất học bổng (1 triệu đồng/suất) cho các học sinh vượt khó học giỏi tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang.
Dịp này, đoàn công tác cũng đã khám bệnh, phát thuốc và tặng quà cho 500 người dân có hoàn cảnh khó khăn tại xã Bình Thành.
Đoàn công tác thăm hỏi, tặng quà mẹ Việt Nam anh hùng tại huyện Phụng Hiệp
Đây là một trong các hoạt động chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ Khối Dân - Chính - Đảng TP lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025.
Bé gái 9 tuổi chết do bệnh bạch hầu, Đắk Nông lập đội phản ứng nhanh Sau khi phát hiện 2 ca bạch hầu, trong đó có em bé 9 tuổi vừa thiệt mạng, Đắk Nông lập 2 đội phản ứng nhanh để lấy mẫu bệnh phẩm người tiếp xúc và phun khử khuẩn. Ngày 21/6, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông xác nhận, tại địa phương vừa có 2 ca bạch hầu, trong...